Serena Williams và nỗi đau chưa lành từ Mỹ Mở rộng 2018
Tay vợt 37 tuổi trải lòng trên tạp chí Harper”s Bazaar về sự cố ở trận chung kết với Naomi Osaka năm ngoái.
Năm 17 tuổi, tôi lần đầu vô địch Grand Slam ở Mỹ Mở rộng 1999. Khi đó, tôi dám chắc sẽ có thêm nhiều danh hiệu nữa. Khi chuyển đến sống cùng chị Venus, tôi để danh hiệu lại nhà của bố. “Bố cứ giữ lấy danh hiệu đó. Con sẽ đoạt thêm vài danh hiệu nữa để trưng bày ở nhà con”, tôi nói.
Serena lần đầu tiết lộ về sự cố ở chung kết Mỹ Mở rộng 2019. Ảnh:Harper’s Bazaar.
Giờ tôi có sáu chức vô địch Mỹ Mở rộng. Kể từ năm 1999, tôi có 39 danh hiệu Grand Slam, trong đó có 23 chức vô địch đơn nữ. Đôi lúc tôi tự hỏi điều gì thúc đẩy mình tiếp tục miệt mài với quần vợt. Câu trả lời đơn giản là tôi yêu môn thể thao này. Ở mọi lời phát biểu, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đam mê với thể thao. Nếu bạn không thích quần vợt, hãy tìm môn thể thao khác, hãy đuổi theo đam mê. Nhưng, cũng có lúc đam mê hóa trở ngại.
Ở chung kết Mỹ Mở rộng tháng 9/2018, tôi hướng tới danh hiệu Grand Slam thứ 24 khi gặp Naomi Osaka. Đầu set hai, trọng tài chính cho rằng HLV đang ra hiệu cho tôi từ trên khán đài. Ông ấy liền phạt một lỗi cảnh cáo. “Tôi không bao giờ thắng bằng gian lận. Thà thua còn hơn”, tôi nói với trọng tài.
Trở lại sân, tôi thua điểm kế tiếp rồi đập gãy vợt trong giận dữ. Trọng tài phạt lỗi thứ hai, đồng nghĩa với điểm cho Osaka. Tôi cảm thấy bị xử ép và quyết định bảo vệ bản thân. Tôi mắng trọng tài là “kẻ cắp” và đề nghị ông ta xin lỗi. Tôi nói rằng ông ta phạt chỉ vì tôi là phụ nữ. Rồi lời cảnh cáo thứ ba được đưa ra, khiến tôi bị xử thua một game. Nhưng, Osaka thực sự chơi tốt hơn tôi và xứng đáng với danh hiệu Grand Slam đầu tay. Còn tôi cảm thấy bị đối xử thiếu tôn trọng và phải gặm nhấm thất bại ở môn thể thao tôi đam mê. Lòng kiêu hãnh của nhà Williams bị ảnh hưởng, bởi chúng tôi luôn muốn chiến thắng.
Serena chửi trọng tài là “kẻ cắp” ở chung kết Mỹ Mở rộng 2018. Ảnh:USA Today.
Video đang HOT
Sau giải, tôi trở về nhà ở Florida. Đêm nào tôi cũng trằn trọc những câu hỏi không thể giải đáp. Tại sao trọng tài có thể xử tôi thua một game ở trận chung kết Grand Slam? Thậm chí là tại sao một tay vợt nào đó có thể bị xử thua một game dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào? Tôi cứ quay như chong chóng với nghi vấn, đến nỗi kiệt sức vì thiếu ngủ. Tại sao tôi không thể bày tỏ giận dữ như người khác? Nếu là đàn ông, tôi sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó? Điều gì khiến tôi bị đối xử khác như vậy? Có phải vì tôi là phụ nữ?
Tôi cố trấn tĩnh và tự nhủ bản thân vượt qua nhiều trắc trở rồi. Thời gian sẽ một lần nữa hàn gắn vết thương. Tôi phải coi đó là động lực để tạo ra một con người mạnh mẽ như tôi hôm nay.
Nhưng, rắc rối này rất khác. Tôi bị tổn thương tận đáy lòng. Tôi cố so sánh nó với những khoảnh khắc tồi tệ trước đây, nhưng lần này tôi nhận ra vấn đề không chỉ nằm ở tôi. Nhớ lại danh hiệu Grand Slam đầu tiên, tôi hiểu rằng nó quan trọng đến nhường nào. Với Osaka chắc chắn cũng vậy. Nhưng, tranh cãi giữa tôi và trọng tài khiến cho chiến thắng của cô ấy bị ảnh hưởng. Họ không chỉ cướp đi một game từ tôi, còn phá hủy khoảnh khắc hạnh phúc bậc nhất sự nghiệp của đối thủ.
Nghĩ đến đó, tim tôi vỡ vụn. Tôi tự hỏi phải hành xử như nào trong tình huống đó? Tôi đã sai khi bảo vệ bản thân? Tại sao một người phụ nữ sôi nổi lại thường bị coi là nhạy cảm, điên rồ và khó chịu. Còn người đàn ông sôi nổi lại được coi là cuồng nhiệt và mạnh mẽ?
Ở những trường hợp tương tự, nếu một tay vợt nam phản ứng, trọng tài sẽ mỉm cười hoặc đùa giỡn. Tôi không đề nghị ông ta bỏ án phạt, chỉ muốn được đối xử công bằng và bình đẳng. Nhưng, chúng ta không sống trong một thế giới như thế.
Serena với chức vô địch đơn nữ ở Mỹ Mở rộng 1999. Ảnh: USO.
Ngày tháng trôi qua, tôi tìm đến bác sĩ tâm lý. Tôi muốn tìm hiểu vì sao tôi lại hành xử như vậy. Dù cảm thấy tâm trạng khá hơn, tôi vẫn chưa thể cầm vợt cho đến khi nhận ra liều thuốc thích hợp nhất. Đó là tôi cần xin lỗi người mà tôi cần xin lỗi hơn cả. Tôi bắt đầu viết thư, ban đầu thì chậm nhưng sau đó câu chữ cứ tuôn ra.
“Chào Naomi. Chị Serena đây. Như đã nói trên sân, chị rất tự hào về em. Chị rất tiếc vì chuyện xảy ra khi đó. Chị chỉ nghĩ phải đấu tranh vì bản thân. Nhưng chị không ngờ truyền thông đã chia rẽ chúng ta. Chị đã và sẽ luôn ủng hộ em. Chị rất muốn một lần nữa tận hưởng khoảnh khắc lần đầu vô địch. Nhưng chị không bao giờ muốn giành lấy tâm điểm chú ý khỏi bất cứ ai, đặc biệt là với một người phụ nữ da đen khác. Chị thực sự đã trở thành người hâm mộ của em và chúc em thành công trong tương lai. Gửi đến em ngàn lời yêu thương. Chị Serena”.
Khi nhận hồi âm từ cô ấy, nước mắt tôi lăn dài trên má. “Người ta hay nhầm lẫn giữa quả cảm và nỗi giận, vì hai trạng thái đó khó phân biệt. Chưa có ai đấu tranh vì bản thân như chị. Chị hãy tiếp tục trở thành hình mẫu cho phụ nữ”, cô ấy đáp lại.
Tôi nhận ra lý do khiến tôi không thể quên đi sự cố ở Mỹ Mở rộng. Không phải vì những bất công tôi phải đối mặt, mà vì một cô gái trẻ đáng ra phải được chú ý nhiều hơn sau khoảnh khắc đặc biệt của sự nghiệp. Tôi đã cảm thấy bản thân có lỗi nên đã im lặng. Nhưng sau khi tâm sự với Osaka, tôi nhận ra cô ấy đã đúng.
Dù phải chịu đựng sự cố đáng tiếc này, chúng tôi đã hiểu rằng có những người phụ nữ khác đang bị đối xử thậm tệ ra sao. Chúng tôi không được phép bộc lộ cảm xúc, không được phép tỏ ra sôi nổi. Chúng tôi phải ngồi một chỗ và im lặng, nhưng tôi không tài nào chịu được quan điểm đó. Đáng tiếc là chúng tôi đang bị xã hội trừng phạt chỉ vì là phụ nữ.
Serena chúc mừng chức vô địch Grand Slam đầu tiên của Osaka. Ảnh: AP.
Ngay từ khi còn bé, tôi đã cảm thấy bản thân cần lên tiếng đúng thời điểm. Có những người không thích làm thế và đó là quyền của họ. Nhưng, lớn lên với tư cách là em út của bốn chị gái, tôi phải đấu tranh vì những thứ tôi cần. Và tôi sẽ không bao giờ ngừng lên tiếng vì bất bình đẳng.
Phải mất một thời gian dài sau Mỹ Mở rộng, tôi mới cầm vào vợt. Khi còn ở tuổi “teen”, tôi từng bị cả khán đài la ó. Đáp lại, tôi cư xử đẹp và thậm chí còn cảm ơn những người không muốn tôi thắng. Họ chửi tôi bằng mọi từ có thể. Họ chế giễu ngoại hình tôi. Họ trả công cho tôi một cách bất bình đẳng giới. Họ xử tôi thua một game trong trận chung kết Grand Slam. Họ lừa dối tôi về điểm rơi bóng cho đến khi công nghệ Mắt diều hâu (hawk-eye) được áp dụng. Đấy mới chỉ là những bất công được dư luận công bố.
Cuộc sống của tôi không dễ dàng gì. Nhưng, khi thấy một cô gái trẻ khác có thể sẽ tiếp bước tôi, tôi chỉ nghĩ sự đấu tranh có thể giúp cô ấy.
Con gái cũng là động lực để tôi đấu tranh và cũng là lý do tôi trở lại thi đấu. Càng tiếp tục với đam mê, tôi càng nhận ra nhiều chân lý. Tôi không được phép từ bỏ trước khó khăn, mà phải đứng dậy sau khi vấp ngã rồi tự hỏi bản thân: “Mày đã cố hết sức chưa vậy?”.
Theo Harper’s Bazaar
Ash Barty - công dân Úc phi thường
Nhiều tờ báo ở Úc gọi Ash Barty là công dân Úc phi thường không chỉ vì cô vừa trở thành tay vợt nữ đầu tiên của nước này vô địch Giải Quần vợt Pháp mở rộng (Roland Garros) sau 46 năm mà còn từ tính cách và cách hành xử trên sân bóng cũng như đời thường.
Cô vừa đánh bại M.Vondrousova 6-1, 6-3 ở trận chung kết đơn nữ Giải Pháp mở rộng vào tối 8-6, chức vô địch đơn đầu tiên trong hệ thống Grand Slam, vươn lên vị trí thứ 2 thế giới. Cô gái 23 tuổi này thổ lộ rằng quyết định trở lại với quần vợt vào đầu năm 2016 có lẽ là quyết định sáng suốt nhất đời cô. Trước đó, sau Giải Mỹ mở rộng 2014, Barty tuyên bố tạm chia tay quần vợt vì bị trầm cảm, lạc lõng trước sức ép của môn thể thao mà cô cho là cô độc này. Barty chuyển sang chơi cricket chuyên nghiệp trước khi cầm vợt trở lại vào đầu năm 2016.
Kể từ đó, sự nghiệp của Barty thăng tiến. Cô giành 4 danh hiệu, trong đó có Miami Open vào tháng 3, cũng như chức vô địch đôi Giải Mỹ mở rộng 2018 rồi bùng nổ ở Paris trong 2 tuần qua.
Barty với cúp vô địch ngày 9-6 Ảnh: REUTERS
Barty là tài năng quần vợt. Năm 2011, cô bé ở tuổi 15 này đã vô địch nội dung đơn nữ trẻ Wimbledon. Đó là mặt sân ưa thích của Barty nhưng ít ai ngờ, cô lại giành chức vô địch đơn Grand Slam đầu tiên trên mặt sân đất nện, vốn được cho là điểm yếu của cô. Trước giải năm nay, cô chỉ mới 2 lần vào đến vòng 2 Roland Garros sau 5 lần tham dự.
Barty được khen ngợi vì sự giản dị, chân thành và trung thực. Khi không thiết tha với quần vợt, cô tạm nghỉ chứ không làm mình làm mẩy như 2 ngôi sao nam hàng đầu của Úc là B.Tomic và N.Kyrgios. Tomic nói một ngày nào đó anh sẽ giành chức vô địch Grand Slam nhưng không tiến bộ, còn Kyrgios thì tính khí thất thường. Barty không nói, cô chỉ luyện tập chăm chỉ rồi giúp thể thao Úc nở mày nở mặt.
Khả năng giao bóng được cải thiện là vũ khí chính giúp Barty lên ngôi tại Roland Garros 2019. Cô có 38 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp và thắng 81% các bàn cầm giao bóng - các chỉ số mà không tay vợt vào sâu hơn từ vòng 3 làm tốt hơn.
Barty cũng không giấu sự tự hào là người Úc bản địa và niềm cảm hứng của cô chính là Goolagong Cawley, cũng là một người Úc gốc thổ dân. Cawley đã 7 lần vô địch đơn Grand Slam, trong đó có chức vô địch Pháp 1971. Như Cawley, Barty cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, trong đó có dạy trẻ em thổ dân chơi quần vợt...
Theo Trần Đoàn/Người Lao động
Barty lên số 2 thế giới sau chức vô địch Pháp mở rộng Ashleigh Barty trở thành tay vợt Australia đầu tiên vô địch Grand Slam sau 8 năm khi vượt qua hiện tượng Vondrousova với tỷ số 2-0 trong trận chung kết Pháp mở rộng 2019. Tối 8/6 (giờ Hà Nội), trận chung kết đơn nữ giải quần vợt Pháp mở rộng giữa hạt giống số 8 Ashleigh Barty và tay vợt 19 tuổi đến...