Sau lệnh của Thủ tướng, hàng loạt gói bảo hiểm COVID-19 bị dừng
Sau khi Thủ tướng, Bộ Tài chính yêu cầu không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm đối với bệnh COVID-19, hàng loạt gói bảo hiểm liên quan bệnh này đã phải dừng lại.
Theo Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19.
Chiều cùng ngày, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền đã có công văn số 3786 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19. Công văn có hiệu lực ngay tại thời điểm ký.
Thời gian qua, bảo hiểm Corona trở thành sản phẩm “hot” trên thị trường. Hàng loạt doanh nghiệp “ăn theo”, thi nhau tung ra các gói bảo hiểm Corona với mức phí và quyền lợi cạnh tranh như Viễn Đông, Manulife, VBI, PVI, MIC, PTI, VNI, BSH…
Có doanh nghiệp còn phối hợp với hàng loạt ngân hàng để triển khai sản phẩm Anti-COVID. Hình thức mua bảo hiểm chủ yếu qua online. Có ngân hàng mua bảo hiểm dịch COVID-19 cho tất cả cán bộ nhân viên.
Phí bảo hiểm Corona thường dao động từ 100.000 – 500.000 đồng/gói. Có gói phí lên đến 1 triệu đồng. Ngoài chi trả quyền lợi khoảng 100 triệu đồng/vụ cho người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và trợ cấp 300.000 – 600.000 đồng mỗi ngày nằm viện, một số sản phẩm còn mở rộng phạm vi bảo hiểm cho người tử vong do tai nạn, bệnh tật.
Ngày 1/4, theo tìm hiểu của Tiền phong, một loạt các công ty bảo hiểm đã ra thông báo dừng triển khai gói bảo hiểm dịch COVID-19.
Video đang HOT
Đơn cử, đại diện truyền thông của Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết đã ra thông báo dừng triển khai gói sản phẩm bảo hiểm Corona dành cho đối tượng là công dân Việt Nam từ 1 đến 65 tuổi.
Liên quan đến gói Corona này, mấy ngày trước, mạng xã hội “dậy sóng” với hình ảnh chụp email thông báo rằng Tổng công ty Bảo hiểm PVI không bán bảo hiểm Corona cho y bác sĩ, phi công…
Cụ thể, trong hình chụp email hiển thị nội dung một người giữ cấp trưởng phòng thuộc Bảo hiểm PVI đề nghị các đơn vị thành viên không cấp bảo hiểm Corona cho các đối tượng là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên của các cơ sở y tế, khách hàng của các cơ sở y tế (được cơ sở y tế đứng ra mua bảo hiểm hoặc giới thiệu cung cấp bảo hiểm), thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tuyến quốc tế, phi công và phi hành đoàn.
Ngoài ra, người này còn đề nghị các đơn vị thành viên bổ sung mục Nghề nghiệp vào mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm như đính kèm để có căn cứ áp dụng. Đối với các đơn vị triển khai bán online, cần bổ sung trường thông tin Nghề nghiệp vào nội dung kê khai của khách hàng trước khi mua bảo hiểm.
Trao đổi với Tiền phong chiều 1/4, đại diện truyền thông của Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết nội dung trong email lan truyền trên mạng là của một cán bộ cấp phòng của Bảo hiểm PVI gửi. Tuy nhiên, người soạn nội dung này chưa thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin, dẫn đến hiểu nhầm đáng tiếc.
“Các trường hợp trên cần được đánh giá rủi ro chặt chẽ hơn, do vậy Bảo hiểm PVI không phân cấp cho các đơn vị thành viên. Trường hợp có yêu cầu bảo hiểm cho nhóm khách hàng trên, các đơn vị thành viên báo cáo về hội sở tổng công ty để được hướng dẫn chào phí, cấp đơn bảo hiểm cụ thể”, đại diện PVI chia sẻ.
Cũng theo vị này, đối với các đơn bảo hiểm Corona đã cấp và có hiệu lực bảo hiểm trước ngày 1/4/2020, Bảo hiểm PVI vẫn sẽ duy trì trách nhiệm bảo hiểm theo các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm cho đến hết thời hạn bảo hiểm.
Tuấn Nguyễn
Chiến lược "cắt - giảm - tăng" giúp DN vượt bão Covid-19 của ông chủ làm Burger corona
Tối ưu chi phí và tìm kiếm ý tưởng về sản phẩm "ngôi sao" trong mùa dịch có thể là cách để doanh nghiệp vượt "bão" Covid-19.
Những ngày qua, dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp lao đao, thậm chí có nơi phải trả mặt bằng, đóng cửa vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", vẫn có những doanh nghiệp luôn tìm cách để thích nghi với thời cuộc, tìm cách duy trì sản xuất, kinh doanh.
Mới đây, Mopi - một xưởng tranh phẳng chuyên thiết kế và in ấn tranh Canvas trang trí cho khối văn phòng, nhà ở, cửa hàng, khách sạn đã cho ra đời sản phẩm miếng dán cách ly khá độc đáo với giá từ 200.000 đồng/bộ (gồm 6 miếng dán).
Theo đó, có hai loại sản phẩm gồm decal dán sàn thang máy giúp nhắc nhở mọi người lưu ý giữ khoảng cách hoặc hạn chế nói chuyện, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Một dạng miếng dán khác thường được công sở, nhà hàng, công ty, siêu thị sử dụng để đánh dấu vị trí, thực hiện giãn cách trên 2m khi có đông người.
Nhờ ý tưởng độc đáo, anh Hoàng Tùng, Co-Founder của Mopi cho biết, sản phẩm được rất nhiều khách hàng ủng hộ. Mặc dù doanh số không quá bùng nổ nhưng đây là một trong những yếu tố giúp công ty có thêm đà vượt "bão" Covid-19 .
Miếng dán cách ly trở thành mặt hàng "hot" trong mùa dịch Covid-19.
Theo chia sẻ của vị Co-Founder, khi công ty gặp một vài khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , nhóm lãnh đạo Mopi đã cùng nhau chia sẻ và tìm kiếm ý tưởng mới cho sản phẩm theo nhu cầu của mùa dịch.
Việc cho ra đời những miếng dán cách ly vừa dựa trên năng lực sản xuất của doanh nghiệp sẵn có máy móc in ấn và đội ngũ thiết kế, vừa có ý nghĩa truyền thông xã hội về công tác phòng chống dịch Covid- 19. Điều này lý giải vì sao trên mỗi tấm decal hay miếng dán đều có những dòng chữ như "cẩn trọng", "giữ khoảng cách, chung tay chống dịch".
"Giờ ngồi than khóc cũng không thay đổi được gì, hãy tìm kiếm những ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm ngôi sao để giúp công ty có thể duy trì doanh số", anh Tùng chia sẻ.
Thông điệp về việc giữ khoảng cách trong mùa dịch được in trên sản phẩm.
Trước miếng dán cách ly, anh Tùng cũng được truyền thông biết đến khi sáng tạo ra chiếc Burger có tạo hình giống virus corona. Cả CNN và BBC, Reuters... các hãng truyền thông lớn bậc nhất thế giới đều đưa tin về sản phẩm Burger Corona độc lạ của Việt Nam.
Burger hình corona được truyền thông nước ngoài biết đến hay miếng dán decal cách ly đều xuất phát từ các ý nghĩa xã hội nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp luôn chuyển mình, sáng tạo thay vì chịu "bó tay" trước thách thức của dịch bệnh.
Co-Founder của tiệm tranh còn sở hữu chuỗi nhà hàng - nơi sáng tạo chiếc Burger độc lạ trong mua dịch Covid-19.
Anh Tùng đưa lời khuyên, nếu chịu khó tìm kiếm ý tưởng hay "sản phẩm ngôi sao" thì những điều này có thể sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Đặc biệt lưu ý tiết kiệm chi phí và cố gắng duy trì doanh số.
"Sáng tạo là một hướng trong chiến lược "cắt - giảm - tăng" mùa dịch. Các mặt bằng có giá thuê cao, không hợp lý thì sẽ thương lượng với chủ nhà để giảm chi phí, nếu không thành thì cắt bỏ hẳn. Cùng đó là việc rà soát, tối ưu lại hệ thống, để nhận ra lĩnh vực nào, sản phẩm nào trước đây không hiệu quả cần cắt bỏ, tập trung cho sản phẩm chủ lực.
Và "tăng", chính là tăng kênh bán trực tuyến cùng với nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngôi sao để có được sự hưởng ứng từ khách hàng", anh Hoàng Tùng chia sẻ những định hướng vượt "bão" Covid-19 của doanh nghiệp.
Hoàng Linh
Đề nghị đưa ngành chứng khoán vào danh mục ngành, nghề thiết yếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị các địa phương đưa ngành chứng khoán vào danh mục ngành "dịch vụ thiết yếu" để tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán hoạt động bình thường. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố đưa ngành Chứng khoán vào...