Sau Việt Nam, TQ sẽ kéo giàn khoan sang Philippines?
Tổng thống Philippines cho rằng TQ đang nhăm nhe mỏ dầu gần bờ biển nước này.
Ngày 26/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tìm cách áp dụng lại chiến thuật nguy hiểm kéo giàn khoan thăm dò dầu khí ở những khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông, và mục tiêu của họ lần này là các vùng biển gần Philippines.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Aquino cho rằng Trung Quốc đang “chơi trò chơi &’trên miệng hố chiến tranh’ và chính sách đối ngoại pháo hạm đầy nguy hiểm” có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino
Tổng thống Aquino cho biết ông đã nhận được báo cáo về các hoạt động gần đây của một tàu thăm dò Trung Quốc xâm phạm mỏ dầu Galoc của Philippines, nằm cách bờ biển đảo Palawan khoảng 96 km.
Ông Aquino nhận định: “Thông thường những gì đang xảy ra với Việt Nam cuối cùng cũng sẽ xảy ra với Philippines”, và ông dự đoán rằng đến một lúc nào đó Bắc Kinh sẽ có những hình thức leo thang tương tự với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ.
Hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc bắt đầu kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, cùng với đó là một lực lượng hộ tống hơn 100 tàu hải quân, hải giám và tàu cá, gây ra tình hình căng thẳng rất nguy hiểm trên Biển Đông.
Video đang HOT
Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Aquino hối thúc Bắc Kinh tránh có những hành động đơn phương vi phạm tuyên bố các bên về cách ứng xử trên Biển Đông mà nước này ký kết vào năm 2002. Ông cũng cho rằng các thành viên của ASEAN cần phải thể hiện “tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng hơn” về cách thức giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Philippines?
Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn cố tình tìm mọi cách tránh đàm phán với ASEAN mà vẫn khăng khăng thực hiện chính sách đàm phán song phương để tận dụng lợi thế áp đảo của mình so với các quốc gia láng giềng bé nhỏ hơn.
Ông Aquino cũng đưa ra những bức không ảnh chụp cảnh Trung Quốc đang tập kết đất đá, vật liệu xây dựng trên đảo Gạc Ma mà họ cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam, và họ đã kịp thời tạo ra một hòn đảo nhỏ trong vùng nước cạn tại bãi đá này trong thời gian từ tháng Hai tới tháng Ba năm 2014.
Theo ông Aquino, nếu chính sách “bên bờ vực chiến tranh” của Trung Quốc gây ra những sự cố đáng tiếc, lãnh đạo các bên sẽ rất khó để lùi bước. Ông nói: “Mỗi khi có một sinh mạng mất đi, tình hình càng trở nên phức tạp hơn.”
Tại Philippines, hiện nay ông Aquino đang rất được dư luận trong nước ủng hộ với chính sách cứng rắn và kiên quyết hơn với Trung Quốc. Hồi tháng Tư, Manila đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ, mở đường cho việc Mỹ đưa quân quay trở lại Philippines trong một nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Theo Khampha
Ngư dân kiệt quệ vì cướp: Tui sẽ lại ra giàn khoan xem họ làm gì
Đây đã là lần thứ 4 tàu của ông bị cướp phá, phun vòi rồng nhưng sửa xong, sắm lại đồ nghề, ông sẽ ra biển đánh bắt ngay ở vùng biển đang bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan. Ngang ngược và táo tợn
Hôm qua, tàu QNg 96714 của anh Giàu (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cập cảng Lý Sơn trong tình trạng hư hỏng, thuyền trưởng và các thuyền viên mệt mỏi, hoang mang vì bị cướp bóc một cách trắng trợn.
Tàu cá Việt Nam luôn bị tàu Trung Quốc vây ráp, đâm va (ảnh lớn), Dây hơi trên tàu cá bị lực lượng trên tàu Trung Quốc chặt phá, anh Giàu thoát nạn trở về với vợ con (ảnh nhỏ)
Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Dương Văn Giàu, kể: Tàu anh cùng 11 ngư dân xuất bến rời đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa vào ngày 23/4, đến tối 7/5, khi đang cho tàu hoạt động gần đảo Colin (16 độ 45 phút vĩ Bắc - 112 độ 20 phút Đông thuộc quần đảo Hoàng Sa), để lặn hải sâm, bất ngờ 1 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện.
"Lần này họ không dọa nạt, đẩy đuổi hay phun vòi rồng nữa, mà lẳng lặng áp sát mạn tàu tui rồi thả 3 xuồng máy cơ động cùng lực lượng bao vây. Không nói không rằng, họ lăm lăm dùi cui điện và tuýp sắt hung hăng nhảy lên tàu cá chặt phá dây hơi, đánh đập ngư dân rồi cướp toàn bộ trang thiết bị nghề cá gồm máy Icom, máy định vị, máy dò cá và lấy đi gần 400 con hải sâm vừa khai thác được" - ngư dân Giàu bức xúc.
Dây hơi trên tàu cá bị Trung Quốc chặt phá. Ảnh: Anh Thư
Anh Bùi Ngọc Lại, thuyền viên, kể: Lúc đó anh em quá bất ngờ. Cứ nghĩ như mọi lần, họ chỉ phun vòi rồng thì mình bỏ chạy. Ai ngờ họ thả một lúc 3 xuồng máy, trong tích tắc mấy chục người đã nhảy lên tàu mình. Không kịp trở tay. Họ nhìn thấy ai đầu tiên là dùng tuýp sắt quất thẳng. Sau đó bao nhiêu đồ đạc bị lấy sạch. Gạo bị đổ xuống biển chỉ chừa cho ăn trong vài ngày". Thuyền trưởng Dương Văn Giàu cho biết, lực lượng trên tàu hải cảnh Trung Quốc lần này vô cùng hung hăng, không khác chi cướp biển.
Mượn ngư cụ, quyết tâm bám biển
Tin tàu QNg 96417 bị cướp vào ngày 7/5 tại ngư trường Hoàng Sa đã được Tiền Phong thông tin từ ngày 11/5 khi chúng tôi nhận được tin qua Icom do anh Giàu truyền về cho ông Lê Quốc Chinh - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn). Tuy nhiên, tàu anh Giàu mãi hôm nay mới cập bờ là do anh tiếp tục ở lại Hoàng Sa, mượn ngư cụ tàu bạn để đánh bắt.
Anh Giàu kể, vì mất hết tài sản nên anh cùng anh em ngư dân quyết định cho tàu trôi dạt tự do trên biển. Đến chiều ngày 9/5, tàu anh gặp được một tàu khác cùng ở Lý Sơn để nhờ liên lạc vào đất liền trình báo và mượn ngư cụ để tiếp tục bám biển. "Trên tàu giờ cạn kiệt. Tàu bạn cũng cho ít gạo, thực phẩm, thế là chúng tôi ở lại" - ngư dân Bùi Thanh Hiền kể lại.
Anh Dương Văn Giàu cho con tàu đang bị rách nát neo chắc chắn vào cảng, cùng thuyền viên trở về nhà, nhắn nhủ: Chúng tôi sẽ ra lại Hoàng Sa. Chắc chắn thế, mà phải ra lại vùng biển gần giàn khoan xem họ làm được gì". Ít ai biết được, đây đã là lần thứ 5 tàu anh Giàu bị cướp, truy đuổi ở Hoàng Sa. Gần đây nhất chính là lần bị phun vòi rồng vào đầu năm 2013 nhưng anh chạy thoát được. Ngay sau đó, tàu hải cảnh Trung Quốc trên đường đuổi tàu anh Giàu đã gặp tàu Bùi Văn Phải và bắn cháy nóc cabin...
Tại cảng Lý Sơn thời điểm này, hàng chục tàu cá công suất lớn đã sẵn sàng cho chuyến ra "vùng biển nóng". Ngư dân Bùi Đại, chủ tàu cá QNg 96679 TS (thôn Tây xã An Hải) kể: Tàu anh đầu tháng 3 vừa rồi cũng bị Trung Quốc rượt đuổi, hung hăng đâm hỏng mạn tàu, và cướp đi toàn bộ ngư cụ cùng gần 10 tấn cá, thiệt hại trên 250 triệu đồng. Nhưng khi cập đảo, anh đã tranh thủ sửa tàu, sắm mới ngư cụ để vươn khơi Hoàng Sa.
"Hành động hung hăng, thô bạo và phi pháp của phía Trung Quốc trên biển Đông những ngày qua, khiến ngư dân chúng tôi càng quyết tâm bám biển" - ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải khẳng định.
Theo phản ánh của một số chủ tàu cá Lý Sơn những ngày qua, ngoài tàu vũ trang và các lực lượng của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam, thì hàng trăm tàu cá vỏ thép của Trung Quốc cũng tiến hành đánh bắt, khai thác hải sản trái phép tại vùng biển của Việt Nam, đồng thời quấy nhiễu gây khó đối với tàu cá của ngư dân ta ngay tại vùng biển đảo của mình.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cho biết, đã thông báo đến các chủ tàu cá đang làm ăn trên biển Hoàng Sa để cảnh giác đề phòng, đồng thời phân công trực canh hệ thống Icom cộng đồng 24/24 để theo dõi hoạt động của ngư dân trên biển, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam. Ngoài ra nghiệp đoàn đã thành lập các tổ đội liên kết trên biển để hỗ trợ, bảo vệ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển.
Theo TPO
Hội LHTN Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam Ngày 26.5, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu hải cảnh Trung Quốc cỡ lớn uy hiếp tàu CSB Việt Nam gần khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái...