Sau sự cố mất điện, hàng trăm gốc sâm Ngọc Linh tại Kon Tum bị nhổ trộm
Khoảng 160 gốc sâm Ngọc Linh có độ tuổi từ 3 – 7 năm của một doanh nghiệp tại Kon Tum bị kẻ gian nhổ trộm.
Ngày 26.8, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ trộm sâm Ngọc Linh.
Một cây sâm Ngọc Linh bị nhổ trộm. Ảnh TRIỆU THANH
Trước đó, ngày 22.8, ông Nguyễn Thanh Hoàng, quản lý vườn sâm của Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị kẻ gian đột nhập trộm cắp lượng lớn cây sâm Ngọc Linh.
Theo đơn trình báo của ông Hoàng, ngày 21.8, tại vườn sâm của công ty này xảy ra sự cố mất điện. Ngay sau đó công ty đã chạy máy phát điện để sử dụng. Đến sáng 22.8, khi ông Hoàng cùng vài nhân viên khác đi kiểm tra thì phát hiện đường dây điện bị chặt phá. Ngay sau đó, ông Hoàng cùng nhân viên đi kiểm tra vườn sâm và nhận thấy có khoảng 160 gốc sâm Ngọc Linh có độ tuổi từ 3 – 7 năm bị nhổ trộm.
Kẻ gian trèo qua lưới B40 để thực hiện vụ trộm. Ảnh TRIỆU THANH
Theo ông Võ Trung Mạnh, hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, công an các xã tăng cường công tác nắm tình hình đối tượng, địa bàn liên quan đến tội phạm trộm cắp tài sản nói chung và trộm cắp sâm Ngọc Linh nói riêng; có kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm trộm cắp sâm Ngọc Linh; đẩy nhanh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định. Đồng thời tổ chức vận động nhân dân phối hợp với lực lượng công an xã thành lập các tổ bảo vệ sâm Ngọc Linh.
Thời gian qua, trên địa bàn H.Tu Mơ Rông, H.Đăk Glei đã xảy ra nhiều vụ trộm sâm Ngọc Linh. Gần đây nhất, trong tháng 2.2024 trên địa bàn H.Tu Mơ Rông đã xảy ra nhiều vụ mất trộm sâm Ngọc Linh, với tổng số lượng ước tính hơn 800 cây của nhiều hộ dân ở 4 xã Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Sao và ĐăK Na. Thống kê bước đầu xác định có hơn 800 cây sâm (từ 4 đến 10 năm tuổi) bị đánh cắp.
Video đang HOT
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý có giá trị cao. Ảnh ĐỨC NHẬT
Cũng tại huyện này, vào tháng 10.2023, 6 hộ dân của làng Đăk Van Linh (xã Văn Xuôi) phát hiện trong khu vực vườn sâm của mình trồng tại Tiểu khu 237 bị kẻ gian đột nhập, nhổ trộm hơn 100 cây sâm Ngọc Linh. Số cây sâm bị trộm này do bà con lấy củ sâm rừng trồng và chăm sóc, bảo vệ đến nay đã 3 – 5 năm tuổi.
Vào năm 2022, tại H.Đăk Glei cũng xảy ra một vụ trộm sâm Ngọc Linh. Cụ thể, 5.9.2022, anh A Pim (trú thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, H.Đak Glei) phát hiện tại vườn sâm của gia đình bị mất 30 gốc sâm Ngọc Linh loại 12 năm tuổi, mỗi củ đạt từ 100 – 180 gr. Tổng giá trị cả củ lẫn hơn 500 triệu đồng.
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm. Loài cây này chỉ sinh sống, phát triển tốt dưới tán rừng ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã triển khai trồng sâm dưới tán rừng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên nạn trộm cắp sâm Ngọc Linh đã khiến cho các hộ gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế.
Nhiều người trắng tay vì đầu tư vào dự án sâm Ngọc Linh "trên giấy"
Bằng chiêu bài đánh bóng hình ảnh, sử dụng tiền huy động được để trả lãi suất khủng cho nhà đầu tư, chỉ trong một thời gian ngắn "dự án" Sâm Ngọc Linh của Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh đã huy động vốn của 1.000 cá nhân với số tiền lên tới 1.264 tỷ đồng.
Sau khi Mỹ Hạnh bị bắt, nhiều nhà đầu tư mới "té ngửa", hóa ra lâu nay mình đã đầu tư vào những chiếc "bánh vẽ".
Vẫn là chiêu bài lãi cao và đánh bóng hình ảnh
Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa khởi tố bị can đối với bà Phạm Mỹ Hạnh (sinh năm 1980, trú tại Cầu Giấy) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Hạnh (MHG) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền huy động hơn 1.200 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc này, MHG vẫn sử dụng một chiêu thức quen thuộc đó là đánh bóng hình ảnh, đánh bóng thương hiệu để kêu gọi đầu tư. MHG từng lập một trang web để quảng bá với những ngôn từ hào nhoáng, giới thiệu Dự án MHG - khu du lịch sinh thái Măng Cành được chủ đầu tư và xây dựng tại Km 18, tỉnh lộ 676 (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) từ năm 2019 với đăng ký pháp quyền là Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.
Cơ quan Công an thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Mỹ Hạnh.
MHG giới thiệu họ sở hữu một đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... luôn đồng hành. MHG luôn tự tin sẽ triển khai dự án thành công ngoài mong đợi. "Nổi bật tại MHG Farm là khu vực trồng vườn sâm Ngọc Linh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế" - doanh nghiệp này giới thiệu. Bên cạnh đó, họ còn rao bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi như rượu, lương khô, trà... giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Không những vậy, MHG còn "nổ": Nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh, sản xuất, phân phối sản phẩm sâm Ngọc Linh là sứ mệnh, chiến lược mũi nhọn của doanh nghiệp. Công ty mang trong mình sứ mệnh bảo tồn giá trị quý báu của loại dược liệu quý này, đồng thời mang Sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi có thông tin công an điều tra làm rõ dấu hiệu lừa đảo góp vốn của MHG, mạo danh trồng sâm Ngọc Linh thì trang web này đã không thể truy cập.
Để thuyết phục nhà đầu tư, HMG còn tổ chức cho những "khách hàng tiềm năng" tham quan các vườn sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp, đơn vị khác tại Quảng Nam. Song, lại "nổ" rằng đây là vườn sâm của MHG. Thông qua các phương tiện truyền thông, công ty sau đó đã dùng những hình ảnh này để quảng bá thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, MHG còn tổ chức talk show (chương trình trò chuyện) với chủ đề bảo vệ sâm Ngọc Linh "quốc bảo Việt Nam". Đặc biệt, vào tháng 7/2022, MHG còn thực hiện lễ ký kết hợp tác truyền thông và phân phối sản phẩm Ngọc Linh sang thị trường Úc.
Trang web của MHG đăng tải các sản phẩm về sâm Ngọc Linh.
Nói về điều này, ông L.V.H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) một nhà đầu tư vào dự án sâm Ngọc Linh cho hay: "Chúng tôi không tin không được..., họ mời chúng tôi đến công ty rồi cho nhân viên thuyết trình về dự án này. Bao nhiêu hình ảnh vườn sâm, rồi các sản phẩm làm từ sâm được bày bán. Không những vậy, họ còn tổ chức cho một số nhà đầu tư đi thăm vườn sâm có quy mô rất hoành tráng. Khi nghe giới thiệu rồi thực tế tại các vườn sâm quy mô, đa số chúng tôi đều tin tưởng. 10 người tham gia thì cả 10 người muốn đầu tư tiền cho dự án này. Bản thân tôi là cán bộ về hưu, bao năm tích cóp được mấy tỷ cũng đầu tư cả vào đó rồi. Mãi sau này mới biết đó là vườn sâm của đơn vị khác, họ chỉ đưa người đến để tham quan mà thôi. Bây giờ tôi muốn Cơ quan công an sớm điều tra chân tướng sự việc, buộc họ trả lại số tiền mà chúng tôi đã đầu tư vào đó, nếu không tôi chẳng còn gì cả".
Trước những thông tin mà MHG đăng tải, trả lời truyền thông, ông Đặng Quang Hà - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay, huyện không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho MHG hay Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Hơn nữa, huyện có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp, dược liệu nhưng chưa dự án đầu tư nào được cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh, bởi lẽ Kon Plông không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cũng như vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. "Tỉnh Kon Tum hiện chỉ có chỉ dẫn địa lý trồng sâm Ngọc Linh thuộc hai huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei. Riêng huyện Kon Plông chưa triển khai trồng sâm Ngọc Linh", ông Hà khẳng định.
Theo ông, MHG có dự án nông trại hữu cơ do Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn thực hiện trên địa bàn chủ yếu trồng sâm đương quy, sâm dây. Ông cũng khẳng định dự án này không có nội dung đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, MHG giới thiệu doanh nghiệp có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Kon Plông là không đúng.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, đối với Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn, qua thanh tra, kiểm tra và xác minh của các cơ quan chức năng, tôi khẳng định trong khu vực dự án không có cây dược liệu là cây sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, đặc điểm phân bổ và quy hoạch vùng cũng như đặc điểm sinh thái, khu vực trồng của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông không thể đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Dự án trồng sâm Ngọc Linh được quảng cáo bằng những lời "có cánh" trên trang web của MHG.
Hứa hẹn trả lãi suất cao
Từ năm 2020-2022, là thời điểm hút vốn đầu tư mạnh nhất của MHG, Hạnh với vai trò là Chủ tịch HĐQT đã đứng ra cam kết, hứa hẹn với đối tác về việc trả lãi suất từ 24% đến 48% một năm. Mức lãi suất không tưởng này đủ để khiến nhiều người nhẹ dạ, đem tiền đến góp vào công ty của Hạnh. Để mọi việc "bài bản", khi làm việc với nhà đầu tư, Công ty Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty. Khách hàng có thể lựa chọn 1 hoặc cả 3.
Theo Cơ quan công an, với những chiêu thức "mật ngọt chết ruồi", trong một thời gian ngắn, đã có hơn 1.000 nhà đầu tư nộp tiền cho MHG với số tiền lên tới 1.264 tỷ đồng. Số tiền này không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạch toán tài chính của doanh nghiệp mà chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT MHG. Cụ thể, Hạnh dùng khoảng 1% cho sản xuất, kinh doanh. Số còn lại, Hạnh dùng để trả lãi theo hình thức "mỡ nó rán nó", một phần tiền Hạnh chi tiêu cá nhân, mua các bất động sản mang tên mình. Cho tới thời điểm hiện tại, có những dòng tiền mà Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được với Cơ quan công an, chưa rõ mục đích sử dụng.
Khoảng đầu năm 2022 Bà Đào Thị S. ký hợp đồng đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với MHG tổng số tiền 500 triệu đồng.
Bản thân Hạnh, để lôi kéo nhà đầu tư đã cùng công ty thổi phồng, cung cấp những thông tin gian dối, không chính xác về giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh. Thậm chí, MHG còn tự ý nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất "đáng mơ ước nhưng phi thực tế" như trên. Với chiêu "lấy chính tiền của nhà đầu tư để trả lãi cho nhà đầu tư", những người được nhận lãi đều "tin tưởng" Công ty Mỹ Hạnh. Chỉ đến khi Cơ quan công an tiến hành điều tra, công ty mất khả năng thanh toán, nhiều người mới "té ngửa".
Với chiêu thức đánh bóng hình ảnh, trả lãi cao mà nhiều người đã phải trắng tay khi đầu tư vào dự án "trên mây" này. Ông Nguyễn Văn M. (khu dịch vụ Cây Quýt, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, ông đã ký hợp đồng "góp vốn hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam" với HMG, trong đó có hợp đồng lên tới 2 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư sâm Ngọc Linh (có thời gian 1 năm), trong vòng 11 tháng, MHG tạm ứng cho người góp vốn 2%, đến tháng 12 cam kết mua lại vườn sâm, hoàn trả tiền gốc đã góp ban đầu. Theo ông M., toàn bộ hợp đồng ông ký trực tiếp với bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch HĐQT MHG. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 có những hợp đồng hết hạn, tập đoàn đã không trả lãi cho người góp vốn. "Chúng tôi đã bị họ lừa khi tin vào dự án trồng sâm Ngọc Linh của Mỹ Hạnh ở Quảng Nam, Kon Tum. Khi các nhà đầu tư đến trụ sở, họ bảo công ty nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ... Thế nhưng, mãi sau này mới biết họ không có một dự án trồng sâm Ngọc Linh nào cả" - ông M. cho hay.
Bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị MHG bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hay trường hợp của bà Đào Thị S. (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khoảng đầu năm 2022 bà S. ký hợp đồng đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với HMG tổng số tiền 500 triệu đồng. Bà S. kể: "Tự nhiên một nhân viên đến nhà tôi quảng cáo MHG đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát triển ngành sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới. Đặc biệt, dự án này được Nhà nước hỗ trợ gói vay 16.000 tỷ đồng, tương ứng với 70%, còn 30% phải có vốn tự có của doanh nghiệp nên doanh nghiệp đi huy động vốn từ người dân".
Để tiếp tục tạo lòng tin, MHG còn mời những "con mồi" đến tận trụ sở để giới thiệu về dự án trồng sâm. Tại đây họ dùng mọi chiêu trò đánh bóng hình ảnh của mình khiến người nghe thực sự tin tưởng. "Chúng tôi đa số là những người có tuổi, cũng thiếu hiểu biết, họ nói gì là nghe. Thật không thể ngờ hoàn toàn không có dự án trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam hay Kon Tum như giới thiệu. Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo bà Mỹ Hạnh, phía Công an quận Cầu Giấy cũng đã mời người dân lên làm việc, ghi lời khai" - bà S. bức xúc.
Kon Tum: Khởi tố kẻ trộm sâm Ngọc Linh Điệp trộm cắp sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, rồi đi nơi khác trốn. Khi trở về địa phương thăm vợ, con, Điệp bị công an bắt giữ. Ngày 19.4, Công an H.Đăk Glei (Kon Tum) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Điệp (35 tuổi, trú xã Ngọc Linh, H.Đăk Glei),...