Siết tín dụng cho dự án BOT, BT: Liều lượng thế nào là hợp lý?
Động thái “siết tín dụng” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông đã và đang làm “vắng bóng” các dự án đầu tư theo các hình thức này. Hiện đang tồn tại những ý kiến khác nhau về việc siết chặt cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Hiện nay, dư nợ tín dụng của các dự án BOT khá lớn và hầu hết các nhà đầu tư lớn trong nước đang phải vay ngân hàng để thực hiện các dự án BOT. Ảnh: Tường Lâm
NHNN: Siết tín dụng là cần thiết
Theo NHNN, lý do của việc phải “siết tín dụng” đối với các dự án BOT, BT giao thông là vì việc cấp tín dụng đối với loại dự án này tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn (các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế). Hơn nữa, tài sản bảo đảm chủ yếu trong các dự án BOT, BT là quyền thu phí, trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định, nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu là rất lớn.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cho biết, bản chất của các dự án BOT, BT là đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư nhưng ở Việt Nam, hầu hết các dự án BOT, BT đều vay vốn ngân hàng thương mại trong nước, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ chiếm 10 – 15% tổng mức đầu tư dự án. Nếu xảy ra rủi ro đối với phương án tài chính của Dự án, hầu hết đều gây bất lợi cho phía các tổ chức tín dụng (đặc biệt là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối) và Nhà nước. Trường hợp Nhà nước phải mua lại dự án hoặc xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính sau khi nhà đầu tư không “kham nổi” thì vô hình trung, các dự án BOT ở Việt Nam đang chuyển sang dự án hợp tác công – công.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc NHNN tăng cường kiểm soát trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là cần thiết để đảm bảo giảm thiểu rủi ro thanh khoản cho ngành ngân hàng. Trong hàng chục dự án BOT không đảm bảo phương án tài chính thời gian qua, không ít dự án có lưu lượng phương tiện lưu thông thực tế thấp hơn so với dự kiến trong hợp đồng, theo đó thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án sẽ phải kéo dài thêm, phần lớn rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng cho vay.
Những trăn trở của nhà đầu tư
Video đang HOT
Trước những động thái “siết tín dụng” của phía NHNN, một số nhà đầu tư cho biết, đầu tư vào lĩnh vực gì cũng có những rủi ro nhất định. Đối với dự án dài hơi như BOT (thời gian thu phí hoàn vốn trung bình khoảng 20 – 25 năm/dự án), nếu không có sự song hành của ngân hàng cho vay thì nhà đầu tư dù nhiệt thành theo đuổi cũng phải “bó tay”. Đó cũng là nguyên nhân vì sao từ cuối năm 2015 trở lại đây khi mà NHNN bắt đầu có “động thái” quản chặt, siết lại tín dụng đối với các dự án BOT, BT thì thị trường xây dựng Việt Nam đã có dấu hiệu “vắng bóng” các loại hình dự án này.
Hơn nữa, trong bối cảnh Nhà nước đang kêu gọi đầu tư vào cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nếu NHNN vẫn giữ thông điệp “siết tín dụng” đối với các dự án BOT, BT thì cơ hội đầu tư tham gia vào tuyến cao tốc này của nhiều nhà đầu tư trong nước rất nhỏ. Hiện nay, dư nợ tín dụng của các dự án BOT khá lớn và hầu hết các nhà đầu tư lớn trong nước (có khả năng tham gia đầu tư vào cao tốc Bắc – Nam phía Đông) đang phải vay ngân hàng để thực hiện các dự án BOT thời gian qua. Nếu ngân hàng không nới hạn mức tín dụng cho vay, những nhà đầu tư này sẽ không “có cửa” để vay tiếp. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước có đầy đủ kinh nghiệm và tâm huyết để làm các tuyến đường cao tốc. Minh chứng là thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong nước đã làm những dự án giao thông lớn như: cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, hầm Đèo Cả…
Theo ông Ngọ Trường Nam, đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Nhà nước nên “rộng cửa” hơn với nhà đầu tư trong nước thông qua việc xem xét nới rộng hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng cho các dự án BOT. Điều này sẽ tiếp sức cho nhà đầu trong nước khi theo đuổi dự án BOT có tuổi đời từ 20 – 30 năm, mặt khác cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước được “đọ sức” với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông thời gian tới.
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cho rằng, “cái mất” của việc quản chặt dòng vốn cho vay có thể là sự suy giảm rõ rệt số lượng dự án BOT, BT được triển khai, nhưng đổi lại, Nhà nước và xã hội sẽ có những dự án BOT, BT chất lượng và hiệu quả hơn.
Tuấn Dũng
Theo baodauthau.vn
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Cuộc đua nhà đầu tư nội - ngoại
26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đã mua hồ sơ sơ tuyển dự thầu dự án nói trên
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020, dài 654 km, tổng đầu tư sơ bộ là 118.716 tỉ đồng, được chia thành 11 dự án thành phần (gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), loại hợp đồng BOT).
Chưa xuất hiện tập đoàn tư nhân mạnh
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến nay, các ban quản lý dự án đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án theo hình thức PPP. Đã có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc... mua hồ sơ sơ tuyển.
Đại diện Vụ PPP cũng cho biết các nhà đầu tư trong nước đã mua hồ sơ sơ tuyển chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp (DN) quen thuộc đã tham gia các dự án BOT đường cao tốc trước đây, chưa xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tài chính mạnh.
Ông Nguyễn Viết Huy cho rằng do 8 dự án này được triển khai với hình thức đấu thầu quốc tế nên phải chờ tới ngày cuối cùng (10-7) mới biết chính xác số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Sau khi kết thúc thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án này.
Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100. Trong đó, năng lực tài chính chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực kinh nghiệm chiếm 30% (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án chiếm 10% (10 điểm).
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã bàn giao mặt bằng để chuẩn bị thi công Ảnh: Đình Quang
Trước thông tin nhiều người lo ngại chất lượng xây dựng các dự án đường cao tốc khi để nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, hôm 27-6 khẳng định sẽ có những quy định để bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã thành công với những dự án tương tự tại một nước khác.
"Các dự án đó phải không có kiện tụng, tranh chấp; bảo đảm chất lượng và tiến độ. Khi đó, chúng ta mới tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư" - ông Trương nói.
Giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông để đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Đặc biệt, về việc lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật, trên nguyên tắc ưu tiên nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước liên danh, liên kết với nhau, với các nhà đầu tư quốc tế đủ năng lực để triển khai dự án đồng thời thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà đầu tư.
"Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập Tổ giám sát gồm đại diện các bộ, cơ quan: Kế hoạch và- Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và mời Kiểm toán Nhà nước để thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Hiểu nhầm về hồ sơ sơ tuyển
Theo ông Nguyễn Viết Huy, đang có những hiểu nhầm trong tiêu chí hồ sơ sơ tuyển tham gia dự án. "Nếu yêu cầu kinh nghiệm độc lập ở từng nhà đầu tư thì DN trong nước khó đáp ứng được. Chúng tôi đang làm rõ các tiêu chí của bài thầu, ví dụ nhà đầu tư liên danh, có năng lực thì sẽ được tính gộp chứ không tính riêng lẻ từng DN. Với việc làm rõ này, cơ hội sẽ rất rộng cho DN trong nước" - ông Huy nói.
Ngoài ra, Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam.
Theo Văn Duẩn
Người Lao Động
Sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức cuộc họp để thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019. Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng,...