Sau tượng vàng Oscar: Điều chưa kể về ‘Con trai của Saul’
“Một ngày trọng đại của nền điện ảnh Hungary” – Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đã viết trên trang cá nhân như thế, sau khi được tin “Con trai của Saul” đoạt giải Oscar.
Con trai của Saul ( Son of Saul) là phim truyện đầu tay của đạo diễn 39 tuổi Nemes Jeles László, đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Nhiều người dân Hungary thức tới 5h sáng thứ hai ngày 29/2 (giờ Hungary) để theo dõi lễ trao giải Oscar lần thứ 88 tại Nhà hát Dolby ở Los Angeles, Mỹ để cổ vũ cho tác phẩm của nhà đạo diễn trẻ. Bởi lẽ, cho dù trước khi trao giải, Con trai của Saul được đánh giá là cầm chắc phần thắng với tỷ lệ 96-99%, nhưng theo họ, ai biết được điều gì có thể xảy ra.
Một cảnh trong phim: Diễn viên chính Rôhrig Géza và nhà quay phim nổi tiếng Erdély Mátyás. Ảnh: Laokoon Filmgroup
Với thành công đặc biệt này, điện ảnh Hungary đã giành được Oscar thứ hai sau chín lần được đề cử. Đất nước nhỏ bé nằm giữa lòng châu Âu sản sinh nhiều nhà làm phim tài ba, mà nổi tiếng nhất có lẽ là Szabó István, người bốn lần được đề cử Oscar, và tác phẩm Mephisto (1981) của ông 34 năm trước cũng đã giành được tượng vàng.
Ngôi vị quán quân lần này của Nemes là sự tưởng thưởng xứng đáng cho bộ phim sau gần bốn mươi giải thưởng trong nước và quốc tế trước đó, mở đầu là bốn giải trong LHP Quốc tế Cannes tháng 5/2015, trong đó có Giải thưởng lớn (Grand Prix) của Ban Giám khảo, cho tới Quả cầu vàng (Golden Globe) dành cho phim nước ngoài hay nhất vào đầu năm nay.
Khởi đầu nan
Để có được vị thế như vậy trong “vòng chung kết” Oscar lần này, Con trai của Saul đã trải qua chặng đường dài đầy khó khăn, trắc trở.
Đạo diễn Nemes Jeles László và đoàn làm phim phải lao công khổ tứ, kiên trì và nhẫn nại trong 5 năm ròng, và cố nhiên, vận may cũng đã ở bên họ, cho đến khi lần đầu bộ phim được đánh giá có thể đoạt giải Oscar.
Ngược dòng thời gian, năm 2007, Nemes giữ cương vị trợ lý thứ hai cho một đạo diễn nổi tiếng của Hungary là Tarr Béla khi ông này làm bộ phim Người đàn ông đến từ London (Man from London). Trong thời gian làm phim, Nemes có dịp đọc và nghiền ngẫm cuốn sách Những âm thanh dưới tro tàn (Des voix sous la cendre) do NXB Calmann-Lévy in năm 2005.
Sách hàm chứa một số hồi tưởng của các cựu thành viên đội đặc nhiệm Sonderkommando – đa phần là dân Do Thái – có nhiệm vụ thu dọn và thiêu hủy thi thể những người bị sát hại trong trại tập trung và hủy diệt Auschwitz-Birkenau. Kể từ đó, Nemes ấp ủ ý tưởng làm một bộ phim về holocaust, tức sự thảm sát hàng loạt sắc dân Do Thái trong Thế chiến thứ hai.
Ba năm sau, tại một tiệm cà phê ở Budapest, nhà đạo diễn chia sẻ suy nghĩ ấy với người bạn, nhà nghiên cứu văn học Đông Âu, nhà biên kịch người Pháp, cô Clara Royer: “Tôi có một sáng kiến cho bộ phim truyện đầu tay về một thành viên đội Sonderkommando – một ngày nọ anh ta nhận ra con trai mình trong đống tử thi và quyết định đem đi chôn”.
Như vậy, sườn bộ phim được phác họa từ năm 2010, nhưng cần 5 năm để hoàn tất tác phẩm. Thoạt tiên, không ai tin vào dự án này: tất cả các hãng phim đều từ chối đạo diễn Nemes, kể cả ở Đức và Israel là hai quốc gia “nặng nợ” nhất với đề tài diệt chủng Do Thái. Rốt cục, chỉ một mình Quỹ Điện ảnh Quốc gia Hungary là thấy phim hứa hẹn có kết quả.
Diễn viên chính “bất đắc dĩ”
Video đang HOT
Trong cám ơn phát biểu khi nhận giải, đạo diễn Nemes Jeles László đã nói lời đề tặng bộ phim cho diễn viên chính Rôhrig Géza và toàn thể đoàn làm phim, theo anh đó là “những người vẫn tin tưởng vào bộ phim, khi không ai tin”. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, Rohrig đã gặp vận may khi được thủ vai chính, vì anh không phải là lựa chọn ban đầu của nhà đạo diễn.
Ban đầu, Nemes muốn mời diễn viên Pháp Pascal Greggory cho vai chính mang tên Saul, nhưng trong vòng một năm rưỡi Pascal không buồn trả lời thư nhà đạo diễn. Rồi đến lượt diễn viên người Georgia Merab Ninidze được mời, và Rôhrig chỉ được nhắm cho một vai phụ nhỏ. Tuy nhiên, Merab không hào hứng lắm, ngược lại Rôhrig có mặt từ đầu đến cuối và tỏ ra rất tích cực.
Một ngày nọ, người phụ trách tuyển diễn viên Zabezsinszkij Éva phải kêu lên, “cần gì đi tìm đâu nữa, Saul lý tưởng ở ngay trước mắt chúng ta đây rồi”. “Sâu sắc, bướng bỉnh, ám ảnh, nguyên sơ, bản năng” – có lần Nemes đã phác họa như vậy về những đặc tính chính yếu của nhân vật Saul, và anh cho rằng bản thân trong con người Rôhrig đã có sẵn bản tính như vậy rồi.
Do đó, diễn viên này không cần “diễn” khi phải thể hiện những tính cách đó, mà chỉ cần hơi chỉnh sửa tỷ lệ mà thôi. Thời gian chờ đợi kéo dài cũng có điểm hay là đoàn làm phim có cơ hội bàn bạc kỹ lưỡng về nội dung phim, do đó khi khởi quay Némes và ê-kíp đã có một sự hình dung, một quan niệm chín muồi về sản phẩm điện ảnh.
Dầu vậy, như những lời kể lại, Nemes vẫn phát hoảng vì căng thẳng trong ngày quay đầu tiên: trước đó, anh không ăn gì, rồi chui vào một container và lăn ra ngủ trong vòng hai mươi phút. Lúc đó, anh đã nghĩ rằng mình không sao đủ sức lực để làm bộ phim này. Nhưng rồi những giây phút ấy qua nhanh, và sau đó Nemes luôn tỏ ra là một thủ lĩnh quả quyết và cứng cỏi.
Ê-kíp quốc tế
Theo lời kể của nhà quay phim Erdély Mátyás, đạo diễn Nemes đã truyền được cảm hứng và năng lượng bất tận cho đoàn làm phim, giúp họ ngay từ đầu tin tưởng rằng đứa con tinh thần của họ sẽ rất đặc biệt. Có được điều ấy một phần cũng vì ê-kip năng động của Nemes rất mang tính “quốc tế”, với các thành viên đến từ nhiều nước, nhiều nền văn hóa.
Đạo diễn Nemes Jeles László với tượng vàng Oscar. Ảnh: Jason Merrit/Europress
“Đầu bảng” là nhà biên kịch người Pháp Clara Royer, đang ở Praha trên cương vị giám đốc một viện khoa học xã hội, nhưng có thời gian sinh sống tại Bratislava và Warszawa, và Budapest với cô cũng rất quen thuộc. Từng dạy Văn tại Đại học Sorbonne, đề tài của cô là văn học Hungary, trong đó nổi bật là văn hào Kertész Imre với sự nghiệp sáng tác về holocaust.
Clara có bà là người Hung gốc Do Thái di cư sang Pháp và yếu tố gia đình có vai trò không nhỏ trong tư duy luôn kiếm tìm bản sắc và cội nguồn của cô. Sự tham gia của Clara trong bộ phim của Nemes, từng là người thầy dạy cô tiếng Hung ở Paris và sau trở thành bạn thân, đồng nghiệp, là rất tự nhiên: mặc dù viết tiểu thuyết, cô cũng muốn thử sức trên địa hạt kịch bản phim.
Là người Pháp nên Clara dùng tiếng Pháp và Anh pha trộn khi trao đổi với đạo diễn Nemes, và lúc đầu hai người dự định làm một bộ phim tiếng Pháp, nhưng không tìm ra người đóng vai trò nhà sản xuất. Có lẽ vì Nemes còn chưa được biết tới vì đây là phim đầu tay của anh nên ai cũng ngần ngại. Rốt cục họ quyết định phim sẽ bằng tiếng Hung và được quay ở Hung.
Tuy nhiên, trong đoàn làm phim còn có cả diễn viên người Đức và Ba Lan, và có người còn “ứng khẩu” một đoạn bằng tiếng Slovakia (vì đặc biệt nên nó đã được đưa vào phim). Kịch bản chủ yếu được chuẩn bị bằng tiếng Anh và có “phiên” thêm sang các thứ tiếng khác. Trong phim, còn có cả tiếng Yiddish, một loại ngôn ngữ Do Thái cổ được lan truyền ở Đức và trên thế giới.
Hướng đi mới trong đề tài holocaust
Để có được một bộ phim thành công, bên cạnh đội ngũ chuyên môn nhà nghề, rất cần một đề tài có thể khuấy động và khiến khán giả để tâm. Diệt chủng Do Thái dưới thời Hitler vốn là đề tài như thế từ xưa nay, và từng khiến nhiều tác phẩm điện ảnh trở nên kinh điển, như Bản danh sách của Schindler (Schindler’s List, 1993) hay Nghệ sĩ dương cầm (The Pianist, 2002).
Riêng đối với Hungary, tấn thảm kịch của trại tập trung và Lò thiêu lại càng không xa lạ: trong hơn 5 năm của Đệ nhị Thế chiến, số nạn nhân đến từ nước này chiếm 10% tổng số nạn nhân của nạn diệt chủng do Đức Quốc xã gây ra. Nỗi đau holocaust cùng quá trình vượt lên nó để sống còn đã khiến Kertész Imre đoạt giải Nobel Văn chương duy nhất của Hungary vào năm 2002.
Tuy nhiên, Nemes không muốn theo lối mòn, lấy việc khắc họa thảm kịch ghê gớm của Lò thiêu làm tiêu điểm. Nhà đạo diễn muốn khán giả sử dụng thật nhiều trí tưởng tượng, để có được cảm giác kinh hoàng trong óc mà không cần thông qua những hình ảnh ghê rợn trong phim. Đổi mới ấy về hình thức khiến “holocaust có trở lại gương mặt con người”, theo dụng ý của Nemes.
Một số giải thưởng quan trọng mà Con trai của Saul đã giành được:
- Giải nhất tại LHP Sarajevo
- Giải Phim đầu tay hay nhất của Hiệp hội Các nhà phê bình phim New York
- Giải Phim nước ngoài hay nhất của Hiệp hội Các nhà phê bình phim Los Angeles,
- Giải Phim nước ngoài hay nhất trong năm 2015 của National Board of Review of Motion Pictures
Theo Nguyễn Hoàng Linh/Tiền Phong
Vì sao phim nhỏ 'Spotlight' thắng bom tấn 'The Revenant'?
Sự kiện "Spotlight" giành giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016 được đánh giá là bất ngờ. Nhưng đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một kiệt tác điện ảnh.
So về quy mô, dù tập trung nhiều diễn viên tên tuổi nhưng Spotlight có kinh phí sản xuất nhỏ, chỉ 20 triệu USD. Ngược lại, The Revenant là "bom tấn" thực sự với tổng đầu tư lên đến 135 triệu USD.
Spotlight có thể được coi là một thành công thương mại, nhưng không thực sự đáng kể với doanh thu 61 triệu USD. Còn The Revenant đã chứng tỏ sức mạnh phòng vé toàn cầu với hơn 405 triệu USD.
The Revenant là "của hiếm" của Hollywood bởi nó vừa có chất lượng nghệ thuật, thể hiện phẩm chất riêng của nhà làm phim, vừa là sản phẩm mang tính thương mại cao, có sức hút mạnh mẽ đối với khán giả. Vì vậy, ưu thế của The Revenant trước Spotlight là rất lớn.
Hình ảnh trong phim Spotlight. Ảnh: Anonymous Content
Trước lễ trao giải Oscar ngày 28/2 (giờ địa phương), Spotlight gần như bị quên lãng, trong khi The Revenant với gương mặt đại diện là ngôi sao Leonardo DiCaprio đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Đó không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi theo báo Hollywood Reporter, hãng phim 20th Century Fox đã chi tới 8 triệu USD cho chiến dịch vận động để bộ phim của đạo diễn Alejandro G. Inarritu giành vinh quang Oscar.
Trong đêm hội Oscar, tưởng như The Revenant đã chắc thắng khi giành các giải quay phim, đạo diễn và nam diễn viên chính, trong khi Spotlightchỉ có giải kịch bản gốc. Nhưng chính điều đó khiến chiến thắng củaSpotlight trở nên ngọt ngào hơn. Tại sao Spotlight có thể vượt qua The Revenant đầy bất ngờ như vậy?
Lý do đầu tiên có lẽ là lịch sử.
Nếu The Revenant chiến thắng, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 88 năm của Oscar, một nhà làm phim sẽ có hai phim đoạt giải Phim truyện vàĐạo diễn xuất sắc trong hai năm liên tiếp. Nhận định chung là The Revenant chưa đủ xuất sắc để xứng đáng với vinh quang mang tính chất cột mốc như vậy. Và đây là điểm mấu chốt.
So sánh một cách đơn giản bằng con số, The Revenant không được giới chuyên gia điện ảnh đánh giá cao bằng Spotlight. Trên trang web điện ảnh Rotten Tomatoes tổng hợp các bài phê bình, Spotlight đạt tỷ lệ ủng hộ tới 96% (nghĩa là 96% các nhà phê bình đã xem phim đều đánh giá là phim hay). Trong khi đó The Revenant chỉ có tỷ lệ 82%, một con số tương đối thấp so với các tác phẩm đoạt nhiều giải Oscar khác.
Leonardo DiCaprio trong The Revenant. Ảnh: 20th Century Fox
Phân tích sâu hơn quan điểm của giới phê bình, có thể thấy Spotlightđược ca ngợi là kiệt tác với đề tài thời sự, thông điệp sâu sắc và có ý nghĩa lớn, cộng với diễn xuất tuyệt hảo của toàn bộ dàn diễn viên. Điều quan trọng là Spotlight khiến người xem phải day dứt, trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống, tôn giáo và quyền lực.
Bộ phim mô tả những nỗ lực không biết mệt mỏi của các phóng viên báo The Boston Globe để vạch trần tội ác tình dục khủng khiếp của các linh mục Thiên Chúa giáo ở Boston và chiến dịch che đậy sự thật của Nhà thờ.
"Cảm xúc luôn là yếu tố giúp một tác phẩm giành giải Oscar phim hay nhất" - báo Los Angeles Times dẫn lời một thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) khẳng định.
Trong khi đó, The Revenant tuy được khen nhiều, nhưng cũng có không ít nhà phê bình cho rằng bộ phim của đạo diễn Inarritu đã được đánh giá cao quá mức so với giá trị thực tế của nó. Họ chỉ ra rằng The Revenant có nhiều vấn đề như kịch bản quá đơn giản, nhân vật chính liên tục bị "tra tấn" đến mức khó tin, chủ yếu đẹp ở hình ảnh và nhẹ về cảm xúc...
Bản thân vai diễn của Leonardo DiCaprio dù được quảng bá là vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng nhiều nhà phê bình đánh giá anh chỉ hoàn thành tốt vai diễn này chứ không thực sự để lại dấu ấn đặc biệt. Những gì DiCaprio đem lại với vai người thợ săn gan lì bị xem là không bằng một số vai diễn nổi tiếng của anh trước đây. Và diễn viên thể hiện hay nhất trong The Revenant không phải là DiCaprio mà là Tom Hardy.
Việc AMPAS trao giải Oscar Phim truyện xuất sắc cho Spotlight là sự tưởng thưởng dành cho kỹ thuật làm phim, chất lượng nghệ thuật đỉnh cao và trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà tác phẩm này đem lại. Kết quả Oscar ngày 28/2 gợi nhớ lại chiến thắng của 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) trước bom tấn Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) hồi năm 2013.Gravity cũng là một thành tựu kỹ thuật siêu hạng, nhưng 12 Years a Slavelà nghệ thuật đích thực.
Chiến thắng của Spotlight khẳng định một chân lý rằng các tác phẩm dù nhỏ bé, không được quảng bá ồn ào nhưng nếu có giá trị nghệ thuật thực sự vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc và được tôn vinh xứng đáng ở thánh đường Oscar.
Theo Zing
Hàng loạt phim của châu Á bị Oscar 2016 gạch tên "Nhiếp Ẩn Nương" của Đài Loan, "The Throne" của Hàn Quốc hay "Trúng số" của Việt Nam không có tên trong danh sách rút gọn hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" của Oscar. Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) mới công bố 9 bộ phim có cơ hội tranh tài ở hạng mục...