Siết chặt kiểm soát tải trọng, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 3 tháng đầu năm nay, mặc dù trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, các lực lượng đồng thời phải chống dịch, thêm vào đó tập trung nhiều ngày nghỉ Tết, như nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần (nghỉ 09 ngày) và Lễ hội Xuân diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông về cơ bản vẫn được bảo đảm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường Hồ Chí Minh kiểm tra giấy tờ đối với lái xe có hành vi vi phạm tải trọng xe. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN
Hàng chục nghìn phương tiện bị thu hồi phù hiệu vận tải
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, ngay từ đầu năm, công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã được các cơ quan, bộ, ngành chú trọng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022.
Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì triển khai 05 đoàn thanh tra, trong đó tập trung kiểm tra về các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm: công tác chuẩn bị và triển khai 03 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; kiểm tra, đánh giá, chứng nhận điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thực hiện Văn bản số 1439/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên đường thủy nội địa.
Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/3/2022, Thanh tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và các Sở Giao thông vận tải đã thực hiện trên 21,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính gần 13,9 nghìn vụ với số tiền xử phạt trên 86,3 tỷ đồng; tạm giữ 119 ô tô; đình chỉ hoạt động 04 bến thủy nội địa, 03 phương tiện thủy nội địa; giám sát 367 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 308 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Tính tới ngày 22/03/2022, hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận dữ liệu của khoảng 901 nghìn phương tiện. Quý I/2022, các Sở Giao thông vận tải đã thu hồi phù hiệu đối với 1.736 xe vi phạm. Bên cạnh đó, các Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.
Triển khai quyết liệt các giải pháp
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng Công an vẫn tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động xây dựng và triển khai 02 Kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” và chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông…
Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về phần đường, làn đường; chở hàng quá tải trọng… Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các quy định về lắp đặt hệ thống báo hiệu, thiết bị tại đường ngang trên tuyến đường sắt; kiểm tra các điểm thi công trên tuyến đường sắt; xử lý phương tiện giao thông đường sắt hết hạn kiểm định; xử lý phương tiện đường bộ vi phạm không đủ điều kiện nhưng đi vào làn thu phí điện tử không dừng (ETC); xe ô tô kinh doanh vận tải chưa đổi sang biển số nền màu vàng và không lắp đặt camera giám sát hành trình…
Trong quý I/2022, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý trên 614,7 nghìn trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 674,6 tỷ đồng, tước 57.764 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 105.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2021, xử lý giảm 238.306 trường hợp (chiếm 38,76%), tiền phạt giảm 153,9 tỷ đồng (chiếm 22,82%).
Riêng trên tuyến đường bộ, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 599,9 nghìn trường hợp, phạt tiền 654,3 tỷ đồng. Trong đó, có trên 40 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 6,69%); 311 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,05%); 115 nghìn trường hợp vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm (chiếm 19,17%).
Video đang HOT
Trên đường sắt, Cảnh sát giao thông xử lý 1.041 trường hợp, phạt tiền 497 triệu đồng. Trên đường thủy, xử lý 13.790 trường hợp, phạt tiền gần 20 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra các cấp đã ra quyết định khởi tố 965 vụ, 1.002 bị can, chuyển điều tra Quân đội 03 vụ, xử lý hành chính 199 vụ, không xử lý hành chính 15 vụ, đang điều tra 1.579 vụ. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 575 vụ, 597 bị can.
Lực lượng chức năng trong Quân đội đã kiểm tra được gần 2.100 lượt xe ô tô quân sự hoạt động ngoài doanh trại, chấn chỉnh, xử lý 52 lượt xe (chiếm 2,49%) chưa chấp hành tốt các quy định của Quân đội về sử dụng phương tiện quân sự khi tham gia giao thông. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông xử lý 73 trường hợp xe ô tô quân sự vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (vi phạm tín hiệu đèn, đi sai làn đường và tốc độ khi tham gia giao thông).
Siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 3 tháng đầu năm, đó là công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Để tăng cường công tác này, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện và đạt được kết quả cao.
Trên lĩnh vực đường bộ, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 10.672 xe, trong đó có 1.668 xe vi phạm, tước 285 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 7,95 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý 14.547 trường hợp (2,17%) chở quá trọng tải hàng hóa.
Trên lĩnh vực hàng hải, các đơn vị chức năng của Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì thực hiện 236 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng và phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện 02 cuộc kiểm tra tải trọng.
Lĩnh vực đường sắt, các đơn vị chức năng ngành đường sắt đã tổ chức 05 lượt cân kiểm tra tải trọng toa xe (với 129 toa xe được cân), qua kiểm tra không phát hiện các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc trong 3 tháng đầu năm cơ bản được đảm bảo, số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, giảm 662 vụ (19,33%), giảm 67 người chết (3,84%) và giảm 739 người bị thương (29,80%).
Nhìn lại năm 2021: Thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tải trọng phương tiện
Năm 2021, công tác quản lý các điều kiện về an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải được thực hiện chặt chẽ.
Bộ Giao thông vận tải đã chủ động, kịp thời phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông vận tải an toàn, thích ứng với các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QRCode, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong điều kiện vẫn bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19.
Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải
Cân tải trọng xe tải chở nguyên vật liệu tại Quốc lộ 24C, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm qua, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, nhất là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn, lượng hành khách sụt giảm, bên cạnh đó, doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để trang bị các thiết bị phòng, chống dịch cho hành khách, lái, phụ xe, lái tàu, phi công..., và tại các cảng hàng không, bến xe, nhà ga. Tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa cho các phương tiện đi, đến hoặc đi qua khu vực, địa bàn thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch cho 5 lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải, gồm: đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, đường thủy nội địa và hàng hải để các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương thống nhất áp dụng trên toàn quốc; đồng thời, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công an đã trực tiếp và chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông ban hành 4 kế hoạch, 1 phương án, 15 điện cùng nhiều công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh để phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong năm qua, Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tại 2.962 chốt, với 4.734 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, khoảng 5.000 chốt, với hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia các chốt tại cơ sở để phân luồng, hướng dẫn giao thông.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khi sử dụng phương tiện đưa, đón cán bộ, chiến sỹ và trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác đảm bảo kỹ thuật cho các xe tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là chiến dịch tăng cường xe cứu thương, xe vận chuyển quân và trang thiết bị y tế cho các tỉnh phía Nam. Đến nay, Quân đội đã điều động 7.255 xe ô tô các loại cho công tác phòng, chống dịch, trong đó có 1.741 xe con, 1.433 xe ca, 3.207 xe vận tải, 729 xe cứu thương và xe xét nghiệm, 145 xe chuyên dùng khác.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải đã kịp thời giải quyết các vướng mắc về công tác vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19; thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, 63 địa phương về công tác vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch; phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất các phương án phối hợp đảm bảo vận chuyển người, thuốc men, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra và xử lý ngay các tồn tại bất cập về vận tải và tổ chức giao thông phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng mã QRcode để tổ chức "luồng xanh" vận tải hàng hóa trên đường bộ và đường thủy nội địa. Bộ cũng thành lập 4 tổ kiểm tra hiện trường trực tiếp theo dõi hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không tại các chốt kiểm soát dịch, trên các tuyến quốc lộ, cảng biển, bến thủy nội địa, đầu mối hàng hóa tại 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tập trung phối hợp ngay với lực lượng chức năng của địa phương để xử lý các điểm ùn tắc.
Gỡ vướng trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện
Theo quy định tại Nghị định 100/20219/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trước ngày 1/1/2022, tất cả các xe đăng ký kinh doanh dịch vụ phải đổi biển số sang biển nền màu vàng. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đổi biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen cho xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải. Tính đến ngày 14/12/2021, toàn quốc đăng ký mới 428,8 nghìn xe ô tô, 2,5 triệu xe mô tô, 140,5 nghìn xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký là 5,2 triệu ô tô, 68,3 triệu mô tô và 1,76 triệu xe máy điện.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đưa vào cảnh báo các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phương tiện liên quan đến các vụ án; tiếp tục thực hiện công khai thông tin phương tiện vi phạm hành chính thông qua đường dây nóng và trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam; duy trì việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm phương tiện thông qua mạng kiểm định và qua hệ thống Camera giám sát trực tuyến.
Trong năm 2021, số lượt phương tiện đường bộ vào kiểm định là 4,45 triệu lượt; trong đó hơn 4 triệu lượt phương tiện kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và 393,6 nghìn lượt phương tiện kiểm định không đạt tiêu chuẩn ở lần kiểm định thứ nhất. Số lượng phương tiện thủy nội địa được kiểm tra giám sát kỹ thuật là 33,4 nghìn lượt; lĩnh vực tàu biển là 1,5 nghìn lượt tàu; lĩnh vực đường sắt có 4.009 phương tiện được đăng kiểm.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn công tác kiểm định xe ô tô quân sự cho 18 cán bộ, nhân viên các trung tâm, trạm kiểm định (100% khá, giỏi, trong đó có 39,9% giỏi). Thực hiện nghiêm công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô quân sự, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và xe làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Trong năm qua đã kiểm định được 44,5 nghìn lượt xe, số lượt xe đạt yêu cầu là 43,6 nghìn xe (98,01%).
Nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Để tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thử nghiệm lắp đặt và lập hồ sơ chứng nhận hợp quy thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe theo quy định tại QCVN: 105:2020/BGTVT; thí điểm lắp đặt thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin học lái xe) theo QCVN:106:2020/BGTVT tại các Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Bộ cũng xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sớm triển khai áp dụng nội dung sát hạch bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong năm 2021, các đơn vị chức năng đã cấp 498 nghìn giấy phép lái xe ô tô, gần 624,6 nghìn giấy phép lái xe mô tô; thực hiện cấp 2.124 giấy phép lái xe quốc tế.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các cơ sở đào tạo lái xe trong toàn quân thực hiện nghiêm công tác đào tạo, kiểm tra, giám sát, sát hạch cấp 1.919 giấy phép lái xe ô tô quân sự. Cấp, đổi 9.161 giấy phép lái xe ô tô quân sự, 843 giấy phép lái xe mô tô quân sự cho các đơn vị đảm bảo chất lượng, đúng quy định.
Nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo thuyền viên, người lái, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đánh giá ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra về đáp án theo nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; triển khai thực hiện bộ phận một cửa điện tử đối với lĩnh vực đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Tính đến hết tháng 11/2021, tổng số giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn được cấp là 453 nghìn chiếc; trong đó, 11 tháng năm 2021, cấp được 7.250 chiếc.
Đối với lĩnh vực đường sắt, lực lượng chức năng đã tổ chức sát hạch cấp mới, cấp lại 67 giấy phép lái tàu. Lĩnh vực hàng không dân dụng, trong năm 2021, đã cấp phép cho 2.561 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bay.
Thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tải trọng phương tiện
Lực lượng liên ngành tỉnh Tuyên Quang kiểm tra trọng tải xe chở hàng. Ảnh: Quang Cường/TTXVN
Năm 2021, để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg và Chỉ thị số 03/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe; phối hợp giữa các đơn vị để trao đổi thông tin, xử lý các phương tiện có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, cơi nới, thay đổi kết cấu, đặc biệt là tình trạng hoán cải container thành thùng xe để chở hàng quá tải.
Thanh tra các Sở Giao thông vận tải và công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, cân xách tay tiến hành kiểm tra 73,9 nghìn xe, trong đó phát hiện 9,2 nghìn xe vi phạm về tải trọng, tước 2,78 nghìn giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 85,44 tỷ đồng.
Thanh tra hàng hải - Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức thanh tra một số cảng biển tại khu vực Đà Nẵng và phát hiện 20 xe ô tô xếp hàng vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, tiến hành thủ tục xử phạt vi phạm hành chính 40,5 triệu đồng. Ngoài ra, các Cảng vụ hàng hải đã chủ trì thực hiện trên 1.000 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải thực hiện 15 cuộc kiểm tra tải trọng, phát hiện 5 lượt phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép tham gia giao thông, chuyển Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt các phương tiện này với số tiền 32 triệu đồng.
Các đơn vị chức năng ngành đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm; theo đó, các đơn vị đã tổ chức 31 lượt cân kiểm tra tải trọng toa xe (với 506 toa xe được cân), qua kiểm tra không phát hiện các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện.
Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý trên 90,4 nghìn trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng phương tiện (chiếm 3,18% các hành vi vi phạm).
CSGT không gọi điện, nhắn tin thông báo phạt nguội Đặc thù của việc ghi hình phạt nguội người vi phạm trật tự an toàn giao thông phải qua nhiều giai đoạn, từ ghi hình, trích xuất camera, xác định lỗi vi phạm, gửi thông báo... nên không có chuyện CSGT gọi điện, nhắn tin cho người vi phạm thông báo bị phạt nguội. Đây là hình thức lừa đảo của các đối...