Sẽ “chốt” phương thức bỏ phiếu tín nhiệm trước khi trình Quốc hội
Tại phiên họp thứ 12 bắt đầu từ chiều mai, UB Thường vụ Quốc hội một lần nữa cho ý kiến để “chốt” phương án tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định.
Phiên họp thứ 11 của UB Thường vụ Quốc hội
Ở phiên họp trước (giữa tháng 9/2012), UB Thường vụ Quốc hội đã thảo luận lần đầu về quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Lần thảo luận này vẫn ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Về diện cán bộ tiến hành bỏ phiếu, đề án đưa ra 2 phương án, “khuôn” trong 49 vị trí lãnh đạo chủ chốt hoặc thực hiện đầy đủ với toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (430 người).
Về mức độ đánh giá tín nhiệm, các ý kiến trong Thường vụ cũng còn băn khoăn giữa việc “lấy phiếu” hay “bỏ phiếu”, phiếu có 3 cấp độ tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp hay chỉ 2 phương tán tín nhiệm – không tín nhiệm…
Ngoài nội dung này, tại phiên họp thứ 12, UB Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi).
Video đang HOT
UB Thường vụ Quốc hội cũng dự định xem xét vấn đề kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài trong nội dung đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2012.
Một số dự án luật tiếp tục được thảo luận lần này gồm luật Việc làm, luật Đầu tư công, luật Thủ đô, luật Điện lực (sửa đổi)…
Theo Dantri
Sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt
Nhất trí cao với đối tượng đưa ra QH lấy phiếu tín nhiệm, song các thành viên Ủy ban TVQH lại chưa đồng nhất quan điểm về tần suất lấy phiếu tín nhiệm, nên định kỳ hằng năm hay chỉ 2 năm một lần trong mỗi nhiệm kỳ.
Tại phiên họp sáng qua, TVQH cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Cần bổ sung những quy định mở đường cho những người sau khi lấy phiếu tín nhiệm thấp để từ chức, từ nhiệm, tạo ra văn hóa từ nhiệm, từ chức chứ không phải nhất thiết cứ nặng nề không đạt tín nhiệm là bỏ phiếu bãi nhiệm
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân
Đại diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, BCĐ đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất, QH thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ Chủ nhiệm Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và các ủy viên TVQH (17 người) Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ (27 người) Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán Nhà nước. Tổng cộng số người dự kiến sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 49 người.
Ở cấp địa phương, HĐND sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt của hội đồng, của UBND với số lượng tối đa là 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã.
Phương án 2 được đưa ra là sẽ lấy phiếu tín nhiệm với toàn bộ chức danh do QH bầu và phê chuẩn với tổng số 430 người những người giữ các chức vụ do HĐND bầu với số lượng lên tới hàng trăm người.
Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, đa số ý kiến trong BCĐ và ý kiến của các cơ quan được tham khảo tán thành phương án 1, bởi đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ngoài đối tượng lấy phiếu, đề án cũng đưa ra 2 phương án về tần suất bỏ phiếu: định kỳ hằng năm sẽ lấy phiếu với các chức danh hoặc 2 năm một lần mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán (50%), sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được phân chia thành 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Mở ra văn hóa từ chức
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhất trí với phương án 1 về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, song lại đề nghị không nên lấy định kỳ hằng năm mà chỉ nên lấy phiếu 3 lần trong nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, sau 2 lần không đạt tín nhiệm thì bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông Phan Trung Lý trình bày Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh: Quang Khánh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn: "Có nên năm nào cũng lấy không?". Theo ông Hiển, nếu năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm, bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi giảm sút tính quyết đoán, kiên định trong điều hành, thực thi nhiệm vụ. "Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nên 2 năm một lần, thế là đã khiếp rồi, chứ không nên năm nào cũng làm", ông Hiển đề nghị và cho rằng: "Cái quan trọng nhất là sau khi lấy tín nhiệm sẽ thế nào? Ông đạt tín nhiệm thì không sao, ông không được tín nhiệm thì sẽ thế nào? Nếu vẫn tiếp tục nhiệm vụ thì phải báo cáo QH xin hứa sửa chữa, nếu thấy không thể tiếp tục thì nên có văn hóa từ chức".
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lại cho rằng, nên coi việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm là vấn đề bình thường trong công tác đánh giá cán bộ. "Bây giờ cứ sợ ảnh hưởng đến tính quyết đoán, kiên định của người được lấy phiếu thì không hẳn. Ban đầu có thể thấy ảnh hưởng ít nhiều, nhưng làm dần sẽ thấy bình thường", bà Ngân nói.
Cũng theo bà Ngân, nếu chỉ để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm như đề xuất của nhiều ủy viên TVQH thì khi lấy phiếu sẽ hết sức phức tạp, vì không đạt tín nhiệm lại liên quan đến bỏ phiếu tín nhiệm. Tán thành 3 mức độ tín nhiệm như đề xuất của BCĐ đề án, bà đề nghị: "Cần bổ sung những quy định mở đường cho những người sau khi lấy phiếu tín nhiệm thấp để từ chức, từ nhiệm, tạo ra văn hóa từ nhiệm, từ chức chứ không phải nhất thiết cứ nặng nề không đạt tín nhiệm là bỏ phiếu bãi nhiệm".
Cuối phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng "chốt" lại: Sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm định kỳ với các chức danh theo phương án 1 mà BCĐ đề xuất, bổ sung thêm đối tượng là các phó chủ nhiệm và các ủy viên thường trực của các ủy ban, hội đồng dân tộc để tiến hành lấy phiếu trong phạm vi ủy ban đó.
Trước lo ngại đánh giá tín nhiệm theo cảm tính mà nhiều ủy viên TVQH đặt ra, Chủ tịch QH nhấn mạnh việc đánh giá sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, tiêu chuẩn ĐBQH, nhiệm vụ quyền hạn được giao tương ứng với mỗi chức danh. "Chúng ta phải tin tưởng vào ĐBQH, người ta sẽ đánh giá được", Chủ tịch quả quyết.
Theo TNO
Chưa thống nhất tần suất lấy phiếu tín nhiệm Vẫn chưa có quan điểm đồng nhất trong TVQH về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm hay chỉ nên hai năm một lần đối với những người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức...