Shark Tank Việt Nam: CEO 9x đến từ Đăk Lăk gọi thành công 5 tỷ đồng
CEO 9x Nguyễn Thị Thu Phương là người đầu tiên mang sản phẩm mắc ca Đăk Lăk đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Trong thương vụ gọi vốn cuối cùng của tập 4 Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ, nữ CEO Thu Phương gửi đến nhà đầu tư lời mời 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty Macca DakLak Nguyên Phương. Thu Phương bày tỏ mong muốn kêu gọi đầu tư một phòng nghiên cứu sản phẩm mới và tìm được đầu ra ổn định cho người nông dân, chứng minh nông sản Việt Nam không thua kém các nước khác trên thế giới.
CEO 9x Nguyễn Thị Thu Phương gọi vốn
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, chỉ có 30 quốc gia trên thế giới trồng được hạt mắc ca và hiện Việt Nam là một trong số các nước trên. Sản lượng hạt mắc ca trên thế giới mới chỉ cung ứng được 25%-35%, một số nước không sản xuất được vẫn phải nhập hạt mắc ca về để chế biến các sản phẩm khác. Hiện mắc ca Việt Nam đang có giá cao hơn thị trường thế giới. Sản lượng tại Đăk Lăk chỉ có 300 tấn và Macca DakLak Nguyên Phương là doanh nghiệp sản xuất được hàm lượng lớn nhất khu vực.
Startup cũng cho hay, Macca DakLak Nguyên Phương được người tiêu dùng đón nhận tích cực trong 3 năm qua, chủ yếu các thành phố lớn chiếm đến 85%, 15% còn lại ở thành thị và nông thôn. Khách hàng Việt chiếm 90%, sản phẩm đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Canada và Đài Loan chiếm tỉ trọng 10% sản lượng.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 4 tỷ đồng. Trong vòng 5 tháng đạt doanh thu 5 tỷ đồng, ước chừng 1 năm có thể doanh thu tăng 12 tỷ đồng.
Đánh giá mô hình sản xuất của Macca DakLak Nguyên Phương vẫn còn nhỏ và biên lợi nhuận của sản phẩm ra thị trường vẫn chưa hợp lý, các Shark Dzung Nguyễn, Shark Đỗ Liên, Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Thanh Việt đều từ chối đầu tư.
Trái ngược với các nhà đầu tư khác, gặp lại Thu Phương kể từ cuộc thi “Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đăk Lăk năm 2018″, Shark Nguyễn Ngọc Thủy ghi nhận sự tiến bộ của startup khi đã có doanh thu và mô hình sản xuất ổn định đảm bảo đầu ra cho người nông dân và Đăk Lăk là vùng nguyên liệu đầy tiềm năng để trồng hạt mắc ca.
Shark Thủy đưa ra cho startup lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 36% công ty. Shark Thủy chia sẻ: “Mùa 1, tôi đã có đầu tư vào Soya Garden. Tôi nghĩ những sản phẩm về hạt sẽ là một thị trường đang bắt đầu phát triển. Mục đích của tôi ngoài những sản phẩm chế biến uống tại chỗ trong ngành F&B, tôi muốn đưa thêm đến cho người tiêu dùng sản phẩm có Date như thế này. Với chỉ số hiện nay bạn khó có thể gọi số vốn nhiều hơn, tuy nhiên, nếu tôi đầu tư vào bạn, tôi nhìn thấy có khả năng thành công được và có thể hỗ trợ được vì đã có sẵn hệ sinh thái”.
Thương vụ diễn ra thành công khi startup nhanh chóng gật đầu nhận sự hỗ trợ từ Shark Thủy. Chia sẻ sau thương vụ, nữ CEO 9x bày tỏ mong muốn được sớm đưa các sản phẩm hạt mắc ca vào các chuỗi cung ứng của Shark Thủy trên toàn quốc cũng như được Shark Thủy hỗ trợ đưa sản phẩm mắc ca ra thị trường thế giới.
Tập 5 Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa thứ 3 sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 21/8/2019 trên kênh VTV3.
Theo vtv.vn
Shark Đỗ Liên rót 10 tỷ đồng giúp startup khôi phục làng nghề nước mắm 300 năm
Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ tập 2 với ba dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau nhưng lại tình cờ cùng có một điểm chung mong muốn đưa những giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam vào sản phẩm của mình, khiến dàn "cá mập"phải tranh cãi kịch liệt.
Thương vụ có nhiều cảm xúc nhất tập 2 là màn gọi vốn của nữ CEO trẻ tuổi Thùy Trang với dự án Làng chài xưa. Mở đầu chương trình, Thùy Trang cho biết dự án Làng chài xưa ra đời với mong muốn khôi phục thương hiệu nước mắm Tĩn 300 năm của Phan Thiết Mũi Né. Thay mặt ông chủ, Thùy Trang kêu gọi 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần. Nữ CEO trẻ tuổi bày tỏ mong muốn có được sự chung tay, đồng hành từ các nhà đầu tư của Shark Tank để cùng bảo vệ và phát triển Làng nghề truyền thống nước mắm Việt Nam.
Dự án Làng Chài Xưa gồm 4 hạng mục chính: Nhà hát trình diễn vở Fishermen show - Huyền thoại làng chài; Bảo tàng nước mắm; sản phẩm nước mắm Tĩn - Thương hiệu 300 năm của Phan Thiết - Mũi Né và cuối cùng là Nhà hàng Mũi Né Xưa và Mũi Né Deli.
Chia sẻ về bức tranh tài chính, Thuỳ Trang cho hay tuy mới khởi động từ năm 2017 nhưng đến nay dự án đã hoàn thành 100% các hạng mục xây dựng. 60% doanh thu chủ yếu đến từ show diễn Fishermen; Bảo tàng nước mắm và nhà hàng. Sản phẩm nước mắm Tĩn chiếm 40% doanh thu còn lại nhưng hiện đang tăng trưởng rất tốt. Doanh thu lần lượt của năm 2017 là 15 tỷ, 2018 là 25 tỷ, 2019 dự kiến ở mức 40 tỷ đồng. Năm 2018, dự án đã đạt lãi ròng là 10%, dự kiến 2019 con số sẽ tăng 15%.
Cho rằng mức định giá dự án 100 tỷ là chưa hợp lý, Shark Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông liên tục chất vấn về tài chính và tài sản cố định của dự án, trong đó có quỹ đất đai rộng 16 nghìn m2. Nữ CEO trẻ tuổi khá lúng túng trước những câu hỏi về tính pháp lý của quỹ đất của dự án .
Bên cạnh đó, sự xuất hiện gọi vốn của Thùy Trang chỉ với vai trò Giám đốc điều hành dự án cũng gây nên cho các Sharks nhiều băn khoăn. Mặc dù đại diện Startup khẳng định 100% vốn của dự án là chủ đầu tư. Dù không sở hữu cổ phần nhưng trước khi đến Shark Tank, Thùy Trang đã được chủ đầu tư ký giấy ủy quyền có toàn quyền quyết định thương vụ này.
Dẫu vậy, người đi gọi vốn không phải là người chủ của dự án đã để lại cho các nhà đầu tư nhiều lo ngại. Shark Phạm Thanh Hưng là người đầu tiên lắc đầu từ chối vì lý do người lên kêu gọi vốn không phải là người chủ thực sự của dự án, tiếp đến Shark Dzung Nguyễn và Shark Nguyễn Ngọc Thủy cho rằng dự án có giá trị nhưng cũng nhanh chóng rút lui vì không phải lĩnh vực sở trường.
Tuy chưa hài lòng về câu trả lời của đại diện startup về tài chính và tài sản cố định, nhưng Shark Nguyễn Thanh Việt vẫn tỏ ra thích thú với sản phẩm nước mắm truyền thống, vị cá mập cho biết: " nếu bạn đi đến New York hay những khu phố ẩm thực Châu Á ở nước ngoài, bạn sẽ thấy rất nhiều sản phẩm nước mắm của Thái Lan không có nước mắm của Việt Nam" Shark Việt bổ xung thêm: "trong lúc chúng ta mải tranh cãi ai đúng, ai sai thì họ đã chiếm cả thế giới rồi"
Tuy nhiên, Shark Việt cho biết cũng không yên tâm với phần thuyết trình của nữ CEO trẻ tuổi nên quyết định không đầu tư.
Bị 4/5 "cá mập" từ chối, tưởng chừng như thương vụ đã phải khép lại. Nữ CEO trẻ tuổi không nén được xúc động chia sẻ về tâm huyết của người chủ dự án mong muốn khôi phục lại thương hiệu nước nắm 300 trăm năm để làm một điều gì đó cho quê hương. Thùy Trang đồng thời tiết lộ lý do cô lên chương trình Shark Tank ngoài lý do cá nhân thì cô muốn tìm sự đồng hành của các Shark để khôi phục làng nghề truyền thống. Đồng cảm với tâm huyết của nữ CEO trẻ tuổi, Shark Đỗ Liên bất ngờ đưa ra lời đề nghị 10 tỷ cho 25%. Vị cá mập mới của mùa 3 chia sẻ: " Tôi rất thích phụ nữ kinh doanh mà lại có ý tưởng giữ gìn bản sắc dân tộc. Tôi muốn các bạn tiếp nối những gì mà chúng tôi chưa thực hiện được. Tôi sẽ đem nước mắm của bạn để lên những siêu thị ở Châu Âu, cùng bạn xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa để con cháu chúng ta sẽ biết được cha ông ta đã làm những gì để có được những sản phẩm như thế".
Chia sẻ giá trị của dự án trên thực tế hiện đã lên đến 200 tỷ, Thùy Trang mạnh dạn đưa ra lời thương lượng 10 tỷ đổi 10% cổ phần với nhà đầu tư. Cuối cùng, hai bên thống nhất ở mức 10 tỷ cho 15% cổ phần khi Shark Đỗ Liên nhấn mạnh: "Tôi muốn bên cạnh kinh doanh nhưng cũng giữ lại giá trị của làng nghề truyền thống. Bạn vẫn toàn quyền quyết định. Tôi chỉ đồng hành và giúp bạn không phải chỉ là thị trường trong nước mà còn đem sản phẩm của bạn hiện diện trong những bữa ăn của người Việt ở nước ngoài".
Theo yeah1.vn
Shark Tank 3 ấn tượng với chuỗi dự án Sứ mệnh - Shark Tank The Purpose hướng đến trẻ em vùng cao Bắt đầu từ mùa thứ 3, Shark Tank Việt Nam chính thức khởi động chuỗi Dự án Sứ mệnh - Shark Tank The Purpose nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cùng chung tay đem đến cơ hội tiếp cận Tri Thức Công Nghệ cho học sinh tiểu học & trung học ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn....