Sẽ dừng dự án nếu Chính phủ có chủ trương
Chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A khẳng định đã có những điều chỉnh để giảm thiểu tối đa tác động của dự án tới môi trường và Vườn quốc gia Cát Tiên, và cho biết sẽ dừng dự án nếu Chính phủ có chủ trương.
Sáng qua 8.11, Tập đoàn Đức Long Gia Lai – chủ đầu tư dự án (DA) Đồng Nai 6&6A đã tổ chức họp báo công bố thông tin về hai DA trên. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Viện Môi trường – Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) thực hiện, sau khi điều chỉnh thiết kế, DA Đồng Nai 6&6A sẽ lấy 235,2 ha đất rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, rừng phòng hộ Đồng Nai và Lộc Bắc và lấy 136,98 ha đất tại khu Cát Lộc – Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
“Những gì mà chủ đầu tư ký trong báo cáo ĐTM gửi Bộ TN-MT thẩm định hoàn toàn không có gì sao chép”, ông Phát nói. Về việc thu gom gỗ trên diện tích đất thuộc DA, theo ông Phát, giá trị gỗ thu gom tại Đắk Nông và Bình Phước, nếu tính giá hiện nay không quá 6,5 tỉ đồng, tiêu thụ trên thị trường không quá 4,5 tỉ đồng, nên “mất rừng tương đối nhỏ”.
Dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A sẽ chiếm dụng 50 ha diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên – Ảnh: Kim Cương
Video đang HOT
Còn theo PGS-TS Nguyễn Phước, đơn vị lập báo cáo ĐTM cho DA, diện tích đất bị ảnh hưởng chủ yếu là đất ngập ven sông, đất có giá trị sử dụng nông nghiệp người dân đã xâm lấn, nên khu vực này không còn là rừng nguyên sinh mà là rừng nghèo, lồ ô tre nứa.
Ông Phước cũng cho biết “tính toán phương án vỡ một đập Đồng Nai 6A và vỡ cả hai đập 6&6A, phạm vi ngập tương đương với các cơn lũ lịch sử năm 2000 và 2006, nhưng xác suất vỡ cả hai đập rất ít”. Báo cáo ĐTM khẳng định hai thủy điện trên không ảnh hưởng đến chế độ thủy văn suối Đắk Lua, Bàu Sấu cũng như khu vực hạ du. Còn theo ông Nguyễn Văn Sỹ, đơn vị tư vấn thiết kế (Công ty CP tư vấn xây dựng điện 4), Đồng Nai 6&6A không có khả năng gây ra động đất kích thích do dung tích hồ chứa nhỏ, cột nước thấp hơn so với tiêu chuẩn gây ra động đất kích thích của UNESCO, các DA trên cùng lưu vực sông Đồng Nai cũng chưa xuất hiện hiện tượng động đất kích thích.
Chủ đầu tư và đơn vị lập ĐTM cũng khẳng định đã lấy ý kiến 137 hộ dân tại 14 thôn khu vực 2 dự án, kết quả nhận được 100% ý kiến đồng thuận. Ông Phát cũng khẳng định: “Nếu đánh giá ĐTM của DA có ảnh hưởng, phải dừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ đồng ý dừng theo chủ trương. Sau đó thế nào thì các cơ quan ban ngành sẽ làm việc lại với chủ đầu tư”.
Cùng thời điểm với buổi họp báo của chủ đầu tư, tại hội thảo các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban Thế giới về đập diễn ra tại Hà Nội sáng qua, TS Lê Anh Tuấn, thành viên Ban Tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), thay mặt nhóm nghiên cứu độc lập của VRN trình bày những phản biện về bản ĐTM của DA thủy điện Đồng Nai 6&6A. Theo TS Tuấn, thủy điện Đồng Nai 6&6A chưa được QH thông qua chủ trương đầu tư trong khi các DA này sẽ chiếm dụng diện tích thuộc VQG Cát Tiên trên 50 ha. Diện tích rừng bị mất trên thực tế còn lớn hơn, vì diện tích mất rừng được xác định thường cao hơn 30-35% so với con số nêu trong ĐTM. VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, việc điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm điều 11 của luật Đa dạng sinh học.
Ông Tuấn lưu ý, các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đề xuất trong báo cáo ĐTM là không tưởng và thiếu cơ sở để triển khai. “Người ta tính di dời động vật quý hiếm, thực vật đặc hữu của khu vực rừng này đi nơi khác để làm tăng đa dạng sinh học ở đó mà quên rằng, động thực vật đặc hữu chỉ có thể sinh sống ở khu vực nhất định, nếu di dời chúng đi chưa chắc đã sống được, thậm chí còn trở thành sinh vật ngoại lai nguy hại. Họ có nói là sẽ trồng bù diện tích rừng bị mất nhưng chúng tôi chưa thấy các bản cam kết của chủ đầu tư về việc này”, ông Tuấn lấy ví dụ.
Báo cáo ĐTM, theo ông Tuấn cũng chưa đánh giá đầy đủ có bao nhiêu người dân chịu ảnh hưởng, bao nhiêu hộ dân phải di dời và tạo sinh kế cho họ, vốn đa phần là những người dân nghèo. Các tính toán về tác động của đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện của cả Đồng Nai 6&6A và động đất kích thích của hai công trình chưa được báo cáo ĐTM phân tích và nghiên cứu một cách đầy đủ.
Theo TNO
Cân nhắc một dự án thủy điện
Ngày 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai để trao đổi những vướng mắc dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A - Ảnh: K.C
Ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai (viết tắt ĐLGL), nêu vướng mắc: "Với hơn 5 năm chuẩn bị thủ tục, cùng hàng trăm văn bản nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai". ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ: "Ý kiến của nhà đầu tư đáng phải suy nghĩ. Một doanh nghiệp chuẩn bị dự án trong thời gian dài, thực hiện đúng quy trình, nhưng không có một cơ quan nào phản biện lại đánh giá tác động môi trường, mà thay vào đó chỉ có các nhà khoa học".
PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT (đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường), cho biết thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180 MW, thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, ĐLGL đã thay đổi dự án thành 2 bậc thang là Đồng Nai 6 và 6A với tổng công suất 241 MW, có tổng sản lượng điện trên 929 triệu KWh/năm. Theo phương án này, diện tích chiếm đất của 2 thủy điện là 1.954 ha. Trong đó 372 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và 1.222 ha diện tích đất thuộc rừng phòng hộ của Đắk Nông và Bình Phước. Số dân bị ảnh hưởng phải tái định cư là 33 hộ (165 nhân khẩu) và phải di dời 3 công trình công cộng.
Dự án thủy điện được thiết kế theo dạng bậc thang, nhà máy đặt sau đập (tương tự như nhà máy thủy điện Trị An), nước tràn qua tua bin phát điện trả lại ngay dòng sông nên không gây ra "đoạn sông chết". Quá trình thực hiện dự án, đã có 7 bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông phê duyệt và cho phép chuyển đổi các phần diện tích chiếm đất tương ứng từ đất lâm nghiệp sang xây dựng thủy điện. Bộ NN-PTNT đánh giá 2 dự án này có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, tuy nhiên không đến mức thay đổi tiêu chí, mục đích nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên.
Tham gia ý kiến, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, cho rằng: "Dù dự án không nằm trên địa bàn, nhưng rõ ràng khi xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai, thì phía hạ lưu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tôi cũng băn khoăn với đánh giá tác động môi trường khi mà trước đây các nhà khoa học phát biểu hoàn toàn trái ngược. Họ cho rằng dự án thủy điện 6 và 6A ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bảo tồn thủy văn, ảnh hưởng dòng chảy, khu vực ngập nước Bàu Sấu... Do đó, cần phải đánh giá thêm". Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai, đề nghị ĐLGL làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng thế nào đến diện tích rừng bị mất, và tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia. "Vừa qua động đất tại đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gây hoang mang cho người dân, không biết chủ đầu tư làm thủy điện có tính đến yếu tố động đất hay không?", ông Vở đặt câu hỏi.
Kết thúc cuộc họp, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến 2 dự án này, tuy nhiên Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp, ghi nhận ý kiến (kể cả trách nhiệm quản lý nhà nước) để phản ánh tại diễn đàn Quốc hội trong thời gian tới.
Theo TNO
Đã xác định danh tính những đối tượng xẻ thịt bò tót Tính đến chiều ngày 10/10, Công an huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã xác định được danh tính của 9 trong số 17 đối tượng vây giết và xe thịt bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào ngày 5/10. Theo đó, 9 đối tượng này đều là người dân sinh sống tại thôn Phước Sơn, xã Phước Cát 2, huyện Cát...