Sau những cuộc đoàn tụ ngắn ngủi…
Hai đợt của chương trình đoàn tụ, hay đúng hơn là gặp mặt trực tiếp thân nhân các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) lần thứ 21 đã khép lại ngày 26/8, tạm kết thúc gần một tuần của những niềm vui và nỗi buồn, của nước mắt và nụ cười, của nỗi nhớ mong và hạnh phúc, của tiếc nuối và hy vọng…
Cụ Kang Jung-ok (trái), 100 tuổi, sống ở Hàn Quốc gặp lại em gái Kang Jong Hwa (giữa), 85 tuổi, sống ở Triều Tiên tại cuộc đoàn tụ gia đình ly tán ở núi Kumgang ngày 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Những cái tên trong danh sách 89 người cao tuổi Hàn Quốc được hội ngộ 185 người thân của mình sống ở Triều Tiên trong đợt một, hay 81 người phía Triều Tiên được gặp lại 326 người thân ly tán đang sống ở Hàn Quốc trong đợt hai, đã trải qua những thời khắc “trong mơ” khi niềm khát khao cháy bỏng được một lần trực tiếp cầm tay người thân sau hàng chục năm bặt tin, cuối cùng đã trở thành hiện thực. Song, đằng sau cuộc hội ngộ chóng vánh của những người may mắn được tham gia chương trình đoàn tụ lần này, là nỗi niềm của hàng triệu gia đình ly tán, của hơn 132.000 người từng đăng ký gặp lại người thân ở bên kia biên giới, trong đó 75.234 người không chờ được một cơ hội bởi đã qua đời.
Chương trình đoàn tụ lần thứ 21 này là kết quả trực tiếp và cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4 vừa qua, cũng là dấu mốc mới trong xu thế cải thiện quan hệ giữa hai miền. Hình ảnh những cụ ông, cụ bà đã vào độ tuổi “gần đất xa trời”, nghẹn ngào cố tìm lại nét thân quen trên gương mặt những người ruột thịt đã cách xa hơn nửa thế kỷ, trong thời tiết nóng như thiêu đốt của đợt đoàn tụ đầu tiên, hay trong 3 ngày 2 đêm mưa bão của đợt hai, đã thực sự gây xúc động. Giống như 20 chương trình trước, vốn lần đầu tiên được tổ chức tháng 8/2000, trong 1 tuần đoàn tụ lần này, mỗi thành viên trong các gia đình ly tán gặp nhau là một hoàn cảnh, một câu chuyện đẫm nước mắt, song cuộc gặp năm nay dường như có ý nghĩa đặc biệt. Cuộc gặp mặt diễn ra khi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc tròn 65 năm, song bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có một nền hòa bình đúng nghĩa và những người dân vẫn mong mỏi về một tương lai thống nhất hai miền để các gia đình ly tán có thể đoàn tụ. Tựu trung lại, đây là những gia đình cực kỳ may mắn bởi cơ hội được tham gia các cuộc đoàn tụ như thế này là hết sức mong manh. Nếu tính cả 7 cuộc gặp qua cầu truyền hình, khoảng 21.000 người ở cả hai miền đã được nhìn thấy người thân, song con số này thực sự không thấm vào đâu nếu so sánh với tổng số 132.124 người thuộc các gia đình ly tán đã đăng ký đoàn tụ tính từ năm 1988.
Ý nghĩa của các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên không chỉ ở tính nhân văn, làm dịu bớt nỗi đau chia cắt do chiến tranh để lại, mà đây còn được xem là một biểu tượng của tiến trình hòa giải hai miền. Đây cũng là vấn đề nhân đạo hết sức cấp thiết trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hàng triệu gia đình đã bị cuộc chiến tranh Triều Tiên chia cắt hàng thập niên qua. Đa số họ lạc mất người thân, không biết người nhà của mình còn sống hay đã chết do hai miền Triều Tiên cấm công dân liên lạc bằng thư tay, thư điện tử hay điện thoại. Những người muốn thăm thân nhân tại Triều Tiên phải nộp đơn lên chính quyền.
Nếu tính từ thời điểm tháng 8/1972, khi lần đầu tiên các quan chức hội chữ thập Đỏ hai miền Triều Tiên gặp nhau để thảo luận về vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh, thì rõ ràng chặng đường để thực hiện mục tiêu mang tính nhân đạo này thực sự rất chông gai. Hai miền từng đạt thỏa thuận tiến hành chương trình đoàn tụ vào năm 1988, song mãi tới tháng 8/2000, với hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử lần đầu tiên, ước vọng đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa hai miền Triều Tiên theo hình thức như hiện nay mới được thực hiện. Tuy nhiên, mỗi lần quan hệ hai miền gặp trục trặc hoặc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng thì các cuộc đoàn tụ như thế này lại bị gián đoạn. Tính từ năm 2000 tới năm 2015, đã có ít nhất 3 chương trình đoàn tụ đã được lên kế hoạch chi tiết bị hoãn do những bất đồng trong quan hệ giữa hai bên, mà thời gian trì hoãn kéo dài hàng năm. Bởi vậy việc nối lại cuộc đoàn tụ lần này sau khoảng 3 năm gián đoạn có thể xem là bước đi thể hiện thiện chí và nỗ lực của cả hai miền trong một mục tiêu chung.
Chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán lần thứ 21 đã được tổ chức thành công. Việc đẩy mạnh những cuộc đoàn tụ như thế này cũng đã được khẳng định trong Tuyên bố chung Panmunjom giữa lãnh đạo hai miền ngày 27/4. Tuy nhiên, ngày kết thúc chương trình đoàn tụ cũng là ngày đánh dấu một cuộc chia tay mới, có thể là chia tay vĩnh viễn bởi theo thông lệ những người đã được gặp mặt thân nhân sẽ không còn được tham gia các chương trình tiếp theo.
Nhiều năm qua, các chính trị gia Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo cơ hội cho các gia đình ly tán được đoàn tụ không còn nhiều.Thời gian chia cách càng dài, độ tuổi của các thành viên trong gia đình ly tán càng lớn và họ ngày càng ít có cơ hội gặp lại ông bà, cha mẹ, con cái hay anh chị em của mình. Trong số khoảng 132.000 người Hàn Quốc đã nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên, hơn một nửa đã qua đời trước khi mong ước trở thành hiện thực, chỉ còn lại 56.890 người còn sống. Trong số những người còn sống, có tới 48.703 người trên 70 tuổi, chiếm 85,6%.
Video đang HOT
Thông báo của đại điện hội chữ thập Đỏ Hàn Quốc về việc hai miền đã nhất trí xúc tiến thêm một cuộc đoàn tụ nữa trong năm nay theo cách thức như cuộc đoàn tụ lần thứ 21 này, là tin mừng cho những gia đình ly tán trên bán đảo Triều Tiên. Nhiều người bày tỏ hy vọng, với các động thái thiện chí của cả hai miền Triều Tiên trong những tháng gần đây, các cuộc đoàn tụ tương tự sẽ được tổ chức đều đặn hơn trong thời gian tới, có thể là 1 hay 2 lần trong 1 năm. Có ý kiến cho rằng cách tốt nhất là nên lập các trung tâm đoàn tụ ở hai bên biên giới liên Triều để các gia đình ly tán có thể gặp nhau bất cứ khi nào họ muốn. Nhiều người thậm chí mơ về một tương lai hòa bình, nơi họ được tự do đi lại gặp mặt người thân ở bên kia biên giới. Tất cả đang phụ thuộc vào nỗ lực, thiện chí và quyết tâm của cả Hàn Quốc và Triều Tiên, để những người thân bị chia cắt ở hai miền có thể có những cuộc đoàn tụ thực sự, chứ không chỉ là những cuộc gặp ngắn ngủi trong mấy giờ đồng hồ.
Theo Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc)
Bữa cơm đầu tiên của các gia đình ly tán trong lịch sử đoàn tụ gia đình Hàn - Triều
Ngày thứ 2 của cuộc đoàn tụ Hàn - Triều đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử các thân nhân ly tán có thể dùng bữa trưa cùng với nhau trong bầu không khí xúc động sau nhiều năm xa cách.
Ngày 21/8 là ngày thứ 2, cuộc đoàn tụ gia đình ly tán Hàn - Triều tiếp tục diễn ra. Khoảng 9h55 sáng (giờ địa phương), 5 xe bus chở 185 người Triều Tiên đến khách sạn Oekumgang, tỉnh Kangwon, gặp gỡ 89 người thân Hàn Quốc đang chờ tại đây.
Họ có 2 giờ trò chuyện trong phòng riêng và được nghỉ ngơi ăn trưa trong 1 giờ. Phía Triều Tiên đã đặc biệt chuẩn bị cơm hộp và giao tới các phòng lúc 11h40 trưa. Theo Korea Herald, đây là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc đoàn tụ gia đình Hàn - Triều mà thân nhân ly tán từ 2 bên có thể dùng bữa cùng nhau.
Các phụ nữ Triều Tiên tận tình đưa cơm hộp tới phòng khách sạn.
Cận cảnh hộp cơm trưa trong bữa ăn đoàn tụ của các thân nhân ly tán.
Những phụ nữ Triều Tiên cao tuổi mặc những bộ trang phục truyền thống hanbok với màu sắc rực rỡ, run rẩy bước đi với sự hỗ trợ của các thân nhân.
Theo ghi nhận của các phóng viên, phía Triều Tiên cũng mang theo nhiều quà để tặng thân nhân như nhân sâm Kaesong Koryo nổi tiếng hay những sản phẩm làm đẹp có nguyên liệu từ nhân sâm.
Ông Lee Young-boo, 76 tuổi, cảm thấy hài lòng khi ông và thân nhân có nhiều thời gian tự do hơn so với ngày đầu tiên gặp gỡ. "Tôi cảm thấy tự do hơn và tốt hơn rất nhiều. Đồ ăn hương vị rất tuyệt vời", ông Lee nói. Ông đã vượt một chặng đường dài để có thể đến gặp 2 cháu trai và 1 cháu gái đang sống ở Triều Tiên.
Không khí của ngày đoàn tụ thứ 2 thoải mái và dễ chịu hơn ngày đầu khi các thân nhân đã bỏ bớt cảm giác ngại ngùng không dám bộc lộ cảm xúc khi lần đầu gặp gỡ sau hàng chục năm trời "bặt vô âm tín".
"Em gái tôi rất đẹp đúng không?", cụ bà Kim Byeong-oh, 88 tuổi, nắm lấy tay cụ bà 81 tuổi, Sun-ok. Bà Kim Hye-ja, 75 tuổi, ôm chầm lấy người chị gái đang sống ở Triều Tiên, nhắc đi nhắc lại: "Em yêu quý chị. Cảm giác cứ như là đang mơ vậy. Em muốn ở với chị. Em không muốn rời xa chị thêm nữa".
Cụ bà Lee Keum-seom, 92 tuổi, người đã bật khóc khi nhìn thấy con trai 71 tuổi Sang-chol sau gần 70 năm xa cách trong ngày đầu tiên, tiếp tục không thể kìm nén được cảm xúc khi họ gặp lại nhau lần nữa. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau không rời.
Hôm nay, 22/8, là ngày cuối cùng trong đợt đoàn tụ này. Có thể với nhiều người ly tán gia đình, đây sẽ là cơ hội cuối cùng trong đời để họ có thể gặp gỡ người thân. Nhiều người đã cảm thấy rất buồn và thất vọng khi niềm hạnh phúc đoàn viên không thể kéo dài lâu.
Đức Hoàng
Ảnh: Yonhap
Theo Dantri
Những cuộc chia ly hơn nửa thế kỷ Tuần trước, cuộc tái hợp đầu tiên trong vòng ba năm qua đã được tổ chức ở khu vực núi Kumgang (Kim Cương) ở CHDCND Triều Tiên. ây là một phần thỏa thuận mang tính lịch sử giữa hai miền Triều Tiên, đạt được hồi tháng Tư. CNN kể câu chuyện một bà lão 92 tuổi sắp được gặp lại con trai sau...