Sẽ có 40.000 hộ nghèo miền Trung được hỗ trợ xây nhà tránh bão
Trong 3 năm từ 2014 – 2016, sẽ có khoảng 40 ngàn hộ dân thuộc 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.
Sáng 26/9, tại TP Hội An, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Đây cũng là hội nghị để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định của người dân khu vực miền Trung.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Thực hiện Quyết định nói trên, đã có 700 hộ nghèo khu vực miền Trung đang sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt. Kết quả thực hiện đã được các Bộ, ngành, địa phương và người dân đánh giá rất cao về tính hiệu quả và tính phù hợp với thực tế.
Phát huy hiệu quả của việc hỗ trợ thí điểm, các Bộ, ngành liên quan và địa phương khu vực miền Trung thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho triển khai nhân rộng tại 14 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung.
Tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Video đang HOT
Lãnh đạo các ngành liên quan và 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung dự hội nghị
Theo đó, đối tượng áp dụng là các hộ nghèo, hộ độc lập có thời gian tách hộ đến thời điểm Quyết định có hiệu lực tối thiểu 2 năm, chưa có nhà ở kiên cố có sàn cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà và không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Về cơ chế, chính sách, quyết định quy định mức hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước và mức vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Hộ gia đình thuộc đối tượng được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Đối với hộ gia đình thuộc diện đối tượng có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
Nguồn vốn thực hiện: Gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi, vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo”, vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp từ hộ gia đình, vốn lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu khác.
Thời gian và tiến độ thực hiện trong 3 năm từ 2014-2016. Số lượng khoảng 40.000 hộ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để triển khai thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, đề nghị UBND 14 tỉnh, thành phố có trong chương trình quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp huyện và xã khẩn trương triển khai thực hiện chương trình.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nghèo của địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện chương trình; xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; thiết kế mẫu nhà phòng tránh bão, lụt phù hợp với điều kiện của từng vùng, tập quán sinh hoạt của người dân; tổ chức tập huấn chính sách đến từng thôn, xã thuộc vùng được thụ hưởng chính sách.
Công Bính
Theo dantri
Công khai "danh sách đen" doanh nghiệp gây ô nhiễm
Công khai "danh sách đen" và xử phạt nghiêm các cơ sở chậm trễ trong xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch giải quyết các cơ sở tồn đọng - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo.
Ngày 17/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.
Khó đo đếm những hậu quả, trả giá phải đánh đổi từ hoạt động sản xuất kiểu tàn phá môi trường.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để. Trước khi Quyết định 1788 ban hành, đã có 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý. TP.HCM đã di dời 1.261/1.402 cơ sở gây ô nhiễm, TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch di dời 400 cơ sở.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định 1788 với một nội dung quan trọng là đến cuối 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cho đến thời điểm này, số cơ sở được công nhận hoàn thành xử lý triệt để mới đạt 15-20%, nhiều cơ sở đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết quả triển khai chủ trương xử lý ô nhiễm môi trường thời gian qua còn nhiều hạn chế, việc thực hiện chưa bám sát các nội dung chỉ đạo trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thiếu công khai thông tin về cơ sở ô nhiễm, chưa đưa chỉ tiêu giảm cơ sở ô nhiễm vào chỉ số phát triển của địa phương,...
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là Ban chỉ đạo liên ngành tăng cường kiểm tra, bám sát cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng, bám sát các mục tiêu, yêu cầu giải pháp đã đề ra trong Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương tập trung rà soát, thống kê và công bố công khai "danh sách đen" các cơ sở gây ô nhiễm đã chậm giải quyết để có biện pháp xử lý, xử phạt cụ thể theo thời gian chậm trễ, mức độ gây thiệt hại. Đồng thời, các địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các DN gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn như trường hợp Nhà máy mía đường Cà Mau và ở Trà Vinh nằm trong nhóm cơ sở gây ô nhiễm phải xử lý trước tháng 7/2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
"Cần kiên quyết xử lý đối với 2 trường hợp này, theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
P.Thảo
Theo Dantri
"Gói ghém" tài sản, di tản dân trước giờ bão đổ bộ Chiều nay (16/9), mưa to kèm gió lớn đã xuất hiện ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Các cảng tàu du lịch biển ở Quảng Ninh đã đóng cửa. Ngư dân các làng chài được đưa về khu vực an toàn tránh cơn bão số 3 dự kiến đêm nay sẽ ập vào. Đến 20h tối nay (16/9), tại Quảng Ninh có mưa nhỏ,...