Siết chặt hoạt động xe khách trước mùa tuyển sinh ĐH-CĐ
Còn chưa đầy nửa tháng nữa, kỳ thi đại học sẽ diễn ra. Như những năm trước đó, Hà Nội sẽ đón hàng vạn thí sinh. Ngay từ lúc này, các khâu đảm bảo ATGT cho một kỳ thi an toàn đã được Phòng CSGT CATP Hà Nội đẩy mạnh triển khai, trong đó có việc xử nghiêm vi phạm rượu, bia và xe khách.
CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý bia, rượu
Vi phạm tăng cao vì… Euro
12h trưa, trời nắng như đổ lửa. Dọc tuyến đường Phạm Hùng và Lê Đức Thọ thưa vắng người và phương tiện. Thiếu tá Nguyễn Chí Công – Đội phó đơn vị nhận định: “Thời tiết nắng thế này cộng với những trận bóng đá, chắc chắn vi phạm bia, rượu sẽ tăng cao hơn ngày thường”. Thiếu tá Công vừa dứt lời, Thượng sỹ Trương Xuân Hòa đã phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy đánh võng trên đường. Dừng xe, người thanh niên với khuôn mặt đỏ gay, hơi thở nặng mùi bia, rượu khật khừ: “Em mới uống có… 2 chai “ken” thôi. Em không sao, các anh cho em về cơ quan”. Trước thái độ cương quyết của tổ công tác, nam thanh niên tên là Ngô Văn Hùng ở Hưng Yên phải chấp hành đo nồng độ cồn. Qua máy đo, vi phạm về nồng độ cồn của Hùng vượt mức 2 lần cho phép.
Trước khi ký vào biên bản, Hùng “đổ lỗi” cho vi phạm của mình vì… Euro. “Bình thường em cũng ít uống bia nhưng trưa nay em cùng mấy đồng nghiệp trong cơ quan có đi liên hoan sau khi đội tuyển Italia thắng Anh” – Hùng nói.
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ – Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho hay, ngoài mô tô, xe máy, một phương tiện trong dịp này được đơn vị siết chặt khâu kiểm tra vi phạm rượu, bia chính là xe khách.
Dọn đường cho kỳ thi đại học
Video đang HOT
Trung tá Đinh Thanh Thảo – Đội trưởng Đội Khám nghiệm, điều tra TNGT, Phòng CSGT cho biết, công tác kiểm tra vi phạm về rượu, bia được đơn vị triển khai thường xuyên. Đặc biệt, chuyên đề này được tăng cường trong mùa hè, nhất là khi Euro đang diễn ra. Theo khảo sát của đơn vị, mặc dù đã có quy định cấm cán bộ công nhân viên chức không được uống bia buổi trưa trong ngày làm việc nhưng vi phạm này vẫn chiếm đa số. Không chỉ phòng ngừa tai nạn do rượu, bia, để đảm bảo ATGT trong kỳ thi đại học sắp diễn ra, hiện Phòng CSGT còn đang tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tất cả những hành vi vi phạm có liên quan đến xe khách.
Thống kê sơ bộ của Phòng CSGT trong 2 ngày (25 và 26-6) thực hiện cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 216 trường hợp vi phạm, trong đó xe ô tô khách 81 trường hợp. Trung tá Nguyễn Hồng Thái – Đội trưởng Đội CSGT số 4 thông tin: “Các tổ tuần tra lưu động của đơn vị liên tục hoạt động, phối hợp cùng ban quản lý các bến xe nhận diện, xử lý và đình chỉ xe khách vi phạm”.
Trung tá Phạm Văn Hậu – Phó Trưởng phòng CSGT đánh giá, xác định từ nay cho đến khi kết thúc kỳ thi đại học, cao đẳng, lưu lượng hành khách đi lại bằng các phương tiện công cộng trong đó có xe khách sẽ rất lớn. Do vậy, hiện không riêng gì Đội CSGT số 4, toàn bộ các đội nghiệp vụ của Phòng CSGT khu vực nội thành và các đội phụ trách tuyến quốc lộ ở cửa ngõ Thủ đô đều thành lập tổ công tác triển khai xử lý chuyên đề này.
Biện pháp được các đơn vị áp dụng đó là đo nồng độ cồn của lái xe ngay sau khi xuất bến. Nếu lái xe nào có nồng độ cồn vượt ngưỡng so với quy định, CSGT phối hợp với bến xe giữ xe khách vi phạm hoặc bắt buộc lái xe phải chuyển toàn bộ hành khách sang xe khác. Bên cạnh lỗi về bia, rượu và dừng đỗ, Phòng CSGT cũng chỉ đạo lực lượng CSGT kiểm tra kỹ đối với xe khách nào chở quá số người quy định. Cũng theo Trung tá Hậu, để phòng ngừa cháy nổ và tai nạn, CSGT sẽ kiểm tra chặt chẽ các khâu đảm bảo an toàn kỹ thuật và bằng lái, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 96 trường ĐH và CĐ. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi các trường trên địa bàn Hà Nội khoảng hơn 520.000 thí sinh.
Theo ANTD
Bát nháo biển báo giao thông
Hiện trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm tuyến đường lớn, nhỏ và dĩ nhiên biển báo giao thông được các cơ quan chức năng lắp đặt khắp nơi. Tuy nhiên, do việc lắp đặt còn thiếu khoa học nên không ít biển báo đang gây rắc rối cho người đi đường.
Biển cấm tại điểm giao cắt Lê Văn Lương - Láng Hạ khiến không ít người bị lĩnh vé phạt
Biển cấm mập mờ
Anh Nguyễn Xuân Hùng, ở phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình phản ánh: "Tuần trước, tôi lái xe từ phố Tràng Thi, đến ngã tư Cửa Nam - Hàng Bông, vừa bật đèn xi nhan rẽ sang phố Cửa Nam thì bất ngờ bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Sau khi xuất trình giấy tờ, anh CSGT cho biết tôi mắc lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo, vạch kẻ đường". Mức phạt cho lỗi này là từ 300.000 - 500.000 đồng. Nếu không phải là người thường xuyên lái xe qua đây khó ai biết được đây là đoạn ngã tư cấm các phương tiện rẽ trái...".
Lý giải cho sự bất hợp lý này, anh Hùng cho rằng, cột biển cấm rẽ trái được đặt tại góc vườn hoa ngã ba Tràng Thi - Thợ Nhuộm - ngõ Cấm Chỉ. Nếu người điều khiển phương tiện lái xe đi từ phía Tràng Thi hoặc Thợ Nhuộm ra ngã tư này sẽ không thể nhìn thấy cột biển báo vì mải tập trung quan sát các phương tiện khác. Để có thể đi vào phố Cửa Nam, người điều khiển phương tiện phải rẽ sang ngõ Cấm Chỉ và quay đầu vào phố Hàng Bông mới có thể đi thẳng sang phố Cửa Nam. Điều này là không cần thiết và bất hợp lý.
Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương, đoạn ngã tư giao nhau giữa Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, có tấm biển cấm rẽ trái và đi thẳng. Điều này có nghĩa, nếu chủ phương tiện muốn từ Nguyễn Tri Phương đi về phía Lê Duẩn, Trần Phú sẽ phải rẽ phải, đi ngược lên về phía Hoàng Diệu và quay đầu tại đây. Việc này gây mất thời gian, bởi quãng đường tương đối xa. Chưa kể, đây là đoạn đường khá đông đúc vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, có mặt trên tuyến phố này, chúng tôi nhận thấy các lái xe taxi đã "lách luật" bằng cách rẽ phải vào phố Điện Biên Phủ, đi về phía Bảo tàng Quân đội Việt Nam. Khi đến cổng bảo tàng thì xi nhan xin đường và quay đầu xe. Do không có biển cấm nên các lái xe yên tâm quay đầu, chuyển làn và nhập vào dòng di chuyển về phía ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú. "Mặc dù việc quay đầu này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây cản trở các phương tiện lưu thông khác, nhưng thà như vậy còn hơn là phải đi một đoạn khá xa để sang Trần Phú. Ai chẳng muốn tuân thủ luật lệ giao thông, nhưng có điều kiện lái xe trên nhiều tuyến đường, tôi mới thấy nhiều biển báo cấm có cũng chẳng để làm gì...", anh Vũ Tiến Lợi, một lái xe taxi cho biết.
Thậm chí, trên nhiều tuyến đường một chiều như Phan Đình Phùng, đoạn giao cắt giữa Nguyễn Tri Phương - Cửa Bắc, đều không được phép rẽ phải dù dưới cột đèn tín hiệu không có biển cấm rẽ phải. Do vậy, mỗi khi không có lực lượng CSGT, người điều khiển phương tiện vẫn vô tư rẽ vào phố Phan Đình Phùng. Ngay như ngã tư Hùng Vương - Trần Phú, một tuyến đường khá thông thoáng, ít khi ùn tắc nhưng không phương tiện nào được phép rẽ phải hoặc rẽ trái khi dừng lại hai đầu của ngã tư.
Dễ dàng bị phạt
Khó có thể nhận biết biển cấm ô tô rẽ phải, rẽ trái tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh
- đê La Thành vì đã bị lùm cây che khuất
Có không ít tuyến phố cắm biển cấm một chiều trong khi đoạn đường chỉ dài vài chục mét, còn một số tuyến phố khác, đèn tín hiệu, phân luồng bất hợp lý, thậm chí không có biển cấm khiến nhiều người bị phạt, giữ phương tiện mà không biết mình mắc lỗi gì. Đơn cử như đoạn rẽ vào phố Cao Đạt, tại điểm giao cắt giữa phố Mai Hắc Đế - Lê Đại Hành có biển báo cấm ô tô trên trục đường chỉ khoảng 50 mét. Nếu người tham gia giao thông lưu thông vào ban ngày có thể nhận ra biển báo, còn vào ban đêm việc vi phạm rất dễ xảy ra. "Quy định xe ô tô chỉ được lưu thông hai chiều đến đoạn có biển cấm bắt buộc phương tiện phải rẽ phải vào phố Cao Đạt. Nhưng hướng đi Mai Hắc Đế rẽ ra phố Lê Đại Hành vẫn được lưu thông cả hai chiều, dẫn tới chỉ với một đoạn đường rất ngắn, nếu không để ý sẽ dẫn đến vi phạm", anh Vũ Lê Quang, người dân khu vực nói.
Đáng nói hơn, nhiều tuyến phố biển cấm còn nằm khuất sau biển quảng cáo, hay bị che khuất bởi tán cây. Ngay tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - đê La Thành phải rất khó khăn chúng tôi mới nhìn thấy biển cấm ô tô rẽ trái, rẽ phải vì đã bị tán cây che hết tầm nhìn. Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình kể lại: "Cách đây 2 tuần, vợ tôi chuyển dạ nên tôi phải đưa cô ấy đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội gấp. Do không biết ngã tư này có biển cấm rẽ trái, rẽ phải nên tôi đã lái xe đi thẳng hướng Văn Cao - Nguyễn Chí Thanh. Đến ngã tư, vừa bật xi nhan phải, CSGT đã ra hiệu lệnh dừng, buộc tôi phải đi thẳng qua ngã tư quay đầu lại đi ngược xuống Cầu Giấy, rồi quay ngược trở lại đê La Thành để tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội".
Tại ngã 3 đường Lê Văn Lương sang Láng Hạ, đoạn nối là cầu Hoà Mục, cũng có biển cấm ô tô rẽ trái. Điều này có nghĩa nếu lái xe đi ô tô từ Lê Văn Lương sang Láng Hạ mà đi ở làn bên trái, ngoài cùng nếu đi thẳng cũng sẽ bị phạt vì đi sai làn, đi vào làn dành cho các phương tiện rẽ trái. Ngược lại, nếu đi thẳng mà đỗ chờ đèn tín hiệu ở làn bên trái cũng bị phạt, vì đỗ ở làn dành cho các phương tiện rẽ trái, gây cản trở cho các phương tiện rẽ trái.
Anh Lê Trung Đức, nhân viên lái xe cho một công ty chuyên tổ chức các tour du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm than phiền: "Để được phép đi vào những tuyến phố cấm, nơi có địa điểm danh lam, thắng cảnh phục vụ khách du lịch thăm quan, chúng tôi phải mua vé ưu tiên giá 50.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, không ít vị khách du lịch người nước ngoài đã khá tò mò hỏi tôi tại sao có biển cấm mà ô tô vẫn được phép đi. Khi tôi giải thích, họ cảm thấy rất khó hiểu vì cho rằng nếu đã được phép đi vào những tuyến phố này thì phải có biển ưu tiên phía dưới để mọi người biết. Họ còn thầm thì to nhỏ rằng điều này chỉ xảy ra ở Việt Nam khiến tôi cảm thấy vừa tự ái vừa bực mình..."
Ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc công ty xây dựng, quận Long Biên: "Hiện công tác lắp đặt biển báo, trong đó có biển cấm dành cho mọi loại phương tiện giao thông không chỉ riêng ở Hà Nội mà ở nhiều nơi còn rất hạn chế, chưa khoa học, không theo quy chuẩn quốc tế. Điều này đã dẫn tới lộn xộn, gây khó khăn cho người đi đường. Phần lớn biển báo quá nhỏ và đặt trên lề đường bên phải là không hợp lý. Đặc biệt, khi xe ô tô con đi ở làn ngoài cùng bên trái, bị các xe tải, xe khách, xe container... đi ở làn bên phải che khuất tầm nhìn nên rất dễ bị phạm lỗi rẽ trái, quay đầu, đi sai làn đường... Đường sá ngày càng mở rộng nên có những biển báo chỉ sau một thời gian đã không còn phù hợp. Trong khi đó, công tác rà soát hệ thống biển báo bất hợp lý trên các tuyến đường lại chưa được các cơ quan chức năng phối hợp để có biện pháp khắc phục kịp thời, nên nhiều người đi đường bức xúc là điều dễ hiểu".
Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: "Để biển báo phù hợp với hệ thống giao thông phức tạp như hiện nay, trước mắt các cơ quan chức năng nên tiến hành rà soát, thay đổi, tổ chức lại hệ thống biển báo, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Luật Giao thông đường bộ cần quy định về vị trí biển báo trên cao. Cụ thể, những biển báo quan trọng cần phải được treo trên cao vừa tầm nhìn, ngang đường, kích cỡ chữ đủ lớn để có thể quan sát từ xa. Kích thước thông thường của biển báo là cao 1,5 - 2m, rộng từ 3 - 4m, chủ yếu là hình, biểu tượng, hạn chế chữ, trường hợp cần chữ thì chiều cao tối thiểu của chữ từ 2 - 3 cm, biển phải được đặt cách 100m trước điểm có hiệu lực để lái xe kịp xử lý.
Cần quy định cụ thể về số lượng biển báo, biển cấm trước khi đến mục tiêu cần báo, tạo sự chủ động cho người tham gia giao thông và định nghĩa lại các hình vẽ theo tập quán và thông lệ quốc tế. Có như vậy thì hệ thống giao thông Việt Nam mới có thể hòa chung vào dòng chảy của thế giới".
Không tuân thủ được thì "lách"
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay hệ thống biển báo giao thông ở các tuyến đường nội đô, đường quốc lộ còn nhiều điểm bất hợp lý, phần lớn do đơn vị thi công đường cắm biển sai trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý. Mới đây, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT nên điều chỉnh các biển báo bất hợp lý, tránh gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều tuyến đường đã phân cấp cho các quận, huyện quản lý nhưng do nhiều nơi, cán bộ quản lý đô thị, giao thông không đi khảo sát thực tế trước khi cho cắm biển cấm nên mới xảy ra không ít câu chuyện bi hài liên quan đến biển báo. Bên cạnh đó, hiện nhiều tuyến đường trong thành phố có những giao lộ nằm gần nhau nên việc gắn quá nhiều biển báo ở cùng vị trí đôi khi gây nhiễu thông tin, phản tác dụng, thậm chí khiến người dân buộc phải lách luật, ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông trên đường.
Theo ANTD
Nguy cơ "điểm đen" TNGT ở cầu cạn Thanh Trì Tại khu vực đường dẫn lên cầu cạn đi cầu Thanh Trì (đoạn đầu đường Nghiêm Xuân Yêm thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội) hướng đi về đường Khuất Duy Tiến hiện đang là "điểm đen" về TNGT. Chỉ tính từ tháng 9-2011 đến nay đã xảy 6 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 4 người... Hiện trường vụ TNGT tại...