Siết chặt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng cho biết, sẽ xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Đó cũng là lý do các ngân hàng chạy đua thoái vốn gần đây, đáp ứng Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Agribank vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá khởi điểm là 18.130 đồng/cổ phần. Agribank sẽ thoái vốn cổ phần tại OCB qua phương thức đấu giá công khai, trường hợp không bán hết số lượng cổ phần sẽ thực hiện các bước kế tiếp theo quy định.
Trong khi đó, Vietcombank và VietinBank cũng đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, Vietcombank đã thoái sạch vốn cổ phần tại OCB sau nhiều lần đấu giá. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán đấu giá toàn bộ số cổ phần OCB còn lại với gần 1,48 triệu cổ phần, giá khởi điểm 18.876 đồng/cổ phần, thu về gần 27,9 tỷ đồng.
Ngoài OCB, Vietcombank đã thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Xi măng và Saigonbank. Vietcombank cũng đang thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank và MB. Tuy nhiên, việc thoái vốn cổ phần tại MB và Eximbank đang gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho Vietcombank được quyết định tỷ lệ thoái vốn tại Eximbank và MB. Do đó, Vietcombank không cần thoái hết vốn tại MB. Tuy nhiên, tại Eximbank, nhiều khả năng Vietcombank sẽ thoái hết vốn trong cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
VietinBank cũng vừa thông báo sẽ thoái sạch vốn khỏi Saigonbank. HĐQT VietinBank đã nhất trí thông qua chủ trương thoái toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Saigonbank. Giá chào bán và thời điểm đấu giá hiện chưa được công bố. Trước đó, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần (tương đương 5,48% vốn cổ phần) tại Saigonbank, giảm sở hữu xuống mức 4,91%.
Các ngân hàng thương mại đang liên tục chào bán cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tuân thủ Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019, nên thời gian còn lại không nhiều.
Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đánh giá, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể. Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, hiện sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp hiện nay.
Tỷ lệ cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn một ngân hàng, so với con số 19 ngân hàng cách đây 6 năm. Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trực tiếp, nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào việc tìm đối tác, nên thời điểm thoái vốn cũng cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước.
Video đang HOT
Theo Đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.
Theo Vân Linh
baodautu.vn
Big 4 NH đua tăng lãi suất huy động: Lãi suất cho vay sẽ tăng 1%?
Quý IV/2018, cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều "ông lớn" cũng vào cuộc. Dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 0,5%-1% trong năm tới 2019, điều mà các doanh nghiệp không hề mong muốn.
Thống kê cho thấy 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã tăng lãi suất, có cả kỳ hạn dài lẫn kỳ hạn ngắn, có ngân hàng tăng lãi suất đến 3 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
4 "ông lớn" ngân hàng nhập cuộc tăng lãi suất
Hiện lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng của các ngân hàng này đã tới 4,4 - 4,5%/năm, thay vì mức 4,1% duy trì một thời gian dài từ tháng 8 trở về trước; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6% lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm. Ở kỳ hạn dài lãi suất hiện là 6,6% - 6,9%/năm và mức cao nhất đang là 7%/năm.
Biểu lãi suất huy động tại Vietinbank
Nếu chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, Big 4 ngân hàng đã tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, đến 9 tháng
Sự biến động tăng lên của lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao so với đầu năm, với lãi suất của nhóm Big 4 thậm chí đã cao hơn ở nhiều ngân hàng tư nhân khác.
Biểu lãi suất huy động tại LienVietPostBank
Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn của khối NH Nhà nước đang cao hơn LienVietPostBank trong khi kỳ hạn dài thì đang xếp trên cả những cái tên như ACB hay Eximbank
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy mức lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang thấp hơn từ 0,6 đến gần 2% với các kỳ hạn tương ứng tại khối ngân hàng cổ phần. Con số thống kê cũng cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn dài được điều chỉnh mạnh tay hơn các kỳ hạn ngắn.
Theo nhận định từ công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động đã có sự gia tăng trên diện rộng và bắt đầu lan sang lãi suất cho vay, tuy nhiên mức tăng hiện nay vẫn tương đối hạn chế.
Bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô BVSC cho rằng, lãi suất tăng trên diện rộng và nhanh hơn là bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, thanh khoản ngân hàng cuối năm mang tính chất mùa vụ, cứ đến cuối năm sẽ có sự căng thẳng đôi chút, thanh khoản hơi thiếu 1 tý.
Thứ 2, các NHTM đang phải chuẩn bị đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có quy định "Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%"
Chính vì vậy, ngân hàng nào mà tỷ lệ này đang cao thì buộc phải tăng huy động kỳ hạn dài bằng công cụ lãi suất để hút tiền về. Từ đó sẽ đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)."
"Các NHTM phải tăng huy động trung và dài hạn thì mới có thể được phát triển tín dụng trong năm sau, nếu vi phạm tỷ lệ này coi như NHTM sẽ bị "trói tay, trói chân" không cho vay được" Bà Yến nhấn mạnh.
Cũng theo BVSC, các NH quốc doanh có thể thanh khoản không có vấn đề nhưng trước kỳ vọng về lạm phát tăng, cộng hưởng với động thái tăng lãi suất của khối NHTM cổ phần thì để giữ khách các 4 ông lớn cũng buộc phải tăng theo"
Lãi suất cho vay sẽ tăng, doanh nghiệp gặp khó?
Việc tăng lãi suất huy động đã phần nào tác động tới lãi suất cho vay trong thời gian gần đây. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tương đương cuối năm 2017. Trong khi lãi suất cho vay vừa được một số ngân hàng điều chỉnh thêm 0,2 - 1%, đưa lãi suất ngắn hạn dao động từ 7 - 9%/năm, còn lãi suất trung dài hạn từ 9 - 12,5%/năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, với hạn mức tín dụng 17% hiện nay, nhiều ngân hàng đã bị gần như kín "room" cho đến thời điểm này nên họ sẽ siết lại việc cho vay, bên cạnh việc chi phí đầu vào là lãi suất huy động tăng lên nên sẽ có tác động ít nhiều.
Ngoài ra, các chi phí hoạt động khác cũng tăng lên như các ngân hàng phải cải tổ hệ thống công nghệ thông tin, tăng lương để giữ nhân tài...làm nên áp lực cộng gộp lên lãi suất cho vay.
"Tôi đánh giá các áp lực này với lãi suất cho vay thậm chí còn lớn hơn cả lãi suất huy động. Ít nhất trong quý 4/2018 và quý 1/2019 tôi cho rằng thách thức để giảm được lãi suất cho vay là vô cùng khó" vị này chia sẻ.
Còn theo phân tích từ BVSC, mặt bằng lãi suất cho vay phần nào phụ thuộc vào chính sách điều hành của NHNN trong năm sau. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, xu hướng tăng là khó tránh khỏi. Theo tính toán của BVSC, mặt bằng lãi suất cho năm sau 2019 sẽ tăng khoảng 0,5% đến 1%. Tích cực thì sẽ chỉ tăng khoảng 0,5%
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, việc lãi suất có xu hướng tăng trong thời gian tới là điều không một doanh nghiệp nào mong muốn. Việc tăng lãi suất kéo theo là hàng ngàn mức tăng giá đi kèm không chỉ là chi phí lãi vay. Nếu không tính toán hợp lý, doanh nghiệp có thể dẫn tới thua lỗ thậm chí phải rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động kéo theo đó là áp lực tăng lãi suất co vay đó là quan hệ cung - cầu thị trường.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nắm được xu hướng lãi suất và từ đó đưa ra kế hoạch chiến lược tài chính phù hợp. Có như thế mới nâng cao được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì chỉ trông chờ vào xu hướng điều hành của NHNN.
Lê Thúy
Theo danviet.vn
Lãi suất đồng loạt tăng: Cảnh báo điều lo ngại nhất đang đến gần Lãi suất huy động tại một loạt ngân hàng tăng thời gian gần đây đang gây lo ngại cho nhiều DN. Lãi suất huy động tăng sẽ tác động đến lãi suất cho vay, gây rủi ro cho sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã tăng lãi suất huy động ở một số...