“Sau trận thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc chẳng còn gì”
Tờ Sina của Trung Quốc đã phải đau đớn thốt lên như vậy khi chứng kiến sự đối lập giữa một đội tuyển Việt Nam càng đá càng mạnh mẽ, còn Trung Quốc thì ngược lại.
“Cái nhếch mép” của Đông Nam Á
Trong bài viết đậm chất bi thương của mình, Sina nhắc đầu tiên đến sự tốn kém mà Trung Quốc phải bỏ ra hòng hiện thực hóa “ giấc mơ World Cup” của mình. Đầu tiên là mức lương “siêu khủng” lên đến 20 triệu USD mỗi năm cho HLV Lippi – kỷ lục thế giới. Song rốt cuộc mức lương ấy chỉ đem lại thất bại thảm thương, khiến chiến lược gia Italia này rời ghế sớm.
Bên cạnh đó là những khoản chi khủng lên đến vài trăm triệu NDT cho các cầu thủ nhập tịch, để rồi kết quả thu về chỉ là con số 0 khi các “ngoại binh” này lần lượt quay lưng với đội tuyển quốc gia Trung Quốc, đẩy thầy trò HLV Li Xiaopeng vào khủng hoảng.
Chiến dịch World Cup năm nay của bóng đá Trung Quốc thất bại não nề khi điểm số họ kiếm được ở vòng loại cuối chỉ dừng ở con số 6 – bằng một nửa so với 4 năm về trước. Bốn năm về trước, cơ hội vẫn còn cho đội tuyển Trung Quốc khi bước vào trận đấu cuối cùng. Còn năm nay, sau nửa chặng đường, cơ hội của họ chỉ còn trên lý thuyết, và chính thức kết thúc khi vòng loại cuối vẫn còn 2 trận, sau trận thua “tâm phục khẩu phục” trước đội tuyển Việt Nam.
Sau trận thua Việt Nam, bóng đá Trung Quốc chẳng còn gì. Phía trước nền bóng đá tỷ dân này chỉ còn khoảng trống mênh mông đầy thất vọng.
Hai mốt năm trước, Trung Quốc từng thắng Oman hai bàn không gỡ ở Muscat, khởi đầu cho chuyến đi hoàn hảo đến VCK World Cup 2002. Năm nay, cũng trước Oman, bằng trận thua 0-2, đội tuyển Trung Quốc khép lại giấc mơ World Cup với những mái đầu cúi gằm đầy tủi hổ. Mất hai năm rưỡi và di chuyển hàng vạn dặm, Trung Quốc chẳng thu về được gì, ngoài một đội tuyển già cả và phức tạp nhất ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.
Oman 2-0 Trung Quốc | AFC Asian Qualifiers – Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup – Khu vực châu Á)
Nếu có ai đấy được lợi từ sự hiện diện của đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại cuối World Cup 2022, thì đấy chính là Việt Nam. Kiếm được 1 điểm trước Nhật Bản và 3 điểm trước Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo thu về được ngập tràn sự tự tin.
Không chỉ Việt Nam, các đội bóng xếp dưới Trung Quốc trên bảng xếp hạng FIFA, một thời coi bóng đá Trung Quốc là “gã khổng lồ”, luôn phải kiêng kỵ lẫn sợ hãi, giờ đây đã có thể nhếch mép phán: ” Cũng bình thường thôi” mỗi khi đối đầu với đội tuyển Trung Quốc. Thậm chí đội tuyển Việt Nam còn chiếm vai “cửa trên”.
Chỉ còn biết nguyện cầu…
Ở kỳ World Cup 2026, với việc FIFA mở rộng số đội tham dự VCK, rất có thể suất dự của châu Á sẽ lên đến con số 8,5. Vậy cơ hội của Trung Quốc liệu có sáng sủa hơn?
Với tình hình tài chính hiện tại, việc bỏ hàng chục triệu USD để thuê HLV ngoại như Liên đoàn bóng đá Trung Quốc từng làm trong quá khứ chắc chắn là điều bất khả. Cũng chẳng còn những cầu thủ lĩnh mức lương hàng chục triệu NDT mỗi năm nữa. Mô hình “bóng đá đốt tiền” của Evergrande đã sụp đổ hoàn toàn, thay vào đấy là chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Với các cầu thủ Trung Quốc, đã đến lúc tiền lương của họ sẽ không đủ trả cho việc thuê căn hộ sang trọng của Evergrande, chứ đừng nói đến chuyện mua biệt thự. Đây sẽ là thế hệ cầu thủ cảm nhận đủ ngọt bùi lẫn đắng cay của bóng đá Trung Quốc.
Với chính sách dùng cầu thủ nhập tịch và các “cựu binh”, khoảng trống sau lưng của đội tuyển Trung Quốc là mênh mông. Bốn năm nữa, những cầu thủ sinh năm 2000 sẽ bước sang tuổi 26, mà giờ đây có đốt đuốc cũng chẳng thể kiếm nổi lấy một cầu thủ trẻ như thế cho đội tuyển quốc gia. Thế thì lấy gì mà đá, để cứ ngong ngóng trông mong vào “cái bánh vẽ” mang tên 8,5 suất dự VCK World Cup ấy?
Mười năm trở lại đây, song song với việc đội tuyển Trung Quốc liên tiếp thất bại ở vòng loại World Cup, còn có một “mặt trận” khác mà chẳng ai thèm quan tâm: Từ U23 trở xuống, ở các giải trẻ châu lục, bóng đá Trung Quốc thất bại thảm hại.
Trước khi đội tuyển Trung Quốc để thua Oman 0-2, lứa cầu thủ kế thừa của họ – U23 Trung Quốc, bị U23 UAE giã cho 3 bàn không gỡ, trong khi đó những cầu thủ Nhật Bản trẻ hơn họ 2 tuổi đã xuấc sắc đánh bại U23 Saudi Arabia bằng kỹ năng và sự tinh tế “như người lớn”.
Giờ đây, người hâm mộ Trung Quốc chỉ còn biết cầu nguyện cho các bậc cha mẹ và các thanh thiếu niên vẫn còn đam mê bóng đá sẽ noi gương Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam, ngừng nghĩ đến tiền trước tiên, mà đá vì niềm tự hào dân tộc, để có thể xuất ngoại đến các nền bóng đá lớn hơn, học hỏi để rồi quay về phục vụ quê hương.
Bởi sau trận thua trước Việt Nam, bóng đá Trung Quốc chẳng còn gì cả.
"Trung Quốc thành trò cười của bóng đá châu Á, trình độ này mà đòi dự World Cup là mơ hão"
Chứng kiến đội nhà thua bạc nhược trước Oman, truyền thông Trung Quốc thêm một lần bày tỏ sự thất vọng cùng cực với tình hình bóng đá của quốc gia này.
"Trong suốt trận đấu, đội tuyển Trung Quốc thi đấu chật vật, với hàng công thất vọng và hàng thủ thiếu sót. Họ bị đội Oman dồn ép hoàn toàn và cuối cùng chia tay vòng loại World Cup 2022 bằng một trận thua", tờ Sohu mở đầu bài viết của mình.
Cây bút của Sohu nhận xét thêm: "Đối với đội tuyển Trung Quốc, trận thua Oman cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho màn trình diễn trong suốt cả vòng loại này. Đội bóng không có tinh thần, không có ý chí chiến đấu, không có chiến thuật. Ngay cả việc dùng cầu thủ nhập tịch cũng không thể cứu được bóng đá Trung Quốc".
Đội tuyển Trung Quốc chơi lép vế trước Oman.
Vào đêm qua (30/3), đội tuyển Trung Quốc đã để thua Oman với tỉ số 0-2, qua đó khép lại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với thành tích thắng 1, hòa 3, thua 6. Đội bóng này giành được 6 điểm và xếp thứ 5 tại bảng B.
Trong bài viết của mình, tờ Sohu dẫn lại những bình luận từ truyền thông Hàn Quốc: "Tờ Joongang cho rằng trận thua vừa qua đã làm tan nát lòng tự tôn của bóng đá Trung Quốc. Lần gần nhất Trung Quốc tham dự World Cup đã cách đây 20 năm và giờ không còn hy vọng gì nữa. Tờ Star thậm chí còn nhắc lại rằng ở lần đó, Trung Quốc giành vé khi Nhật Bản và Hàn Quốc không tham dự vòng loại (đồng chủ nhà World Cup 2002).
Trong khi đó, tờ Osen không ngần ngại nhận xét thẳng: 'Đội tuyển Trung Quốc dù có tham vọng rất lớn là giành quyền tham dự World Cup nhưng kết quả lại rất đáng thất vọng, với vỏn vẹn 1 chiến thắng sau 10 trận. Đội bóng này không có được kết quả như mong muốn. Các cầu thủ Brazil cũng không thể cứu được bóng đá Trung Quốc'."
Sau đó, Sohu đưa ra lời kết một cách phũ phàng: "Nói tóm lại, đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc ngày nay đã trở thành trò cười trong làng bóng đá châu Á, chỉ thắng 1/10 trận mà thôi.
Ở trình độ này mà nghĩ đến chuyện dự World Cup thì đúng là mơ hão, không có chút hiểu biết nào. Bóng đá Trung Quốc cần người đứng ra chịu trách nhiệm về thảm kịch này, HLV Li Xiaopeng và ông Chen Xuyuan (chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc - PV) nếu có lòng tự trọng thì nên từ chức".
Cầu thủ Trung Quốc buồn bã sau trận thua tâm phục khẩu phục.
Trong khi đó, một phóng viên Trung Quốc có tên Yuan Dengke bày tỏ quan điểm ở một bài viết khác trên Sohu:
"Bốn năm một lần, chúng ta lại chờ đợi lễ bốc thăm chia bảng World Cup và lần nào cũng chỉ là khán giả để xem rồi ghen tị với bóng đá của nơi khác. Và nếu đội tuyển Trung Quốc bây giờ có thể dự World Cup, đó hẳn phải là một câu chuyện hoang đường, không phù hợp với quy luật của bóng đá".
Oman 2-0 Trung Quốc | AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup - Khu vực châu Á)
Vui chưa lâu vì thắng tuyển Việt Nam, bóng đá Trung Quốc lại lo lắng về cơn đại ác mộng Ngày 7/10 là thời khắc hân hoan của bóng đá Trung Quốc khi có chiến thắng đầu tiên ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng chừng đó là chưa đủ... Trước ngày 7/10, bóng đá Trung Quốc chìm trong hoang mang. Rất nhiều ý kiến chỉ trích thầy trò HLV Li Tie, khi thua liền Australia (0-3) và...