Saudi Arabia tham vọng xây tòa nhà chọc trời trải dài 170km trên sa mạc
Saudi Arabia đã công bố thiết kế dự án đô thị đầy tham vọng mang tên The Line. Đây là thành phố chỉ có một tòa nhà, nằm trên sa mạc và sẽ trải dài 170km, là nơi ở của 9 triệu người.
Tòa nhà bằng kính chạy dài tới biển. Ảnh: Neom
Theo kênh CNN, The Line là một phần của dự án Neom – một kế hoạch hoành tráng và phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành. Theo thông báo của Thái tử Mohammed bin Salman, thành phố The Line sẽ nằm ở phía tây bắc Saudi Arabia gần Biển Đỏ.
The Line là một tòa nhà rộng 200 mét, sau khi xây xong sẽ như một thành phố thẳng đứng nằm ở độ cao 500 mét so với mực nước biển. Tòa nhà nằm trên diện tích 34 km vuông.
Các nhà thiết kế khẳng định The Line sẽ chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, không có đường sá, ô tô hay khí thải. Đường sắt cao tốc sẽ kết nối các phần của The Line.
Hình ảnh một góc trong tòa nhà theo thiết kế. Ảnh: Neom
The Line là một phần trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, hứa hẹn đủ sức cạnh tranh với các thành phố vùng Vịnh như Dubai và Abu Dhabi để trở thành một điểm nóng du lịch và định hình lại nền kinh tế Saudi Arabia. Với mục tiêu đón 100 triệu du khách hàng năm vào cuối thập kỷ này, người ta hy vọng The Line sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nước thêm hàng tỷ USD.
Các thiết kế của tòa nhà chọc trời bằng kính The Line là bước phát triển mới nhất trong dự án Neom của Saudi Arabia. Neom là một siêu dự án phát triển, bắt đầu được xây dựng vào năm 2019.
The Line trải dài 170km. Ảnh: Neom
Đô thị The Line sẽ chạy bằng năng lượng sạch và được trí tuệ nhân tạo hỗ trợ. Thiên đường công nghệ này sẽ có người phục vụ là robot, có taxi bay và mặt trăng nhân tạo khổng lồ.
Thái tử Bin Salman cho biết trong thông cáo báo chí giới thiệu về The Line: “Các thiết kế sẽ khác hẳn với các thành phố bằng phẳng, theo phương ngang truyền thống. Thiết kế sẽ tạo ra một mô hình bảo tồn thiên nhiên và nâng cao cuộc sống của con người. The Line sẽ giải quyết những thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong cuộc sống đô thị ngày nay và sẽ mang tới những cách sống mới”.
Dự án Neom được hình thành nhờ khoản 500 tỷ USD từ Chính phủ Saudi Arabia, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2025, nhưng những lần trì hoãn đã khiến ngày hoàn thành của Neom kéo dài thêm 5 năm.
Một số người vẫn lo ngại về tính khả thi của các siêu dự án như Neom. Có nhiều ví dụ về các siêu dự án thất bại trên toàn cầu trong lịch sử gần đây.
Ở Dubai vào năm 2009, dự án phát triển Cảng và Tháp Nakheel ước tính trị giá 38 tỷ USD đã bị hủy bỏ sau 6 năm kể từ khi đề xuất do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc đã hy vọng một ngày nào đó thành phố Kangbashi ở Nội Mông sẽ có hơn 1 triệu cư dân sinh sống sau khi họ bơm hơn 1 tỷ USD để xây dựng, nhưng đến năm 2016, thành phố này chỉ đạt 10% dân số so với con số dự kiến. Các thành phố không người ở tương tự cũng xuất hiện sau khi thực hiện những dự án tốn kém khác ở Khu tài chính Yujiapu ở Thiên Tân (Trung Quốc) và Naypyidaw, thủ đô của Myanmar.
Video giới thiệu thiết kế tòa nhà The Line (nguồn: Neom)
Triều Tiên cũng từng mong muốn khách sạn Ryugyong cao 330 mét trở thành khách sạn cao nhất thế giới khi dự kiến khai trương tại thủ đô Bình Nhưỡng vào năm 1989. Tuy nhiên, công trình xây dựng chưa được hoàn thành và tính đến năm 2019, đây là tòa nhà không có người ở cao nhất thế giới.
Thái tử Ả Rập chi 1.000 tỉ USD xây dựng công trình lớn nhất hành tinh
Thái tử Saudi Arabia, Mohammad bin Salman dự kiến chi 1.000 tỉ USD để xây dựng siêu đô thị sa mạc Neom. Trong đó bao gồm hai tòa nhà chọc trời cao 500m, dài 170km được ốp bằng kính hoàn toàn.
Thành phố Neom - Ảnh: CNA
Theo Đài CNA, với tầm nhìn biến Saudi Arabia thành trung tâm công nghệ mới của thế giới, Thái tử Mohammad bin Salman đã quyết tâm xây dựng thành phố Neom trở thành công trình lớn nhất hành tinh.
Cấu trúc của thành phố sẽ được chia làm 3 phần, gồm bề mặt, khu vực được sử dụng để làm công viên giải trí hoặc sân tập luyện thể thao. Trong khi hai nơi còn lại phục vụ công tác vận chuyển siêu tốc, giúp cư dân đi lại giữa các điểm xa nhất không tốn quá 20 phút, CNA thông tin.
Cũng theo CNA, dự án khi hoàn thành sẽ có thể hỗ trợ tối đa các sinh hoạt hằng ngày của con người thông qua trí thông minh nhân tạo AI, hệ thống taxi không người lái, và các nhà hàng đạt chuẩn sao Michelin.
Bên cạnh đó thành phố Neom sẽ được vận hành bởi 100% năng lượng tái tạo cực kỳ thân thiện với môi trường, khi có hệ thống thông gió tự nhiên cũng như có vị trí thuận lợi để khai thác năng lượng sạch từ mặt trời và gió.
Trái tim của thành phố Neom sẽ là hai tòa nhà chọc trời với tên gọi "The line", có chiều cao 500m, dài 170km (chạy từ vịnh Aqaba đến một khu nghỉ mát trên núi của Chính phủ Saudi Arabia).
Tòa nhà The Line của thành phố Neom - Ảnh: AFP
Dân số dự kiến của thành phố sẽ vào khoảng 1,2 triệu người vào năm 2030 và xa hơn có thể tăng lên đến 9 triệu người vào năm 2045.
Trong buổi phát biểu ngày 25-7, Thái tử Mohammad chia sẻ Neom sẽ là thành phố đáng sống nhất hành tinh từ trước đến nay.
Vị thái tử hy vọng thành phố Neom sẽ giúp Saudi Arabia thay đổi hình ảnh từ quốc gia dầu mỏ trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Đồng thời thu hút nhiều người tài đến với quốc gia Tây Á.
Cú chạm tay gây tranh cãi của ông Biden với MBS Truyền thông Mỹ bình luận đây là chuyến đi gây rắc rối nhất trước nay về chính trị với ông Joe Biden trên cương vị tổng thống. Dù ông đã nhẫn nhịn với thái tử Mohammed bin Salman (tức MBS) song kết quả thu được vẫn không mấy ấn tượng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cụng tay chào thái tử Mohammed bin Salman...