Shophouse khu Đông Sài Gòn tăng giá gấp ba
Nhà phố thương mại mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch (quận 2) năm 2016 mở bán 19 – 25 tỷ đồng một căn, hiện giá thị trường 71 – 72 tỷ đồng.
Cách đây 3 năm, các căn nhà phố thương mại ( shophouse) tọa lạc trên tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch, quận 2 được chủ đầu tư mở bán lần đầu có giá xấp xỉ cả triệu USD một sản phẩm. Đây đã là mức giá khủng ghi nhận được trên thị trường sơ cấp tại tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch thời điểm đó.
Thế nhưng, đến quý IV/2018, giá những căn shophouse này được ghi nhận có giá mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp 71 – 72 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giá chào bán lần đầu.
Trong khi đó, các căn shophouse nằm ở tầng trệt một chung cư 8 block nằm dọc trên mặt tiền đường Mai Chí Thọ, quận 2, ghi nhận có tốc độ tăng giá gấp đôi trong vòng 4 năm. Cụ thể, tháng 10/2015 chủ đầu tư chào bán các căn shophouse lần đầu ra thị trường giá trên 4 tỷ đồng một căn diện tích 57 m2.
Do nhu cầu mua loại tài sản này khá nhiều, nhà đầu tư phải huy động người thân trong gia đình xếp hàng tranh mua mới có thể giành được một suất với tỷ lệ một chọi sáu. Đến tháng 8/2018, trong đợt mở bán những căn shophouse cuối cùng của dự án này ghi nhận tăng giá gấp đôi. Chủ đầu tư tung ra là 7,9 tỷ đồng một căn và cũng cháy hàng vì số lượng hạn chế.
Tại quận Thủ Đức, một dự án nằm trên Quốc lộ 13 chào các căn nhà phố thương mại (shophouse) nằm trên trục đường chính 30 – 35m, hiện nay có giá chào bán 13 – 14 tỷ đồng cho căn diện tích đất 100 m2. Mức giá này đã tăng gấp đôi so với năm 2017.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Cali Homes, Lê Hồng Thịnh cho biết, trong 2 – 3 năm gần đây, shophouse (căn hộ tầng trệt có chức năng thương mại của chung cư hoặc nhà phố thương mại trục đường huyết mạch trong dự án) tại phía Đông TP HCM đang có tốc độ tăng giá mạnh.
Video đang HOT
Dòng sản phẩm này trở nên thu hút giới đầu tư vì tính khan hiếm, chiếm tỷ lệ dưới 5% rổ hàng toàn dự án, lại dễ cho thuê làm mặt bằng kinh doanh. Đây là lý do vì sao khách hàng sẵn sàng bỏ ra mức chênh lệch gấp đôi thậm chí gấp ba lần giá gốc để mua lại những tài sản này.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, khi quyết định đầu tư vào shophouse, nhà đầu tư cần lưu ý khá nhiều khía cạnh để đảm bảo dòng vốn đạt hiệu quả với tỷ suất sinh lời cao. Với hình thức đầu tư cho thuê shophouse nằm trong khối đế căn hộ hoặc nhà phố thương mại dự án quy mô lớn, cần lưu ý lưu lượng khách cố định và vãng lai qua lại khu vực này như thế nào.
Ngoài việc kết nối được với hạ tầng nội khu, có kết nối được với hạ tầng ngoại khu hay không? Việc phân loại khách hàng theo thu nhập, tầng lớp, độ tuổi cũng vô cùng quan trọng đối với suất đầu tư.
Tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê trên tổng giá trị đầu tư cũng cần được cân nhắc kỹ. Hiện nay trên thị trường có không ít các shophouse có tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê chỉ đạt 1,5 – 2%. Đây là một tỷ lệ cực thấp trong khi tổng dòng vốn mua một shophouse là cực lớn.
Với nhà đầu tư mua để bán lại, cần tìm hiểu kỹ về tiềm năng sinh lợi trong nhiều năm về sau. Thực tế là một số sản phẩm shophouse sau nhiều lần đổi chủ, giá trị đã bị đẩy lên quá cao so với mức tiềm năng sinh lời. Và những trường hợp này người nắm giữ tài sản sẽ phải mất rất nhiều thời gian ôm hàng mới có thể bán được với mức giá kỳ vọng.
Ông Thịnh cho biết thêm, khi mua shophouse, nhà đầu tư cũng nên lưu ý về pháp lý của sản phẩm. Hình thức sở hữu và thời gian sở hữu cũng là yếu tố quyết định giá mua. Vì shophouse trong thời gian qua đã tạo nên xu hướng đầu tư mạnh mẽ, nên có một số tình huống sản phẩm mập mờ về pháp lý và bị đánh tráo khái niệm giữa bất động sản là nhà ở đơn thuần với shophouse.
Các nhân viên tư vấn cũng thường thổi phồng giá trị của sản phẩm so với thực tế. Vì vậy, trước khi quyết định chọn mặt gửi vàng, khách hàng nên tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng để đảm bảo suất đầu tư an toàn, đạt hiểu quả sinh lời như kỳ vọng.
Theo VnExpress
Luật Chứng khoán: Doanh nghiệp thích ứng hơn với thông lệ quốc tế
Sau hơn một thập kỷ, Luật Chứng khoán ra đời năm 2006 và sửa đổi năm 2011 đã phát huy tính hiệu quả và góp phần xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới Luật cần thiết phải sửa đổi những khung khổ pháp lý cho phù hợp đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy thị trường thực sự trở thành kênh đầu tư, huy động vốn dài hạn của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán sửa đổi dựa trên quan điểm quán triển chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đồng thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Tiếp cận với thông lệ quốc tế
Trước khi trình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất của năm 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Nhìn chung, Dự thảo Luật được đánh giá cao với những nghiên cứu kỹ lưỡng và nhiều điểm mới tích cực, nâng cao tính minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, những quy định tại Dự thảo có sự đồng bộ hơn với Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật đầu tư...
Cụ thể, quy định mới đã tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tách Giấy phép hoạt động với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty chứng khoán, tạo điều kiện cho Ủy ban thực thi các chế tài, như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép, thu hồi Giấy phép... Nhờ đó, tránh được tình trạng xử lý các thành viên thị trường vi phạm không dứt điểm như trước đây, do bị vướng các quy định liên quan đến thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp, giúp thanh lọc các thành viên tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam -VASB, Dự thảo lần này đã tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế, như IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) gắn niên yết, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng tự do) trong chào bán công khai, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ...
"Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời tạo tiền đề phát triển các sản phẩm mới phù hợp với thị trường thế giới," ông Kỳ nói.
Luật cần theo sát thị trường
Ngoài ra, các thành viên của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cũng có một số ý kiến đề xuất cho Luật sửa đổi. Để giải quyết các bất cập gắn IPO với niêm yết như mục tiêu đặt ra, Luật cần đồng nhất hóa khái niệm chào bán chứng khoán với niêm yết hoặc giao dịch UpCoM chứ không chỉ là quy định bắt buộc phải thực hiện sau đó.
Về quy định, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định trong trường hợp nắm giữ trên 51% vốn điều lệ trở lên. Song trong thực tế, tỷ lệ cổ phiếu khối ngoại nắm giữ thay đổi rất nhanh trong quá trình giao dịch (thậm chí ngay trong một phiên), do đó các nhà đầu tư cho rằng Luật cần thay đổi theo hướng "tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên ổn định trong 6 tháng hoặc 1 năm thì mới phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định."
Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường với những quyền lợi sát sườn đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp đa dạng. Đại diện Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Công Thương Việt Nam chỉ ra, Luật mới quy định "mức vốn điều lệ tối thiểu bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành." Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiêp trong việc chào bán cổ phiếu. Như, các doanh nghiệp chào bán chứng khoán qua phương thức đấu giá sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và số lượng nhà đầu tư mua, sở hữu cổ phiếu nhỏ hơn 1% vốn điều lệ sẽ không đáp ứng được yêu cầu như trên.
Hay, đại diện đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam có than phiền về trường hợp "công ty mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông thông qua," song ở một Tổng công ty lớn không dễ xác định được danh sách các cán bộ bán lại cổ phiếu ưu đãi vì việc này phát sinh khi cổ đông có yêu cầu.
Với quan điểm của một công ty đại chúng trên Sở giao dịch chứng khoán Thành thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đưa ra kiến nghị, Luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn về đối tượng nợ quá hạn, mức độ nợ quá hạn đối với trường hợp Công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình.
Ngoài ra, đại diện của Petrolimex cần phải giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, vì vậy Luật nên xem xét lại quy định cho phù hợp, có tính khả thi cao (tránh tăng thủ tục hành chính như thay đổi đăng ký kinh doanh do vốn điều lệ thay đổi khi mua cổ phiếu quỹ hoặc tái phát hành cổ phiếu quỹ).
Thêm vào đó, vị này cũng đề xuất tới Bộ Tài chính nên đưa ra các quy định cụ thể về nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình công ty đại chúng (xem xét đến các yếu tố về quy mô vốn/tài sản/doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động, tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo)./.
Theo vietnamplus.vn
Muốn huy động vốn, quản trị phải thay đổi trước tiên Từ kinh nghiệm tư vấn cho các khách hàng doanh nghiệp huy động vốn thành công, ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Khối Tài chính doanh nghiệp, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp huy động vốn thành công là phải thay đổi quản trị để kết quả kinh doanh...