Sẽ đảo lộn mùa khô thành ‘mùa nước nổi’ ở ĐBSCL
Mùa khô hạn ở ĐBSCL sẽ thành mùa nước nổi và ngược lại khi các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông ở Trung Quốc chuẩn bị đi vào hoạt động trong vài tuần tới.
Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Nước ở đâu: mùa khô Mê Kông 2022″, do Trung tâm Stimson tổ chức (trực tuyến) với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 15.2.
Đảo ngược quy luật tự nhiên
Ông Alan Basist, Chủ tịch Dự án quan sát trái đất ( Eyes on Earth) và đồng đứng đầu Tổ chức giám sát đập Mê Kông, thông tin: Hiện nay đang đầu mùa khô hạn, mọi thứ diễn biến khá bình thường; nhưng chỉ vài tuần nữa khi vào cao điểm sẽ có nhiều biến động lớn, khi Trung Quốc bắt đầu xả nước trên các đập thủy điện của họ để sản xuất điện. Vào lúc đó lượng nước trên dòng sông Mê Kông sẽ rất dồi dào chứ không phải là mùa khô như quy luật tự nhiên vốn có của nó. Từ đó, ông dự báo có thể vùng hạ lưu sông Mê Kông từ giờ về sau sẽ thay đổi theo hình thức mùa khô sẽ bị ngập lụt đáng kể nhưng mùa mưa dòng chảy bị thiếu hụt. Đây là năm thứ 4 liên tiếp dòng sông này thiếu nước trong mùa mưa mà lại thừa nước trong mùa khô.
Dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông bị đảo ngược, sự trù phú của vùng hạ lưu sông sẽ không còn trong tương lai gần. Ảnh ĐÌNH TUYỂN
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, cũng cho rằng việc các đập thượng nguồn tích nước trong mùa lũ cũng làm cho dòng chảy vào Biển Hồ ở Campuchia suy giảm, xóa sổ vai trò điều tiết nước tự nhiên của Biển Hồ và thủy sản tự nhiên ở đây, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở đó cũng như lượng trứng cá và cá con trôi về ĐBSCL mỗi mùa lũ. Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và đồng Trưởng nhóm Giám sát đập Mê Kông, Trung tâm Stimson, nhận định: Tính mùa vụ tự nhiên của dòng sông không còn và vấn đề này ngày càng nghiêm trọng hơn. Thế nên, các quốc gia hạ lưu vực sẽ phải gánh chịu những tác động rất nguy hại này. Cụ thể, khoảng 20 triệu người dân sẽ bị tác động trực tiếp đến sinh kế.
Video đang HOT
Báo cáo kỹ thuật tháng 1.2022 của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) đề xuất: Chiến lược phát triển lưu vực 2021 – 2030 nên xem xét việc xây dựng thêm các công trình trữ nước trong lưu vực để củng cố an ninh nguồn nước. Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng kiến nghị này không phù hợp và rất nguy hiểm. Hiện nay các đập thủy điện đã làm biến mất mùa lũ, làm yếu dòng chảy mùa lũ, suy giảm vận chuyển phù sa về ĐBSCL và gây rối loạn nhịp thủy văn dòng sông. Việc các nước phía trên xây dựng thêm các công trình lớn để trữ nước sẽ ngày càng hủy hoại thêm điều kiện tự nhiên của dòng sông, khiến Biển Hồ chết hẳn và làm trầm trọng thêm tác động ở phía hạ lưu, nhất là ĐBSCL.
“Đập thủy điện sẽ phá hủy dòng sông, thêm đập nữa sẽ giữ thêm nước và càng làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên hơn. Trước đây lượng nước sông Mê Kông chảy 80% trong mùa lũ, 20% trong mùa khô nên mới có dòng chảy mạnh vào tháng 7, 8, 9 mang phù sa về bồi đắp tạo nên đồng bằng này. Nay thủy điện làm giảm dòng chảy mùa lũ thì nước không còn đủ mạnh mà mang phù sa, cát về đồng bằng nữa, sạt lở sẽ gia tăng”, ông Thiện lo lắng.
Hợp tác giải mã “hộp đen” của Trung Quốc
Ông Alan Basist phân tích: Nước từ các đập thủy điện xả ra là “nước đói” vì không có phù sa nên không mang thêm dinh dưỡng bổ sung cho đồng ruộng, kéo theo nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đây là quy luật tự nhiên chung của tất cả các dòng sông trên trái đất này chứ không riêng gì Mê Kông. Nhịp sinh học của Biển Hồ ở Campuchia đã bị đảo lộn trong thời gian qua, ảnh hưởng vô cùng lớn đến ngư nghiệp và sự sinh sản tự nhiên của tôm cá nơi đây.
Bà Courtney Weatherby, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á (Trung tâm Stimson), ví những thông tin về các đập thủy điện và sự vận hành của nó giống như chiếc “hộp đen” đầy bí ẩn mà Trung Quốc luôn muốn giữ bí mật cho riêng mình. Các nước cần xây dựng cơ chế hợp tác để giải mã chiếc hộp đen đó trên cơ sở chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi ích chung mà dòng sông Mê Kông mang lại. Đầu tiên, các nước vùng hạ du cần hợp tác thu thập thông tin và phân tích những dữ liệu đó, dự đoán các tình huống xấu có thể xảy ra để đưa ra lý luận mang tính thuyết phục.
Dòng sông tự nhiên mang lại lợi ích chung cho người dân ở tất cả các nơi mà nó đi qua. Nay việc xây đập là sự can thiệp của con người và chiếm đoạt lợi ích chung cho một nhóm đối tượng riêng. Trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên đó, ông Brian Eyler cho rằng cần thu thập thông tin và phân tích số liệu thật kỹ về những sự tác động đó để đàm phán với phía Trung Quốc. “Đập của Trung Quốc được xây dựng chỉ mang lại lợi ích cho chính họ, kể cả nhiều vấn đề phía sau đó nữa. Họ phải có trách nhiệm bù đắp các thiệt hại, đây là điều dễ nhất và cũng là cách đơn giản nhất chúng ta có thể làm được với họ trong điều kiện hiện nay”, ông Brian Eyler nhận định.
Việc vận hành các đập sẽ gây thiệt hại về sinh kế cho người dân hạ lưu vực, đặc biệt là nông nghiệp của các nước. Trung Quốc cũng cần phải hiểu rằng với dân số trên 1,4 tỉ người, họ cũng cần phải dựa vào nguồn lương thực được cung cấp từ các nước tiểu vùng Mê Kông. Nếu khu vực này bị tổn thương trong thời gian dài, an ninh lương thực của chính Trung Quốc cũng bị đe dọa.
Ông Brian Eyler, Trung tâm Stimson
Thuỷ điện Trung Quốc xả nước hạn chế, ngành chức năng khuyến cáo chủ động ứng phó hạn mặn
Trước việc thuỷ điện Trung Quốc xả nước hạn chế trong thời gian gần đây, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam khuyến cáo phải chủ động ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô.
Theo thông tin từ Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện. Tại thuỷ điện Cảnh Hồng, lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700 m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện.
Trước việc thuỷ điện Trung Quốc xả nước hạn chế trong thời gian gần đây, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam khuyến cáo phải chủ động ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô. Trong ảnh, một ruộng lúa của người dân tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn trong mùa khô năm 2016. Ảnh: Huỳnh Xây
Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế do đó dòng chảy còn giảm nhanh, là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa khô 2021-2022.
Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam dự báo, từ tháng 2 đến tháng 3, vùng giữa ĐBSCL gồm TP Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, mặn với nồng độ 4 g/l có thể xâm nhập sâu 50-65 km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.
Ở vùng ven biển ĐBSCL bao gồm các tỉnh ven biển như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra, nhất là ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Từ tháng 2 đến tháng 3, mặn có thể ở xâm nhập 50-65 km.
Trước khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thuỷ điện.
Vì vậy, theo Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, song song với xây dựng kế hoạch xuống giống phù hợp với điều kiện của vùng, các địa phương ở ĐBSCL cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn.
"Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước" - Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam kiến nghị.
Cụ thể, đối với vùng giữa ĐBSCL, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, thời gian xuống giống vụ Đông Xuân nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo với vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.
Đối với vùng ven biển ĐBSCL, mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú-Tiếp Nhật. Do đó, các địa phương cần chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn nước trong thời gian hạn mặn xảy ra.
Các tỉnh miền Tây bắt đầu ứng phó hạn, mặn Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022 cũng là thời điểm mặn bắt đầu xâm nhập, các tỉnh ĐBSCL đã lên kịch bản ứng phó. Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa bàn huyện Phước Long (Bạc Liêu) là tuyến kênh dẫn nước ngọt về tỉnh này, khi mặn xâm nhập thì âu thuyền Ninh Quới sẽ được vận hành để kiểm...