Séc bắt đầu dỡ bỏ một số các biện pháp hạn chế dịch Covid-19
Ngày 20/4, Cộng hòa Séc đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế trong giai đoạn đầu tiên mà nước này công bố vào tuần trước.
Chính phủ Séc cho biết, theo đúng kế hoạch, bắt đầu từ hôm qua (20/4), nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng nghĩa với việc cho phép mở cửa các chợ nông sản, cửa hàng thủ công và đại lý xe ô tô với điều kiện đáp ứng được các tiêu chí vệ sinh nghiêm ngặt.
Tính đến tối thứ Hai (20/4, theo giờ địa phương), Cộng hòa Séc ghi nhận 6.838 người mắc Covid-19. Ảnh: News.expats
Tiếp đó, từ ngày 27/4, cửa hàng nhỏ với diện tích dưới 200m2 (trừ cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại với tổng diện tích trên 5.000m2 ) sẽ bắt đầu được kinh doanh trở lại. Chính phủ Séc cho biết từ ngày 11/5, các quy định cho phép mở cửa sẽ áp dụng tương tự cho các cửa hàng với diện tích tối đa 1.000m2. Theo dự kiến, các dịch vụ sẽ hoạt động trở lại vào 27/5; các trung tâm mua sắm. nhà hàng và khách sạn sẽ hoạt động bình thường từ ngày 8/6.
Trong cuộc họp diễn ra tối 20/4, Bộ trưởng bộ nội vụ Séc Jan Hamáek cho biết, sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã được áp dụng trước đó tại khu vực biên giới, người lao động có thể đi làm qua qua khu vực này mà không bị cách ly 14 ngày, chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 không muộn quá 3 ngày.
Người từ nước ngoài sẽ được đến Séc vì lý do kinh doanh, làm việc nhưng cần có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Quy định mới này đang được chính phủ bàn bạc thêm và có thể sẽ áp dụng từ 27/4.
Bộ trưởng Bộ Y tế Séc Adam Vojtech cho biết, việc nới lỏng biên giới sẽ được tiến hành qua nhiều giai đoạn và có thể sẽ được mở cửa sớm hơn so với tuyên bố trước đó của tổng thống Milos Zeman là đóng cửa biên giới trong một năm.
Tính đến tối thứ Hai (20/4 – theo giờ địa phương), Cộng hòa Séc ghi nhận 6.838 người mắc Covid-19, tăng thêm 92 trường hợp mới; trong đó có 194 người tử vong, 374 trường hợp đang phải điều trị trong các bệnh viện; số bệnh nhân được chữa khỏi cũng tăng lên 1.559 trường hợp. Đến nay, Séc đã có hơn 172.000 trường hợp được được xét nghiệm với virus SARS-CoV-2./.
Hải Đăng
Bệnh nhân khỏi Covid-19 mong trở lại cuộc sống bình thường
Hơn hai tháng kể từ khi Lu Ming và vợ mắc Covid-19, cuộc sống của họ vẫn chưa thể trở lại bình thường. Lu hiện cách ly ở nhà còn vợ anh Li Yue ở trong khu cách ly tập trung vì tái nhiễm virus.
Video đang HOT
Li Yue (ảnh) tái nhiễm Covid-19 sau khi ra viện và hiện ở khu cách ly tập trung lần thứ hai. Ảnh: SCMP.
Cặp vợ chồng trung niên ở Vũ Hán, nơi Covid-19 khởi phát, đã tự mình chiến đấu với cơn sốt dai dẳng vào đúng thời điểm khó khăn nhất của thành phố hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2, khi các bệnh viện đều chật kín người và thiếu các bộ kit xét nghiệm.
Phải hai tuần sau khi có những triệu chứng mà Lu cho rằng mình bị cảm, căp vợ chồng mới được xác nhận đã nhiễm virus và được đưa vào bệnh viện. Lúc này Lu, 45 tuổi, đã sốt liền 13 ngày.
"Ngày qua ngày, tôi ở nhà, bệnh viện thì hết giường. Cảm giác như thể đang chờ cái chết đến", Lu nói.
Vợ anh, người làm việc ở siêu thị và bị nhiễm bệnh trước, thì đỡ mệt hơn Lu, tuy nhiên trải nghiệm của cô cũng bị kịch không kém. Cô bị ốm phải nằm nhà suốt 18 ngày, tiếp đến là nhập viện hai tuần, sau đó dương tính lần hai trong lần cách ly sau khi ra viện. Cô nhập viện thêm 16 ngày, và hiện cách ly lần hai.
Giới chức Trung Quốc đưa các bệnh nhân đã khỏi bệnh vào các trung tâm cách ly để đề phòng tái nhiễm. Sau khi họ được về nhà, sẽ tiếp tục phải cách ly tại nhà thêm hai tuần nữa.
Vũ Hán ghi nhận 50.000 ca nhiễm kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát hồi cuối tháng 12/2019. Hầu hết những người này đều đã hồi phục, trong khi có 2.500 người chết và 500 người vẫn đang được điều trị ở bệnh viện.
Lu đã kết thúc khoảng thời gian cách ly 28 ngày và đã khỏe mạnh, nhưng anh vẫn chưa thể đến nhiều nơi bởi mã sức khỏe của anh - một mã QR do nhà chức trách Trung Quốc lưu lại về tình trạng của một người liên quan tới virus - hiện vẫn có màu đỏ, nghĩa rằng anh vẫn là nhóm đối tượng rủi ro cao và phải hạn chế đi lại.
"Về mặt lý thuyết, bây giờ đáng lẽ mã của tôi nên được đổi thành màu xanh, bởi nếu không có nó, tôi chẳng thể đi tới bất cứ đâu", Lu nói.
Vũ Hán bị phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 23/1 nhằm kiểm soát virus lây lan trên diện rộng. Kể từ cuối tháng trước, việc đi lại trong thành phố đã dần quay trở lại như trước kia do không còn ca nhiễm mới.
Tuy nhiên Lu vẫn phải đặt mua các đồ thiết yếu hằng ngày qua mạng và yêu cầu người ta giao chúng đến tận cửa. Chính quyền thành phố vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe của anh bằng cách tiến hành vài lần xét nghiệm axit nucleic trong thời gian cách ly, nhưng anh muốn được xét nghiệm vi tính cắt lớp phần phổi và xét nghiệm máu để chắc chắn rằng mình đã hồi phục 100%. Thế nhưng hiện mã y tế của anh vẫn có màu đỏ, chưa chuyển màu xanh, vì thế anh không thể làm việc đó.
"Tất cả những chuyện này đáng lẽ đã có thể tránh được nếu các chuyên gia nói cho người dân biết điều gì đã xảy ra trước đó. Đáng ra mọi chuyện không nên diễn ra theo cách này. Nó gây ra ảnh hưởng lớn, gây tổn thất lớn tới cả nước, và từng cá nhân", Lu khẳng định, đề cập đến những tuyên bố trước đây từ nhà chức trách rằng virus không lây lan từ người sang người trong những ngày đầu dịch mới bùng phát.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân ở bệnh viện Jinyintan, được lập ra để điều trị những người nhiễm Covid-19, ở thành phố Vũ Hán hôm 13/2. Ảnh: EPA.
Là nhân viên văn phòng tại một công ty nhà nước, Lu tin rằng anh nhiễm virus từ Li, người vợ 42 tuổi của mình. Li nhiễm bệnh cuối tháng 1 tại nơi làm việc.
"Các khách hàng đến không đeo khẩu trang, kể cả các nhân viên tại siêu thị nơi cô ấy làm việc cũng thế", Lu nói. "Khi đó chúng tôi chưa có đủ thông tin, và cho rằng nó không nghiêm trọng đến thế. Có lần, tôi đeo khẩu trang đi tàu ngầm và mọi người tỏ ra ngạc nhiên. Họ nhìn tôi chằm chằm".
Kể cả sau khi Li bắt đầu sốt vào ngày 26/1, vợ chồng anh đều không nghĩ nguyên nhân là vì virus. Thay vào đó, họ cho rằng đó chỉ là bệnh cảm cúm thông thường.
"Dịch SARS hồi năm 2002 - 2003 chủ yếu xảy ra ở Quảng Đông và Bắc Kinh. Hồ Bắc cũng có vài ca, nhưng con số rất nhỏ. Lần này, chúng tôi cũng có cảm giác như thể nó là một căn bệnh ở rất xa chúng tôi, thứ gì đó chỉ có trên tivi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy đến với mình và gia đình mình", Lu nói.
Cặp vợ chồng không nhận ra mình mắc phải căn bệnh truyền nhiễm mới cho tới khi Li bị sốt liên tục vài ngày, sau đó Lu cũng có triệu chứng tương tự. Đến ngày 10/2 vợ chồng Lu mới được xét nghiệm virus. Ba ngày sau họ mới có kết quả.
"Thời điểm đó không có nhiều bộ kit xét nghiệm, như tôi biết thì mỗi ngày chỉ có 200 bộ. Chúng tôi làm gì may mắn được xét nghiệm sớm chứ?", Lu nói.
Trước đó, ngày nào Lu cũng tới các bệnh viện để lấy thuốc chống virus.
"Tôi biết chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh này, vì thế kiếm được một giường bệnh cũng đã là một sự khác biệt rồi. Nằm trong viện đồng nghĩa với việc ít nhất bạn có thể được cứu khi tình trạng bệnh đột nhiên chuyển xấu", Lu cho hay có người còn phải chịu đựng lâu hơn anh. "Tôi gặp một phụ nữ trong bệnh viện bị sốt suốt 22 ngày, ngày nào cũng đi từ nhà đến viện rồi từ viện về nhà vì không còn giường. Tôi đã rất sốc".
Lúc Lu nhập viện, vấn đề cân nặng và huyết áp cao cùng mức cholesterol trong máu cao đã khiến bác sĩ lo lắng. "Tồi tệ hơn, sau một tuần nằm viện, tôi lại mắc phải những vấn đề về sức khỏe mà trước đó tôi chưa từng có, chẳng hạn như viêm cơ tim và rối loạn chức năng gan. Những bệnh nhân khác trong phòng bệnh cũng mắc phải tình trạng này", Lu kể.
Nhờ được chăm sóc đúng hướng điều trị, Lu đã khỏi bệnh và hiện cảm thấy rất khỏe mạnh.
"Giờ đây tôi cảm giác cơ thể mình đã bình phục như trước khi nhiễm virus. Tôi không thấy nôn nao khó chịu hay gặp tác dụng phụ gì của thuốc cả", anh cho biết.
Khoảng 3 đến 10% các bệnh nhân ở Vũ Hán đã hồi phục Covid-19 nhưng lại tái nhiễm giống như Li, theo một nghiên cứu mới đây của các bác sĩ. Các chuyên gia nhận định lý do có thể là vì thời gian bệnh kéo dài và xét nghiệm cho kết quả không chính xác.
"Vợ tôi thực sự đã khỏe lên nhiều, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy tình trạng nhiễm trùng phổi cũng đã gần như không còn trong lần nhập viện đầu tiên. Nhưng con virus đã không rời khỏi cơ thể cô ấy", Lu nói.
Li quay trở lại bệnh viện sau khi lần kiểm tra lại cho kết quả dương tính. Lúc ra viện, cô tiếp tục được chuyển tới khu cách ly lần thứ hai hồi tuần trước.
Chính quyền Vũ Hán tháng trước tuyên bố lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ vào ngày 8/4, nhưng với Lu và Li, không rõ phải mất bao lâu nữa họ mới có được cuộc sống bình thường. "Mặc dù các công dân có mã y tế màu xanh được đi lại trong thành phố, vẫn còn có rất ít người đi lại trên đường trong những ngày này. Tôi đã liên lạc với cấp trên và họ bảo tôi hãy tiếp tục nghỉ ngơi ở nhà", Lu nói.
Hướng Dương
Khi nào đại dịch sẽ kết thúc? Với hơn 1 triệu ca nhiễm nCoV trên toàn cầu và ngày càng nhiều quốc gia tuyên bố phong tỏa để kiềm chế đại dịch, câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là: Khi nào cơn ác mộng này sẽ kết thúc?. Câu trả lời lại phụ thuộc phần lớn vào những điều người ta chưa biết chắc về chủng virus mới...