“Siết” tín dụng chứng khoán, bất động sản
Tín dụng cho chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng… luôn là những lĩnh vực vực rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, hay nói rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, việc “siết” tín dụng cho các lĩnh vực này là hết sức cần thiết nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế.
Không nới lỏng cho vay
Trong các sản phẩm tín dụng, tín dụng bất động sản bị coi là nguy hiểm nhất. Trên thực tế, việc quá đẩy mạnh cho vay bất động sản đã từng khiến hệ thống ngân hàng điêu đứng với khoản nợ xấu khổng lồ, gây ách tắc dòng chảy của nền kinh tế. Sau nhiều năm xử lý, đến nay nợ xấu đã xuống mức an toàn, song không vì thế mà tín dụng bất động sản được “nới lỏng”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay bất động sản, tuy nhiên các ngân hàng phải thận trọng khi cho vay trong lĩnh vực này.
Ngân hàng sẽ tiếp tục “siết” cho vay với các lĩnh vực rủi ro. Ảnh: Hải Anh
Tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản đang được duy trì khoảng dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm nhiều so ngưỡng xấp xỉ 30% giai đoạn 2010-2011. Từ năm 2016 đến nay, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc cấp tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro nên Ngân hàng Nhà nước siết chặt cho vay trong thời gian qua. Việc định giá tài sản bảo đảm là bất động sản gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng dẫn đến giá bất động sản không phản ánh đúng giá trị. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường bất động sản còn hạn chế, dẫn đến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng…
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, dư nợ cho vay của ngân hàng vào thị trường bất động sản 5 năm gần đây không giảm, dù tăng không nhanh như mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Những hạn chế về dòng vốn vào bất động sản vẫn chủ yếu từ ngân hàng, nên nguồn vốn không bền vững. Bởi về bản chất, ngân hàng không có vốn dài hạn, mà sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn trong lĩnh vực này. Vì thế, cần phát triển các kênh huy động vốn khác và cân đối cấu trúc thị trường tài chính để phát triển thị trường bất động sản.
Cùng với bất động sản, tín dụng cho vay chứng khoán hay tiêu dùng cũng bị coi là “ nóng”. Mất gần 10 năm cho việc phục hồi, thị trường chứng khoán đã từng khiến không ít nhà đầu tư trắng tay khi lao vào những “canh bạc” mang tên cổ phiếu… Hay như tín dụng tiêu dùng, khi người vay được sử dụng chính tài sản vừa mua làm tài sản bảo đảm, hoặc vay tín chấp, nên nguy cơ người vay không trả được nợ rất dễ xảy ra. Bởi vậy, tín dụng cho bất động sản, chứng khoán hay tiêu dùng đều cần “siết” để không gây rủi ro cho nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 dừng ở mức 14% so với kế hoạch đưa ra từ đầu năm, song theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130/GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo.
Thay vì tăng trưởng ồ ạt, tín dụng đã được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng được dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh như: Công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá như nông nghiệp – nông thôn tăng khoảng 15,5%, chiếm 24% tổng dư nợ toàn nền kinh tế… Vì thế, tốc độ tăng trưởng tín dụng không còn “nóng” như những năm trước, mà lùi xuống mức 14%.
Bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2019 chính sách tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra…
Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng.
Cùng với chất lượng tín dụng, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu. Theo Phó Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi, phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 2%. Để thực hiện được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh…
Theo hanoimoi.com.vn
Cổ phiếu bất động sản 2019: Lành ít dữ nhiều
Năm 2019, ngành bất động sản (BĐS) đươc dự báo là lành ít dữ nhiều, vì tăng trưởng kém. Cổ phiếu BĐS cũng vì thế mà hiện "lao dốc" liên tục.
Video đang HOT
Cổ phiếu "đua nhau" giảm giá...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hầu hết các cổ phiếu BĐS đều giảm giá, chỉ có 2 mã cổ phiếu tăng giá trong tổng số 65 mã cổ phiếu BĐS có trên "bảng điện tử". Trong 20 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu NLG (công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long) đã có tới 12 phiên giao dịch giảm và 2 phiên đứng giá. Tương tự, cổ phiếu DXG (công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh) cũng có 14 phiên giảm giá. Có khi DXG giảm giá 5 phiên liên tiếp, sau đó tăng giá 1 phiên, rồi lại giảm thêm 4 phiên liên tiếp nữa.
Cổ phiếu BĐS lành ít dữ nhiều, vì dự báo tăng trưởng ngành kém.
Cổ phiếu REE (công ty điện lạnh REE) một thời "dẫn dắt" thị trường bằng "màu xanh", nay phần lớn chuyển sang "màu đỏ". Cổ phiếu REE đã có 14 phiên giao dịch giảm giá, trong 20 phiên giao dịch gần nhất. Đến cổ phiếu "ông lớn" như VIC (tập đoàn VinGoup) cũng "lao dốc" 13 phiên giao dịch giảm giá và đứng giá. Cổ phiếu VRE (công ty Cổ phần Vincom Retail) thì có 13 phiên giảm giá giảm giá ở 20 phiên giao dịch mới nhất...
TTCK vốn mẫn cảm với thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của DN, nhất là thông tin tiêu cực.
Số liệu thống kê của 65 DN BĐS niêm yết trên TTCK cả nước cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho đang ở mức cao, với trên 201.000 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho được chia thành nhiều loại như: Tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông; Tồn kho do DN chủ động tiến độ đưa hàng ra thị trường; Tồn kho do chưa tiêu thụ được.
Có thể nói, trong hoạt động kinh doanh của DN, tình trạng tồn kho là bình thường. Nhưng tồn kho quá nhiều sẽ gây hại cho DN. Hàng tồn kho đã đưa ra thị trường, bị ế, sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tính thanh khoản, dẫn đến nguy cơ nợ xấu của tín dụng BĐS. Điều này sẽ tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.
Thực tế, thị trường BĐS có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, giảm nguồn cung nhà ở. Lượng giao dịch cũng giảm do lệch pha cung - cầu sản phẩm nhà ở.
... Vì dự báo tăng trưởng ngành kém
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), năm 2018, tại TP Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 30% và có thể cao hơn; Phân khúc trung cấp chiếm 45,3%; Phân khúc bình dân chỉ chiếm 24,7%.
Theo thống kê, nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Tổng thu ngân sách nội địa TP Hồ Chí Minh năm 2018 là 268.780 tỷ đồng đạt 100,03%, thu vượt hơn 7.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất.
Lẽ ra, số tiền thu ngân sách từ BĐS sẽ cao hơn nhiều, nếu không có hàng loạt các thương vụ đất công sản "mờ ám" không qua đấu giá, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, vừa bị cơ quan chức năng "tuýt còi" yêu cầu hủy giao dịch. Đây có thể xem như một kiểu giao dịch "nội gián" và qua đó đã lột tả được "chân dung" của các nhóm lợi ích.
Khi đó, địa tô chênh lệch sẽ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Chuyện đúng sai sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ sau và xử lý trách nhiệm. Nhưng trước mắt, từ những vụ "làm xiếc" với đất công sản sẽ làm cho nhà đầu tư thêm phần bất an và cạn dần niềm tin vào các loại cổ phiếu BĐS...
Điển hình nhất là thương vụ "mờ ám" bán hơn 9.000m2 đất công sản cho công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (MCK - DXG) hay như vụ chuyển nhượng 32,4 ha đất công sản ở Phước Kiển cho công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (MCK - QCG)... Dù hai thương vụ mua bán "chui" đất công sản này đã bị phát hiện, ngăn chặn. Tuy nhiên, không vì thế mà dự luận bớt đi phần phẫn nộ. Bởi, "nhóm lợi ích" kiếm được khoản tiền chênh lệch địa tô lớn bao nhiêu thì Nhà nước thất thu ngân sách lớn bấy nhiêu.
Với vai trò kiến tạo, Nhà nước đã đổ hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư và phát triển hạ tầng. Nghịch lý ở chỗ nguồn thu chênh lệch địa tô từ việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không được bổ sung vào ngân sách (bù đắp chi phí đầu tư hạ tầng), mà chảy thẳng vào túi của "nhóm lợi ích"? Thế mới có chuyện DN "làm xiếc" với đất công sản, hòng tạo ra các dự án BĐS có quỹ đất với giá mua vào rẻ mạt nhưng lại bán ra với giá trên trời...
Có ba nhân tố cơ bản để tạo ra và duy trì sức cạnh tranh cho ngành BĐS là quỹ đất, nguồn tài chính và các quy định. Nhưng tình trạng lệch pha cung - cầu như hiện nay mới là "bài toán" nan giải nhất, khiến nhiều DN BĐS tắc dòng tiền. Đây là chỉ dấu rõ nét về sự bất ổn của ngành BĐS, kéo theo đà suy giảm của cổ phiếu BĐS năm 2019 trên TTCK.
Theo kinhtedothi.vn
Chính sách tiền tệ năm 2019: Ưu tiên kiểm soát tín dụng và nợ xấu Định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ các khoản cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro, đồng thời kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn là trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019. Đến nay...