‘Shang-Chi’ và hàng chục năm bị lạnh nhạt ở vũ trụ siêu anh hùng
“ Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” là tác phẩm thành công tiếp theo đến từ Marvel Studios. Đằng sau vũ trụ phim siêu anh hùng đồ sộ ngày hôm nay là một quá khứ gian khó.
Trailer Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings
Mới đây, CNN đã điểm lại lịch sử siêu anh hùng Shang-Chi trên trang sách cũng như hành trình phát triển của dòng phim chuyển thể từ truyện tranh Marvel Comics lên màn ảnh rộng. Qua đó, khán giả thấy được bước phát triển của những bộ phim siêu anh hùng cộp mác Marvel nói chung và Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings nói riêng.
Cơn sốt phim siêu anh hùng hơn một thập kỷ qua đã đưa Marvel Studios lên ngôi ông hoàng, bà chúa trong cuộc đua doanh thu phòng vé. Ít ai biết từ thập niên 1970, Marvel đã nỗ lực chuyển thể những bộ truyện tranh của hãng thành phim điện ảnh nhưng không thực sự thành công.
Siêu anh hùng lấy cảm hứng từ Lý Tiểu Long
Với nỗ lực sáng tác một bộ truyện tranh lấy đề tài kung fu, đầu thập niên 1970, Marvel Comics đã tạo ra nhân vật Shang-Chi. Trong nguyên tác, Shang-Chi là con trai của ông trùm tổ chức khủng bố Thập Luân, Phúc Mãn Châu.
Theo The-Numbers , Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings đã thu về 140,6 triệu USD từ phòng vé toàn cầu sau 5 ngày. Ảnh: Marvel Studios .
Tuy nhiên, sự lạnh nhạt của khán giả đương thời với Shang-Chi đã khiến Marvel Entertainment buộc phải gác lại ý tưởng này. Chỉ tới khi họa sĩ Paul Gulacy tiếp nhận dự án và thiết kế lại hoàn toàn nhân vật Shang-Chi theo nguyên mẫu Lý Tiểu Long, bộ truyện mới được đón nhận rộng rãi từ năm 1973.
Những thập kỷ sau đó, nhà sáng lập kiêm lãnh đạo Marvel Comics Stan Lee đã lên kế hoạch sản xuất các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh siêu anh hùng Marvel. Phim về Shang-Chi cũng là một trong những ý tưởng mà ông hằng ấp ủ. Tuy nhiên, tham vọng của Lee vấp phải nhiều trở ngại từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Năm 2018, cựu giám đốc Marvel Productions Margaret Loesch chia sẻ với Inverse rằng Stan Lee từng đến gặp con trai của Lý Tiểu Long là Lý Quốc Hào. Ông ngỏ lời mời anh thủ vai Shang-Chi trong dự án phim chuyển thể đang được lên kế hoạch. Nhưng dự định này mãi dang dở vì Lý Quốc Hào không may qua đời trong một tai nạn trên phim trường tác phẩm The Crow năm 1993.
Hành trình nhiều gian khó của Marvel
Trong thập niên 1970, Marvel từng đạt một số thành tựu đột phá khi nỗ lực đưa siêu anh hùng từ trang truyện lên màn ảnh. Hai trong số này là các phim về Hulk và Spider-Man ra mắt năm 1978.
Trên màn ảnh nhỏ, một series hoạt hình về biệt đội Fantastic Four của Marvel từng thay thế Human Torch bằng một nhân vật robot tên là H.E.R.B.I.E. Ron Ely góp mặt trong Doc Savage: The Man of Bronze (1975) – tác phẩm đầy khoa trương về siêu anh hùng cùng tên của Marvel Comics.
Sau gần bốn thập kỷ, Marvel Entertainment đã phục hưng dòng phim siêu anh hùng do hãng tự sản xuất với thành công của Iron Man (2008). Ảnh: Marvel Studios .
Sang thập niên 1982, thành công của bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Conan the Barbarian (1982) đã giúp tên tuổi Arnold Schwarzenegger vụt sáng thành ngôi sao hành động. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, hãng lại gây thất vọng khi bộ phim Howard the Duck trở thành thảm họa phòng vé.
Stan Lee từng chia sẻ trong quá khứ, Marvel không có quyền kiểm soát hay can thiệp vào những dự án phim chuyển thể từ loạt tác phẩm của hãng. Kết quả, hàng loạt bộ phim kinh phí thấp, được làm vội làm ẩu ăn theo siêu anh hùng Marvel đã ra đời.
Vì khó khăn kinh tế, hãng phải bán đi bản quyền làm phim nhiều bộ nhân vật quan trọng như Hulk, Fantastic Four, Spider-Man, Deadpool hay X-Men để vượt qua thời điểm khó khăn về tài chính. Năm 2019, cùng với việc 20th Century Fox sáp nhập vào Walt Disney, bản quyền làm phim về các nhân vật Fantastic Four, X-Men và Deadpool đã trở về với Marvel Studios. Tuy nhiên, bản quyền Spider-Man, Hulk, Venom… vẫn thuộc quyền sở hữu của các hãng phim khác.
Vào năm 2008, Marvel Entertainment bắt đầu kế hoạch phục hưng mảng phim siêu anh hùng “cây nhà lá vườn” bằng Iron Man do Marvel Studios sản xuất. Iron Man là tác phẩm mở đầu chùm năm phim siêu anh hùng gồm Iron Man (2008), The Incredible Hulk (2008), Captain America: The First Avenger (2011), Thor (2011) và The Avengers (2012).
Từ Iron Man tới Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings , Marvel Studios và Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã có những bước tiến dài vững chắc. Đó không phải thành công một sớm một chiều mà là kết quả tích lũy từ kinh nghiệm sau vô số lần thất bại lẫn khó khăn, thử thách hãng trải qua trong quá khứ.
Sau Shang-Chi , chờ đợi khán giả là Eternals , một dự án độc đáo khác của Marvel Comics xoay quanh nhóm thực thể vũ trụ hùng mạnh. Câu chuyện do biên kịch kiêm họa sĩ Jack Kirby sáng tạo sẽ được tái hiện bằng xương bằng thịt trên màn ảnh dưới bàn tay nhào nặn của Chlóe Zhao.
Lý do 'Shang-Chi' đại thắng phòng vé
Vượt mọi hoài nghi trước đó, "Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings" xô đổ kỷ lục phòng vé và nối dài chuỗi thành công của Marvel.
Cuối tuần qua, bom tấn siêu anh hùng do Destin Daniel Cretton đạo diễn thu 71,4 triệu USD sau ba ngày đầu ra mắt ở Bắc Mỹ. Thành tích này được xem là ấn tượng giữa thời điểm nước Mỹ còn nhiều ca bệnh.
Phim của Marvel gần như chắc chắn sẽ phá kỷ lục doanh thu trong kỳ nghỉ lễ ở Mỹ. Ngoài quốc gia này, Shang-Chi cũng thu về đến 56,2 triệu USD. Doanh thu toàn cầu của phim hiện là 150 triệu USD, dù chưa ra mắt ở Trung Quốc.
Trước đó, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings từng bị hoài nghi về khả năng phòng vé. Hai tuần trước, một số chuyên gia dự đoán nó chỉ thu 35 triệu USD khi mở màn ở Mỹ, thấp nhất Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Có nhiều thứ chống lại bộ phim này, từ số ca nhiễm tăng cao ở Mỹ đến tương lai bất định của nó ở phòng vé Trung Quốc. Cùng những lùm xùm quanh vụ kiện của Scarlett Johansson, Marvel Studios và Disney dường như đang ở giai đoạn khó khăn.
Song, thành tích ấn tượng của Shang-Chi đã đưa nối tiếp chuỗi thành công của thương hiệu siêu anh hùng này. Theo National Post , kinh phí sản xuất phim chỉ là 150 triệu USD, thuộc hàng thấp nhất trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tác phẩm gần như chắc chắn sinh lời trong những tuần tới, đồng thời sẽ giới thiệu một siêu anh hùng mới cho giai đoạn 4 của Marvel. Trước mắt, phim sẽ có khoảng thời gian tung hoành ở phòng vé, ít nhất đến ngày 8/10 khi bom tấn tiếp theo là No Time to Die ra mắt.
Chất lượng phim và chiến lược truyền thông của Disney
Shang-Chi pha trộn chất võ thuật phương Đông và truyền thống siêu anh hùng phương Tây.
Nguyên nhân lớn nhất cho thành công của Shang-Chi là thực lực nội tại của phim. Với 92% đánh giá tích cực từ giới phê bình (98% từ khán giả) trên Rotten Tomatoes , bộ phim được bảo chứng về chất lượng. Những lời khen ngợi chủ yếu dành cho kỹ xảo, các màn hành động ấn tượng cũng như màn trình diễn của nam chính Simu Liu.
Disney hiểu thế mạnh sản phẩm của mình nên đã cho các nhà phê bình xem từ sớm và đăng bài đánh giá từ cuối tháng 8. Hiệu ứng này là đủ để kéo khán giả đến rạp xem một nhân vật còn khá xa lạ.
Theo Forbes , Marvel sử dụng chiến lược truyền thông là tung hai trailer không quá hấp dẫn, thậm chí là tầm thường (so với tầm vóc của họ). Nhưng bản phim chính thức chứa rất nhiều tình tiết, cảnh hành động hoặc kỹ xảo hay, vốn được giấu trong quá trình marketing. Khi mọi người nhận ra phim hay hơn trailer nhiều, điều này càng giúp tăng độ tích cực của hiệu ứng truyền miệng. Đây là một chiến lược mạo hiểm nhưng đã thu về thành quả lớn.
Tất nhiên, Marvel có thể dùng cách thức này bởi sức mạnh từ thương hiệu. Qua nhiều năm phát triển, hãng đã tạo niềm tin lớn nơi người hâm mộ. Có không ít khán giả sẵn sàng ra rạp xem bất kỳ phim nào của Marvel.
Công thức thành công của vũ trụ điện ảnh này là độ liên kết chặt chẽ giữa các phim, chất hài hước dễ xem đan xen với nhiều thể loại khác nhau ở từng dự án. Shang-Chi là sự pha trộn giữa đường lối siêu anh hùng quen thuộc của hãng và phong cách võ thuật, văn hóa của phương Đông.
Sự yêu thích đang lên của người Mỹ dành cho các phim mang hơi hướm Á Đông cũng góp phần cho thành công của Shang-Chi . Năm 2018, bộ phim Crazy Rich Asians về giới siêu giàu châu Á từng đạt thành tích phòng vé ấn tượng. Năm 2019, ngoài việc giành Oscar, Parasite còn rất ăn khách ở Mỹ. Năm ngoái, Mulan cũng từng giúp lượng người dùng dịch vụ Disney tăng 68% trong dịp công chiếu.
Lương Triều Vỹ sẽ là sức hút của Shang-Chi ở Trung Quốc, nếu tác phẩm có thể ra rạp ở đây.
Sự hồi sinh của phim rạp
Sau hai cuộc thử nghiệm với Mulan (chỉ chiếu online ở Mỹ) và Black Widow (chiếu ở rạp song song với chiếu online ở Mỹ), Disney tiếp tục điều chỉnh chiến lược. Shang-Chi sẽ ở rạp 45 ngày trước khi phát hành trên các nền tảng trực tuyến.
Thay đổi này có vẻ như đã giúp phim mở màn thuận lợi và vượt kỳ vọng giới quan sát. Tác phẩm ra mắt chỉ kém Black Widow (80,3 triệu USD) một chút, dù nhân vật của Scarlett Johansson nổi tiếng hơn nhiều.
Khi không ra mắt song song với nền tảng trực tuyến, bộ phim tránh được nguy cơ thành "mồi ngon" cho các nền tảng phim lậu. Ngoài ra, xem phim ở rạp vẫn là một trải nghiệm độc đáo, được nhiều người yêu thích và duy trì như thói quen, nhất là với một phim có chất lượng hình ảnh, âm thanh ấn tượng như Shang-Chi .
Ở tầm cao hơn, doanh thu của Shang-Chi có thể sẽ cổ vũ nhiều hãng quay lại với mô hình ra mắt phim ở rạp, gần giống trước đại dịch. Bộ phim này cho thấy là nếu có một sản phẩm tốt, khán giả vẫn sẵn sàng ra rạp trong tình trạng bình thường mới sau dịch bệnh. Đó cũng là tín hiệu lạc quan chung cho phòng vé Mỹ, cũng như nhiều nước đã khống chế được dịch bệnh.
Doanh thu mở màn 'Shang-Chi' vượt 'Fast & Furious 9' "Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings" thu về 71,4 triệu USD sau ba ngày ra mắt. Doanh thu mở màn của phim vượt qua bom tấn "Fast & Furious 9" trước đó. Ngày 5/9, theo Variety, Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings thu về 71,4 triệu USD sau ba ngày công chiếu. Đây được xem là thành tích ấn...