Say rượu gây trọng án
Ngày cuối năm âm lịch 2010, dòng người nườm nượp đổ đi sắm tết. Thời khắc giao mùa ấy, không khí phòng xử án vẫn “chưa nguội” …
Được đãi rượu còn… “đá bát”!
Ngồi chờ HĐXX vào làm việc, Vi Văn Toàn (SN 1990; trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) lộ rõ vẻ bồn chồn. Người thân của bị hại, bị cáo cũng không giấu nổi sự lo lắng. Trước đó, Toàn nhận đã ký nhận bản cáo trạng nhưng lại cho rằng, mình chưa được đọc. Vì lẽ đó, HĐXX ngày 19-1-2011 của TAND TP Hà Nội đã phải hoãn xử. Lần mở lại phiên tòa này, Toàn không thể phủ nhận việc mình đã hại chết cặp uyên ương (anh Nguyễn Thành Sơn; quê Bắc Giang và chị Hồ Thị Nga; quê Quảng Trị). Điều khiến gia đình anh Sơn, chị Nga bức xúc là Toàn được anh Sơn đối đãi tử tế nhưng…
Tối 2-9-2010, anh Sơn tổ chức một buổi liên hoan nhỏ và mời mấy anh em cùng xóm trọ, trong đó có Toàn. Cùng dự có chị Nga. Tan tiệc, chị Nga rửa dọn bát đĩa ở khu vệ sinh thì Toàn buông lời trêu chọc. Sau đó, chị Nga có kể lại sự việc cho anh Sơn nghe. Thái độ “ăn cháo, đá bát” của Toàn khiến anh Sơn bực tức chạy sang để “dạy” một bài học. Toàn nói, do ngấm chút men nên đã xin lỗi anh Sơn. Mâu thuẫn giữa hai người tưởng nguôi ngoai. Nhưng khi thấy chị Nga giặt quần áo, Toàn liền vào nhà lấy chiếc búa đinh giấu sau lưng đi ra khu vệ sinh. Chị Nga mải nhét quần áo vào máy giặt, Toàn giơ búa đập vào đầu chị Nga. Nạn nhân bất tỉnh, Toàn kéo chị Nga vào phòng vệ sinh và khép cửa. Cơn “điên” của Toàn không dừng lại ở đó, y lẻn vào phòng anh Sơn dùng búa đánh vào đầu khiến anh Sơn tử vong. Khi chị Nga tỉnh lại, Toàn hành hung tiếp đến khi nạn nhân tắt thở. Giết người xong, Toàn cuỗm điện thoại di động, ví tiền và chiếc xe máy của anh Sơn rồi bỏ trốn vào Hà Tĩnh.
HĐXX – TAND TP Hà Nội đã tuyên Vi Văn Toàn mức án tử hình về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Toàn có đền mạng cũng không đổi được sự sống cho anh Sơn, chị Nga. Nhưng mức án này là nặng nhất và gia đình các bị hại không có ý kiến gì.
Video đang HOT
Bị cáo Toàn trong lúc chờ tòa nghị án
Câu chuyện bên chén rượu…
Tối 15-5-2010, Nguyễn Văn Đô (SN 1983; trú tại xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đến nhà anh Nguyễn Văn Giáp ở khu Đồng Mô (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ăn cơm. Khi chỉ còn Đô và anh Vịnh hàn huyên, anh Vịnh tỏ ý nghi ngờ Đô lấy trộm đồ nhà mình. Đô đã tự ái vì cho rằng, mình bị xúc phạm. Hai người to tiếng rồi dùng bát, đĩa ném nhau. Được mọi người căn ngăn, Đô, Vịnh không choảng nhau nữa. Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, nhưng hơi men phừng phừng đã khiến Đô “bốc hỏa”. Bị cáo về nơi trọ lấy một chiếc xà beng và quay lại nhà anh Giáp tìm anh Vịnh. Đúng lúc ấy, anh Vịnh đi ra bể chứa nước nhà anh Giáp. Đô đã lao tới dùng xà beng vụt vào đầu anh Vịnh. Vợ can ngăn nhưng Đô vẫn lăm lăm xà beng, miệng lẩm bẩm: “Tao sẽ đánh cho mày chết”. Thấy anh Vịnh bất tỉnh, Đô sợ hãi vứt xà beng ở vườn nhà ông Phạm Văn Quang (hàng xóm của anh Giáp), bỏ trốn. May mắn, anh Vịnh thoát chết và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận, bị hại tổn hại 34,2% sức khỏe. Anh Vịnh yêu cầu Đô bồi thường hơn 200 triệu đồng.
Bị cáo Đô tại phiên tòa sơ thẩm
VKSND TP Hà Nội truy tố Nguyễn Văn Đô về tội “Giết người” (điểm n – giết người có tính chất côn đồ – khoản 1 Điều 93 BLHS) và TAND TP Hà Nội đã tuyên bị cáo 13 năm tù.
Mất khôn vì “cơn say”?
Bùi Đắc Kiên (SN 1980; trú tại thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và anh Nguyễn Xuân Huấn là hàng xóm của nhau. Thế nhưng, họ lại có mối bất hòa. Trưa 27-8-2009, anh Huấn đi liên hoan về và uống rượu say nên đã chửi bố Kiên. Vì lẽ đó, Kiên đã sang nhà anh Huấn hỏi cho ra lẽ. Chưa tỉnh rượu, anh Huấn vẫn mạt sát hàng xóm. Tối đó, Nguyễn Xuân Thanh (em họ Kiên) sang chơi và biết chuyện. Khi anh Huấn đi bộ sang nhà Kiên, Thanh nghĩ, anh Huấn định gây gổ. Vì thế, Thanh đã chặn đường. Thanh đôi co với anh Huấn và hai người xô xát. Lúc này, Kiên bực tức xông vào bếp lấy con dao nhọn ra đe dọa. Nhân lúc anh Huấn lúi húi đứng dậy thì Kiên đâm một nhát dao vào lưng. Nạn nhân đã tử vong do mất máu cấp.
Xét bị hại cũng có lỗi và gia đình bị cáo đã bồi thường cho nạn nhân 20 triệu đồng, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Kiên 13 năm tù về tội “Giết người”. Bị cáo còn phải cấp dưỡng nuôi con của anh Huấn đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Kiên trả lời câu hỏi của tòa
Qua những ví dụ trên có thể thấy, chỉ vì chút mâu thuẫn nhưng “lời qua tiếng lại” mà thành chuyện lớn. Là người trong cuộc, cả bị hại lẫn bị cáo đều đổ lỗi cho rượu để bao biện cho lỗi lầm của mình. Họ nói, khi say, mình không có khả năng nhận thức hoặc không điều khiển hành vi theo ý thức của mình. Nhưng luật sư Phạm Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, phạm tội mà “vin” vào rượu hòng trốn tội là suy nghĩ sai lầm. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm trong khi say là “truy tội khách quan”. Vì thế, chỉ có thể dựa vào các tình tiết thực tế xảy ra (tính nguy hiểm của công cụ, phương tiện phạm tội, mức độ nguy hiểm của các vị trí trên thân thể bị tấn công, hậu quả xảy ra…) để đánh giá tội danh. Thực hiện hành vi phạm tội khi say rượu có khi còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Theo Pháp Luật XH