Sẽ có nguyệt thực toàn phần dài 100 phút vào rạng sáng 16.6
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng ngày 16.6 tới đây được cho là một trong những lần nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21. Khi nào bắt đầu xảy ra hiện tượng này, có thể quan sát bằng mắt thường?, mặt trăng sẽ có màu gì?….
PV Laodong.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn – Vũ trụ Việt Nam xung quanh những vấn đề đó.
Xin ông cho biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra như thế nào trong ngày 16.6 tới?
Trong nguyệt thực lần này, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 1 giờ 22 phút 56 giây (giờ Việt Nam), nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 2 giờ 22 phút 30 giây, nguyệt thực toàn phần cực đạt xảy ra lúc 3 giờ 12 phút 37 giây. Nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 4 giờ 2 phút 42 giây và nguyệt thực một phần kết thúc lúc 5 giờ 2 phút 15 giây.
Bóng Trái đất sẽ bao phủ toàn bộ toàn bộ bề mặt mặt trăng trong gần 100 phút nên đây sẽ là một trong những lần nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21, chỉ kém nguyệt thực toàn phàn dài nhất thế kỷ 21 có 3 phút. Lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 sẽ xảy ra vào ngày 27.7.2018.
Người dân Việt Nam cũng một số khu vực trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần trong gần 100 phút. Ảnh: Internet.
Mặt trăng sẽ có màu gì khi xảy ra hiện tượng này?
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi trái đất ở vị trí giữa mặt trời và mặt trăng, 3 thiên thể này cùng nằm trên một đường thẳng. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, bóng trái đất sẽ bao phủ toàn bộ mặt trăng. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy mặt trăng hiện ra với màu đỏ gạch. Lý do là bởi vì hầu hết ảnh sáng mặt trời khi đi qua lớp khí quyển mỏng của trái đất bị hấp thụ, chỉ có ánh sáng màu đỏ có bước sóng dài ít bị hấp thụ và tiếp tục xuyên qua lớp khí quyển này. Do lớp khí quyển của trái đất có tác dụng như một thấu kính hội tụ nên những tia sáng đỏ bị khúc xạ và tiếp tục chiếu sáng bề mặt mặt trăng. Do vậy, chúng ta sẽ thấy mặt trăng có màu đỏ gạch trong thời gian xảy ra nguyệt thực toàn phần.
Vậy chúng ta có thể quan sát nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường không, thưa ông?
Khác với nhật thực, khi quan sát phải sử dụng kính chuyên dụng với các bộ lọc, còn đối với nguyệt thực thì chúng ta có thể chiêm ngưỡng bằng mắt thường và các bạn có thể sử dụng máy ảnh, camera, ống nhòm có độ phóng đại vừa phải để quan sát, chụp ảnh.
Những khu vực nào có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, thưa ông?
Phần lớn châu Âu, châu Á, toàn bộ châu Phi, châu Úc, châu Nam Cực và một phần Nam Mỹ sẽ quan sát được hiện tượng thiên nhiên thú vị này.
Ông có thể cho biết, người dân Việt Nam có cơ hội được chiêm ngưỡng mấy lần nguyệt thực toàn phần trong năm nay?
Sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng 2 lần nguyệt thực toàn phần. Lần đầu tiên là rạng sáng ngày 16.6 tới đây và lần thứ hai sẽ xảy ra vào ngày 10.12.2011. Trong lần thứ hai, nguyệt thực một phần sẽ bắt đầu lúc 19 giờ 45 phút 42 giây, nguyệt thực toàn phần bắt đầu lúc 21 giờ 6 phút 16 giây, nguyệt thực toàn phần cực đạt xảy ra lúc 21 giờ 31 phút 49 giây, nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 21 giờ 57 phút 24 giây và nguyệt thực một phần kết thúc lúc 23 giờ 17 phút 58 giây. Thời gian nguyệt thực toàn phần lần thứ hai kéo dài khoảng 52 phút. Thuận lợi của lần nguyệt thực này là xảy ra vào đêm 10.12 nên chúng ta không cần phải thức khuya. Tuy nhiên, thời gian này đang vào mùa đông nên bầu trời thường nhiều mây u ám cản trở tầm nhìn, thời tiết lạnh giá với người miền Bắc.
Video đang HOT
So với nhật thực, tần xuất xuất hiện của nguyệt thực như thế nào, thưa ông?
Mặc dù chúng ta thường xuyên quan sát được hiện tượng nguyệt thực nhiều hơn nhật thực nhưng thực tế tần xuất xuất hiện nhật thực nhiều hơn nguyệt thực. Lý do là bởi, mỗi lẫn xảy ra nguyệt thực thì hơn một nửa trái đất trong vùng bóng tối có thể quan sát được hiện tượng này trong khi nhật thực chỉ được quan sát trong một dải hẹp. Mỗi năm có ít nhất 2 lần nhật thực nhưng có năm không có nguyệt thực nào.
Ông có lời khuyên nào đối với những người muốn quan sát hiện tượng thiên nhiên này?
Đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường, hoàn toàn có thể tính toán chính xác thời điểm diễn ra, không mang yếu tố tâm linh, cũng không đe dọa đến sự sống trên trái đất.
Thời gian xảy ra nguyệt thực toàn phần lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 16.6 tới nên chúng ta phải thức khuya. Do đó, những ai muốn quan sát hiện tượng này hãy cẩn trọng với sức khỏe của mình vì dễ bị ngấm sương.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động
6 hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ hút teen năm 2010
Năm 2010, giới trẻ Việt Nam được mãn nhãn với những hiện tượng thiên nhiên lạ lùng và kỳ diệu như nhật thực hình khuyên, nguyệt thực, Mặt trăng nuốt sao Kim hay mây tán sắc...
Có lẽ chưa năm nào giới trẻ Việt Nam lại được mục sở thị nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú như năm nay, ngược hẳn với năm ngoái thì teen chỉ được xem nhật thực toàn phần vào tháng 7. Ngay từ những ngày đầu năm, teen đã được chiêm ngưỡng nhật thực, đến tháng 5, thì ngỡ ngàng với cảnh Mặt trăng "nuốt" sao Kim, tiếp đến là sự kiện nguyệt thực...
Trong năm nay, cứ 2-3 tháng, teen lại nghe ngóng được thông tin về những trận mưa sao băng cực đại. Tuy nhiên, để chứng kiến được sao băng lại khó, bởi những trận mưa sao băng chỉ được xem trong điều kiện thời tiết thật lý tưởng như: không gian rộng không bị che khuất, trời trong, ít mây, không mưa.... Chính vì thế nên năm qua, dù rất chờ đợi nhưng teen Việt vẫn chưa được "thỏa mãn" với trận mưa sao băng nào.
Dưới đây là tổng kết những hiện tượng thiên nhiên diễn ra tại Việt Nam và rất được giới trẻ yêu thích trong năm 2010.
Nhật thực hình khuyên
Ngày 15/1, không chỉ giới trẻ, những người yêu thiên văn mà hàng triệu người Việt Nam hồi hộp chờ đợi hiện tượng nhật thực hiếm có xảy ra.
Giới trẻ Hà Nội tấp nập quan sát nhật thực.
Vào lúc 14h45, những đám bây trên bầu trời bắt đầu tản đi, Mặt trời dần hiện ra. Hàng trăm người có mặt tại trung tâm quan sát là sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) và nhà thiếu nhi Quận 5 (TP HCM) ngỡ ngàng.
Mặt trời lúc này bị che 20-30% diện tích, bỗng chốc trở thành "mặt trời khuyết". Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian rất lâu nên người xem hoàn toàn được "mãn nhãn".
Mặt trời trở nên kỳ thú trên bầu trời Việt Nam.
Mặt trăng bất ngờ "nuốt" sao Kim
Hiện tượng này xảy ra vào lúc 18h20, Mặt trăng bắt đầu chuyển động và dần dần che lấp sao Kim, đến gần một tiếng sau, lúc 19h15, thì hiện tượng này mới kết thúc, Mặt trăng đã ở phía bên kia của ngôi sao.
Hình ảnh Mặt trăng đi qua sao Kim.
Hiện tượng này diễn ra vào cuối buổi chiều, khá nhiều bạn yêu khoa học tại Pleiku, TP HCM vì nắm bắt được thông tin nên cũng nhìn thấy bằng mắt thường. Một số bạn trẻ không biết nhưng vô tình được xem thì bày tỏ rằng lúc đó cứ tưởng "Mặt trăng hôm nay làm điệu, có cả nốt ruồi điêu".
Nguyệt thực một phần
Cuối tháng 6 năm nay, giới trẻ và những người yêu thích thiên văn háo hức chờ đợi khoảnh khắc mặt trăng che lấp mặt trời. Trước khi hiện tượng này xảy ra, tại Hà Nội và TP HCM, các thành viên của CLB Thiên văn nghiệp dư đã "bày binh bố trận" với đầy đủ các loại kính thiên văn để chiêm ngưỡng hiện tượng hiếm có này.
Tuy nhiên, vào chiều 27/6, trời Hà Nội và các tỉnh phía Bắc âm u, mây đen ùn ùn kéo đến, tại TP HCM cũng đổ mưa. Dù túc trực tại sân vận động Mỹ Đình mấy tiếng liền nhưng giới trẻ Hà Nội đành chấp nhận ra về vì không thể nào quan sát được.
Giới trẻ TP HCM may mắn chiêm ngưỡng được nguyệt thực trong ít phút.
Trong khi đó, teen TP HCM lại may mắn "chộp" được cảnh mặt trăng từ từ đi qua và che lấp mặt trời. Thời khắc này diễn ra rất ngắn nhưng thực sự kỳ diệu đối với nhiều người.
Ngắm mưa sao băng
Năm nay, teen liên tục được cập nhật thông tin về các đợt mưa sao băng, nhưng không may mắn như các địa điểm trên thế giới, Việt Nam không quan sát được hiện tượng này vì điều kiện thời tiết không cho phép.
Sao băng rơi trên công trình đá Stonehenge ở Salisbury Plain.
Dù đã chuẩn bị rất nhiều nguyện ước, thậm chí có nhóm tổ chức quan sát nhưng cuối cùng, teen đành chấp nhận chờ đợi những khoảnh khắc khác. Tuy vậy, qua những hình ảnh được đăng tải trên internet, giới trẻ Việt cũng cảm thấy rất thú vị với những đợt mưa sao băng lãng mạn.
Mây tán sắc xuất hiện trên bầu trời
Khoảng 17h chiều ngày 8/9, những làn ánh sáng rực rỡ sắc màu đã trên bầu trời phía Bắc Hà Nội tạo thành một khung cảnh rất kỳ lạ.
Mây tán sắc trong buổi chiều oi bức tại Hà Nội.
Trong tiết trời nóng bức vì đợt nắng kỷ lục, trên bầu trời phía Bắc Hà Nội xuất hiện một quầng sáng nhiều màu sắc ôm lấy đám mây lớn. Quầng sáng này gồm nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau tạo nên một hiện tượng kỳ thú. Khoảng 10 phút sau, đám mây từ từ lan ra và che lấp quầng sáng.
Trước đó, tại Hà Tĩnh cũng có một quầng sáng tương tự như thế xảy ra trên bầu trời, với kích thước nhỏ hơn. Với hiện tượng thiên nhiên này, các nhà thiên văn học cho biết đó là mây tán sắc, xuất hiện trên bầu trời trong thời tiết nắng nóng quá mức.
Mây kết hình trái tim
Chiều qua (25/6), vào khoảng 18h, phía Tây của bầu trời Hà Nội xuất hiện những đám mây nhỏ kết tụ thành hình trái tim. Trên nền trời xanh, trong, không nhiều mây, hình đám mây trái tim rất rõ rệt và tương đối lớn.
Đám mây hình trái tim.
Tuy nhiên, đó là thời gian gió rất mạnh cho nên chỉ sau 10 phút, từng đám mây nhỏ tách ra và khối hình này cũng tan biến.
Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam