‘Siêu bão’ Brexit sẽ hủy diệt EU?
Với những ai biết đến sức tàn phá của các cơn cuồng phong như ở Philippines hay miền nam nước Mỹ thì chắc hẳn sẽ phải thừa nhận những hệ lụy kinh tế, chính trị và xã hội của cuộc trưng cầu dân ý Rời khỏi EU ( Brexit) ở Anh hồi tuần trước.
Ảnh hưởng của trận “siêu bão hiến pháp” này là rất sâu rộng, khó xác định và ở một số lĩnh vực là không thể khắc phục được, theo báo The Observer. Nó càn quét chính phủ của Anh – gồm các lãnh đạo của hai đảng lớn, David Cameron và Jeremy Corbyn, và cả thể chế ở Brussels.
Tầm ảnh hưởng còn vươn xa hơn nữa, chạm đến cả Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp lớn, các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Không ít các chuyên gia kinh tế cũng “bị thổi bay” không thương tiếc.
EU đang đứng trước một tương lai nguy hiểm hậu Brexit. (Ảnh: FT)
Báo Guardian nhận định, chiến dịch trưng cầu đã chứng tỏ Anh là một đất nước bị phân rẽ sâu sắc, chia tách theo thu nhập, độ tuổi, giáo dục, quốc gia và địa lý. Còn tờ Financial Times bình luận, kết quả trưng cầu dân ý Brexit đã ném sự nghi hoặc lớn vào sự tồn tại EU.
Bất ổn và bất an hiện đang là “từ cửa miệng” của nhiều người khi nói về tương lai của liên minh hiện chỉ còn 27 thành viên này. Bởi, lần đầu tiên kể từ khi có Hiệp ước Rome thành lập EU năm 1957, một thành viên “dứt áo ra đi”.
Ở Tây Ban Nha đang dấy lên nỗi lo rằng một cú huých đòi độc lập ở Scotland sẽ truyền cảm hứng và sức mạnh cho những người li khai trong vùng Catalonia.
David Cameron chắc chắn phải chịu “một mớ” trách nhiệm. Tuy dẫn dắt Anh đạt tới nhiều thành tựu nhưng ông chưa bao giờ là một con người của tiểu tiết. Ông đã may mắn chiến thắng 2 cuộc tổng tuyển cử, thoát được cuộc trưng cầu dân ý độc lập của Scotland năm 2014.
Lo lắng trước sự vươn dậy của Đảng Độc lập Anh (UKIP) và chịu sự thúc ép của các thành viên Công đảng năm 2013, ông cam kết tổ chức trưng cầu dân ý mà không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả. Và vào ngày 23/6, vận đỏ của Cameron đã hết.
Khuôn mặt buồn của Cameron sẽ được nhớ đến như vị Thủ tướng khiến Anh đoạn tuyệt với châu Âu. Ông có thể sẽ đi vào lịch sử như người khơi ra cuộc “li dị” có một không hai này.
Video đang HOT
Trong tuần, các lãnh đạo EU sẽ tổ chức một hội nghị, lần đầu tiên không có lãnh đạo Anh. Một loạt động thái đã được thực hiện để di chuyển các trung tâm dịch vụ tài chính châu Âu rời khỏi London, để tới Frankfurt hoặc Paris. Người Pháp đã sẵn sàng cho cho một trận đấu quyết liệt về các điều khoản chia tách.
Với EU, tương lai của khối cũng trở nên bất ổn và khó đoán. Một số lãnh đạo lo ngại xảy ra hiệu ứng Domino và tán thành đàm phán Brexit thật khắt khe để ngăn chặn xu hướng này.
Nhiều quan chức đã lên tiếng tuyên bố EU sẽ đúc rút bài bài học từ cuộc bỏ phiếu ở Anh. Họ cam kết sẽ giải quyết thâm hụt dân chủ và làm cho châu Âu hoạt động hiệu quả hơn, tốt hơn cho người dân trong khối.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy sẽ có một lực đẩy mạnh làm thay đổi cách thức liên minh này vận hành. Điều này phải thay đổi. Nếu EU không thể tự cải cách từ nền tảng thì những người dân tộc chủ nghĩa và theo xu hướng bài ngoại sẽ tận dụng triệt để cơ hội.
Rõ ràng, EU đang trượt vào nguy hiểm. Sự sụp đổ và hỗn loạn nếu xảy ra sẽ là hậu quả hủy diệt nhất của siêu bão Brexit.
Theo Vietnamnet
Nga có được lợi sau Brexit?
Nga không được lợi từ Brexit. Tác động của Brexit lên chính sách của EU đối với Nga, đối với quan hệ Nga-Anh và đối với sức mạnh Nga sẽ chỉ rất hạn chế.
Kết quả trưng cầu dân ý Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit dấy lên làn sóng lo ngại bao trùm tương lai của Anh và EU, tuy nhiên Tổng thống Putin hoan nghênh quyết định này của Anh.
Dù tuyên bố ủng hộ Brexit, cho rằng đây là kết quả của sự mệt mỏi của người Anh với các bổn phận với EU, trong đó có choàng gánh kinh tế với các nước nghèo nhưng Tổng thống Putin khẳng định Nga không hề tác động gì đến kết quả trưng cầu Brexit.
"Nga không hề can thiệp và trong tương lai cũng sẽ không can thiệp vào lựa chọn của nước Anh. Nga không hề mong muốn Brexit dẫn tới một thảm họa toàn cầu", Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Trung Quốc ngày 27-6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không hề can thiệp vào kết quả trưng cầu Brexit. Ảnh: BLOOMBERG
Thành phần phản đối Brexit cho rằng Brexit sẽ làm yếu đi sự thống nhất của EU đồng thời kích thích Nga mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo báo Huffington Post (Mỹ), nếu xem xét kỹ về đặc điểm địa chính trị châu Âu thì sẽ thấy nhận định này không chính xác. Brexit rõ ràng là một thắng lợi lớn với Tổng thống Putin nhưng chỉ về mặt biểu tượng, về thực tế nó không có khả năng làm tăng sức mạnh địa chính trị của Nga tại châu Âu. Brexit cũng không có khả năng làm ấm hơn quan hệ giữa Nga với Anh và với EU, ít nhất trong ngắn hạn.
Brexit sẽ không làm Nga mạnh hơn
Những năm gần đây các nhà hoạch định chính sách của Nga lớn tiếng chỉ trích các thể chế châu Âu và việc EU mở rộng thành viên. Vì thế, hầu hết các nhà hoạch định chính sách Anh cho rằng Nga rất hài lòng kết quả Anh rời EU. Thật ra kết luận này chủ yếu dựa vào giả thuyết là việc Anh rời EU sẽ làm mạnh hơn quyền lực của Đức trong EU, từ đó sẽ làm trầm trọng thêm bất hòa trong tổ chức này.
Cách truyền thông Nga đưa tin về Brexit mấy ngày qua phần nào khẳng định lập luận này khi báo Russia Today (Nga) ngày 24-6 viết rằng hệ lụy Brexit là Áo, Pháp, Hà Lan có thể sẽ theo chân Anh rời EU.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạch định chính sách Nga, chỉ cần các lãnh đạo châu Âu có thể cải tổ được EU theo những gì mà Thủ tướng Anh David Cameron nhận xét và đề nghị thì EU có thể vượt qua được giai đoạn lung lay này, đảm bảo sự thống nhất và đủ sức mạnh đối mặt với Nga. Mà theo họ, EU hoàn toàn có khả năng này. Trong số này có cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, vốn dự đoán sự mất ổn định trên thị trường tài chính sau Brexit sẽ chỉ trong thời gian ngắn.
Vì thế lo ngại về nguy cơ sự mất ổn định, thiếu thống nhất của EU sau Brexit không có nghĩa là sức mạnh địa chính trị của Nga tại châu Âu chắc chắn sẽ tăng.
Quan hệ Nga-EU sẽ không ấm hơn sau Brexit
Nhiều nhà phân tích đoán rằng sau Brexit thái độ quyết liệt của EU trong trừng phạt Nga quanh vấn đề Ukraine sẽ giảm bớt. Brexit sẽ làm yếu đi quan hệ của EU với Mỹ, đẩy EU đến gần Nga như một đối tác thay thế để hạn chế các cú sốc kinh tế hậu Brexit.
Ngoài ra, cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và sự căng thẳng bất hòa quanh thái độ bá chủ của Đức ở EU có thể khiến EU phát triển quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc kỹ đến chính sách đối ngoại ở mỗi thành viên EU thì điều này khó có thể xảy ra.
Đức vốn có lịch sử hòa giải với Nga hơn nhiều nước châu Âu khác. Đức có quan hệ kinh doanh lâu dài với Nga. Nhiều chính trị gia cấp cao Đức như Ngoại trưởng Franz Walter Steinmeier ủng hộ bỏ trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cương định với quan điểm sẽ chỉ dỡ bỏ trừng phạt một khi Nga tuân thủ toàn toàn thỏa thuận hòa bình Minsk chấm dứt xung đột Ukraine.
Ngày 21-6 vừa rồi 28 nước EU đã thống nhất kéo dài trừng phạt Nga thêm sáu tháng. Theo Huffington Post, sự đồng lòng cô lập Nga của EU sẽ không suy suyển chỉ vì thiếu đi ảnh hưởng của Anh.
Quan hệ Nga-Anh sẽ không tốt đẹp hơn
Về quan hệ Nga-Anh, nhiều nhà hoạch định chính sách Nga lạc quan rằng quan hệ sẽ tốt hơn sau Brexit. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson, người nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Thủ tướng David Cameron được biết đến với chủ trương hòa giải với Nga. Hồi tháng 5, ông Johnson chỉ trích EU có phần lỗi trong việc Nga sáp nhập Crime, đồng thời kêu gọi Anh tăng hợp tác với Nga giải quyết xung đột Syria.
Ngoài ra, lãnh đạo đảng UKIP Nigel Farage dẫn đầu vận động Brexit cũng có quan điểm hòa giải với Nga.
Tuy nhiên, Huffington Post cho rằng khó có khả năng quan hệ Nga-Anh sẽ tốt đẹp hơn sau Brexit.
Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Cameron bắt đầu với việc chỉnh sửa chính sách ngoại giao của Anh với Nga, từ chính trị đến kinh tế. Năm 2014, ông Cameron dẫn đầu nỗ lực của châu Âu trong trừng phạt Nga vì sáp nhập Crime và nghi ngờ bắn hạ máy bay dân sự MH17 của Malaysia.
Về lịch sử, Anh vốn có nhiều mâu thuẫn với Nga nhiều hơn bất kỳ nước phương Tây nào khác. Năm 2003, Anh cho phép phần tử ly khai Chechen Akhmed Zakayev và doanh nhân Boris Berezovsky có quan điểm chống đối ông Putin tị nạn chính trị, bỏ qua áp lực của Nga đòi dẫn độ họ về.
Tóm lại, Brexit có thể là một đe dọa với sự thống nhất của EU và là một chiến thắng biểu tượng của chính sách đối ngoại chống phương Tây của Nga. Tuy nhiên, tác động của Brexit lên chính sách của EU đối với Nga, đối với quan hệ Nga-Anh và đối với sức mạnh Nga sẽ chỉ rất hạn chế.
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Hai đảng lớn ở Anh xào xáo vì Brexit Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn quyết không từ chức và tuyên bố sẽ tổ chức lại nội các đối lập trong 24 giờ tới. Nội bộ Công đảng đối lập và đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh xào xáo nghiêm trọng sau khi kết quả trưng cầu ý dân đã chọn Anh rời EU (Brexit). Trong Công đảng, sinh mệnh chính...