‘Siết’ quá tải đường bộ, gánh nặng đổ dồn vào đường sắt?
Tính riêng trong tháng 5 và 6/2014, Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt khu vực 2 đã phát hiện nhiều trường hợp toa xe chở hàng quá tải từ 9-21%, đặc biệt có trường hợp vượt đến gấp đôi tải trọng.
Theo đó, sau khi Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức hàng loạt các điểm kiểm tra tải trọng trên tuyến Quốc lộ, tình trạng chủ hàng dồn hàng hóa về đường sắt ngày càng tăng.
Công tác tổ chức vận tải hàng hóa bằng đường sắt xuất hiện tình trạng chở hàng quá tải gây mất nguy cơ an toàn giao thông, đe dọa an toàn chạy tàu.
Trốn kiểm tra tải trọng trên Quốc lộ, hàng quá tải đổ dồn về đường sắt?
Video đang HOT
Chỉ tính riêng trong tháng 5 và tháng 6/2014, Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và Cứu nạn đường sắt khu vực 2 đã tổ chức cân kiểm tra tải trọng đã phát hiện nhiều toa xe chở hàng hóa quá tải từ 9-21% tại một số ga trên tuyến.
Đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp toa xe 231108 chở hàng là tấm lợp Procement (đi từ ga Bỉm Sơn công nghiệp đến ga Hố Nai) được Trung tâm cân kiểm tra tại Ga Đà Nẵng ngày 19/6 đã phát hiện tổng trọng lượng toa xe lên đến 81,35 tấn, vượt tải trọng cho phép lên đến 33,65 tấn (vượt 112% mức tải trọng cho phép).
Việc chở hàng quá tải trọng khiến 4 tổ lò xo và con nhún bị xẹp, trong đó lò xo nhún ở vị trí 2-4 bị gãy. Sự việc gây mất an toàn chạy tàu và đe dọa đến tính mạng người dân.
Chưa dừng lại, ngày 23/6, Ga Đà Nẵng vừa lập biên bản xử lý đối với hàng hóa xếp bội tải trên toa xe mang số hiệu 321108 ngày 15/6/2014. Theo đó, mặc dù toa xe chỉ có tải trọng 30 tấn, nhưng nhà tàu vẫn xếp 3.689 tấm lợp Procement với tải trọng lên đến 62,97 tấn, vượt tải trọng cho phép lên đến 110%.
Trước sự việc, Ga Đà Nẵng đã phải lập biên bản, tiến hành dỡ hàng, giảm tải, chuyển một phần hàng sang toa khác để tiếp tục lưu thông, đồng thời tiến hành truy thu tiền cước của hàng hóa bội tải với số tiền gần 100 triệu đồng.
Một trường hợp quá tải nghiêm trọng bị xử lý
Sáng 27/6, ông Phan Thành Liên, Phó Giám đốc Vận dụng, Xí nghiệp toa xe Đà Nẵng thừa nhận, việc xuất hiện tình trạng toa xe chở quá tải là có và hiện tượng lò xo gãy là thường xuyên. Nhưng việc lò xo gãy có nhiều nguyên nhân, có thể do đến chu kỳ làm việc, do quá tải trọng, hoặc do cả hai. Để biết lò xo lún xẹp, gãy do nguyên nhân gì thì cần đánh giá.
Tuy nhiên, ông Liên cho rằng do điều kiện kỹ thuật kiểm tra toa xe hiện tại của chúng ta còn rất lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào con người nên không tránh khỏi nhưng yếu tố tâm lý tác động.
“Riêng trường hợp toa hàng hôm 15/6 là có thể do chu kỳ làm việc của lò xo đã đến hạn, cộng với quá tải nên dẫn đến tình trạng này. Nếu nói do quá tải gây nên thì các lò xo phải gãy toàn bộ”, ông Liên nhận định.
Một trường hợp lò xo nhún của toa xe bị gãy do quá tải
Liên quan đến vấn đề toa xe quá tải trọng, ông Liên cho rằng các trạm đã làm đúng quy trình. “Chúng tôi không có nhiệm vụ cân tải trọng bởi việc dừng cân toa xe rất phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy nên chủ yếu được cân ở 2 đầu ga đi và ga đến. Còn việc quá tải hay không thì đó thuộc trách nhiệm của đơn vị xếp dỡ bởi họ có chức năng, nhiệm vụ và chỉ có đơn vị xếp dỡ mới biết có quá tải hay không”, ông Liên nói.
Bửu Lân
Theo_VTC