Siết hoạt động của công ty tài chính: Cần giám sát thực thi
Những quy định mới về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được cho là sẽ giúp lĩnh vực dịch vụ này phát triển bền vững hơn, song cần được giám sát một cách chặt chẽ và hợp lý để đảm bảo thực thi hiệu quả.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18/2019/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ 1/1/2020 với một số điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tỷ lệ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính sẽ giảm mạnh theo lộ trình, từ 70% hiện nay xuống chỉ còn 30% vào năm 2024. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 là 70%; từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022 là 60%; từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023 là 50%; từ ngày 1/1/2024 còn 30%.
Bên cạnh đó, Thông tư mới sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, công ty tài chính chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua.
Một điểm đáng chú ý tại Thông tư 18 là quy định yêu cầu hoạt động của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch. Trong đó, lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi sẽ được công khai. Công ty tài chính cũng phải trả lời khiếu nại của khách hàng.
Video đang HOT
Theo giải trình của Ban soạn thảo Thông tư, việc tách hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng (chủ yếu là các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hoá, bán hàng trả góp…) và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay để giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động cho vay tiêu dùng. Bởi thực trạng cho vay tiêu dùng của nhiều công ty tài chính tại Việt Nam khi giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thường có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Quang Tín cho rằng, quy định này sẽ đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh và hiệu quả hơn.
“Tuy nhiên, việc giải ngân trực tiếp hay gián tiếp không hẳn là điểm có tính quyết định, quan trọng nhất là các công ty tài chính trước khi cho vay phải thẩm định được khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Quản trị rủi ro là gốc rễ của vấn đề mà các công ty tài chính cần đặc biệt quan tâm để xây dựng quy trình phù hợp và hiệu quả”, ông Tín phân tích thêm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng BIDV, các nội dung mới tại Thông tư 18 vừa ban hành đã được NHNN lấy ý kiến của thị trường từ trước với lộ trình thực thi không quá gấp gáp. Mặt khác, các công ty tài chính cũng có sự chuẩn bị cần thiết cho lộ trình này nên việc thực thi từ năm 2020 không hẳn sẽ gây “sức ép”.
“Thực tế, hiện nhiều công ty tài chính đã hạn chế dần giải ngân trực tiếp. Tuy nhiên, cần tiếp tục giảm theo lộ trình, đến mức hoàn toàn không giải ngân trực tiếp cho khách vay”, ông Lực cho biết.
“Các nội dung khác tại quy định mới này về việc không giải ngân cho khách hàng còn nợ xấu tại CIC, không được đe dọa với khách vay nợ và các quy định cụ thể về số lần nhắc nợ đều rất cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, các quy định này không thể thực thi hiệu quả nếu thiếu hoạt động giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng”, ông Lực đánh giá.
NHNN cho biết, trong những năm gần đây, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Xuân Yến
Theo baodauthau.vn
Ngân hàng Nhà nước ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong 9 tháng đầu năm
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 1.009 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt 12,45 tỷ đồng.
Báo cáo về công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã thực hiện 1.009 cuộc thanh tra, kiểm tra và ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 920 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa ban hành kết luận trong kỳ trước chuyển sang).
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 6.603 kiến nghị, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt 12,45 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp dụng một số biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân nhằm kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động tại một số TCTD (trong đó chủ yếu là tại các quỹ tín dụng nhân dân).
Về công tác giám sát, trên cơ sở những sai phạm, rủi ro phát hiện qua công tác giám sát, trong 9 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khoảng 200 văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, cảnh báo rủi ro, yêu cầu TCTD chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh.
Ngân hàng Nhà nước liên tục có những văn bản chấn chỉnh hoạt động các TCTD
Riêng đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thực hiện giám sát thường xuyên về tình hình tài chính và những vấn đề cần lưu ý đối với các công ty tài chính theo 2 nhóm: công ty tài chính hoạt động bình thường và công ty tài chính hoạt động yếu kém. Các nội dung giám sát bao gồm: huy động vốn, cho vay, chất lượng tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình thanh khoản, việc thực hiện các tỷ lệ an toàn trong hoạt động...
Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra đối với công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các công ty tài chính có tồn tại rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động nhằm kịp thời xử lý các tồn tại, sai phạm tại từng đơn vị;
Tiếp tục chỉ đạo các công ty tài chính tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành; đưa ra các kiến nghị, yêu cầu chỉnh sửa, khắc phục; đặc biệt đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công ty tài chính, tổng số tiền xử phạt là 320 triệu đồng
Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có công văn chỉ đạo TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống đối với các công ty tài chính tiêu dùng, chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty tài chính tiêu dùng;
Yêu cầu các TCTD, công ty tài chính tiêu dùng chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, thu nợ đảm bảo minh bạch, có chính sách lãi suất phù hợp, phương thức thu nợ đúng quy định pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo các định hướng, mục tiêu quản lý nhà nước nêu trên nhằm bảo đảm hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn cho mục đích tiêu dùng thực sự, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Linh Nhật
Theo Anninhthudo.vn
Công ty tài chính sẽ phải điều chỉnh hành vi thu nợ phản cảm thời gian qua Diện mạo ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng trong thời đại hiện nay đã có sự thay đổi khá nhiều nhờ công nghệ Không chỉ ngân hàng, công ty bảo hiểm mà các công ty dịch vụ tài chính khác cũng liên tục đầu tư vào nền tảng công nghệ số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới. Sự đầu...