Siêu dự án bán đảo Thanh Đa: Cần đấu thầu rộng rãi quốc tế
Sau hơn 2 thập niên kể từ khi có chủ trương quy hoạch với nhiều chủ đầu tư vào rồi ra, Dự án Bình Quới – Thanh Đa (TP.HCM) giờ quay lại vạch xuất phát. Theo các chuyên gia, bán đảo Thanh Đa là dự án “đất vàng” và sự loay hoay này đã gây lãng phí lớn tài nguyên đất và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Dự án bán đảo Thanh Đa bị treo 26 năm nay với nhiều nhà đầu tư vào rồi ra. Ảnh: Lê Toàn
Nhà đầu tư “bỏ chạy”
Nằm ở quận Bình Thạnh, bán đảo Thanh Đa được đánh giá là khu “đất vàng” hiếm hoi tại khu vực trung tâm còn lại của TP.HCM. Dự án có quy mô lớn, được phê duyệt quy hoạch năm 1992 với tổng diện tích hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh), dân số khoảng 45.000 người. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương triển khai dự án đến nay, siêu dự án khu đô thị hiện đại chưa thấy đâu, chỉ biết rằng, đời sống của hơn 3.000 hộ dân ở đây bị ảnh hưởng do bị “treo” theo dự án này.
Năm 1992, Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt, đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực, nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Song đến giữa năm 2017, TP.HCM thông báo, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án này.
Cụ thể, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận từ năm 2011, nhưng với quy trình thì năm 2015 mới có thể hoàn tất thủ tục quyết định chỉ định nhà đầu tư. Thời điểm này, không có cơ quan nhà nước nào có thể khẳng định chính xác tổng chi phí bồi thường đất và vật kiến trúc, cũng như không thể dự kiến được số vốn đầu tư phát sinh. Không thể khẳng định thời gian hoàn tất việc giải phóng mặt bằng.Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về lý do đối tác Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án, đại diện Bitexco cho biết, sau khi liên danh được chỉ định làm chủ đầu tư dự án, Bitexco đã chủ động mời các đơn vị đối tác hàng đầu quốc tế vào làm quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, trong quá trình Bitexco và Emaar thảo luận các điều khoản của hợp đồng chi tiết, đối tác ngoại đã quyết định rút khỏi liên danh, dù Bitexco đã có các động thái cố gắng giữ Emaar ở lại, vì Emaar nhận thấy cơ chế chính sách của Việt Nam chưa rõ ràng.
Ngoài ra, theo Bitexco, tiền sử dụng đất là ẩn số, chỉ có thể xác định được khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và lệ thuộc vào tình hình thị trường của thời điểm đó, vì hiện nay, phương pháp tính tiền sử dụng đất là phương pháp thặng dư. Trong khi đó, nhà đầu tư luôn phải tính toán bài toán kinh tế trước khi triển khai. Vì vậy, Emaar đã lựa chọn những thị trường khác để đầu tư thay vì Việt Nam, dù rất tâm huyết với dự án.
Cần đấu thầu rộng rãi quốc tế
Sau khi Công ty Emaar xin rút khỏi dự án này, TP.HCM cũng có văn bản xin ý kiến Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án này. Tuy nhiên, mới đây, TP.HCM lại giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cho dự án này. Như vậy, sau 26 năm quy hoạch treo với nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, dự án này đã quay lại vạch xuất phát tìm chủ đầu tư mới.
Theo thông báo, bán đảo Thanh Đa là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài, để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án, nhà đầu tư được lựa chọn phải có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi, dự án được triển khai nhanh.
Video đang HOT
Việc Thành phố đưa dự án Thanh Đa ra đấu thầu có nghĩa rằng Bitexco sẽ không còn là đơn vị được chỉ định thực hiện dự án này. Phải chăng Bitexco không có đủ năng lực để triển khai dự án?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, đại diện Bitexco khẳng định, Bitexco hoàn toàn có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án. Bitexco đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án bất động sản có quy mô lớn như: Tòa tháp Bitexco Financial Tower (TP.HCM), Khách sạn 5 sao JW Marriott (Hà Nội), Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 – The Manor Central Park (Hà Nội), chuỗi dự án The Manor và The Garden trên khắp mọi miền đất nước…
“Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty, 2 đối tác tài chính là Vietcombank và Agribank đã cam kết tín dụng cho giải phóng mặt bằng dự án với số tiền khoảng 2.650 tỷ đồng. Với kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản lớn và khả năng tài chính vững mạnh, Bitexco có đủ năng lực thực hiện Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa”, đại diện này khẳng định.
Cũng theo đại diện Bitexco, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ trong năm nay, TP.HCM cần điều chỉnh quyết định phê duyệt đầu tư, còn nếu chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư, thì sẽ có nhiều bất cập. Ngay bản thân việc thẩm định thủ tục, quy trình như của nhà đầu tư Bitexco cũng kéo dài mất 5 năm. Giả sử có những nhà đầu tư mới, thì việc làm lại thủ tục, quy trình đầu tư dự án từ đầu theo quy trình của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ e rằng đến năm 2020 cũng chưa chắc đã xong.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, bán đảo Thanh Đa có thể được xem là dự án “đất vàng” có quy mô lớn nhất khu vực trung tâm TP.HCM hiện nay. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư nhảy vào xí đất, nhưng không có năng lực để thực hiện. Để có thể biến dự án này thành hiện thực, theo các chuyên gia, nhất thiết tìm được nhà đầu tư có năng lực thật sự.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, rất tán thành chủ trương đưa dự án bán đảo Thanh Đa ra đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, việc đấu thầu lần này cần phải đưa ra đấu thầu rộng rãi quốc tế, chứ không chỉ trong nước để tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực thực sự triển khai dự án. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, theo tính toán sơ bộ, để có thể triển khai đến nơi đến chốn, cần phải có ít nhất từ 1,5 – 2 tỷ USD.
Vẫn theo ông Châu, thời gian qua, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài có thề tham gia được, cần thiết phải công khai thông tin đấu thầu rộng rãi mang tính quốc tế và cần phải có thời gian cần thiết để các nhà đầu tư nghiên cứu hồ sơ.
“Gọi Thanh Đa là đất vàng hay đất kim cương đều đúng, bởi đây là dự án vị thế vô cùng đắc địa. Tuy nhiên, dù là đất vàng, hay đất kim cương, nếu không được đưa vào sử dụng sẽ vô giá trị”, ông Châu nói và cho rằng, Dự án bán đảo Thanh Đa bị treo hàng chục năm không chỉ gây lãng phí, mà còn gây nhiều bức xúc cho hàng ngàn người dân bị treo theo dự án. Do vậy, việc đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi quốc tế lần nay có ý nghia vô cùng quan trọng.
Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản
Đấu thầu công khai Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Bitexco liệu còn có "cửa"?
UBND TP.HCM vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 2297-TB/TƯ ngày 4/5/2018 tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh.
Động thái này nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh dự án. Đến nay, do ảnh hưởng của công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên tiến độ có điều chỉnh thì cũng chỉ là đến năm 2032.
UBND TP.HCM cũng lưu ý báo cáo cần phải nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư (tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm).
Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, Thường trực UBND TP.HCM cũng giao UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.
Theo giới thiệu trên website của tập đoàn Bitexco, khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới có quy mô rộng tới 426ha, được quy hoạch đầy đủ các chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận.
Dự án được Bitexco định hướng phát triển thành một khu đô thị sinh thái, có không gian sống hiện đại. UBND TP.HCM có quyết định cho phép chủ trương đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, do dự án này có quy mô lớn và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên bị chậm triển khai.
Ngày 6/9/2011, Thủ tướng đã có công văn chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án như đề nghị của UBND TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định và ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 phê duyệt kết quả chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco - Công ty Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, ngày 15/9/2016, Bitexco có văn bản báo cáo cho biết phía đối tác là tập đoàn Emaar đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn, giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, đồng thời khẳng định nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar chưa tham gia đầu tư dự án.
Trên cơ sở đề nghị không tiếp tục đầu tư Dự án của Emaar, Bitexco và Emaar đã ký thỏa thuận chấm dứt Liên danh vào ngày 18/10/2016.
Ngày 19/7/2017, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan dẫn đầu tổ công tác đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch UBND TP.HCM giao tại quận Bình Thạnh. Báo cáo với đoàn làm việc, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên, cho biết dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư cho biết TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Theo UBND TP.HCM, do đối tác nước ngoài trong Liên danh rút lui nên chỉ còn lại một mình Bitexco, nhưng Bitexco vẫn quyết tâm đề nghị được tiếp tục đầu tư dự án. Sau khi tổ chức đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Bitexco trên cơ sở hồ sơ yêu cầu đã được phê duyệt và quy định hiện hành, UBND TP.HCM hiện đang trình Thủ tướng về dự án này.
UBND TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì dự án sẽ kéo dài thời gian, gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống các hộ dân thuộc đối tượng phải di dời của khu vực dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư phát triển của TP.HCM. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Trong khi đó, phía Bitexco cho biết hiện trình tự thủ tục xin chủ trương đầu tư đều phải thực hiện lại từ đầu. Tuy không còn đối tác ngoại thì Bitexco vẫn sẽ tiếp tục đầu tư siêu dự án này dựa vào tiềm lực tài chính của tập đoàn. Việc có đủ thực lực để triển khai dự án hay không, thì thời gian qua đã được nhiều đơn vị liên quan của thành phố tiến hành thẩm định, từ đó mới có báo cáo cuối cùng gửi UBND TP.HCM rồi trình Thủ tướng xem xét.
Sau 26 năm "treo", dự án Bình Quới - Thanh Đa đang trở về vạch xuất phát
Dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đang được xem là một dự án "treo" dai dẳng nhất thành phố hiện nay.
- Năm 1992, TPHCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là một "Việt Nam thu nhỏ" với mục đích đây sẽ là "khu văn hóa - thể thao - du lịch" nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách trong, ngoài nước.
- Tháng 12/2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là "khu du lịch - văn hóa - giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố".
- Tháng 6/2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.
- Tháng 12/2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tháng 6/2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND Tp.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch: khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.
- Tháng 1/2006, Tp.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9.
- Năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND Tp.HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã "ngâm" quá lâu mà không tiến hành triển khai đầu tư.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
Sau 2 năm đại gia Dubai rút lui, siêu dự án 30.000 tỷ Bình Quới - Thanh Đa về vạch xuất phát, Bitexco từ bỏ? Bán đảo Thanh Đa từ lâu đã lọt vào "mắt xanh" của nhiều đại gia địa ốc, khu "đất vàng" rộng hơn 426ha này có địa thế lý tưởng để phát triển thành khu đô thị tầm cỡ tại Sài Gòn. Vì thế, bán đảo Bình Quối - Thanh Đa đã nhiều lần thay đổi nhà đầu tư sau 26 năm triển khai...