Sẽ không có giáo viên nào bị tụt hạng, xuống hạng sau 20/3/2021
Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chưa tìm thấy có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc “xuống hạng”.
Bài viết “ Giáo viên hạng II cũ lo sốt vó về việc giữ hạng hay tụt hạng theo thông tư mới” của tác giả Phan Tuyết và bài viết “Giáo viên lên hạng có được truy lĩnh, xuống hạng xếp hệ số lương thế nào đây?” của tác giả Nhật Khoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ giáo viên cả nước.
Đặc biệt là những giáo viên đang hưởng hạng I, II trước đây, nếu không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I, II mới thì sẽ phải “xuống hạng”, lương sẽ giảm.
Trong bài viết có nêu câu hỏi các giáo viên nếu chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng hiện giữ thì chuyển “xuống hạng” như thế nào?
Khi thực hiện các thông tư mới không chỉ có giáo viên được chuyển hạng tương đương (tăng hệ số) mà còn có trường hợp giảm/xuống hạng (giảm hệ số lương).
Việc tăng hạng, tăng hệ số lương đã được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 02/2007/BNV, tuy nhiên trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, tôi chưa tìm thấy có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc “xuống hạng”.
Lo lắng của giáo viên không phải là không có cơ sở, khi chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có quy định cụ thể việc “xuống hạng”.
Vậy việc “xuống hạng” thì theo quy định sẽ chuyển xếp lương như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ mối quan tâm của thầy cô.
(Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Các trường hợp phải “xuống hạng”
Tại chùm Thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nêu trên quy định một số trường hợp phải “xuống hạng” như sau:
Giáo viên mầm non hạng II mã số V.07.02.04 không đạt tiêu chuẩn của hạng II mã số V.07.02.26: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.02.26 cho đến khi đạt tiêu chuẩn thì bổ nhiệm lên hạng II mã số V.07.02.26 mà không phải thăng hạng;
Giáo viên tiểu học hạng II mã số V.07.03.07 chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.03.29 đến khi đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.03.28 thì bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.03.28 mà không phải thăng hạng;
Giáo viên trung học cơ sở hạng II mã số V.07.04.11 chưa đạt chuẩn của hạng II mã số V.07.04.31: Bổ nhiệm vào hạng III mã số V.07.04.32 cho đến khi đạt chuẩn hạng II mã số V.07.04.31 thì bổ nhiệm lên hạng II mã số V.07.04.31 mà không phải thăng hạng;
Giáo viên trung học cơ sở hạng I mã số V.07.04.10 chưa đạt chuẩn của hạng I mã số V.07.04.30: Bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.04.31 cho đến khi đạt chuẩn thì bổ nhiệm lên hạng I mã số V.07.04.30 mà không phải thăng hạng.
Video đang HOT
Giáo viên trung học phổ thông hạng I, II chưa đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ của giáo viên hạng I, II thì có thể xếp “xuống hạng” III.
Thầy, cô yên tâm chưa có quy định nào về “xuống hạng”
Đợt này sau khi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trình phương án và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì các địa phương sẽ tiến hành thủ tục bổ nhiệm và xếp lương, chuyển đổi hệ số lương theo quy định.
Do đó, sắp tới khi thực hiện việc bổ nhiệm, thay đổi hạng chức danh nghề nghiệp sẽ thực hiện việc chuyển từ ngạch có mã số này sang ngạch có mã số khác có hệ số lương bằng hoặc khác ở ngạch mới thì xem như quy định của việc chuyển ngạch.
Việc chuyển ngạch thay đổi chức danh nghề nghiệp tại chùm các Thông tư trên đều quy định thực hiện việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Tại khoản ” 1 . Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức mục II quy định cụ thể như sau
a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ [...]
Bên cạnh đó tại Nghị định 115/2020/NĐCP Nghị định Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cũng không có bất kỳ quy định nào nói về việc “xuống hạng”.
Như vậy có thể thấy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào về việc “xuống hạng”, xếp lương như thế nào khi “xuống hạng” như các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Tôi ví dụ một giáo viên mầm non đang giữ hạng I có hệ số lương 4,98 nay do thiếu tiêu chuẩn nên được bổ nhiệm hạng III (hệ số lương từ 2,1 đến 4,89) thì theo Thông tư 02/2007/TT-BNV được chuyển xếp có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất, tuy nhiên trong bảng lương mới không có hệ số lương bằng hoặc cao hơn ở ngạch cũ thì xếp như thế nào?
Tương tự trường hợp giáo viên trung học phổ thông hạng II hiện nay có hệ số lương 5,36 nếu không đạt các tiêu chuẩn, thiếu chứng chỉ hạng II chẳng hạn thì có thể xếp giáo viên trung học phổ thông hạng III thì xếp như thế nào?
Rõ ràng không có bất kỳ quy định nào về việc chuyển “xuống hạng”.
Nên tôi cho rằng, giai đoạn sắp tới giáo viên ở các hạng cao như hạng I, II có thể tạm yên tâm về hệ số lương đang hưởng, như đã nói ở trên do không có quy định nào từ Chính phủ, Bộ Nội vụ quy định việc “xuống hạng” nên không thể tùy tiện chuyển xếp lương khi “xuống hạng” được.
Nếu muốn chuyển xếp lương giáo viên “xuống hạng” phải thay thế Thông tư 02/2007/TT-BNV và phải quy định rõ, cụ thể việc “xuống hạng”, tuy nhiên quy định việc “xuống hạng” rất khó khả thi, không hợp lý, ngày càng tiến không thể quy định về “thụt lùi”, “thoái bộ”.
Nên trong thời gian sắp tới tôi cho rằng giáo viên chưa có việc chuyển xếp lương “hạ xuống” nếu giáo viên chưa đạt các tiêu chuẩn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên hạng III phải chờ 9 năm để lên hạng II, sao không phải là 3-5 năm?
Giáo viên bậc trung học phổ thông hạng III phải chờ 9 năm để xét thăng hạng II là một trong những quy định bất cập về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Nội dung Khoản 3 Điều 4 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II còn nhiều bất cập (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 02 tháng 02 năm 2021).
Thứ nhất , " nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao."
Thiết nghĩ, đây là quy định bắt buộc cho tất cả viên chức (giáo viên, nhân viên) ở trường công lập, tư thục chứ không chỉ dành cho giáo viên hạng II.
Vì sao giáo viên phổ thông hạng III phải chờ 9 năm để xét thăng hạng II? (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Baokontum.com.vn)
Thứ hai , "có khả năng điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế".
Chỉ có hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn mới có trách nhiệm điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.
Riêng giáo viên bộ môn thì ai cũng phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu không làm được điều này, giáo viên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Luật Viên chức.
Thứ ba , "có khả năng nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đối mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân".
Đây là việc làm thường xuyên của giáo viên được thể hiện qua từng học kì, từng năm học, nên quy định nội dung này là không cần thiết.
Thứ tư , "có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên".
Hiện tại, hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn có trách nhiệm đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Nếu giáo viên hạng II làm thêm nhiệm vụ này thì có thừa không?
Chỉ cần giáo viên có năng lực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học thì ai cũng có thể làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ cấp trường trở lên, chứ không riêng gì giáo viên hạng II.
Thứ năm , "có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh".
Có thể khẳng định, quy định này không hợp lí vì đây là nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên tất cả các hạng - có chăng mới ở cụm từ "phẩm chất, năng lực" mà trước đây chưa được đề cập (nhưng nội hàm vẫn vậy).
Thứ sáu , "có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lí, hướng nghiệp và công tác xã hội trường học phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục".
Tương tự, quy định này cũng chỉ đề ra cho có, bởi giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hiện đang làm những nhiệm vụ này qua từng ngày.
Thứ bảy , "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".
Không biết khi được thăng hạng II thì giáo viên bậc trung học phổ thông sử dụng ngoại ngữ để làm những công trình khoa học, đề án hay dịch tài liệu nào?
Thứ tám , "được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên".
Hiện tại, giáo viên dạy các môn ít tiết (không gọi là môn phụ - tác giả nhấn mạnh) như Công nghệ, Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Thể dục... thường rất ít khi được hiệu trưởng giao kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm. Vậy làm sao để họ có thể tham gia thi giáo viên chủ nhiệm giỏi?
Thứ chín , "viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng".
Điều băn khoăn là, căn cứ vào đâu để cho rằng, giáo viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) mới được đăng kí dự thi hoặc xét thăng hạng?
Vì sao không phải 3 năm, 5 năm... mà tăng lên 9 năm? Liệu giáo viên dạy 9 năm thì năng lực giảng dạy có hơn giáo viên 3 năm, 5 năm hay không?
Đành rằng giáo viên dạy học trên 9 năm thì có nhiều kinh nghiệm hơn so với giáo viên chỉ mới dạy vài ba năm. Thế nhưng thực tiễn dạy học cho thấy, không phải cứ giáo viên dạy học lâu năm thì chuyên môn hơn hẳn giáo viên dạy ít năm.
Tôi nhận thấy, có giáo viên vào nghề chỉ vài ba năm nhưng năng lực chuyên môn rất tốt, nhiệt huyết với nghề, chất lượng giảng dạy vượt trội, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tín nhiệm - như thế họ phải được tham gia thăng lên hạng cao hơn mới phải.
Ngược lại, có giáo viên dạy hàng chục năm nhưng năng lực hạn chế, không chịu học hỏi, ngại đổi mới... thì việc thăng hạng dành cho họ cũng chẳng có ích gì.
Nhìn chung, 9 tiêu chuẩn quy định về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên bậc trung học phổ thông hạng II còn nhiều bất cập nên rất khó áp dụng vào thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ rà soát lại tính khả thi của những quy định để sớm bổ sung, sửa đổi Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP sao cho thiết thực, hợp lí với thực tiễn giảng dạy của giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html?layout=amp
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả .
Cùng khối lượng công việc, giáo viên già lương cao hơn giáo viên trẻ là vô lý Chúng ta thấy tính chất, khối lượng công việc của các giáo viên như nhau nhưng lương thì lại đang chênh lệch rất lớn- đây rõ ràng là những hạn chế cần tháo gỡ. Ngay sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy...