Sẽ tiếp tục loại bỏ hàng nghìn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật
Trao đổi với NTNN ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, (Bộ NNPTNT) khẳng định, Bộ sẽ loại bỏ glyphosate ngay lập tức khi có đủ bằng chứng chất này ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Vào ngày 12.8, Tòa cấp cao San Francisco (Mỹ) đã buộc Tập đoàn Monsanto đền bù 289 triệu USD cho một nguyên đơn. Theo cáo buộc, thuốc diệt cỏ của hãng này, chứa hoạt chất glyphosate có khả năng gây ung thư. Trước thông tin này, với chức năng là cơ quan quản lý về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông đánh giá như thế nào?
- Tất cả các thông tin liên quan đến vụ việc của Monsanto, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng như lãnh đạo Cục BVTV rất quan tâm, theo dõi sát kết quả cuối cùng trong phiên xử phúc thẩm của tòa án ở San Francisco, bang California trong 45 ngày tới. Vấn đề hoạt chất glyphosate có gây ung thư cho người hay không, từ trước đây và cho đến giờ phút này vẫn đang còn gây tranh cãi. Chính vì vậy, phán quyết của tòa án Mỹ cho thấy đây là một bước tiến rất khác.
Bộ NN&PTNT đang cân nhắc loại bỏ glyphosate – hoạt chất được sử dụng làm thuốc diệt cỏ. Ảnh: T.L
Theo báo cáo mà Cục BVTV có được, Tập đoàn Monsanto đã làm khoảng 800 nghiên cứu liên quan đến thuốc trừ cỏ này để chứng minh rằng nó an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và một loạt cơ quan nghiên cứu khác đã xếp hoạt chất glyphosate vào nhóm 2A (nhóm có khả năng gây ung thư cao cho con người).
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang chờ phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm của Mỹ tới đây để quyết định xem có loại bỏ hoạt chất này khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hay không.
Tại Việt Nam, hoạt chất glyphosate được sử dụng ở mức độ nào, thưa ông?
- Hoạt chất glyphosate được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1994. Trong những năm qua, lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc BVTV nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. Glyphosate chủ yếu sử dụng cho cây trồng trên cạn.
Ngay từ năm 2015, khi có sự tranh cãi ở khối châu Âu, ngay lập tức Cục BVTV đã báo cáo Bộ NNPTNT. Từ tháng 4.2016, Bộ đã xem xét và quyết định dừng cho đăng ký mới.
Cục BVTV cũng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc BVTV, xác định các hoạt chất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, hiệu lực sinh học thấp… sẽ tiến hành loại bỏ khỏi danh mục được phép sử dụng.
Video đang HOT
Được biết, hiện nay Bộ NNPTNT đang có những động thái quyết liệt nhằm siết chặt lại danh mục thuốc BVTV, vậy cụ thể như thế nào, thưa ông?
Thuốc trừ cỏ Roundrup của Monsanto có chứa hoạt chất glyphosate. Ảnh: I.T
- Đúng như vậy, hiện nay chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Định hướng của Quốc hội, Chính phủ hay ngành nông nghiệp cũng vậy, sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Đó là mục tiêu hướng tới.
Chính vì vậy, Cục BVTV ngày càng siết công tác quản lý thuốc BVTV, đặc biệt là siết chặt đầu vào. Ngoài ra, Cục BVTV liên tục rà soát danh mục thuốc BVTV để tiếp tục loại bỏ các loại thuốc quá cũ, thuốc độc hại mà mình đã có đủ bằng chứng.
Chúng tôi siết lại công tác khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV đã được kiểm soát chặt chẽ ngay đầu vào, bao gồm xem xét kỹ lưỡng các căn cứ thực hiện khảo nghiệm, trình tự thực hiện khảo nghiệm. Cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc BVTV hiệu quả, an toàn trong sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
Hiện tại, Cục đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với 1.024 sản phẩm. Vừa qua, Cục BVTV đã hoàn chỉnh 6 báo cáo về mặt kỹ thuật về 4 hoạt chất, 3 hoạt chất khác cũng đang được xem xét, trong đó có cả hoạt chất glyphosate, để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Hiện nay, Cục BVTV đang tiếp tục hoàn thiện các báo cáo này, trên cơ sở góp ý của các hội đồng khoa học, các ý kiến phản biện từ các tổ chức, cá nhân có liên quan. Với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chỉ để lại trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam những loại thuốc thực sự hiệu quả, phục vụ nhu cầu sản xuất an toàn, bền vững.
Tuy Bộ NNPTNT đã dừng đăng ý thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate vào danh mục mới từ năm 2015, nhưng trên thực tế, hàng năm lượng thuốc này nhập khẩu vào nước ta vẫn lớn do các doanh nghiệp đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu từ trước đó. Vậy việc loại bỏ loại thuốc này có gì khó khăn không, thưa ông?
- Riêng báo cáo về hoạt chất glyphosate hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, Cục BVTV rất thận trọng, dù báo cáo đã làm xong nhưng vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến.
Phía Monsanto đang phản hồi rất mạnh, bằng cách là họ tìm các bằng chứng để chứng minh rằng hoạt chất glyphosate không gây ung thư. Tuy nhiên, việc phản hồi hay phản ứng là việc của họ. Khi có đủ bằng chứng, Bộ NNPTNT sẽ lập tức loại bỏ hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục được phép sử dụng. Chúng tôi đang chờ phán quyết tại phiên xét xử phúc thẩm tại Mỹ. Ngay khi có đủ bằng chứng gây ảnh hưởng sức khỏe con người, chúng tôi sẽ loại bỏ ngay ra khỏi danh mục sử dụng.
Trong quá trình xử lý việc loại bỏ các loại hoạt chất thuốc BVTV, cá nhân ông và Cục có gặp áp lực và phản ứng gì không?
- Chúng tôi xác định, việc lập lại danh mục thuốc BVTV là để đảm bảo môi trường, cũng như sức khỏe cho nhân dân, nên dù có phản ứng nhưng chúng tôi không bị áp lực. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của cá nhân Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các đồng chí lãnh đạo Bộ. Bởi qua rà soát, hiện có quá nhiều danh mục thuốc BVTV, như riêng cây lúa có tới 3.221 sản phẩm là quá nhiều, không thể chấp nhận được. Theo tính toán của chúng tôi, hiện Việt Nam đang có 50 loại cây trồng chính, với mỗi cây trồng thường bị 10 loại sinh vật gây hại khác nhau, thì chỉ cần 500 danh mục là cùng.
Trong quá trình xử lý, loại bỏ các loại thuốc BVTV khỏi danh mục, có nhiều doanh nghiệp họ “chạy” chúng tôi không được, đã đi “chạy” rất nhiều nơi, thậm chí còn tố cáo Cục. Song, chúng tôi luôn được lãnh đạo Bộ ủng hộ và sẽ tiếp tục làm nghiêm vấn đề này.
Đơn cử như đợt loại bỏ thuốc Carbendazim, chúng tôi bị cả các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật kéo đến gây sức ép, tạo áp lực. Song, chúng tôi đã có đủ cơ sở và báo cáo lãnh đạo Bộ về việc loại bỏ loại thuốc này, vì nó đã quá cũ, được lưu hành 40-50 năm ở nước ta.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Thuốc trừ cỏ glyphosate gây tranh cãi từ nhiều năm nay
Một tòa án ở California (Mỹ) đã ra phán quyết yêu Tập đoàn Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD cho một khách hàng vì sử dụng thuốc diệt cỏ chứa chất glyphosate của hãng này dẫn đến bị ung thư. Thông tin ngay lập tức gây rúng động, tuy nhiên trên thực tế glyphosate đã gây tranh cãi ở trên toàn thế giới từ nhiều năm nay.
Glyphosate là thành phần hoạt tính được sử dụng trong nhiều thuốc diệt cỏ, trong đó có thuốc Roundup của Monsanto. Glyphosate được tổng hợp bởi Monsanto vào năm 1974, thời hạn độc quyền chấm dứt vào năm 2000 và hiện tại sản phẩm chứa glyphosate được bán bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau.
Thuốc trừ cỏ Roundup của Monsantp có chứa hoạt chất glyphosate vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi với 2 luống ý kiến khác nhau.
Báo cáo năm 2017 của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp glyphosate vào nhóm hoạt chất nhiều khả năng gây ung thư (nhóm 2A).
Bồ Đào Nha, Italy và thành phố Vancouver của Canada đã cấm sử dụng glyphosate trong các công viên và vườn công cộng. Hồi tháng 5, chính phủ Pháp cam kết sẽ cấm hầu hết việc sử dụng glyphosate trước năm 2021 và tiến đến cấm hoàn toàn trong 5 năm.
Sri Lanka cấm việc nhập khẩu glyphosate vào năm 2015 sau chiến dịch do một sư thầy phát động. Argentina không có lệnh cấm glyphosate trên cả nước, nhưng nhiều thành phố đã thông qua luật hạn chế sử dụng sản phẩm có chất này.
Theo tòa án San Francisco, Monsanto đã không cảnh báo trước cho nạn nhân về tác hại của việc tiếp xúc với thuốc diệt có Roundup có chứa glyphosate, đã hành xử với ý đồ xấu và sự đàn áp. Tòa cũng phán quyết rằng Monsanto đã biết hoặc có thể đã biết về sự nguy hiểm của glyphosate.
Trong phiên xử vụ kiện của ông Johnson, các luật sư của nguyên đơn lập luận rằng trong nhiều năm dài, Monsanto đã chống lại khoa học và có những chiến dịch nhằm phản bác các học giả đưa ra cảnh báo về hiểm họa sức khỏe trong sản phẩm của tập đoàn này.
Các luật sư bên nguyên đơn đã trình ra hàng loạt email nội bộ để chứng minh Monsanto cố tình lờ đi các báo cáo khoa học độc lập chứ không phải không biết về sức hủy hoại của hoạt chất này.
Cả trong và ngoài phiên tòa ông Johnson, Monsanto liên tục viện dẫn báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) tán thành việc sử dụng glyphosate. Trong khi đó, bằng chứng tại tòa cho thấy công ty này có mối quan hệ mật thiết với các quan chức của EPA để tuyên truyền về sự an toàn của Roundup và che giấu những dữ kiện chứng minh ngược lại.
Sau phiên tòa trên, đại diện Monsanto cho biết, tập đoàn này sẽ quyết kháng cáo đến cùng. Thời hạn kháng cáo là 45 ngày, kể từ ngày tòa đưa ra phán quyết.
Cụ thể, phát ngôn viên Tập đoàn Monsanto cho rằng, Monsanto bày tỏ sự đồng cảm tới ông Johnson và gia đình, đồng thời khẳng định, phán quyết của tòa án không thay đổi thực tế rằng hơn 800 nghiên cứu và phản biện khoa học khác đều cho rằng glyphosate không phải hoạt chất gây ung thư và không phải là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư của ông Johnson.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo và bảo vệ sản phẩm này, sản phẩn với lịch sử hơn 40 năm sử dụng an toàn và vẫn sẽ tiếp tục là một công cụ thiết yếu, hiệu quả và an toàn cho nông dân cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới, vị này nhấn mạnh.
Doanh nghiệp này cũng cho rằng, các luật sư đã nhân báo cáo của IARC (Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế) về khả năng gây ung thư của gốc glyphosate để chạy các quảng cáo tuyển mộ bị đơn cho các vụ kiện chống Monsanto.
Tập đoàn Monsanto, trụ sở tại TP. St. Louis (bang Missouri, Mỹ) là một trong những ông lớn trong ngành hóa chất dùng trong nông nghiệp. Tháng 6.2018, vừa qua, Tập đoàn Bayer AG của Đức đã mua lại Monsanto với khoảng đầu tư khoản 63 tỷ USD.
Theo Danviet
Cục trưởng Cục BVTV: Tôi bị nhiều doanh nghiệp dọa, tố cáo Loại bỏ trên 1.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dẹp 29 phòng kiểm nghiệm phân bón và tới cũng sẽ loại bỏ hơn 1.000 sản phẩm phân bón, loại bỏ hàng trăm hồ sơ đề nghị đăng ký sản phẩm mới... Đó là những việc mà Cục Bảo vệ thực vật- đơn vị được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao...