Siết kinh doanh đa cấp: Liều thuốc ‘chữa’ ảo tưởng
Thời gian qua, liên tiếp những vụ scandal liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp khiến “người trong cuộc” thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất lấy ý kiến về dự thảo nghị định nhằm đưa hoạt động này vào khuôn khổ. Thế nhưng, dự thảo lại làm dấy lên những tranh cãi mới.
Chưa cháy nhà, cũng lòi… mặt chuột
Vào Việt Nam chưa được bao lâu nhưng bán hàng đa cấp đã ít nhiều dành được ưu ái của “người hâm mộ”. Chủ yếu bám rễ từ giới sinh viên, đa cấp ngày ngày “nảy mầm” và “đơm hoa kết trái” ngay trong giới được coi là “chủ nhân tương lai” của đất nước này. Ở nước ta, đã có không ít công ty áp dụng loại hình kinh doanh này một cách hiệu quả. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn xuất hiện những công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu biến tướng, thậm chí lừa đảo khách hàng.
Ảnh minh họa.
Bán hàng đa cấp đang tạo nên những cơn sốt làm giàu giả tạo, gây xáo trộn cuộc sống của biết bao nhiêu gia đình bằng cách gieo rắc vào đầu họ những ảo tưởng về giấc mơ làm giàu vô lý. Từ những bác nông dân quần xắn móng lợn, những chị phụ nữ đầu đội nón lá đến cả những sinh viên mặt búng ra sữa và người già đã nghỉ hưu bỗng chốc đều trở thành “con mồi”, bị cuốn vào cơn lốc làm giàu từ đa cấp. Nghệ danh “chuyên viên đa cấp” gần như thành câu nói cửa miệng của người tham gia mỗi khi giới thiệu về mình.
Thế nhưng, đằng sau vỏ bọc hào nhoáng với “bộ cánh” sang trọng, điệu bộ trí thức là những nỗi niềm khó chia sẻ. Thời gian vừa qua, báo chí đăng tải liên tiếp thông tin về những scandal liên quan đến công ty đa cấp. Khởi đầu là sự đổ sụp của “gã khổng lồ” MB24 (Mua bán 24). Khi bị đánh sập, hàng triệu nạn nhân trên khắp mọi miền đất nước dù sập bẫy mà vẫn không thể hiểu tại sao mình lại mắc lừa một cách “ngây thơ” như vậy. Sau khi “gã khổng lồ” MB24 sập tiệm, đến lượt “ông lớn” Tâm Mặt Trời “dính chàm”. Cũng với “chiêu” nộp phí 6 triệu đồng để làm thành viên và rủ rê người khác làm “chân rết” để hưởng tiền “hoa hồng”, công ty Tâm Mặt Trời đã lôi kéo gần 40 ngàn người trên 30 tỉnh thành tham gia. Sau khi đội ngũ “chóp bu” bị bắt, công ty như rắn mất đầu, khiến cả “đội quân dưới trướng” bơ vơ không biết đi đâu về đâu.
Mới đây nhất, tiếp bước “đàn anh”, cái tên Thiên Ngọc Minh Uy trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích. Khởi đầu là việc một nhóm sinh viên đến trụ sở công ty này đòi hủy hợp đồng, lấy lại tiền đã phải hứng chịu trận đòn nhừ tử từ nhân viên công ty. Sự việc sau đó được chuyển lên công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) để điều tra xử lý. Bản thân cán bộ công an cũng cho biết, trong thời gian qua, họ cũng nhiều lần tiếp nhận những đề nghị giải quyết từ các sinh viên và phụ huynh là “nạn nhân” của Thiên Ngọc Minh Uy. Vì trót nghe lời dỗ dành của nhóm chuyên viên đa cấp, họ đã “sa lầy”, đến khi đòi hủy hợp đồng, lấy lại tiền thì bị gây khó dễ. Nhiều vụ hành hung từng xảy ra liên quan đến người của Thiên Ngọc Minh Uy đã bị cơ quan công an xử lý. Rõ ràng, giấc mơ triệu phú đã và đang bộc lộ rất nhiều mặt trái.
Lo ngại mạng lưới “sống chui” ngoài luật
Không phải ngẫu nhiên khi Bộ Công Thương đề xuất dự thảo Nghị định thay thế Nghị định trước đây về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Những nhà làm luật chắc chắn thừa hiểu những “thói hư tật xấu” đang bộc lộ của ngành kinh doanh này. Không chỉ gây bức xúc trong dư luận, bán hàng đa cấp đang khiến chính cơ quan quản lý đau đầu. Đã đến lúc phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ.
Một nạn nhân của bán hàng đa cấp bị hành hung vì “dám” đòi lại tiền.
Theo cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) – đơn vị chủ trì soạn thảo, dự thảo này gồm 8 thay đổi căn bản. Có thể nhận thấy, những thay đổi đã hướng đến việc điều chỉnh để các văn bản quy phạm pháp luật theo kịp thực tế của ngành kinh doanh này tại Việt Nam. Có thể chỉ ra một vài điểm mới của dự thảo này. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở Công Thương như trước đây. Việc tổ chức hoạt động hội thảo, hội nghị, đào tạo liên quan đến bán hàng đa cấp đều phải thông báo cho sở Công Thương nơi tổ chức các hoạt động đó. Thêm vào đó, một quy định được đánh giá cực kỳ sát sườn là doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào hoặc đóng một khoản tiền nhất định hay đặt cọc nếu muốn “nhập bọn”.
Các cơ quan soạn thảo hy vọng, với những quy định mới này, tình trạng trục lợi, tìm cách chiếm dụng tiền của người tham gia sẽ hết đất sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều điểm trong dự thảo vẫn bộc lộ tính máy móc, dễ phát sinh “hiệu ứng phụ” khi áp dụng trong thực tế. Trò chuyện với PV, một chuyên gia cao cấp từng công tác tại viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương (không tiện nêu tên) đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo, góp phần triệt tiêu những mặt trái của hoạt động này. Tuy nhiên, vị này vẫn không khỏi băn khoăn về một số quy định có tính chất máy móc và cứng nhắc. “Thay vì Sở Công Thương, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp sẽ do Bộ Công Thương quyết định. Điều này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp xin cấp phép hoạt động. Nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp hoạt động “chui” ngoài luật. Trên thực tế, có không ít đơn vị hoạt động kinh doanh đa cấp “trá hình” mà không cần cấp phép hoạt động”, vị này lo ngại.
Tung hỏa mù đa cấp
Video đang HOT
Chuyên gia này đặt câu hỏi: “Về bản chất, kinh doanh đa cấp không xấu. Thế nhưng vì sao tại Việt Nam, loại hình đa cấp lại biến tướng thành cách lừa đảo tinh vi như vậy?”. Có thể nói rằng, hiện nay kinh doanh đa cấp bất chính, theo kiểu lừa đảo chính là lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu, bán sản phẩm mà chính là từ tuyển mộ người tham gia mới. Nói một cách khác, họ lợi dụng lòng tin của người tham gia để trục lợi. Điều đáng chú ý là các tập đoàn đa cấp lừa đảo đã “tung hỏa mù”, chiêu dụ các nạn nhân là do xây dựng được một đội ngũ “chuyên viên đa cấp” trung thành và sự giúp sức của nhiều cơ quan truyền thông.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, nguyên phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh (đại học Kinh tế quốc dân) nhận định: “Kinh doanh đa cấp đã và đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội”. Theo quan điểm của PGS Quân, kinh doanh đa cấp là một hình thức dễ triển khai ở Việt Nam bởi mối quan hệ mạng lưới xã hội rất phát triển. “Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và rộng của mạng lưới cũng dẫn đến những khó khăn rất lớn trong việc quản lý. Mặt khác, việc phát triển mạng lưới kinh doanh dựa vào niềm tin cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn về những hậu quả khi mất niềm tin”, ông Quân cho biết thêm.
Nhiều công ty lợi dụng mô hình KDĐC để trục lợi
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, Việt Nam có 77 doanh nghiệp được cấp giấy phép tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp. Hoạt động kinh doanh đa cấp tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đây là một loại hình kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều công ty đã lợi dụng mô hình này để trục lợi, tạo nên những hình ảnh không thiện cảm trong mắt người dân về loại hình bán hàng này. Ở TP.Hồ Chí Minh đến nay đã cấp 35 giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Trong đó có 11 doanh nghiệp bị thu hồi giấp phép, chấm dứt hoặc dừng hoạt động. Nguyên nhân là do sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đúng chất lượng.
Theo Người đưa tin
Thiếu nữ dân tộc Thái và cuộc 'tẩu thoát' ngoạn mục khỏi đa cấp
Thoát khỏi "vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp", gặp lại người thân, thiếu nữ xinh đẹp dân tộc Thái - Mạc Thị Ánh bật khóc nức nở, kể lể như đứa trẻ vừa bị bắt nạt.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Châu Thuận (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), quanh năm chỉ biết tới việc nhà nông, thôn nữ Mạc Thị Ánh (1992) từ nhỏ đã hiền dịu, thật như đếm.
Phải nói thêm rằng, Quỳ Châu là một huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất và chế biến nông lâm sản. Thế nhưng, gia đình của Ánh lại là hộ thuần nông, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc kiệt quệ tưởng như không có lối thoát.
Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, theo lẽ thường Ánh sẽ được cưng chiều nhất, nhưng từ nhỏ, Ánh đã phải theo bố mẹ ra đồng bắt cua, ốc về ăn tránh cái đói. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến việc học hành của cô dang dở.
Nụ cười của Ánh ngày đoàn tụ
Xinh đẹp, nết na và cũng khá thông minh, nhưng học hết cấp 2, Ánh đã phải xếp lại nghiên mực để tìm kế mưu sinh.
Các anh chị trong nhà đều đã lập gia đình, "đầu ai chấy nấy", để lại cho Ánh bố mẹ già đã gần lục tuần, nhưng gần như mất sức lao động sau hàng chục năm ròng rã lăn lộn với cuộc sống.
Tính cả lần ra Thái Bình sinh sống ở "vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp", Ánh được ra khỏi lũy tre làng 4 lần.
Trước đó, Ánh từng làm cho một công ty may mặc ở tỉnh Nghệ An, từng vào TP HCM kiếm sống rồi về Hà Nội làm nhân viên bán kem cho một công ty lớn, nhưng đều không trụ nổi quá lâu.
Nghe một chàng trai ở làng bên rủ rê với những lời lẽ ngọt như mía lùi về chuyện "đổi đời" khi ra Hà Nội làm công nhân của một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo, Ánh mủi lòng khăn gói quả mướp, từ biệt cha mẹ già đến xứ người với 1 triệu đồng dắt túi.
Số tiền này là cả gia tài mà bố mẹ Ánh dành dụm được tính đến thời điểm đó. Vợ chồng lão nông cũng chẳng giữ lại xu nào phòng lúc đổ bệnh tuổi già, đưa cả cho con với tất cả niềm tin và hy vọng.
Mất 250.000 đồng, Ánh đã vượt được cả chặng đường dài từ Nghệ An ra Hà Nội. Tới bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), nghe theo chỉ dẫn của Tiến - cậu chàng bảnh trai đã chiếm trọn niềm tin của cô gái trẻ này, Ánh bắt xe ôm tới bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai).
Trớ trêu thay, bến xe Nước Ngầm vẫn chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong hành trình đi kiếm kế mưu sinh nuôi cha mẹ già của cô gái này. Tiến hẹn gặp Ánh ở Thái Bình và từ chối tiết lộ về công việc mà Ánh sắp được giới thiệu để làm.
Sợ bố mẹ lo lắng, vả lại rất tin tưởng và có thiện cảm với Tiến nên Ánh ngoan ngoãn vâng lời, tiếp tục bắt xe tới Thái Bình. Lần đầu tiên đến quê lúa Thái Bình, Ánh không khỏi bỡ ngỡ. Càng lo lắng hơn khi Tiến không trực tiếp ra đón cô mà cử một người bạn cùng phòng ra đón.
Hành trình tìm đường về quê mẹ
Biết không thể giấu Ánh lâu hơn nữa, ngay khi đón Ánh về phòng ở thôn Nghĩa Chính (xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình), Tiến tập hợp 20 thành viên (cả nam lẫn nữ) trong phòng cùng ngồi họp. Lúc này, Tiến mới nói cho Ánh nghe về công việc thực sự mà cậu định giới thiệu cho cô.
Áp lực tâm lý đám đông, trước sự cổ vũ tinh thần của nhiều người trong phòng, Ánh quyết định ở lại vương quốc này dù biết mình "bị lừa".
Dù ở vùng sâu vùng xa, ít có dịp được tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng Ánh cũng mập mờ biết được đôi điều về công ty TNHH Lô Hội qua những câu chuyện quán nước bàn trà của những người hàng xóm ở xa về.
Do vậy, trong 4 ngày ở "vương quốc bầy đàn", Ánh "nát óc" nghĩ ra đủ mọi cách để có thể thoát ra khỏi chốn này.
Một kiểu học nhóm của học viên Lô Hội
Ánh chia sẻ: "Hàng ngày các anh chị trong phòng thay nhau giới thiệu về công ty rồi dạy em cách bán hàng đa cấp, cách xây dựng mạng lưới thông qua điện thoại. Mỗi lần em nản, định bỏ cuộc, về quê, họ lại thi nhau khuyên nhủ em ở lại. Do không tìm được lý do chính đáng để ra về nên em cứ ậm ờ".
Tâm sự với PV, Ánh cho hay, ngày đầu, khi mẹ cô bé gọi điện ra, Tiến nói với phụ huynh của Ánh là đang "cho em đi học lớp máy tính văn phòng, khoảng 3 - 6 tháng là có thể làm việc kiếm tiền mà không phải nộp học phí, chỉ mất tiền ăn, tiền phòng".
Tin tưởng bạn của con, người mẹ già cả đời chưa rời khỏi lũy tre làng đồng ý cho con mình ở lại. Đến ngày thứ 2, biết mẹ nhẹ dạ cả tin người, Ánh gọi về nhờ mẹ nói với Tiến là bố không đồng ý cho cô ở lại để có cớ rút khỏi nơi này.
"Ở đó còn khổ hơn ở nhà làm ruộng với bố mẹ. Em phải nhồi nhét đủ thứ sách vở vào đầu trong khi ở nhà với bố mẹ em muốn làm gì thì làm, mệt thì lăn ra ngủ. Họ nói với em cả tiền ăn và tiền phòng một tháng em phải nộp 1,2 triệu đồng, riêng bữa sáng tự túc.
Nhưng khi đi, mẹ chỉ cho hơn một triệu đồng nên mới ở đây có 4 ngày em đã không còn xu nào. Giờ có muốn về quê với bố mẹ, em cũng chẳng còn tiền...", Ánh vừa khóc vừa kể lại.
Thức trắng đêm, vượt hơn 300km tìm em vợ
Có lẽ, cả đời Ánh cũng sẽ không bao giờ quên được cuộc gặp định mệnh giữa cô và đồng chí Khướu Mạnh Cường - trưởng công an xã Phú Xuân (Thái Bình).
Chiều 9/9, trên đường từ nhà tới cơ quan, thấy một cô bé trạc tuổi con gái mình đang đứng bơ vơ ở gần nghĩa trang số 6 - điểm hẹn của các học viên Lô Hội với những nhân viên mới, ông Cường đã tiếp cận, hỏi han tình hình.
Sau khi biết được hoàn cảnh của Ánh, ông Cường đã báo cáo với cấp trên, cưu mang cô gái này cho tới lúc Ánh gặp được người thân của mình.
Về phía gia đình Ánh, ngay khi nhận được lời "kêu cứu" từ con gái và thông tin từ phía lực lượng công an tỉnh Thái Bình, do tuổi cao, sức yếu, bố mẹ cô đã cử người anh rể của Ánh là Bạch Xuân Nam ra Thái Bình đón em về.
Thức trắng đêm, vượt hơn 300km từ Nghệ An ra Thái Bình, anh Nam mang trong mình tâm trạng ngổn ngang, khó bút mực nào tả xiết.
"Ở nhà nhiều người không biết Ánh chỉ là học viên của Lô Hội nên cứ tưởng Ánh bị lừa bán sang Trung Quốc hay bị lừa vào động mại dâm nào đó nên rất lo lắng.
Khi tôi đi, mẹ vợ khóc nức nở, dặn dò đủ đường rằng bằng mọi giá phải đưa được em về.
Ánh từng đi làm xa nên lần này bố mẹ mới yên tâm để em ra Hà Nội một mình, đâu ngờ cơ sự tới nỗi này. Vả lại, con bé gọi điện về nhà cũng chỉ nói dối là con đang ở trọ ở gần bến xe Nước Ngầm khiến mọi thông tin cứ rối tung cả lên.
Khi nhận được thông báo của công an thành phố Thái Bình, bố mẹ tôi đã rất sốc. Gia đình muốn đưa Ánh về làm ở công ty, môi trường khác. Công ty Lô Hội chưa có danh tiếng trên thị trường và tôi cũng nghe báo chí phản ánh nhiều về họ rồi nên không muốn em mình đi theo con đường đó.
Quê tôi dù nghèo xác nghèo xơ nhưng cũng rất ít người theo Lô Hội. Dù rất mệt mỏi khi đi từ Nghệ An ra Thái Bình được, nhưng tôi không nề hà. Gặp được em, tôi muốn đưa dì về ngay kẻo ở nhà ông bà đang mong, như ngồi trên đống lửa", anh Nam nói.
Sau cuộc trò chuyện với phóng viên PV, anh Nam và Ánh đã bắt xe về lại quê. Sáng 11/9, anh em Ánh đã về tới quê nhà trước niềm vui vỡ òa của bố mẹ họ - những lão nông tuy nghèo nhưng thật thà, chất phác.
Để có được cuộc hội ngộ đẫm nước mắt này, không thể không kể tới những đóng góp của lực lượng công an tỉnh Thái Bình - những người đang ngày đêm bận rộn để giữ cảnh thanh bình cho quê lúa.
Qua PV, gia đình em Ánh gửi tới chính quyền địa phương lời cảm ơn chân thành nhất. "Nếu không có những người chiến sỹ ấy, có lẽ cuộc đời Ánh đã rẽ sang một hướng khác...", anh Bạch Xuân Nam thay mặt gia đình nói.
Theo VTC
Ác mộng mang tên... đa cấp Cơn lốc bán hàng đa cấp đang làm nhiều gia đình điên đảo. Nhiều giá trị, quy luật của cuộc sống cũng bị thay đổi bởi cơn lốc hãi hùng này. Ảnh minh họa Không đa cấp thì đừng yêu con gái Mọi chuyện bắt đầu từ khi người mẹ trong gia đình tham gia mạng kinh doanh đa cấp. Lúc đầu, người...