Sẽ xử lý hiệu trưởng ‘bêu tên’ học sinh chưa đóng bảo hiểm do vi phạm quy tắc ứng xử
UBND huyện Hương Sơn ( Hà Tĩnh) đang chỉ đạo các phòng liên quan hoàn thiện hồ sơ để xử lý thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm do vi phạm Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục.
Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn)
Sáng 31/10/2022, trong lễ chào cờ đầu tuần, thầy Phan Đình Thống (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã gọi một số em học sinh chưa đóng tiền bảo hiểm bắt buộc lên nhắc nhở.
Do bức xúc về việc 2 con của mình là Võ Thị Thanh H. (SN 2012, học sinh lớp 5B) và Võ Xuân S. (SN 2016, học sinh lớp 1A) bị nhắc nhở trước cờ nên vào khoảng 13h30 cùng ngày, Võ Văn Điệp (SN 1982, trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn) đã điều khiển xe mô tô chở 2 con và mang theo 1 con dao đến trường đe doạ, chửi bới, bắt thầy Thống quỳ trước khu vực sảnh chào cờ khoảng 6 phút và xin lỗi hai người con của Điệp.
Xét thấy hành vi của Điệp đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, chiều ngày 2/11/2022, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Sơn đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Võ Văn Điệp về tội “Làm nhục người khác” quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ Luật Hình sự.
Việc Võ Văn Điệp bị cơ quan cảnh sát điều tra huyện Hương Sơn khởi tố là chính đáng do đã chà đạp lên truyền thống tôn sư trọng đạo, tuy nhiên, dư luận lại cho rằng cái sai này được bắt nguồn từ cái sai của thầy Thống nên đề nghị cấp trên xem xét kỷ luật vị hiệu trưởng này
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hương Sơn cho biết, năm học 2022 – 2023 ngành giáo dục Hà Tĩnh chỉ đạo triển khai xây dựng trường học hạnh phúc, trong đó xây dựng môi trường giáo dục, môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa trò với thầy, giữa nhà trường với phụ huynh.
“Trong tháng 10 vừa qua, Hương Sơn đã triển khai 2 chuyên đề về xây dựng trường học hạnh phúc liên quan đến việc ứng xử khi tập trung đông người, đặc biệt là dưới cờ chỉ gọi học sinh lên khen thưởng biểu dương, chứ không gọi học sinh lên để vì những mục đích khác, đặc biệt là phê bình, kỷ luật, xử phạt”, ông Giang khẳng định.
Liên quan đến việc thầy Phan Đình Thống đã gọi một số em học sinh chưa đóng tiền bảo hiểm bắt buộc lên nhắc nhở dưới cờ, ông Giang khẳng định đây là hành động thiếu chuẩn mực, thiếu tế nhị. Mặc dù gọi học sinh lên không phải để trách mắng, nạt nộ hay to tiếng, nặng lời nhưng dù sao thì cũng là chỗ tập trung đông người, các cháu có thể sẽ mặc cảm, tự ti, bị tổn thương lòng tự trọng.
Video đang HOT
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hương Sơn, việc làm của thầy Thống đã vi phạm Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
“Thông tư quy định ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đối với người học là phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành”, ông Giang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Giang, Điều 28 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ quy định, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
Vị Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hương Sơn cho rằng, cách ứng xử của thầy Thống là rất đáng tiếc, không nên và không đáng xảy ra trong trường học. Đây cũng là bài học cho tất cả các cán bộ quản lý trong xử lý công việc, trong thực hiện nhiệm vụ.
Việc thầy Thống gọi học sinh lên nhắc nhở dưới cờ đã dẫn đến việc phụ huynh Võ Văn Điệp vi phạm pháp luật.
Ông Hồ Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thông tin, huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng Giáo dục tiến hành làm việc, yêu cầu thầy Thống làm bản tự kiểm điểm và nhận hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Sau đó huyện sẽ triển khai xử lý hành chính do thầy Thống đã vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp trong trường học.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cũng rất lấy làm tiếc khi phải xử lý một hiệu trưởng trước thềm kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tuy nhiên, quan điểm của huyện là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ cha cầm dao đe dọa, làm nhục hiệu trưởng: Con 5 năm đi học chỉ đóng bảo hiểm 3 tháng
Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, Võ Văn Điệp chỉ cho con tham gia đúng 3 tháng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi hiệu trưởng gọi con lên nhắc nhở thì đối tượng đã cầm dao đến trường đe doạ, chửi bới, làm nhục.
Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn), nơi thầy hiệu trưởng bị Võ Văn Điệp cầm dao đe doạ và bắt quỳ trước sảnh chào cờ.
Mấy ngày qua, dư luận tại Hà Tĩnh xôn xao về việc Võ Văn Điệp (SN 1982, trú thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; phụ huynh của 2 học sinh Trường Tiểu học Sơn Lâm) cầm dao đến trường đe doạ, chửi bới, bắt thầy Phan Đình Thống (Hiệu trưởng nhà trường) quỳ trước khu vực sảnh chào cờ và xin lỗi 2 đứa con của Điệp. Nguyên nhân được xác định do trước đó thầy Thống có gọi lên nhắc nhở vì chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc.
Bàn luận về vụ việc có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bộ phận công chúng cho rằng, nhiệm vụ của thầy cô giáo là làm chuyên môn, nhà trường là nơi để dạy học, không phải là đơn vị thu tiền thuê. Việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm mời học sinh lên trước cờ để nhắc nhở do chưa tham gia BHYT cũng là làm nhục người khác, đặc biệt là con trẻ; do đó, cần có hình thức xử lý.
Nhóm công chúng khác thì lại cho rằng, việc người dân (trong đó có nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên) tham gia BHYT là bắt buộc, điều này được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế và các Thông tư, Nghị định của Chính phủ. Việc Hiệu trưởng nhắc nhở học sinh trong đơn vị mình quản lý là thực hiện nhiệm vụ trên giao.
Để tìm hiểu thông tin vụ việc theo hướng khách quan, đa chiều, PV Infonet đã gặp gỡ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm và Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hương Sơn.
ADVERTISING
X
Bị phụ huynh cầm dao đến trường đe doạ, chửi bới, bắt quỳ trước khu vực sảnh chào cờ và xin lỗi 2 em học sinh diễn ra đã 3 hôm nay, tuy nhiên tâm lý của thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn) dường như đến giờ vẫn còn rất hoang mang, lo sợ.
Trao đổi với PV, thầy Thống cho biết, ngày 24/10, nhà trường có gửi giấy mời phụ huynh đến trường để trao đổi về việc tham gia BHYT cho học sinh, nhưng bố mẹ của các em này không đến. Vì thế trong buổi lễ chào cờ sáng 31/10, nhà trường mời các cháu học sinh lên (trong đó có 2 con của phụ huynh Điệp là Võ Thị Thanh H., SN 2012, học sinh lớp 5B; và Võ Xuân S., SN 2016, học sinh lớp 1A) hỏi tại sao bố mẹ không đến, sau đó cho học sinh về chỗ bình thường.
'Vào khoảng 13h45 cùng ngày, khi tôi đang làm việc ở phòng Hiệu trưởng thì anh Võ Văn Điệp trong trang phục quần soóc, đầu đội mũ cối xông vào, rút dao rựa (dài khoảng 40cm) ra đe doạ, chửi bới. Sau đó, anh Điệp chạy ra ngoài sân đe dọa một số giáo viên khác', thầy Thống buồn rầu kể lại.
'Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, học sinh Võ Thị Thanh H. chỉ tham gia BHYT đúng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12/2020. Nếu phụ huynh có bức xúc, chưa bằng lòng thì có thể đến trường nói chuyện, không thể tưởng tượng là họ lại hành xử như vậy', Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm nói.
Cũng theo thầy Thống, nhiều năm qua, việc tham gia Bảo hiểm bắt buộc tại Trường Tiểu học Sơn Lâm đạt tỷ lệ thấp. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ tham gia bảo hiểm cao nhất cũng chỉ đạt được 84%.
Liên quan đến việc phụ huynh cầm dao đến trường đe doạ, làm nhục hiệu trưởng do bị nhắc nhở chưa tham gia Bảo hiểm bắt buộc, ông Nguyễn Hữu Bằng, Giám đốc BHXH huyện Hương Sơn cho biết, việc triển khai bảo hiểm học sinh là thực hiện theo Luật Bảo hiểm 2008, được sửa đổi, bổ sung ngày 13/6/2014, trong đó tại điều 7b, quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.
'Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo cả hệ thống giáo dục phải thực hiện đảm bảo 100% học sinh tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật.
Còn việc tổ chức thực hiện thì nhà trường lập danh sách những em chưa có thẻ BHYT chuyển cơ quan BHXH cấp thẻ kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sau đó nhà trường tổ chức thu và nộp tiền theo quy định', ông Bằng nhấn mạnh.
Bị can Võ Văn Điệp tại Cơ quan Công an huyện Hương Sơn.
Cũng theo ông Bằng, những trường hợp khó khăn, nhà trường không thu được, BHXH sẽ xuống cùng với thôn xóm tư vấn thêm, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ và tham gia bảo hiểm cho con cái mình.
'Đối với trường hợp vừa xảy ra ở Trường Tiểu học Sơn Lâm, đó là 'con sâu làm rầu nồi canh', làm ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, cho nên sai phạm đến đâu tôi đề nghị xử lý nghiêm đến đó', ông Bằng nêu quan điểm.
Giám đốc BHXH huyện Hương Sơn cũng xác nhận thông tin, từ khi vào tiểu học đến nay, cháu Võ Thị Thanh H. chỉ tham gia 3 tháng bảo hiểm y tế vào cuối năm 2020. Mặc dù đã được các nhân viên thu BHXH, BHYT và các tổ chức, đoàn thể vận động, nhưng gia đình ông Điệp đến nay không có ai tham gia BHYT cả.
Đắk Lắk: Hai nhóm học sinh cầm dao, gậy hẹn "hỗn chiến" trong đêm, 1 người tử vong khi bỏ chạy Ngày 8/1, Công an TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang triệu tập những người liên quan để làm rõ vụ việc 2 nhóm học sinh, thanh thiếu niên hẹn đánh nhau trong đêm khiến 1 người tử vong trong lúc bỏ chạy. Theo thông tin mà cơ quan công an, em Lê Trùng Dương (học sinh lớp 10,...