Sẽ có quy chuẩn về condotel, officetel trong năm 2019
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel…).
BĐS condotel là loại hình BĐS căn hộ khách sạn đang phát triển mạnh trong bối cảnh đây là loại hình BĐS mới, pháp luật nước ta chưa ghi nhận cụ thể ở Luật Đất đai, Luật BĐS, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…. Từ năm 2014 đến nay, trên cả nước xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển loại hình sản phẩm BĐS condotel tập trung tại các khu vực ven biển như Vân Đồn, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc,…
Trong đó Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn phát triển nóng. Một nghịch lý đang xảy ra, đó là tỉ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong lúc tỉ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44%, trong khi ở các nước khác, tỉ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel.
Dự kiến trong 2 năm 2019 – 2020, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán, với diện tích căn hộ trên dưới 45m2.
Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Ông cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản, nghị định, thông tư của Việt Nam hiện không có thuật ngữ condotel, officetel.
Bộ Xây dựng nhận định: “Đây là thuật ngữ “lai” nước ngoài mà chúng ta vẫn quen gọi trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản, nghị định, thông tư của Việt Nam hiện không có thuật ngữ condotel, officetel”.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường, căn hộ nghỉ dưỡng (còn gọi là condotel) hay biệt thự nghỉ dưỡng được xếp vào loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý theo pháp luật về du lịch, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Theo đó, những tổ chức, cá nhân kinh doanh căn hộ du lịch và biệt thự du lịch là kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của Tổng cục du lịch mới được kinh doanh.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh khẳng định, Bộ đang nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của loại hình này để ban hành trong thời gian tới. Còn liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua về chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho căn hộ nghỉ dưỡng hay căn hộ văn phòng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để nghiên cứu.
Sau thời gian bùng nổ, hơn 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chững lại hẳn, lượng giao dịch căn hộ du lịch (condotel) giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguyên nhân cơ bản là những vướng mắc về pháp lý cho các sản phẩm condotel chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
“Hiện nay, pháp lý còn lấn cấn về loại hình condotel, chưa định hình rõ là bất động sản để ở hay kinh doanh: trong những ngày tôi đến ở thì là nhà của tôi, nhưng thời gian còn lại đem đi kinh doanh thì không phải là nhà ở”, chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận tại một hội thảo về chủ đề phát triển loại hình sản phẩm này mới đây.
Video đang HOT
Theo ông Hiếu, condotel là bất động sản kinh doanh. Do đó, tất cả các luật về đất, thuế cần xem đây là bất động sản kinh doanh. Ông cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp, người mua nhà an tâm về quyền sở hữu. Hiện nay một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng tương lai như thế nào thì không ai rõ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thúc đẩy thị trường condotel phát triển tương xứng với tiềm năng, cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý theo hướng cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản này. Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ condotel ở một số địa phương hiện nay là không đúng.
Bởi Điều 10, Luật Đất đai 2013 đã phân loại đất căn cứ vào mục đích sử dụng. Condotel được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ, vì vậy, nếu cấp sổ với mục đích sử dụng là đất ở cho các căn hộ này thì sẽ dẫn đến xung đột trong quy định pháp luật. Hơn nữa, tại Khoản 3, Điều 126 Luật Đất đai về thời hạn giao đất có quy định, cho thuê đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư là không quá 50 năm và được gia hạn thêm. Như vậy, có nghĩa, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, condotel thuộc đối tượng được sử dụng đất có thời hạn, theo dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, qua nghiên cứu cơn sốt phát triển các dự án condotel tại Việt Nam hiện nay, HoREA nhận thấy, thực tế hiện nay chủ đầu tư bán căn hộ condotel cho người mua (nhà đầu tư thứ cấp) còn nhằm mục đích huy động vốn để thực hiện dự án, theo phương thức tương tự như bán nhà ở hình thành trong tương lai (mặc dù pháp luật chưa cho phép thực hiện phương thức này đối với các dự án không phải là bán nhà ở hình thành trong tương lai).
Với phương pháp bán hàng này, chủ đầu tư được lợi rất lớn vì thu hồi vốn nhanh, có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế vốn vay tín dụng, lại được quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp. Mặc dù phải trả lợi nhuận cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng vẫn lợi hơn so với đi vay ngân hàng và được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh sau này.
Trong khi đó, nhà đầu tư thứ cấp có thể chịu nhiều rủi ro và bị thua thiệt. Cụ thể, chủ đầu tư bán căn hộ condotel với giá phổ biến từ 25 – 55 triệu đồng/m2, tức trên 1 tỉ đến 3 tỉ đồng/căn tùy thuộc đẳng cấp, địa điểm dự án, vị trí căn hộ và có cam kết hoặc không có cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp.
Đối với các dự án condotel mà chủ đầu tư không cam kết lợi nhuận, nhà đầu tư thứ cấp phải chịu thêm chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý khai thác kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân khi giao cho chủ đầu tư kinh doanh căn hộ condotel của mình.
Với các dự án mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 – 12% trong 8 – 12 năm, giá bán có thể đã nâng lên 30- 50% đủ để chi trả cam kết lợi nhuận này. Như vậy, trong trường hợp này nhà đầu tư thứ cấp tự trả lợi nhuận cho chính mình nhưng lại không có quy định pháp luật nào bảo đảm quyền lợi của họ trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về lợi nhuận.
Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), phân tích: trong giai đoạn bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng, các địa phương có nhiều quan điểm khác nhau và cách hành xử khác nhau về condotel. Các chủ đầu tư cũng hiểu khác nhau nên đã đưa ra nhiều cam kết bán hàng khác nhau. Nhưng sau 1/1/2018, Luật Du lịch đã xác định condotel không phải là nhà ở.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)…
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Chất vấn những vấn đề bức xúc, hướng tới các giải pháp thiết thực
Quốc hội đã quyết định chọn bốn nhóm vấn đề để chất vấn thuộc các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội bắt đầu từ sáng nay, 4/6, và sẽ kéo dài đến ngày 6/6. Các phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, nêu rõ Quốc hội đã quyết định chọn bốn nhóm vấn đề để chất vấn thuộc các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết những nội dung được lựa chọn chất vấn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp, giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng chống, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng "đen," băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen;" hoạt động của các tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; việc xử lý gian lận điểm thi tại một số địa phương...
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.
Kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Các cấp, các ngành triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020, nâng cao năng lực của lực lượng chức năng trong quản lý địa bàn công tác, phối hợp nắm bám, ngăn ngừa để hạn chế ma túy thẩm lọt qua các khu vực cửa khẩu, biên giới, đường biển vào nội địa; phối hợp giữa các lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy...
Triển khai hiệu quả Chương trình Quốc gia về phòng chống tội phạm, các lực lượng chức năng tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự ngay khi mới manh nha; kiềm chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, cả đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội các hành vi vi phạm pháp luật không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Bộ Công an có giải pháp hạn chế để tội phạm bỏ trốn phải truy nã, tăng cường trách nhiệm của các lực lượng chức năng, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm; xử lý tốt các vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự, quản lý tốt an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.
Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Công an đã đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng, giải đáp được vấn đề đại biểu nêu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận định Bộ trưởng Tô Lâm đã không né tránh vấn đề được chất vấn, thẳng thắn nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những tồn tại, yếu kém của ngành mình.
Theo dõi phiên chất vấn qua phương tiện thông tin đại chúng, đa số cử tri đánh giá cao không khí sôi nổi, dân chủ, ý kiến rất thẳng thắn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn giúp cử tri kịp thời theo dõi, giám sát, nắm bắt được các thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Cử tri Lê Thị Mai, Bí thư Chi bộ 6, tổ 21, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đồng tình với những kết quả Bộ Công an đã nỗ lực đạt được trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước đem lại niềm tin cho người dân. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng tập trung trả lời về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Ngày 5/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng; tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch./.
Theo PV (TTXVN/Vietnam )
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực xây dựng Là một trong 4 Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ là người trả lời hàng loạt các vấn đề đang tồn tại, gây bức xúc trong dư luận của ngành xây dựng vào chiều ngày mai (4/6). Với những yếu kém trong...