Siết tín dụng bất động sản – Bài 4: Cần thực hiện song song với quản lý giá
Gần đây, một số ngân hàng đã ra thông báo dừng cho vay lĩnh vực bất động sản. Việc các ngân hàng tạm dừng giải ngân cho vay lĩnh vực này được cho là sẽ loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ, giúp thị trường dần “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
Xoay quay câu chuyện siết tín dụng bất động sản và những tác động lên thị trường, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, người dân mua nhà để ở, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.
Thị trường bất động sản thời gian qua đã có hiện tượng tăng nóng tại nhiều phân khúc và nhiều địa phương. Trước hiện tượng này, cơ quan quản lý cũng như nhiều ngân hàng đã có động thái siết chặt dòng tín dụng đầu tư vào bất động sản. Giải pháp này có giúp “hạ nhiệt” thị trường không thưa ông?
Trước hết, chúng ta thấy rằng việc ngân hàng siết chặt dòng tín dụng vào bất động sản chỉ là một trong những nhân tố có thể giúp kìm hãm độ nóng của thị trường bất động sản, kìm giữ được những nhà đầu cơ hoặc những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn.
Tuy nhiên vẫn còn những nguồn vốn khác đổ vào bất động sản. Do đó, theo tôi, siết tín dụng bất động sản chỉ góp phần hạ nhiệt thị trường chứ không thể giải quyết được tận gốc các cơn “sốt đất”.
Có thể thấy phân khúc bất động sản trung và cao cấp sẽ là phân khúc đầu tiên chịu tác động nhiều nhất khi siết tín dụng bất động sản. Tiếp đó là đất nền, phân khúc phát triển nóng trong thời gian qua và không ít nhà đầu tư cũng như đầu cơ đã đổ tiền vào đấy.
Bên cạnh dòng vốn từ ngân hàng, trong năm qua, bất động sản được ghi nhận là ngành phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất, chiếm tỷ trọng 40% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, có hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
Quy luật chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là huy động nguồn lực vào sản xuất kinh doanh chủ yếu thông qua thị trường chứng khoán; trong đó thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu bổ sung.
Vì thế, việc các doanh nghiệp Việt vài năm gần đây tăng cường phát hành trái phiếu để thu hút nguồn vốn vào sản xuất là xu hướng phù hợp với tình hình chung của thế giới. Và đây là điều các cơ quan quản lý mong muốn.
Thậm chí, tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu còn lớn hơn cả mong muốn của các nhà quản lý với tốc độ tăng trưởng khoảng 46% trong giai đoạn 2017-2021. Đặc biệt trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng của trái phiếu khoảng 56%. Đây là tốc độ tăng trưởng cực kỳ mạnh trong thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, việc chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu và phát hành đến hơn 40% lượng trái phiếu trên thị trường cũng là vấn đề cần xem xét. Bởi rõ ràng đầu tư vào bất động sản là rất quan trọng nhưng để vốn vào lĩnh vực này nhiều quá rất dễ tạo ra bong bóng cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ cho lĩnh vực bất động mà còn cho cả ngân hàng, đặc biệt đây lại là những trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Video đang HOT
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không theo quy luật: không có báo cáo tài chính, không có điều kiện để phát hành đầy đủ và không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu của doanh nghiệp, không có xếp hạng tín nhiệm…
Và từ đó, có những doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu ra gấp vài chục lần so với vốn chủ sở hữu. Hoặc có doanh nghiệp đưa ra lãi suất rất cao 12-15-18%/năm để thu hút nhà đầu tư. Với lãi suất này, khả năng trả nợ là rất khó. Chưa nói đến một số doanh nghiệp còn vi phạm sử dụng vốn không đúng mục đích hay dùng những phương thức lòng vòng để huy động vốn… làm cho trái phiếu trở nên khó quản lý trên thị trường.
Tín dụng ngân hàng bị siết lại, trong khi huy động vốn từ trái phiếu có thể sẽ gặp khó sau một số vụ việc ồn ào thời gian qua. Vậy doanh nghiệp bất động sản sẽ đối mặt với những rủi ro nào thưa ông?
Có thể khẳng định, những động thái trên giúp thanh lọc thị trường để từ đó những nhà đầu tư chân chính, có vốn thực sẽ tồn tại lại và củng cố, hoàn thiện thị trường bất động sản, giúp thị trường minh bạch, công khai và phát triển bền vững hơn.
Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tín dụng lớn hoặc sử dụng trái phiếu thì đây cũng là cơ hội để họ tự nhìn lại mình và thay đổi cho phù hợp, tuân thủ đúng luật pháp, thực hiện đúng yêu cầu về phát hành trái phiếu theo quy định. Và đây cũng là cơ hội để cơ quan chức năng quản lý nhìn lại quá trình phát triển trái phiếu cũng như cho vay bất động sản trong thời gian vừa qua để có những chỉnh đốn và giúp cho thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.
Vậy việc nắn dòng vốn tín dụng vào bất động sản theo ông nên được thực hiện thế nào để hạn chế các hoạt động đầu cơ nhưng vẫn không “bóp nghẹt” thị trường?
Thay đổi cơ chế phát hành trái phiếu cũng như tín dụng ngân hàng là một trong những điều kiện cần thiết. Bởi rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần phải có những thay đổi trên thị trường.
Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều có quy định về tỉ lệ vốn vay nợ trên vốn chủ sở hữu. Ở Việt Nam trước đây, Bộ Tài chính cũng từng đề xuất với tỷ lệ tương đối rộng rãi là 1 vốn chủ sở hữu có thể được vay 5 nhưng không được thông qua và đến giờ chúng ta không có quy định tỷ lệ đó.
Do vậy, bây giờ chúng ta cần có tỷ lệ vốn tín dụng này, trong đó bao gồm cả vốn trái phiếu. Như vậy, ngay cả việc phát hành trái phiếu cũng phải đưa tỷ lệ vốn vào điều kiện phát hành.
Thêm nữa, cần có những điều kiện cụ thể để cho vay nợ, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững và an toàn.
Ngoài ra, phải có kiểm tra, giám sát đối với thị trường này để đảm bảo thực thi đúng những quy định của Nhà nước và dòng vốn phát huy được hiệu quả cao nhất để vừa đảm bảo vốn phát triển bất động sản nhưng cũng vừa đảm bảo vốn phát triển nền sản xuất nói chung, đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất phù hợp với tăng trưởng bền vững của đất nước.
Ngoài việc siết chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng, ông có đề xuất giải pháp nào giúp giải quyết được tận gốc cơn sốt bất động sản, làm lành mạnh thị trường?
Khi nói đến sốt bất động sản là nói tới việc giá nhà, đất tăng cao đột biến và dòng vốn khi đó lại càng đổ vào nhiều. Như vậy, để giải quyết được tận gốc cơn sốt bất động sản chủ yếu phải quản lý về giá, làm sao để việc mua bán diễn ra công khai minh bạch. Do đó, tôi mong muốn việc mua bán bất động sản nói riêng và các tài sản lớn nói chung cần phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải xác định giá cho các loại bất động sản sát thực với thị trường, không để như thời gian vừa qua, giá đánh thuế là một giá khác so với giá thực của thị trường.
Một điều quan trọng nữa là cần công khai và ổn định các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương để người dân nắm được là với vị trí, địa thế đó thì có tiềm năng phát triển ra sao, định giá thị trường thế nào. Có làm được vậy thì sẽ không còn việc cò mồi thổi giá và hét giá trên trời nữa./.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Sốt" đất có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhà đầu tư "nằm im, thở khẽ"
Đất nền được giới đầu tư đánh giá là kênh đầu tư "vua" khi bảo toàn giá trị và sinh lời tốt.
Thế nhưng, ngay khi thị trường bất động sản xuất hiện biến cố, phân khúc này lập tức có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, chờ đợi để xem thị trường như thế nào.
Ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản hứng chịu nhiều biến động từ lạm phát, căng thẳng địa chính trị đến loạt động thái siết chặt thị trường.
Đặc biệt, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị siết. Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Ngay sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng chảy vào bất động sản đã bị kiểm soát chặt trong vòng 2 - 3 năm vừa qua. Điều này thể hiện qua số liệu cho vay giảm dần. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020 và duy trì đi ngang mức này vào cuối năm 2021.
Khi dòng vốn tín dụng ngân hàng bị siết, các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu - trở thành một kênh huy động vốn quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cũng đang bị siết lại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc huy động vốn.
Dưới sự tác động của loạt động thái siết chặt, ngay lập tức thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt". Một phân khúc bất động sản sốt nóng, được cho là kênh đầu tư "vua" trong thời gian qua là đất nền đã không còn tăng nóng ngay trong tháng 4.
Nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trước những diễn biến của thị trường bất động sản.
Theo số liệu của một đơn vị nghiên cứu, thời điểm quý 1/2022, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý 1/2019). Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước đã giảm đến 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Bàn về dấu hiệu hạ nhiệt này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: "Các thông tin liên quan đến việc thắt chặt tín dụng bất động sản cũng như các chính sách khác đã ảnh hưởng tới hành vi tìm kiếm của người mua trên thị trường. Một số loại hình được nhiều người quan tâm và rất nóng như đất nền đã giảm gần 20%. Những con số này cho thấy cung, cầu trên thị trường đã bị tác động. Hiện các nhà đầu tư, các sàn đều trong trạng thái thận trọng, chờ đợi để xem thị trường như thế nào. Đó là thực tế thị trường đang diễn ra như vậy".
Thực tế, việc siết tín dụng sẽ khiến nhóm dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn, hạn chế đầu cơ, đẩy giá bất động sản tăng lên. Do đó, các biện pháp liên quan tới siết chặt tín dụng là chủ trương tốt, để thị trường bất động sản ổn định, phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, điều gây lo ngại là siết quá đà, trong khi nguồn cung thị trường giảm đáng kể, giá cả tăng, vướng mắc thủ tục pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, nhiều dự án chậm triển khai. Nếu siết quá đà, các chuyên gia lo ngại xảy ra hiện tượng tăng mất cân đối cung cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không thể giảm...); ra dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, giảm đà phục hồi kinh tế... Bên cạnh đó, doanh nghiệp, thị trường lo lắng, lưỡng lự triển khai đầu tư dự án.
Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cần nhìn lại bài học siết tiền tệ, siết tín dụng năm 2008 và 2011 dẫn đến thị trường bất động sản bị "đóng băng" 2 lần trong hơn 10 năm. Do đó, cần có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đến năm 2030.
"Chúng ta không đi từ cực đoan này đến cực đoan khác mà chúng ta cần phải có chính sách một cách tỉnh táo, để chúng ta tiếp tục cung ứng nguồn vốn tín dụng ở mức độ cần thiết cho thị trường bất động sản, cho những nhà đầu tư có năng lực", ông Châu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: "Nói đến nguồn cung vốn cho thị trường bất động sản, chúng ta thường hay nhắc tới những từ như 'quản lý', 'siết lại', 'điều tiết',... Cách nói này nghe rất đáng sợ, làm cho thị trường bất động sản càng trở nên nặng nề. Chúng ta nên sử dụng cụm từ "khơi thông" dòng vốn cho thị trường bất động sản để tiếp cận một cách bao dung, công bằng với thị trường này hơn".
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, vấn đề không nằm ở việc siết tín dụng mà cần phân tích cả ở việc thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu. Người dân thiếu nguồn thu nên đổ xô kinh doanh bất động sản khiến cầu hàng hóa bị khan thật - ảo đan xen.
Theo ông, nếu tiếp tục siết tín dụng vào bất động sản, nguồn cung sẽ càng giảm và thiếu so với nguồn cầu đang tăng. Câu chuyện dòng vốn sẽ phức tạp hơn và phải đặt trong bối cảnh thị trường vẫn có những cơn sốt đất và nhiều dự án hình thành trong tương lai.
"Trong các nguồn vốn vào thị trường bất động sản, chúng ta có chủ trương huy động dòng tiền từ dân, đây là chủ trương tốt, nhưng quan trọng việc huy động dòng tiền như thế nào. Còn vốn tín dụng đang khuyến khích cho các nhà đầu tư vay làm hạ tầng, bây giờ mới bắt đầu mở ra thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu,... Do đó, chúng ta có thể sáng kiến ra nhiều phương thức huy động vốn, nhưng phải kiểm soát việc huy động này một cách cẩn thận", vị này nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với báo chí, thị trường vốn bị bó hẹp, hay "thắt chặt" thì thị trường bất động sản cũng khó phát huy được năng lực của nó, thậm chí lâm vào bất ổn.
Siết tín dụng bất động sản - Bài 1: Tăng trưởng nóng, bất động sản vào vòng kiểm soát vốn Trước diễn biến tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản cùng những bất ổn trong huy động trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực này, các cơ quan quản lý đã có các động thái mạnh mẽ trong kiểm soát, siết chặt nguồn tín dụng vào bất động sản. Bên cạnh sự ủng hộ những biện pháp mạnh tay của cơ quan...