Sẽ “kê đơn” trị nhà đầu tư “xù” mua cổ phiếu
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp ( Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang chỉ đạo các Sở GDCK đưa ra giải pháp xử lý các nhà đầu tư trúng giá mua cổ phần trong các đợt doanh nghiệp đấu giá để thoái vốn nhà nước, hoặc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng tìm cách thoái thác không mua, thậm chí có biểu hiện “phá đám” phiên đấu giá…
Ngoài việc minh bạch năng lực tài chính, trong trường hợp mua khối lượng lớn, nhà đầu tư phải đưa ra phương án thu xếp vốn cụ thể
Tình trạng nhà đầu tư “xù” mua cổ phần đã trúng giá, theo đánh giá của Bộ Tài chính có diễn ra phổ biến và nghiêm trọng không? Ông nhìn nhận gì về việc gần đây Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải tổ chức thoái vốn nhiều lần tại CTCP Du lịch Đồ Sơn, khi có nhà đầu tư đặt mức giá “trên trời” là hơn 58,5 tỷ đồng/cổ phần?
Tuy hiện trạng nhà đầu tư trúng giá trong các đợt thoái vốn nhà nước, IPO, song không mua cổ phần chưa diễn ra phổ biến, nhưng nếu không sớm chấn chỉnh tình trạng này, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả của các phương án thoái vốn, IPO, cũng như tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Kiểu “xù” mua cổ phần này có thể do họ trả giá quá cao, dẫn đến khi trúng giá không đủ năng lực tài chính để thanh toán. Ở đây, không loại trừ trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sơ hở trong quy chế tổ chức đấu giá để có những hoạt động “làm rối” phiên IPO. Chẳng hạn, việc SCIC tổ chức thoái vốn tại CTCP Du lịch Đồ Sơn, có nhà đầu tư đã đặt mức giá “không thể tin nổi” là hơn 58,5 tỷ đồng/cổ phần. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ khiến SCIC phải tốn thêm thời gian và chi phí tổ chức nhiều đợt đấu giá, ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như chất lượng thoái vốn.
Ông Đặng Quyết Tiến
Video đang HOT
Dù là nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính hay có dấu hiệu “phá đám”, thì rõ ràng đều cần sớm có giải pháp xử lý. Vậy Bộ Tài chính đã có phương án gì, theo ông?
Trước tiên, đó là giải pháp để buộc các nhà đầu tư minh bạch năng lực tài chính, tránh việc họ chỉ có vốn chẳng hạn 20-30 tỷ đồng, nhưng lại đăng ký mua lượng cổ phần trị giá tới 100-200 tỷ đồng. Trong trường hợp đăng ký mua khối lượng lớn, nhà đầu tư phải đưa ra phương án thu xếp vốn cụ thể, nêu rõ có ngân hàng bảo lãnh hay không… Nếu cứ để cho họ đăng ký thoải mái như hiện nay sẽ dễ tạo ra lỗ hổng, khiến các đợt thoái vốn của Nhà nước bị “làm rối”.
Mặt khác, cần có cơ chế để ban tổ chức bán đấu giá loại ngay những nhà đầu tư đặt giá mua cổ phần với mức giá cao bất thường như trường hợp tại CTCP Du lịch Đồ Sơn. Ở đây, cần phân tách tương đối rạch ròi giữa quyền của nhà đầu tư với quyền giám sát của nhà quản lý và bên tổ chức đấu giá cổ phần, trong việc phát hiện các biểu hiện bất thường và xử lý kịp thời, tránh các yếu tố khiến phiên bán đấu giá cổ phần bị thất bại.
Phải “mạnh tay” thì mới tạo tính răn đe. Không thể vì tạo điều kiện cho nhà đầu tư mà buông lỏng việc giám sát, xử lý các hành vi “phá đám”.
Nhằm đảm bảo tính pháp lý khi triển khai trên thực tế, có cách nào để “thể chế hóa” các giải pháp trên không, thưa ông?
Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM rà soát, sửa đổi quy chế đấu giá cổ phần, bổ sung các quy định mới nhằm ngăn ngừa, đồng thời xử lý hiệu quả các hành vi có dấu hiệu “phá rối” các phiên đấu giá cổ phần bán vốn của Nhà nước.
Theo đó, tại quy chế đấu giá cổ phần của các Sở GDCK có đặt ra yêu cầu, nhà đầu tư trong hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần phải minh bạch thông tin về năng lực tài chính. Khi bên tổ chức đấu giá nắm được thông tin này, nếu sau khi trúng giá mua cổ phần mà nhà đầu tư không mua, thì lúc đó Sở GDCK sẽ công khai danh tính nhà đầu tư “xù” mua cổ phần, để trong các cuộc đấu giá khác, ban tổ chức có thông tin xếp những nhà đầu tư này vào “danh sách đen”. Đây là một trong những giải pháp góp phần loại bỏ các yếu tố gây thất bại cho các cuộc đấu giá.
Cùng với đó, cần công khai ngân hàng đứng ra bảo lãnh (nếu có) cho nhà đầu tư tham gia đấu giá, nhưng “xù” không mua cổ phần. Làm như vậy mới tránh tác động xấu đến các đợt đấu giá bán vốn nhà nước.
Hữu Đạo thực hiện.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Cổ phiếu ngân hàng nguy cơ mất điểm bởi "cuộc chiến" cổ tức
Tranh luận của Bộ Tài chính và 2 ngân hàng niêm yết lớn là BIDV (mã BID, sàn HOSE) và VietinBank (mã CTG, sàn HOSE) quanh chuyện chia cổ tức đang là sự kiện "nóng", bởi đây là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
Tuy nhiên, việc này không thể làm tăng giá cổ phiếu, mà thậm chí có thể tác dụng ngược nếu các ngân hàng này phải tiến hành họp lại đại hội đồng cổ đông giải quyết lại vấn để. Không chỉ cổ phiếu của 2 ngân hàng này, mà có thể, cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác cũng sẽ bị mất điểm trong mắt các nhà đầu tư.
Ngày 13/6, giá cổ phiếu CTG giao dịch ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu, giảm 200 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần qua. Tương tự, giá cổ phiếu BID ngày 13/6 là 18.300 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước đề nghị BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền. Sau khi có văn bản trên, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những thông tin mới, trong đó trích dẫn nhiều văn bản cho rằng, việc chia cổ tức của BIDV và VietinBank phải được thông qua Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, 2 ngân hàng này vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, những quyết định đã thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông là đúng pháp luật.
Thông điệp phát đi từ VietinBank cho rằng, đại hội đồng cổ đông VietinBank năm 2016 đã đồng thuận giữ lại lợi nhuận là quyết định cần thiết và có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức tín dụng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore... Đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Thực chất, việc quyết định không chia cổ tức của VietinBank cũng không quá khó hiểu, bởi ngân hàng này luôn có nhu cầu tăng vốn bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngay đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank đã từng chia sẻ, để đạt được mục tiêu đưa VietinBank thành ngân hàng ngang tầm quốc tế và khu vực thì vốn điều lệ của Ngân hàng phải đạt tối thiểu 3,5 tỷ USD (tức hơn 70.000 tỷ đồng). VietinBank kỳ vọng đạt mức vốn này trong năm 2017. Chưa hết, ngân hàng này còn khát vọng một mục tiêu xa hơn, với mốc tăng lên tới 5 tỷ USD trong tương lai.
Trong khi đó, BIDV cũng đã lên tiếng về quyết định liên quan việc chia cổ tức khi cho rằng, Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 theo đúng luật định. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp cổ phần phải tiến hành họp đại hội cổ đông trong thời hạn 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.
Theo đó, ngày 25/2/2016, BIDV đã có Nghị quyết số 453/NQ-BIDV thống nhất tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 vào ngày 24/4/2016. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu của BIDV cũng đưa ra báo cáo về yêu cầu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước với nhận định rằng, trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay, thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng.
Xung quanh những tranh cãi về vấn đề chia cổ tức của 2 ngân hàng, giới quan sát cho rằng, cho dù ai đúng ai sai thì tranh cãi đó vẫn chỉ là câu chuyện riêng của một cổ đông (cho dù đó là cổ đông lớn). Trong khi đó, trên góc độ nhà đầu tư, nếu các ngân hàng phải họp lại đại hội cổ đông để quyết lại cổ tức thì rõ ràng, đó là một "điểm trừ" lớn của một doanh nghiệp niêm yết, bởi chuyện bùng nhùng của một cổ đông đã làm phiền toán đến hàng ngàn cổ đông khác, trong đó có cả các cổ đông nước ngoài.
Chính Trung tâm Nghiên cứu của BIDV trong Báo cáo phân tích mới đây cũng thừa nhận, nếu các ngân hàng phải thay đổi quyết định về cổ tức (dù quyết định đó đã được cuộc họp đại hội đồng cổ đông thông qua), thì xem ra, vai trò của cổ đông nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhà băng nhỏ ngày càng bỏng rát với sức ép tăng vốn Sức ép tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước ngày càng bỏng rát với các nhà băng nhỏ. NHNN khuyến khích các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính Khó huy động vốn từ bên ngoài, các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn vốn chủ sở...