Sẽ có trạm y tế một điểm dừng phục vụ người bệnh
Là nơi tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nhưng trạm y tế tuyến phường xã đang trong tình trạng “ế khách”. Sở y tế đang phát triển phòng khám vệ tinh, hướng tới mô hình trạm y tế một điểm dừng để thu hút người bệnh.
Từ đầu năm 2016, khi quy định thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến tuyến quận huyện được thực thi, người bệnh có xu hướng rời bỏ trạm y tế tuyến phường xã đến khám chữa ở bệnh viện tuyến trên. Những hạn chế về năng lực chuyên môn, trang thiết bị, cơ số thuốc bảo hiểm y tế ở tuyến phường xã khiến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu này rơi vào khó khăn, nhiều nơi người dân chỉ đến khám các loại bệnh hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm… thông thường.
Phát triển y tế tuyến cơ sở sẽ là giải pháp trọng tâm trong chăm sóc sức khỏe cho người dân
Ngày 8/8/2018, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Thống kê sơ bộ lượt khám chữa bệnh của các trạm y tế trên toàn thành cho thấy, các trạm y tế hiện chỉ thu hút được hơn 3% bệnh nhân đến thăm khám trên tổng số lượt khám chữa bệnh của tất cả cơ sở y tế của toàn thành phố”.
Theo phân tích của PGS Tăng Chí Thượng, y tế Việt Nam hiện đang trải qua giai đoạn phát triển tương tự như y tế Thái Lan. Trước đây, các trạm y tế của Thái Lan trong tình trạng không có bác sĩ nên rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nước bạn đã có bước ngoặt khi thực hiện phương án phối hợp, hỗ trợ chuyên môn giữa bệnh viện tuyến quận huyện với các trạm y tế, đưa bác sĩ, trang thiết bị về trạm. Đến nay, mô hình của Thái Lan đã hoạt động hiệu quả, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là mô hình chuẩn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân với 99% số dân được theo dõi sức khỏe liên tục.
Trên cơ sở tham quan, học tập mô hình từ Thái Lan và những mô hình các quốc gia khác, ngành y tế TPHCM đang ứng dụng vào thực tiễn của thành phố. Sau khi triển khai thành công phòng khám vệ tinh của bệnh viện tuyến thành phố tại các bệnh viện quận huyện, thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị Sở Y tế đang tiếp tục triển khai phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận huyện tại trạm y tế phường xã.
PGS Tăng Chí Thượng cho hay: “Phòng khám vệ tinh đầu tiên ở tuyến trạm y tế được bệnh viện Quận Thủ Đức triển khai tháng 7/2016 tại phường Bình Chiểu. Đến na, phòng khám này đã phát huy tính hiệu quả cao mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Tiếp nối thành công này, Sở Y tế cho phép Bệnh viện Quận 2 đầu tư lập phòng khám đa khoa vệ tinh tại phường Thảo Điền. Phòng khám chính thức hoạt động từ ngày 8/8/2018, được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hút cho trạm y tế phường xã, tiến tới phát triển 1 phòng khám đa khoa vệ tinh đặt ở trạm y tế trên mỗi quận huyện”.
Sau phòng khám đa khoa vệ tinh, phòng khám một điểm dừng sẽ được triển khai
Video đang HOT
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Bệnh viện đã đầu tư 10 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Để phòng khám hoạt động hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người bệnh, bệnh viện đã tăng cường 17 bác sĩ với đầy đủ các chuyên khoa. Người bệnh khám chữa tại phòng khám được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, chuyên môn kỹ thuật như tại bệnh viện.”
Cùng với sự gia tăng của nhu cầu khám chữa bệnh, mô hình bệnh tật với các loại bệnh mạn tính không lây khiến số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều. Ngoài các bệnh viện thành phố, nhiều bệnh viện quận huyện đã rơi vào quá tải người bệnh. Nếu không nâng cao năng lực y tế của tuyến phường xã, nguy cơ bệnh viện tuyến quận huyện “vỡ trận” đang gần kề.
Bên cạnh hoạt động xây dựng phòng khám đa khoa vệ tinh, để tăng cường y tế tuyến phường xã, Sở Y tế thành phố đang tăng cường bác sĩ về trạm y tế với mục tiêu từ nay đến năm 2020 mỗi trạm y tế sẽ có 2 bác sĩ. Thành phố sẽ có 24 trạm y tế thí điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trong mô hình này người dân sẽ được quản lý, chăm sóc sức khỏe từ dự phòng đến điều trị ngay lúc sinh ra cho đến khi qua đời.
PGS Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế sẽ tiến tới phát triển mô hình trạm y tế một điểm dừng. Tại đây, y bác sĩ sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp cận hiện trường, thực hiện cấp cứu, chuyển bệnh sớm cho những trường hợp khẩn cấp; các xét nghiệm chuyên sâu, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ được cung ứng đầy đủ; ca bệnh khó sẽ được hội chẩn chuyên môn liên viện, trường hợp cần can thiệp bác sĩ đến tận nơi thực hiện… khi đó, người dân chỉ cần ở tại trạm y tế nhưng vẫn được chăm sóc, điều trị với chất lượng chuyên môn như tại bệnh viện”.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Năng lực quản trị bệnh viện: Đến lúc phải thay đổi
Lâu nay, lãnh đạo cơ sở y tế công lập được bổ nhiệm theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Việc phải gánh trên vai năng lực chuyên môn lẫn quản lý khiến mô hình tổ chức ở các bệnh viện gần như giống nhau, cùng thể hiện bất cập trong quản lý, điều hành khiến nhân viên y tế, người bệnh đều... oải.
Trước bất cập trên, Bộ Y tế tính đến phương án thay đổi cách quản lý ở cơ sở y tế bằng nhiều hình thức.
Rắc rối nảy sinh từ cách quản lý thiếu chuyên nghiệp
Theo quy định hiện hành, việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ sở y tế phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, quá trình công tác tại đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc để trở thành người đứng đầu cơ sở y tế thì yếu tố chuyên môn phải đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội biến đổi không ngừng. Bệnh viện không còn là "thế giới riêng" của những người làm công tác cứu người mà trở thành xã hội thu nhỏ, cách điều hành, tổ chức của người đứng đầu đôi khi không còn phù hợp, thậm chí có nơi còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà.
Sự cố y khoa của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tình trạng bạo hành bác sĩ hay những vấn đề xã hội nảy sinh trong bệnh viện như bảo vệ chặn xe cấp cứu khiến bệnh nhi tử vong trên đường, lạm dụng chỉ định cận lâm sàng cho người bệnh, mâu thuẫn trong đầu tư trang thiết bị y tế theo hình thức xã hội hóa... xảy ra ở hầu hết cơ sở y tế đều liên quan đến năng lực quản lý của người đứng đầu.
Thực tế cho thấy năng lực quản lý thiếu hoặc yếu dẫn đến cách tổ chức rối rắm, không khoa học. Tình trạng trên càng trầm trọng ở bệnh viện tuyến cuối, khiến người bệnh mệt mỏi bởi thủ tục hành chính, bởi quá tải và nhầm lẫn trong y khoa.
Quản trị bệnh viện không chỉ là chuyên môn mà còn liên quan đến vấn đề xã hội (người bệnh nghèo, ăn uống của người nhà bệnh nhân, vận chuyển bệnh nhân...), đặc biệt là cách ứng xử sau khi xảy ra tai biến y khoa.
Nếu không có năng lực quản lý, người đứng đầu bệnh viện không thể với tới lĩnh vực trên. Những phản ánh, bức xúc của người bệnh và người nhà bệnh nhân đổ dồn lên vai nhân viên y tế thời gian qua minh chứng cho yếu kém trong tổ chức, quản lý, điều hành tại một số cơ sở y tế.
Đến lúc phải thay đổi
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy lãnh đạo bệnh viện phải đáp ứng được năng lực cơ bản như lập kế hoạch, giám sát theo dõi thực hiện kế hoạch, làm việc nhóm, giao tiếp ứng xử, quản lý nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất... Như vậy, chuyên môn chỉ đóng góp phần nhỏ trong tiêu chuẩn năng lực quản lý của người đứng đầu cơ sở y tế. Nhưng trên thực tế, hiếm có lãnh đạo bệnh viện công nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên.
Giải quyết những bất cập về năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo cơ sở y tế hiện nay, Bộ Y tế đã tính đến phương án thuê giám đốc điều hành cho các bệnh viện.
Thuê giám đốc điều hành không phải là vấn đề mới. Tại bệnh viện tư, tự chủ tài chính hoặc có yếu tố nước ngoài, bên cạnh giám đốc về chuyên môn còn có giám đốc điều hành. Đây là đội ngũ đảm nhận việc điều hành toàn bộ hoạt động của bệnh viện.
Họ sát sao từ bữa ăn của người bệnh, chỗ gửi xe của người nhà bệnh nhân, vấn đề an ninh đến môi trường làm việc của bác sĩ và dịch vụ người bệnh được thụ hưởng. Ngoài ra, giám đốc điều hành còn là người lo việc đối nội, đối ngoại, có thể phán đoán các rủi ro để có ứng xử phù hợp.
Quản lý bệnh viện chuyên nghiệp là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng để "có đất" cho đội ngũ này đòi hỏi sự thay đổi từ nhiều phía. Trước hết là cơ chế chính sách.
Theo quy định hiện hành, giám đốc bệnh viên phải hội tụ 7 tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn là bác sĩ chuyên khoa 2 hoặc tiến sỹ chuyên ngành phù hợp, trải qua vị trí lãnh đạo và phải lấy phiếu tín nhiệm từ cấp cơ sở.
Chiểu theo quy định này, người ngoài không có cơ hội lọt vào bệnh viện để làm quản lý. Như vậy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng, thay đổi mô hình, tổ chức của bệnh viện trước hết cần phải thay đổi quy định trên cho phù hợp với thực tế.
Trong khi chờ chính sách thay đổi, Bộ Y tế đưa ra giải pháp tình thế là đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cho đội ngũ này. Hàng trăm cán bộ quản lý cơ sở y tế đăng ký theo chương trình trên cho thấy thực tế năng lực quản lý cũng như nhu cầu cập nhật kiến thức ở mức báo động.
Theo GS. TS Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng, các học viên được học lý thuyết, thực hành, đặc biệt là kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, xây dựng thực hiện chính sách, quản lý các nguồn lực và quản lý hoạt động chuyên môn.
Một khóa học chưa thể giải quyết gốc rễ vấn đề nhưng chắc chắn sẽ tác động nhận thức, tư duy và cách quản lý của người đừng đầu bệnh viện. Người bệnh, nhân viên y tế đang trông chờ hiệu quả của sự thay đổi trên, trước mắt là giảm phiền hà trong hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày, giải quyết tình trạng quá tải và thay đổi thái độ, cách ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh.
Quế Vân
Theo giaoducthoidai.vn
Đau đầu, mất thính lực vì khối u như quả trứng trong não Sau thời gian dài bị đau đầu, ù tai, điếc dần bệnh nhân rơi vào tình trạng liệt nửa mặt, đau dữ dội. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định người bệnh có khối u lớn như quả trứng trong góc cầu tiểu não. Đó là trường hợp của nam bệnh nhân M.T. (33 tuổi, ngụ tại Tây Ninh). Theo thông tin từ...