Siết cho vay bất động sản để hạn chế sự tăng trưởng nóng
Những ngày qua, thị trường bất động sản đang “ nóng” với dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong đó cơ quan này dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% xuống còn 40%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Doanh nghiệp bất động sản lo lắng
Theo nội dung của dự thảo Thông tư 36, giới hạn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng giảm rất mạnh, từ 200% xuống còn 80%. Tương tự, giới hạn đối với ngân hàng hợp tác xã giảm từ 60% xuống chỉ còn 40%. Dự thảo thông tư cũng xếp “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” vào “Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” thay vì hệ số 150% như hiện nay.
Ngay lập tức, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản đã có những phản ứng khá mạnh xung quanh dự thảo này.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan và ban ngành, kiến nghị chưa nên sửa đổi thông tư 36.
Theo VNREA, thị trường bất động sản mới phục hồi, chỉ có một số dự án bất động sản tốt có thanh khoản cao, còn hầu hết nhiều dự án vẫn khó khăn. Nếu điều chỉnh Thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan. Như vậy, cả nền kinh tế sẽ bị tác động xấu.
Cũng theo lý giải của VNREA, bên cạnh việc góp phần tác động tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, bất động sản hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả. Việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp tốt hơn với quy định nâng cao vốn pháp định từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện dư nợ tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế ở mức hợp lý, khoảng 360.000 đến 380.000 tỷ đồng trên tổng số 4 triệu tỷ đồng (khoảng dưới 10%). Trong khi đó, thông thường dư nợ vào khoảng 15% mới cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế cho vay. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, nhất là tại các đô thị còn rất cao, các dự án vừa mới bắt đầu được hồi phục lại. Tại nhiều địa phương bất động sản còn khó khăn trong khi nguồn vốn chủ yếu cho thị trường hiện nay là tín dụng ngân hàng.
Với những lý do trên, VNREA đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không điều chỉnh Thông tư 36 để đảm bảo sự ổn định và phát triển của bất động sản.
Một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản cũng cho rằng, thị trường bất động sản bao giờ cũng có chu kỳ lên xuống, năm 2014-2015 thị trường mới bắt đầu đi lên và phải nhiều năm nữa thị trường mới xuất hiện bong bóng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân, nhu cầu đầu tư chính đáng của nhà đầu tư rất lớn. Vì vậy, không thể “phanh gấp” thị trường bằng cách siết chặt tín dụng bất động sản lại như dự thảo sửa đổi Thông tư 36.
Video đang HOT
Ảnh minh họa. (Nguồn: HDBank)
Hạn chế sự tăng trưởng nóng
Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhấn mạnh, việc giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% là động thái giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản đều là các khoản vay trung và dài hạn nên động thái này cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế sự tăng trưởng nóng của tín dụng chảy vào kênh bất động sản.
BVSC cũng đưa ra số liệu thống kê cho thấy dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 9/2015 dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng là 358.377 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015).
Chuyên gia BVSC đánh giá việc thu hẹp dòng chảy tín dụng có thể khiến lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này tăng nhẹ, thậm chí nhiều chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng, đặc biệt ở phân khúc trung, cao cấp, qua đó tác động xấu đến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đối với việc kéo tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn xuống còn 40% để siết lại tín dụng vào bất động sản ở thời điểm này là hợp lý.
Ông Hiếu lý giải, gần đây tín dụng đổ vào bất động sản đang tăng cao, không những thế lại có xu hướng tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam trên bình diện các con số thì tất cả các khía cạnh từ tăng trưởng, lạm phát… đều tốt nhưng nội lực thực chất của nền kinh tế nước ta hiện nay chưa được như vậy. Nếu không chặn lại sẽ rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản.
Về phía mình, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc điều chỉnh chính sách nói trên không mang ý nghĩa về động thái “nới lỏng” hay “siết chặt” vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Đây chỉ là một thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản trong việc tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay.
Cũng theo đại diện ngân hàng nhà nước, chính sách tiền tệ không phải là biện pháp duy nhất để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Hiện nay, khi thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, đã thu hút được các nguồn vốn khác tốt hơn, nguồn tín dụng đã hoàn tất vai trò “vốn mồi” của mình. Vì vậy, cần có chính sách để hạn chế dần nguồn vốn này và gia tăng các nguồn vốn khác vào.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, sau đó sẽ nghiên cứu tỷ lệ tăng, giảm cho phù hợp nhằm tránh những tác động không đáng có đối với thị trường./.
Theo VietNamPlus
'Con số thì đẹp nhưng nền kinh tế hiện không được như thế đâu!'
'Mặc dù các con số báo cáo thống kê thì đẹp nhưng thực chất của nền kinh tế Việt Nam hiện không được như những con số đó đâu', TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Trao đổi với báo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, việc siết tín dụng vào bất động sản là việc cần làm ở thời điểm này.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng vào bất động sản đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở góc nhìn của mình, ông có đồng thuận với nội dung sửa đổi này không?
Đối với 2 điều khoản tác động nhiều nhất tới bất động sản là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị kéo xuống từ 60% còn 40%; nó sẽ siết lại tín dụng nói chung chứ không chỉ bất động sản. Nó sẽ kéo hoạt động cho vay xuống.
Cá nhân tôi thì đồng ý với việc kéo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống, thậm chí nên kéo về mức 30% như trước đây.
Đối với quy định về hệ số rủi ro đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản tăng từ 150% lên tới 250% tôi cũng đồng ý.
Tín dụng bất động sản thời gian gần đây đang tăng trưởng rất mạnh, thị trường trong năm 2015 cũng khá tốt, liệu rằng việc siết tín dụng thời điểm này có thực sự cần thiết và có hợp lý hay không, thưa ông?
Đối với việc kéo tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn xuống còn 40% tôi cho là hợp lý và với hệ số rủi ro tăng cao lên 250% để siết lại tín dụng vào bất động sản tôi cũng đồng ý.
Bởi vì, gần đây, tín dụng đổ vào bất động sản nhiều quá, không những thế lại có xu hướng tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam trên bình diện các con số thì tất cả các khía cạnh từ tăng trưởng, lạm phát... đều tốt cả nhưng theo tôi thấy nội lực thực chất của nền kinh tế nước ta hiện nay không tốt đến vậy.
Điển hình là việc số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vẫn còn khá lớn và có xu hướng tăng chứ không giảm, trong những năm qua hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng.
Một yếu tố nữa chính là hiện nay, việc giá dầu sụt giảm ghê gớm trong nhiều tháng qua đã và sẽ có tác động rất mạnh tới các nền kinh tế của khu vực, châu lục và cả trên thế giới trong đó có cả Việt Nam.
Chính vì thế, mặc dù các con số báo cáo thống kê thì đẹp nhưng thực chất của nền kinh tế Việt Nam hiện không được như những con số đó đâu.
Chính vì thế, với một nền kinh tế như vậy, trong thời gian dài vừa qua, các ngân hàng đổ tiền vào bất động sản rất nhiều, nếu không chặn lại sẽ rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản.
Bởi vì những anh kinh doanh bất động sản nếu có vay được tiền nhiều sẽ đẩy mạnh việc mua bán bất động sản và đẩy giá lên và cứ thế giá bị đẩy lên tới cái mức như ngày xưa sẽ tạo thành bong bóng, khi đó sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
Hiện nội dung sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, tuy nhiên giả sử trong trường hợp quy định này được thông qua, theo ông đối với riêng bất động sản thì nên siết chung hay tùy phân khúc?
Hiện thị trường bất động sản thời gian qua khá sôi động ở phân khúc cao cấp và đây chính là rủi ro cho nền kinh tế. Những người có đủ tiền để mua bất động sản cao cấp ở Việt Nam thực ra không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay được, thế nhưng mà tại sao gần đây bất động sản cao cấp lại nóng đến như vậy?
Bởi vì chủ yếu là những tay đầu cơ và những nhà kinh doanh bất động sản, họ lại trở lại cái bài toán trước đây, nhìn thấy triển vọng tốt, rồi TPP, hội nhập này kia, họ mong muốn là Việt kiều sẽ đổ về nước để mua nhà ở cao cấp... thành ra họ đầu tư nhiều vào phân khúc nhà ở cao cấp và đây là rủi ro rất lớn.
Mặc dù thị trường bất động sản nói chung thì đâu đó đã chững lại vào cuối năm 2015 nhưng bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng thì lại nở rộ.
Theo tôi, động thái siết tín dụng vào bất động sản của các ngân hàng thông qua việc sửa đổi Thông tư 36 tôi cho là hợp lý vào thời điểm này.
Nhìn vào bối cảnh hiện nay của thị trường bất động sản, nếu siết tín dụng lại chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Liệu rằng có nên siết tất cả hay nên để mở cho một phân khúc bất động sản nào đó không, thưa ông?
Tôi đồng ý với việc siết tín dụng vào bất động sản tuy nhiên không nên siết tín dụng vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nghèo... kể cả nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội.
Chúng ta nên có những biện pháp để tiếp tục nâng đỡ thị trường đó.
Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế của một quốc gia thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình, trong đó Việt Nam còn ở top cuối của nhóm trung bình. Chúng ta mới thoát được ngưỡng nghèo thôi, GDP đầu người hiện cũng chỉ ở mức đâu đó khoảng từ 2.000 - 2.500USD/người/năm.
Thành ra, nền kinh tế của mình vẫn cần một bệ đỡ từ bất động sản nhưng đó không phải là bất động sản cao cấp.
Cần thiết phải tập trung phát triển loại hình nhà ở này để vừa đạt được mục tiêu kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, vừa đạt được mục tiêu an sinh xã hội, giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người nghèo, đây là một trong những nhu cầu có thể nói là bức xúc nhất ở Việt Nam hiện nay.
Chúng ta cần phải hỗ trợ khu vực này, theo tôi Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khu vực này, có thể đưa ra một hạn mức nào đó, hoặc giảm hệ số rủi ro xuống thấp hơn một chút, kể cả hỗ trợ về lãi suất nữa...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bizlive
Sửa đổi Thông tư 36 sẽ tác động không tích cực đến cổ phiếu BĐS trong dài hạn Ngân hàng nhà nước lấy ý kiến các tổ chức cá nhân về Dự thảo thông tư về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/20114/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong các điểm đáng chú ý...