Shark Vương xin rút khỏi HĐQT Công viên nước Đầm Sen
Trước khi rút khỏi Ban lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen, 3 năm liên tiếp Shark Vương chỉ tham gia 70-80% các cuộc họp của HĐQT…
Ảnh: Soha.
Sau 4 năm gắn bó với Công viên nước Đầm Sen trong vai trò Thành viên Hội đồng quản trị, Shark Vương đã xin từ nhiệm tại vị trí này.
Cụ thể, CTCP Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) vừa công bố đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ IV ( 2018-2023) của ông Trần Anh Vương.
Trong đơn xin từ nhiệm của mình, ông Vương cho biết vì lý do cá nhân không thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ đã được Đại hội đồng cổ đông giao phó. Do đó, ông xin được từ nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị của Công viên nước Đầm Sen kể từ ngày 01/01/2020.
Theo thông tin được công bố trong báo cáo thường niên, ông Vương được bổ nhiệm vào vị trí này kể từ năm 2016, thay thế cho ông Bùi Văn Quân. Trong thời gian 4 năm được bổ nhiệm, chỉ có năm 2016 là ông Vương tham gia 100% các cuộc họp của Hội đồng quản trị Công viên nước Đầm Sen. Ngoài ra, với lý do đi công tác, năm 2017 ông chỉ tham gia được 71% số cuộc họp, năm 2018 và 2019 con số này là 80% . Trong đó, năm 2019 là vắng có ủy quyền.
Video đang HOT
Số liệu trên báo cáo thường niên 2018, ông Vương không nắm giữ cổ phần tại Công viên nước Đầm Sen.
Thông tin thêm về ông Vương, ông sinh năm 1972, là cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Bên cạnh vai trò lãnh đạo tại các công ty như Dược Việt Nam (thành viên HĐQT), Nhựa Đồng Nai (thành viên HĐQT), Đầu tư BVG (Chủ tịch HĐQT), ông Vương còn được biết đến trong vai trò “Shark” trong chương trình Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên năm 2017 với biệt danh Shark Vương.
Tuy nhiên, sau sự thành công của Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, bước sang mùa thứ hai, Shark Vương đã không còn đóng vai trò là nhà đầu tư nữa mà lui về hậu phương trong vai trò Ban tổ chức.
Về kết quả kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Công ty đều báo lãi hàng chục tỷ đồng và duy trì được tốc độ tăng trưởng qua các năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Công viên nước Đầm Sen báo lãi sau thuế gần 90 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính của Công viên nước Đầm Sen (VNĐ). Nguồn: DSN.
Cơ cấu tài sản của Công ty được cho là lành mạnh khi tổng tài sản tại thời điểm 30/09 là hơn 272,6 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả chỉ chiếm một phần rất nhỏ, ghi nhận hơn 29,8 tỷ đồng (30/09). Trong đó, phần lớn tài sản của Công ty là khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 12 tháng.
Theo Nhipcaudautu.vn
Chủ công viên nước Đầm Sen nhận về hàng chục tỷ tiền mặt
Từ đầu năm, Đầm Sen đã chi hàng chục tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức cho các cổ đông sở hữu vốn. Trong đó, riêng cổ đông lớn Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ nhận hơn 26 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen - chủ sở hữu và vận hành công viên nước cùng tên vừa công bố báo cáo tài chính quý III với khoản doanh thu sụt giảm do đã qua mùa nắng nóng.
Cụ thể, 3 tháng quý III, công viên này ghi nhận hơn 58 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước, doanh thu quý vừa qua của Công viên nước Đầm Sen đã giảm tới 32%.
Nguyên nhân đến từ việc cao điểm nắng nóng tại TP.HCM đã qua khiến số lượng khách tới công viên vui chơi mỗi ngày giảm sút, ảnh hưởng tới doanh thu bán vé và dịch vụ đi kèm.
Tuy vậy, Công viên nước Đầm Sen vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động với biên lãi gộp trên 67,2%, mang về 39 tỷ đồng lãi gộp trong quý III. Nhờ việc tiết giảm được một số chi phí bán hàng so với cùng kỳ mà công viên này vẫn thu về gần 35 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương số thu cùng kỳ.
Nếu tính cả 9 tháng, doanh thu của công viên này ước đạt 196 tỷ đồng, và mang về cho chủ doanh nghiệp hơn 112 tỷ lợi nhuận trước thuế.
So với kế hoạch kinh doanh năm nay mới được HĐQT thông qua (220 tỷ đồng doanh thu và 122 tỷ đồng lãi trước thuế), công viên này đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch lợi nhuận khi vẫn còn một quý kinh doanh cuối năm.
Tuy nhiên, thực tế những năm trước đó cho thấy, quý IV thường là quý Công viên nước Đầm Sen hoạt động kém hiệu quả nhất với doanh thu và lợi nhuận thấp hơn nhiều so với 2 quý đầu năm.
Báo cáo kỳ này của Công viên nước Đầm Sen cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, chủ sở hữu vốn tại công viên này đã nhận về hàng chục tỷ đồng tiền mặt từ cổ tức được chia.
Theo đó, Đầm Sen đã tiến hành trả cổ tức 2 lần từ đầu năm cho phần lợi nhuận thu được năm 2018 với tổng tỷ lệ 65%. Với vốn điều lệ gần 121 tỷ đồng, công viên nước này đã chi khoảng 79 tỷ đồng cho các khoản cổ tức cho cổ đông.
Công viên nước Đầm Sen hoạt động rất hiệu quả với biên lãi gộp xấp xỉ 70% và tỷ suất lãi ròng hàng năm khoảng 45%. Ảnh: DSN.
Theo đó, riêng cổ đông lớn nhất hiện nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (sở hữu hơn 33% vốn) nhận về hơn 26 tỷ đồng. Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ chính là công ty con được tách ra từ Công ty Ăn uống quận 11 trực thuộc UBND quận 11, TP.HCM, một trong ba đơn vị quản lý công viên nước Đầm Sen trước đây.
Thực tế, Đầm Sen cũng là một trong những công viên nước hoạt động hiệu quả nhất hiện nay. Tại Hà Nội, với lượng khách tham quan tương đương mỗi năm nhưng công viên nước Hồ Tây lại có hiệu quả kinh doanh thấp hơn rất nhiều.
Công viên nước Đầm Sen được xây dựng từ năm 1976-1978 và đưa vào sử dụng từ năm 1983. Đến nay, đây vẫn là công viên nước có quy mô lớn thứ hai tại TP.HCM, sau công viên nước Suối Tiên.
Giá vé vào cửa công viên này dao động trong khoảng 80.000-150.000 đồng/vé và miễn phí trẻ em dưới 0,8 m. Trong khi giá vé vào cửa công viên nước Suối Tiên lần lượt là 80.000-140.000 đồng, Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) là 130.000 đồng/vé...
Quang Thắng
Theo Zing.vn
Nâng cao uy tín của doanh nghiệp: 4 lĩnh vực trọng tâm Đối với các doanh nghiệp niêm yết, báo cáo thường niên tốt chỉ phản ánh được một phần uy tín doanh nghiệp. Mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp có thực sự đầu tư vào các nền tảng lâu dài như hệ thống quản trị và kiểm soát hay không. Điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng cũng như độ...