Siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân…
Sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại
Báo cáo Chính phủ nhận định: Tham nhũng đang được kiềm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học ( Phú Yên) nhận định, đây là một kết quả thể hiện tính khách quan, nhìn nhận, đánh giá không chỉ trong nước chúng ta đánh giá mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như vậy.
ĐB Học nêu rõ: Với sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai, phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ từ thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh: quochoi.vn.
“Tôi cho rằng, khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả”, ĐB Học nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi đã góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mới chủ yếu tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.
Video đang HOT
“Mặc dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình”, ĐB Trần Hồng Hà nói.
ĐB Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, cần phải kiên quyết xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. “Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung này. Đề nghị Chính phủ nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên”, ĐB Hà kiến nghị.
Xây dựng phẩm chất đạo đức cán bộ là quan trọng hàng đầu
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng chỉ ra: Qua nội dung báo cáo của Chính phủ, có cơ quan chịu trách nhiệm chính về phòng, chống tham nhũng vẫn xảy ra tham nhũng. Dẫn lời của cử tri qua các buổi tiếp xúc “muốn xin vào làm việc chỗ này, chỗ kia, lên chức này, chức kia, được việc này, việc khác cho nhanh đều có “giá” cả”, ĐB Minh Sơn cho rằng, đây là thách thức lớn đối với Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
ĐB Sơn phân tích: Tham nhũng là con người, người có chức, có quyền. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được. Nhưng không phải ai có chức, có quyền cũng tham nhũng, nên chức quyền dù to hay nhỏ, cao hay thấp chỉ là điều kiện, còn lương tâm, phẩm chất đạo đức con người là cái quyết định. Vì vậy, muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức người cán bộ là quan trọng hàng đầu.
Đề cập đến báo cáo của Chính phủ về tặng quà và nộp lại quà tặng, ĐB Lê Minh Sơn tỏ ra băn khoăn, con số địa phương được nêu tên ở đây chỉ có 9 tỉnh, tỉnh ít nhất có một người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị 451,5 triệu đồng. Vậy, các địa phương khác có tình trạng này không, hay không có ai tặng quà nên không có việc nộp lại quà tặng?./.
Thu Hằng
Theo Danviet
Tiêu cực, tham nhũng trong dự án chống thiên tai là tội ác
Tiếp theo các cuộc họp về phòng chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc, chủ trì cuộc họp hôm nay đối với khu vực miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu sử dụng đúng mục đích từng "đồng tiền hạt gạo" của người dân, chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án phòng chống thiên tai này là tội ác.
Tại cuộc làm việc về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, các đại biểu đều nhất trí đánh giá tình hình diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng; cho rằng bên cạnh các giải pháp trước mắt thì cần tính toán căn cơ, lâu dài, tránh việc "ăn xổi ở thì".
Thủ tướng lưu ý, không để đầu tư chống sạt lở như '"ném đá ao bèo". (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Việc khơi thông các cửa sông bị bồi lấp cần xem xét tận dụng cát nạo vét như thế nào để đạt hiệu quả, như nghiên cứu sử dụng cát mặn cho xây dựng hay nghiên cứu lấy cát nạo vét được để bù vào những vị trí đang có diễn biến sạt lở trên cơ sở đánh giá kỹ tác động môi trường của việc "lấy của biển, trả về cho biển" này.
Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ để người dân hiểu, tạo đồng thuận xã hội khi vừa qua, có nhiều ý kiến dư luận về việc nhấn chìm này.
Cần nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, mời cả chuyên gia nước ngoài để đánh giá tình hình xâm thực, diễn biến sạt lở bờ biển, bồi lấp..., Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến. "Trước mắt, cần những giải pháp cấp bách, bảo vệ an toàn cho người dân. Khu vực nguy hiểm là phải di dời, tái định cư, dù có 1 hộ dân thì cũng phải làm".
Nghiên cứu, lập các dự án tổng thể bảo vệ bờ biển, qua đó, xác định lộ trình, nguồn lực, trong đó, tính toán cụ thể nguồn tư vốn ngân sách, từ vốn hỗ trợ nước ngoài, vốn từ doanh nghiệp để cân đối, có kế hoạch dài hạn, "chứ không phải mỗi lần như này Thủ tướng lại xử lý", Phó Thủ tướng phát biểu.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường bày tỏ, cần chọn các điểm sạt lở khẩn cấp để tập trung xử lý trước do nguồn lực có hạn, "không làm không được vì sạt lở đã đến dân". Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ trình dự án tổng thể về ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển vào cuối năm nay.
Nhấn mạnh ý nghĩa của các cuộc họp giải quyết vấn đề sạt lở đất cho các vùng ở miền Nam, miền Bắc trước đây và miền Trung hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, El Nino được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến nước ta, trước hết là các tỉnh miền Trung, cho nên Bộ NN&PTNT phải có chủ trương tích nước các hồ đập. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ về kế hoạch phát điện và tích nước cho mùa hạn sắp tới.
Nêu rõ vai trò của biển đối với sự phát triển, Thủ tướng cho biết, 60% GDP của nước ta là từ các tỉnh, thành phố có biển. "Cho nên, chúng ta sống chung với biển, tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển rất quan trọng". Các tỉnh miền Trung cần làm gương trong việc vận động nhân dân gìn giữ môi trường biển.
Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý, về lâu dài, Bộ NN&PTNT chủ trì đánh giá tổng thể căn bản tình trạng sạt lở bờ biển, sông, đưa ra các giải pháp chủ động gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. "Và từ đó các đồng chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và địa phương thích ứng, phòng chống và xử lý vấn đề môi trường" khi nhiều người dân vẫn chưa phải thấu hiểu và thực hành, áp dụng tốt mà còn bị động, lúng túng trong một số trường hợp, Thủ tướng nêu rõ. Dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy "hết đất chạy lên núi".
Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, vấn đề xã hội hóa nguồn lực cần đặt ra cho công tác xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp sông. Cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bao gồm vấn đề độ cao của kè, kè mềm, lấn biển, vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề đất đai, vấn đề nhấn chìm đất cát đào từ biển...
"Chúng ta quán triệt tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa, giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng. Cũng tinh thần 4 tại chỗ, các đồng chí phải chủ động hơn nữa trong quy hoạch, trong sử dụng, trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương mình", Thủ tướng nói và dẫn ví dụ, có địa phương làm khách sạn ở khu vực cách đây 5-7 năm là bãi bồi, bây giờ bị sạt lở, "các đồng chí phải thấy được chuyện này vì các đồng chí cấp phép xây dựng".
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Nhất trí cho rằng các biện pháp trước mắt phải gắn với lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu tổng thể, "thích ứng, nạo vét như nào, lồng ghép nguồn lực, phân kỳ đầu tư, tính toán lâu dài ra sao...". Cách làm là giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn liếng, xử lý thủ tục đầu tư, "chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ", Thủ tướng lưu ý.
"Ông nói công trình này cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai này là tội ác". Đồng tiền hạt gạo của người dân phải sử dụng đúng mục đích.
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ mà Thủ tướng quyết định cho các địa phương, xếp theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. "Không mặc áo quá đầu, liệu cơm gắp mắm trong vấn đề này".
Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, cần huy động xã hội hóa, các nguồn lực quốc tế, các nguồn vốn ODA.
Thủ tướng nêu rõ, các cửa sông phải được nạo vét để thông thủy, bảo đảm thuyền qua lại và cuộc sống của người dân, nhất là cửa sông có tàu thuyền đánh cá vào ra nhiều. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường huy động xã hội hóa để hạn chế việc sử dụng ngân sách.
Ngoài việc UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định, theo thứ tự ưu tiên, kết hợp dự án nạo vét với bù cát chống sạt lở, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn, có ý kiến về kỹ thuật để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng.
Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả, để làm sao một vài năm nữa, khi giải ngân xong, thì thấy tiền tiêu có hiệu quả, chứ không phải như "ném đá ao bèo".
Theo Chinhphu.vn
Xử lý tiêu cực, tham nhũng ở TP.HCM vẫn còn là 'giơ cao đánh khẽ' Theo đánh giá của UBND TP.HCM, hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ tại chính nơi xảy ra sai phạm dường như lại "bó tay" trước các dấu hiệu tiêu cực, công tác đấu tranh với tham nhũng chưa hiệu quả, xử lý tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là "giơ cao đánh khẽ". Ngày 14/10, UBND TP.HCM cho biết, dựa trên...