Sau tết hàng về nhiều nhưng sức mua chậm
Ghi nhanh trong ngày 11-2 (mùng 7 Tết Kỷ Hợi), lượng hàng về các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM khá phong phú, nhưng sức mua chậm.
Trái cây trong nước bán tại chợ . Ảnh: THÀNH TRÍ
Tương tự, tại một số siêu thị như Co.opmart, BigC, hệ thống cửa hàng tiện ích Satrafoods, Coopfood, VinMart…, lượng khách đến mua sắm chưa nhiều như ngày bình thường.
Điểm qua một số chợ truyền thống như Nhật Tảo, Hòa Hưng (quận 10); Bàn Cờ (quận 3), Tân Chánh Hiệp (quận 12)…, người mua trong ngày 11-2 chưa thực sự đông đúc như những ngày bình thường trước Tết Nguyên đán. Đối với các cửa hàng tiện ích, siêu thị, lượng hàng bày bán bình thường trở lại nhưng khách đến rải rác. Theo chị Ngô Thị Tươi, tiểu thương tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12): “Tết năm nay nhiều gia đình nghỉ xả hơi, đi chơi hoặc du lịch xa, chưa quay về TPHCM. Mấy ngày nghỉ tết, hầu hết bà con đều ngán các món ăn nhiều dầu mỡ, chất đạm, nên ra tết thường mua rau xanh, trái cây là chính. Nhiều sạp hàng vẫn chưa khai trương, có nơi nghỉ đến tận mùng 10, 15 tháng Giêng âm lịch”. Hiện giá rau thơm các loại dao động 30.000 – 32.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 – 30.000 đồng/kg, ớt hiểm đỏ 25.000 – 30.000 đồng/kg… Những mặt hàng hải sản tươi sống (tôm, cua, ghẹ, mực) vẫn ở mức giá cao hơn so với ngày thường.
Đại diện một số chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM như Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức cho biết, giá bán các mặt hàng tại chợ khá ổn định, lượng hàng về chợ gần bằng ngày thường nhưng sức mua còn chậm. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng về chợ trong 2 ngày vừa qua đạt trung bình khoảng 2.500 tấn/ngày đêm (ngày bình thường đạt khoảng 3.700 tấn); tại chợ Hóc Môn, hàng về chợ đạt gần 1.400 tấn/ngày đêm…
Giá cà chua Đà Lạt tại chợ đầu mối khoảng 10.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), dưa leo khoảng 25.000 đồng/kg, tỏi Lý Sơn 65.000 đồng/kg, dưa hấu dài đỏ 13.000 đồng/kg, quýt đường 55.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 130.000 đồng/kg…Mức giá tại các chợ lẻ thường cao hơn so với chợ đầu mối từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/kg, tùy mặt hàng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn thông tin, từ ngày 10-2 (mùng 6 tết) đến 5-3 (29 tháng Giêng âm lịch), dự kiến lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần. Tổng lượng hàng nhập chợ của 24 ngày này khoảng 57.600 tấn (tương đương 2.400 tấn/ngày đêm), đạt khoảng 90% so với ngày bình thường của năm 2018.
Video đang HOT
Đáng chú ý, tại một số quận huyện, tình trạng các cửa hàng, quán ăn, đóng cửa nghỉ tết vẫn diễn ra. Cụ thể, dọc đường Đông Bắc, Dương Thị Mười (quận 12), hàng loạt cửa hàng khóa trái cửa nghỉ tết. Trong khi đó, vào ngày bình thường đây là tuyến đường thường xuyên ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm do lượng người buôn bán, mua sắm khá đông ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông. Hoặc như, một số quán ăn (chay, bánh canh, hủ tiếu các loại) trên đường Võ Văn Tần (quận 3); Trần Bình Trọng, Bùi Hữu Nghĩa (quận 5)… tính đến chiều 11-2 vẫn còn đóng cửa.
Cùng ngày 11-2, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, đã đến thăm hỏi tình hình kinh doanh tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Lê Thanh Liêm đã biểu dương, khen ngợi tập thể cán bộ, công nhân viên thuộc hệ thống siêu thị Co.op Mart và SATRA đã nỗ lực đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường (BOTT) không thiếu trong dịp tết, phục vụ người dân đến tận 30 tháng Chạp và mở cửa phục vụ sớm vào mùng 2 tết.
THANH HẢI – THI HỒNG
Theo SGGP
Hàng không rõ nguồn gốc bủa vây người tiêu dùng
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, ở Đà Nẵng, trên thị trường đã tràn ngập các mặt hàng thực phẩm với nhiều mẫu mã bắt mắt, độc đáo.
Đây cũng là dịp để các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn và tuồn ra thị trường. Điều đáng nói, những thực phẩm không nhãn mác này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống (nơi nhiều loại thực phẩm được cung ứng, luân chuyển đi khắp nơi).
Theo khảo sát của PV SGGP tại một số chợ ở TP Đà Nẵng, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra một cách phổ biến.
Nhiều mặt hàng bánh kẹo bán theo ký, không nhãn mác được bày bán ngập tại chợ Cồn (Đà Nẵng).
Tại chợ Cồn, nhiều mặt hàng được bày bán ra khay, túi ni lông không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác như: bánh kẹo, hoa quả sấy khô như táo, mít, ổi... được đựng trong những bao ni lông lớn không nhãn mác và được bán theo cân. Giá từ 120.000 - 200.000 đồng/kg tùy theo loại 1, loại 2.
Khi được hỏi về nguồn gốc các sản phẩm, người bán hàng khẳng định nhập từ những nơi uy tín, chất lượng và là đặc sản do các hộ gia đình chế biến, vì vậy không có tem mác, nguồn gốc rõ ràng. Khi có khách đặt mua hàng, các chủ cửa hàng lấy các mặt hàng từ trong thùng, túi ni lông ra cân và đóng thành từng gói theo yêu cầu của khách.
Không bao bì nhãn mác, không xuất xứ và không có hạn sử dụng nhưng với giá rẻ, hàng trăm loại bánh kẹo, mứt, rượu, bò khô... vẫn hút khách hàng nườm nượp.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc ráo riết nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng, nhưng thị trường này vẫn hoạt động sôi nổi và khó kiểm soát.
Ông Trần Phước Trí, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết, việc mặt hàng không rõ nguồn gốc xen lẫn những sản phẩm đạt chất lượng đang tràn lan trên thị trường là do phần lớn tâm lý muốn mua hàng rẻ tiền của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho người kinh doanh tìm cách trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc vào cùng với hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ để hạ giá thành và bán được hàng hóa; đồng thời đó cũng là hành vi lừa dối người tiêu dùng của người kinh doanh khi để xen lẫn những hàng hóa có cùng công dụng nhưng chất lượng khác nhau khi bán hàng hóa.
Người tiêu dùng cần cảnh giác trước các mặc hàng không nhãn mác, xuất xứ.
Chị Nguyễn Thị Liên (công nhân tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết: "Tôi hết sức lo ngại về thực phẩm hiện nay vì không biết loại nào thật, loại nào giả. Nhưng tôi sẽ tìm những sản phẩm uy tín và có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho gia đình".
Theo ông Trí: "Cục QLTT TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn cần tập trung chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng bia, rượu các loại, thuốc lá, gia cầm, bánh kẹo, mứt, hạt dưa... để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố".
Người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
KHÁNH LY
Theo sggp
Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chúc tết Hà Tĩnh Chiều 11/2, ngài Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng phu nhân đã đến chào xã giao và chúc tết lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh tiếp đoàn. Nhân dịp đón năm mới Kỷ Hợi, ngài Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên...