Sau Trung Quốc, chứng khoán Mỹ đang ‘ngấm đòn’?
Chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm mạnh hôm thứ Năm, trước những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và khi các nhà đầu tư tiếp tục soi xét biên bản cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang (FED), vốn được coi là ngày càng có quan điểm “diều hâu”.
Sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc càng tô đậm những bất an về những rủi ro tiềm tàng mà các thị trường mới nổi phải đối mặt. Bất ổn có khả năng lan rộng sang các khu vực khác, cũng như ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đến nền kinh tế toàn cầu.
Nỗi lo ngại từ Trung Quốc lan sang Mỹ
Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt mạnh 327,23 điểm, tương đương 1,3%, kết thúc tại 25.379,45 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 40,43 điểm, tương đương 1,4%, đóng cửa tại 2.768,78 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 157,56 điểm, tương đương 2,1% xuống 7.485,14 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua, kết hợp với một Fed dường như đang rất hăm hở đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất càng làm xói mòn tâm lý của các nhà đầu tư.
Biên bản cuộc họp tháng 9 của FED, được công bố hôm thứ Tư, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị sẵn sàng tiến lên phía trước với các đợt tăng lãi suất nhiều hơn, mà lần gần nhất khả năng sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 như mong đợi. Dù chính sách thắt chặt không có gì ngạc nhiên nhưng nó làm tăng mối lo ngại về việc chi phí đi vay sẽ tăng lên theo và tác động rủi ro đến giá cổ phiếu.
Đợt bán tháo trên thị trường cố phiếu trong tuần trước được cho một phần là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vọt tăng, điều này khiến dòng tiền từ cổ phiếu bị rút ra và có thể rót vào trái phiếu với rủi ro bằng 0. Việc tăng lãi suất dự kiến của FED cũng sẽ góp phần đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn.
Sự lo ngại về diễn biến của các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng có thể gây áp lực lên tâm lý các nhà đầu tư. Chỉ số tổng hợp Shanghai trên sàn Thượng Hải giảm 2,9% và Shenzhen của sàn Thâm Quyến giảm 2,7% vào hôm qua. Sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc diễn ra sau khi đồng nhân dân tệ của nước này rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Chứng khoán Trung Quốc đã rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm
Video đang HOT
Trong báo cáo tiền tệ vừa được công bố vào cuối ngày thứ Tư, Mỹ đã hạn chế dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, tuy nhiên điều này lại làm dấy lên những lo ngại Bắc Kinh có thể tận dụng điều đó để tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ nhiều hơn, và do đó giới đầu tư đã sớm bán tháo đồng tiền này.
Trong khi đó, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, do đó tiếp tục đe dọa làm hạn chế tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế công bố của Mỹ vẫn cho thấy sự lạc quan.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 5.000 đơn trong tuần trước, theo đó trong tuần kết thúc ngày 13/10 chỉ còn 210.000 Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, theo dữ liệu công bố từ Bộ Lao Động Mỹ. Con số này đúng như dự báo của các nhà kinh tế, và cũng đang ở mức thấp nhất trong 49 năm qua.
Chỉ số sản xuất do ngân hàng dự trữ tại Philadelphia công bố giảm nhẹ so với tháng trước, từ mức 22,9 trong tháng 9 xuống 22,2 trong tháng 10. Tuy nhiên, dữ liệu trên vượt dự báo và cho thấy hoạt động trong các nhà máy vẫn đang tích cực.
Thị trường có thể tiếp tục suy yếu
Bruce Bittles, chiến lược gia đầu tư chính tại Baird, cho rằng thị trường hiện đang ở giữa tháng 10, một tháng nổi tiếng về sự biến động mạnh, khi tình trạng quá mua và hàng loạt tin tức về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã góp phần vào sự yếu kém của thị trường.
Ông chia sẻ: “Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể thấy thị trường đang rất dễ bị tổn thương khi mà nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang đao động trong biên độ rất hẹp tại vùng đỉnh, với những người đang sở hữu các cổ phiếu trong nhóm FAANG đều đang muốn bán đứt thông qua các quỹ ETFS hoặc các quỹ tương hỗ. Do đó, sự suy yếu là bình thường và diễn biến đến nay cho thấy khả năng một sự điều chỉnh có thể tiếp tục, để lấy lại sự cân bằng chuẩn bị cho khả năng phục hồi vào cuối năm nay”. FAANG là từ viết tắt của các cổ phiếu công nghệ phổ biến được tạo thành từ Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google là Alphabet.
Tom Essaye, chủ tịch của Sevens Report, chỉ ra dữ liệu xuất khẩu yếu kếm của Nhật Bản và sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc là lý do cho thấy các giao dịch sẽ tiếp tục suy yếu.
Ông nói: “Có sự kiện tiêu cực nào đang diễn ra đối với chứng khoán Mỹ không? Có lẽ là không, nhưng chúng ta cần một số tin tốt để thị trường có thể bật lên cao hơn”. Essaye dự đoán rằng khi mùa thu nhập nóng lên vào tuần tới, tin tốt lành sẽ diễn ra. “Nhưng từ giờ cho đến khi chúng ta có được con số tăng trưởng lợi nhuận và dữ liệu vĩ mô rõ ràng, thì cổ phiếu sẽ tiếp tục đi ngang, nếu không giảm”.
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại Infrastructure Capital Management, lý giải sự suy yếu gần đây của cổ phiếu là do “hành vi bình thường của thị trường chứng khoán tháng 10″, đó là kết quả của các lệnh bán khống ngắn hạn tăng lên trong khi hành vi mua lại sụt giảm, điều này thường xuất hiện trong giai đoạn đầu mùa công bố thu nhập. Ông nói: “Thị trường sẽ tiếp tục bị trói buộc trong những yếu tố trên cho đến tuần tới hoặc tiếp tục như vậy cho đến khi tìm thấy đáy”.
ĐỒNG AN
Theo thegioitiepthi.vn
Vì sao Bitcon nhảy vọt vào hôm qua?
Bitcoin đã vọt tăng mạnh vào hôm qua khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy thật sự sốc, đặc biệt khi giá giao dịch tại các sàn có mức chênh lệch khủng. Đâu là yếu tố đẩy giá tài sản này biến động tăng mạnh trở lại?
Vì sao tăng vọt?
Sau khi mở cửa đầu ngày quanh mức thấp gần đây tại 6.200 USD/BTC, giá Bitcoin vào buổi trưa đột ngột tăng mạnh lên mức cao nhất trong ngày tại 6.960 USD/BTC, tức tăng hơn 700 USD/BTC chỉ trong vòng 2 giờ. Thậm chí trên sàn Bitfinex - sàn giao dịch tiền mật mã lớn thứ 3 tính theo khối lượng giao dịch, có lúc giá Bitcoin lên tới mức 7.788 USD/BTC, tạo ra sự chênh lệch giá lên đến 10% so với các sàn giao dịch khác.
Tether đang bị nghi ngờ khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng tiền này tìm an tàn nơi Bitcoin
Diễn biến tăng vọt của bitcoin trên sàn Bitfinex là do giá của đồng Tether (USDT) - stablecoin trên sàn này, rớt xuống mức thấp chỉ còn 0,88 USD. Thông thường một stablecoin truyền thống được giao dịch tại hoặc rất gần với mốc 1 USD vì nó được xem là đồng tiền dựa vào giá trị của đồng đô la Mỹ, và có chức năng hỗ trợ các nhà đầu tư sử dụng để giao dịch với các đồng tiền mật mã khác nhau.
Charles Hayter, đồng sáng lập của CryptoCompare cho biết: "Mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn để nắm giữ Bitcoin và thoát khỏi USDT vì lo ngại những đánh giá về rủi ro tín dụng của đồng USDT". Mặc dù Tether đã được xem xét kỹ lưỡng trong quá khứ liệu công ty này có thật sự nắm giữ đủ lượng USD dự trữ để bảo chứng cho mỗi đồng stablecoin (USDT) mà nó phát hành ra hay không, tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn rất lo ngại, nhất là khi gần đây có hàng loạt báo cáo chỉ trích và nghi ngờ hoạt động của doanh nghiệp này.
Hồi tuần trước, sàn giao dịch Bitfinex, vốn có trụ sở tại Hồng Kông và được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, đã tạm ngưng nạp tiền với EUR, USD, JPY và GBP. Trước đó có báo cáo cho rằng Bitfinex từ lâu đã bị nghi ngờ đang giữ các quỹ tại ngân hàng Noble Bank đang trên bờ vực phá sản, dù gần đây đã tìm thấy một đối tác ngân hàng thường trực tại HSBC. Để đáp trả, Bitfinex đã công bố một bài đăng trên blog, phủ nhận cáo buộc nghi ngờ phá sản, mặc dù nhiều nhà phê bình vẫn thấy không thuyết phục, đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ của sàn giao dịch này đối với đồng tiền điện tử USDT vốn gây tranh cãi.
Trong khi đó, thị trường hôm qua cũng xuất hiện hàng loạt tin tức giả mạo cho rằng sàn giao dịch Binance cũng sắp gạch tên Tether (USDT) vì đã có bằng chứng cho thấy USDT là một scam (lừa đảo). Thông tin này xuất hiện sau khi sàn giao dịch KuCoin đã thông báo rằng họ tạm thời khoá nạp và rút USDT trên sàn giao dịch. Lý do tại sao không được đề cập. Đây cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư đang nắm giữ Tether đã tìm cách thoát khỏi những khả năng tổn thất bằng cách chuyển sang Bitcoin như là một giải pháp trú ẩn an toàn hơn so với đồng USDT được neo giá vào đô la Mỹ.
Quan trọng là khối lượng giao dịch
Dù vậy, nhiều nhà phân tích trong thị trường tiền mật mã tin rằng thị trường châu Á đã bắt đầu bơm một lượng lớn tiền mặt vào các đồng tiền mật mã lớn, và sự sụt giảm giá của Tether chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, dù sự tăng giá của Bitcoin có được khởi xướng bởi việc bán tháo Tether hay dòng vốn từ châu Á hay không cũng thực sự không có mấy ý nghĩa. Điều quan trọng là trong 12 giờ qua, khối lượng giao dịch Bitcoin đã tăng từ 3 tỷ USD lên 4,8 tỷ USD, thoát khỏi mức thấp hàng năm của nó. Và điều này cho thấy các sàn giao dịch lớn đã bắt đầu thấy sự gia tăng về khối lượng giao dịch, chứng tỏ rằng sự phục hồi ngắn hạn của Bitcoin không hoàn toàn do sự sụt giảm của Tether.
Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng Bitcoin cần một chất xúc tác lớn để phá vỡ khu vực 6.000 USD do khối lượng thấp của nó. Nếu Bitcoin có thể vượt qua ngưỡng kháng cự 6.800 USD trong ngắn hạn, thị trường tiền mật mã sẽ có thể bắt đầu một đợt tăng trưởng được kì vọng đã lâu. Ngược lại, nếu đồng tiền này không vượt qua được ngưỡng kháng cự chính, thì khả năng sẽ giảm trở lại mức hỗ trợ 6.000 USD.
Vào cuối ngày hôm qua, giá Bitcoin điều chỉnh trở lại xuống 6.527 USD trên sàn Kraken, tuy nhiên vẫn đánh dấu mức tăng 4,4% so với trước đó, trong khi trên sàn Bitfinex Bitcion vẫn giao dịch với mức chênh lệch khá lớn so với các sàn khác tại 6.908 USD/BTC. Trong sáng nay, giá đồng tiền mật mã lớn nhất thế giới này đang nằm quanh 6.580 USD/BTC.
Fidelity công bố dịch vụ tiền mật mã
Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Boston, Anh quốc là Fidelity hôm qua cho biết sắp sửa triển khai một công ty con mới, mà sẽ cung cấp các dịch vụ bảo mật, chào bán và giao dịch tiền mật mã đến khách hang.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra, công ty có tên là Fidelity Digital Asset Services LLC, có chức năng cung cấp dịch vụ cho các quỹ phòng hộ, văn phòng gia đình và những người tham gia thị trường khác.
Abigail P. Johnson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Fidelity Investments cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các tài sản kỹ thuật số cơ sở, chẳng hạn như Bitcoin mà có thể giúp các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn".
ĐỒNG AN
Theo thegioitiepthi.vn
Vì đâu chứng khoán Mỹ có tuần tồi tệ nhất trong 7 tháng qua? Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại, đóng cửa cao hơn trong phiên giao dịch hôm qua, với hàng loạt cổ phiếu bật lại mạnh mẽ từ mức thấp trong nhiều ngày trước. Phục hồi lại nhưng vẫn có tuần giảm mạnh Chỉ số công nghiệp Dow Jones dù đầu phiên có lúc dao động chìm trong sắc đỏ trở lại...