Shipper tại TP.HCM vẫn phải xét nghiệm 3 ngày/lần
Lực lượng người giao hàng ( shipper) sẽ tiếp tục thực hiện test nhanh kháng nguyên theo mẫu gộp với tần suất 1-3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.
Tần suất xét nghiệm với shipper không thay đổi so với trước ngày 1-10.
Shipper hoạt động tại TP.HCM vẫn duy trì xét nghiệm 3 ngày/lần, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính trung thực của kết quả xét nghiệm. Trong ảnh: shipper giao hàng cho khách – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 7-10, các ứng dụng công nghệ Grab, Gojek thông báo đến lực lượng shipper về hướng dẫn xét nghiệm định kỳ của Sở Y tế đối với lực lượng shipper. Theo đó, shipper vẫn duy trì tần suất xét nghiệm 1-3 ngày/lần.
Dựa trên quy định mới này, shipper tại TPHCM sẽ vẫn phải xét nghiệm nhanh COVID-19 với tần suất không thay đổi so với trước ngày 1-10.
Ngoài kết quả xét nghiệm âm tính, các đối tác tài xế vẫn phải đảm bảo các yêu cầu bắt buộc như tiêm ít nhất mũi 1 vắc xin COVID-19, trang bị đầy đủ bộ nhận diện shipper, nằm trong danh sách đã được đăng ký với Sở Công thương TP.HCM.
Hiện Gojek tiếp tục hỗ trợ miễn phí hoàn toàn hoạt động xét nghiệm cho shipper của hãng trong giai đoạn này để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các đối tác tài xế.
Còn Grab sẽ hỗ trợ bộ xét nghiệm nhưng tài xế phải đáp ứng các tiêu chí như đạt 30 cuốc xe/tuần sẽ nhận 1 bộ xét nghiệm, đạt 60 cuốc/xe tuần tài xế nhận 2 bộ xét nghiệm.
Dù vậy, đại diện Gojek cho rằng yêu cầu xét nghiệm nhanh với tần suất liên tục với các shipper có thể không còn phù hợp với thực tiễn khi TP.HCM đã được nới lỏng, người dân có thể ra đường mà không cần kết quả xét nghiệm hoặc các loại giấy đi đường.
Việc duy trì xét nghiệm shipper vì thế làm hạn chế hiệu quả của chuỗi cung ứng thành phố và có thể gây lãng phí xã hội bởi tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1-2 mũi vắc xin.
Quy định yêu cầu xét nghiệm nhanh này cũng tạo áp lực cao về chi phí cho các shipper hoặc các doanh nghiệp có shipper quy mô lớn đang trang trải chi phí xét nghiệm cho các đối tác tài xế.
Video đang HOT
“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cân nhắc giãn tần suất xét nghiệm nhanh COVID-19 dựa trên cơ sở thực tiễn, các yếu tố dịch tễ và độ phủ của vắc xin”, đại diện Gojek đề xuất.
Trước đó, Sở Công thương TP.HCM đề nghị doanh nghiệp shipper phải báo cáo kết quả hoạt động hằng ngày gửi về cơ quan này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời.
Sở Công thương TP.HCM đề nghị các ứng dụng báo cáo trước 10h hàng ngày đối với kết quả hoạt động của ngày hôm trước. Nếu không báo cáo 2 ngày liên tục sẽ ngừng hiển thị thông tin shipper, đồng thời chuyển thông tin đến Công an TP để kiểm tra, xử lý hoạt động của các shipper khi lưu thông trên đường.
Shipper ở TP.HCM gánh nhiều áp lực
Chịu phí xét nghiệm cao, số lượng điểm test ít, phải thường di chuyển gấp đôi quãng đường vì chốt chặn, nhiều shipper đã tính chuyện ngưng chạy vì tiền thu vào không đủ bù chi ra.
Sau ngày đầu tiên thành phố ngừng xét nghiệm miễn phí cho các shipper, nhiều tài xế công nghệ bày tỏ việc gặp khó khi phải tìm nơi xét nghiệm dịch vụ, phí test cao,... Thậm chí, nhiều người phần vì chưa nắm hết các quy định mới, phần vì thấy quá nhiều trở ngại nên quyết định tắt app để đợi thêm thông tin từ ứng dụng và thành phố.
"Bây giờ nhiều quy định, thông tin về chuyện xét nghiệm quá nên tôi khá bối rối, cũng chưa nhận được thông báo mới của bên ứng dụng. Một số đồng nghiệp đã dừng chạy 1-2 ngày để chờ thêm thông tin, có khi tôi cũng phải vậy", tài xế Phan Hùng (quận 6) cho biết.
Bối rối vì nhiều quy định chồng chéo
Tại họp báo chiều 24/9, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết UBND TP có chỉ đạo giao cho shipper tự xét nghiệm. Mục đích là để giải quyết tình trạng các shipper xét nghiệm tại các trạm vẫn còn tập trung đông người.
Shipper sẽ được phát kit test Covid-19 miễn phí, sau đó tự xét nghiệm và chụp hình gửi về công ty để tải lên kho dữ liệu dùng chung. Sở Công Thương và các sở ngành sẽ kiểm tra, kiểm soát, nếu có vi phạm sẽ tắt app không cho hoạt động.
Trao đổi với Zing tối cùng ngày, tài xế Phan Hùng cho biết hiện tại hầu hết shipper hoạt động nhưng vẫn không biết sắp tới sẽ xét nghiệm thế nào, ở đâu. Shipper này cũng chia sẻ vừa nghe đồng nghiệp nói rằng từ mai tài xế được phát bộ kit test nhanh để xét nghiệm tại nhà, song ông vẫn chưa nhận được thông báo từ ứng dụng.
"Quy định đổi liên tục, tôi không theo kịp. Hôm nay đi test dịch vụ cũng gặp trở ngại lắm, nhiều nơi báo nhận xét nghiệm nhưng đến nơi thì đóng cửa, tôi phải chạy mấy vòng mới có chỗ đồng ý", ông Hùng chia sẻ.
Trường hợp của shipper Vũ Ngọc Hải (quận Bình Thạnh) cũng không khác là bao. Anh cho biết khi các ứng dụng công nghệ phải tự xét nghiệm Covid-19, anh đăng ký test tại một cơ sở đã liên kết với công ty trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp).
Tuy nhiên từ sáng sớm 24/9, anh Hải và hàng chục shipper khác đến địa điểm đợi test thì nhận được thông báo dịch vụ tại đây chưa hoạt động.
"Xếp hàng từ lúc hơn 4h30 cho đến gần 7h người ta mới ra thông báo là điểm test này chưa hoạt động. Nhiều anh em nghe vậy thì bỏ về luôn vì giờ không biết kiếm nơi nào cho xét nghiệm, mà vào làm xong chắc đến trưa mất", anh Ngọc Hải chia sẻ.
Shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm từ tờ mờ sáng. Ảnh: Duy Hiệu.
Tài xế này sau đó phải đến một bệnh viện ở quận Phú Nhuận để xét nghiệm dịch vụ. Anh cho biết giá dịch vụ test nhanh Covid-19 là khoảng 250.000 đồng nếu xét nghiệm riêng từng mẫu. Anh và hầu hết shipper đều chọn xét nghiệm mẫu gộp 3 với mức 150.000 đồng/người để tiết kiệm.
Tương tự, anh Phương Quỳnh (quận 11) cũng cho biết khá hoang mang vào ngày đầu tiên các ứng dụng công nghệ tự tổ chức xét nghiệm cho tài xế. Anh Quỳnh được nhiều đồng nghiệp nhắn tin hẹn cùng xét nghiệm mẫu gộp.
Tuy nhiên, sau đó nhiều shipper khác thông tin rằng các chốt kiểm dịch chỉ chấp nhận mã QR từ phía doanh nghiệp cập nhật lên Sở Công Thương, kết quả tự xét nghiệm của các tài xế có thể không được thông qua. Song anh Quỳnh vẫn quyết định thực hiện test gộp để được hoạt động.
"Tự test đã thấy tốn tiền rồi, bên ứng dụng nói hỗ trợ cũng chưa nghe gì, bây giờ test xong còn nơm nớp lo sợ qua chốt người ta không cho đi, còn bắt lại phạt. Tôi rầu quá, mà không chạy thì không có tiền ăn, tiền nhà", anh Quỳnh bày tỏ.
Từ nhiều ngày trước đó, dù thành phố có chủ trương xét nghiệm miễn phí cho các shipper tại hơn 500 trạm y tế trên khắp các quận huyện, song nhiều tài xế công nghệ cho biết vẫn gặp khó trong việc tìm điểm test nhanh.
Kể từ lúc thành phố cho shipper hoạt động liên quận, cứ cách hai ngày ông Phan Hùng lại phải để báo thức từ 4h30 để tranh thủ đến điểm xét nghiệm nhanh Covid-19.
Người đàn ông này cho biết, vì số lượng điểm test không nhiều, nên các shipper tập trung lại một chỗ khá đông, việc chờ đến lượt xét nghiệm tốn rất nhiều thời gian.
"Phải dậy sớm, rồi đi kiếm chỗ xét nghiệm, có điểm hôm trước còn cho test hôm sau đã ngừng, thế là anh em lại đi kiếm nơi khác. Tôi ở quận 6 nhưng thường xuyên phải qua tới Bình Thạnh mới có chỗ test, mà thường cũng tầm 9h sáng là các trạm ngưng nhận rồi", ông Hùng nói.
Gặp nhiều khó khăn
Việc xét nghiệm trả phí khiến áp lực dồn lên vai các shipper nhiều hơn. Trước đó, khi được hoạt động liên quận, nhiều tài xế công nghệ đã gặp khó trong việc giao hàng khi thành phố có rất nhiều chốt chặn.
Shipper Phương Quỳnh chia sẻ khi thành phố cho phép chạy liên quận, số đơn hàng của anh có tăng thêm, song tài xế này cũng không thể nhận nhiều.
Theo anh, hoạt động mùa dịch khiến các hàng quán giảm bớt công suất, nhân viên, nhiều nơi chưa mở cửa lại khiến việc chuẩn bị đồ ăn thức uống kéo dài hơn bình thường. Chưa kể, chốt chặn khiến quãng đường di chuyển thực sự so với trên app là dài gấp 3-4 lần.
"Mới đây có một đơn giao trà sữa cách chỗ nhận tầm 1,5 km. Nhưng vì đường sá bị chặn hết, cộng thêm việc đợi chuẩn bị khá lâu nên từ lúc nhận đơn cho đến khi giao hàng xong tôi mất gần 3 giờ, vầy thì một ngày có tăng đơn mình không giao hết được", anh Quỳnh cho biết.
Quãng đường di chuyển của các shipper trong mùa dịch dài hơn rất nhiều so với ước tính trên ứng dụng. Ảnh: Duy Hiệu.
Chưa kể, là lực lượng thường xuyên phải tiếp xúc từ hàng quán cho đến khách giao nhận, các tài xế công nghệ cũng lo lắng về sự an toàn của bản thân khi hoạt động.
Tài xế Trần Văn Khoa (quận Phú Nhuận) cho biết điều anh và nhiều đồng nghiệp ái ngại khi làm việc là chuyện tập trung đông lúc xét nghiệm và phải giao hàng ở các vùng phong tỏa. Anh Khoa đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 vào cuối tháng 7 và đang đợi thông báo để sớm được tiêm mũi thứ 2 trong thời gian gần nhất.
"Đợt xét nghiệm có mấy ngày thấy đông quá tôi cũng sợ, đi vô giao đồ ở khu phong tỏa nói kỹ lưỡng vậy chứ cũng không an tâm. Trước tôi có nghe nói có đồng nghiệp cũng mắc Covid-19, không biết là nguồn từ đâu nhưng vẫn thấy lo", tài xế Khoa nói.
Việc phải gánh phí xét nghiệm đồng thời tăng thêm tiền xăng dầu hao phí khi di chuyển quãng đường xa hơn để giao hàng mà số lượng đơn hàng không đủ khiến các shipper hiện "cõng" trên vai nhiều áp lực, nhất là gánh nặng tiền bạc.
Một số tài xế công nghệ đã tắt app và quyết định ngưng chạy vài ngày để chờ đợi thêm thông tin từ ứng dụng cũng như thành phố. Không ít người hy vọng sẽ có biện pháp nới lỏng quy định để shipper hoạt động dễ dàng hơn.
"Tôi thấy làm cho doanh nghiệp thì công nhân người ta được hỗ trợ test nhưng bên tài xế công nghệ thì có thể sẽ phải chia phí với bên ứng dụng. Hy vọng thời gian tới nếu ổn tôi mong việc test giãn bớt thời gian ra để tiền phí xét nghiệm đỡ được phần nào", shipper Phương Quỳnh mong mỏi.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.
TP.HCM: Từ ngày 24-9, doanh nghiệp quản lý tự xét nghiệm cho shipper Kể từ ngày 24-9 đến ngày 30-9, danh nghiệp quản lý shipper tại TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của TP để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Lấy mẫu xét nghiệm cho shipper tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH Nội dung trên được nêu trong...