Sau khi uống thuốc không nên đi ngủ ngay
Nếu uống thuốc xong mà đi ngủ ngay, nhất là khi uống thuốc mà lại uống ít nước, thì thuốc thường bị dính và đọng lại một phần ở thực quản, không xuống tới được dạ dày.
Có rất nhiều người thường có thói quen buổi tối trước khi đi ngủ nằm trên giường uống thuốc. Họ cho rằng, sau khi uống thuốc mà đi ngủ ngay thì có thể giúp cho việc hấp thụ thuốc tốt hơn. Thật ra như thế là sai! Nếu uống thuốc xong mà đi ngủ ngay, nhất là khi uống thuốc mà lại uống ít nước, thì thuốc thường bị dính và đọng lại một phần ở thực quản, không xuống tới được dạ dày.
Có một số loại thuốc ăn da rất mạnh, sau khi tan ra ở thực quản, sẽ tác hại đến niêm mạc của thực quản, làm viêm loét thực quản.
Những người bị nhẹ thì khi ăn uống cảm thấy đau, nếu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến mạch máu, làm chảy máu.
Có nhiều người bị viêm loét thực quản do uống thuốc. Nguyên nhân là do trong một thời gian trước khi đi ngủ họ uống loại thuốc con nhộng như: thuốc kháng sinh con nhộng, thuốc cảm con nhộng… gây nên.
Video đang HOT
Cách uống thuốc một cách khoa học là: khi uống thuốc nên ngồi hoặc đứng, sau khi uống thuốc không nên nằm xuống ngay, hãy đợi một lúc cho viên thuốc đi qua thực quản, tránh không để cho thuốc dính lại ở thực quản, vì như vậy sẽ làm giảm tác dụng của thuốc và gây tổn thương đến niêm mạc của thực quản. Khi uống thuốc nên uống nhiều nước, thường là khoảng 200 – 300ml, tốt nhất là hoạt động khoảng 5 – 10 phút rồi mới đi nằm.
Lưu ý : khi uống thuốc chỉ dùng nước lọc chứ không được dùng sữa, các loại nước ngọt, nước trà, nước hoa quả… vì chúng sẽ tương tác làm mất tác dụng của thuốc.
Nếu như khi uống thuốc có cảm giác thuốc nghẹn lại ở thực quản, chờ một lúc mà tình trạng này không những không đỡ lại còn nghiêm trọng hơn thì nên lập tức đi bệnh viện. Ngoài ra, trước khi đi ngủ không được uống thuốc hạ huyết áp vì dễ gây ra bệnh tim mạch.
Theo DS. Kim Chung
SK&ĐS
Lưu ý khi uống thuốc cảm
Có hàng trăm loại thuốc cảm, vậy chúng ta nên chọn mua như thế nào cho đúng? Dưới đây là một số kiến thức về dùng thuốc cảm một cách khoa học để các bạn lưu ý:
Cảm cúm thông thường là chứng viêm cấp tính đường hô hấp trên do lây nhiễm nhiều loại virus gây nên. Đây là loại bệnh thường thấy, có nhiều người mỗi năm bị cảm tới mấy lần, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể coi nhẹ cảm cúm. Theo một bác sĩ khoa nội chuyên ngành đường hô hấp của bệnh viện Đồn Nhân, Bắc Kinh cho biết thì: Nếu như bị cảm mà không được xử lý theo phương pháp đúng đắn thì sẽ ảnh hưởng tới những bộ phận khác của cơ thể. Đường hô hấp là bộ phận rất quan trọng, một là có thể xâm nhập tới màng nhĩ ở nửa thân trên, hai là có thể xâm nhập tới đường hô hấp phía dưới, trường hợp nghiêm trọng sẽ gây nên viêm thận, viêm cơ tim..., gây hại tới các bộ phận khác, cho nên dùng thuốc cảm cũng phải hết sức cẩn trọng.
Hiện có nhiều loại tân dược chữa trị cảm cúm. Các loại thuốc giảm đau có thể giảm nhẹ triệu chứng sốt và đau đầu; thuốc co huyết quản đóng vai trò giảm nhẹ các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi; thuốc phòng chống dị ứng như hắt xì hơi, sổ mũi... Thành phần và tác dụng của các loại thuốc đó đều được ghi rõ trên tờ chỉ dẫn, cho nên khi bị cảm, chúng ta có thể chọn mua thuốc đúng với bệnh của mình. Tuy nhiên, điều cần phải đặc biệt chú ý là khi chọn mua nhất định phải để ý tới những tác dụng phụ của thuốc.
Được biết, việc lạm dụng thuốc kháng sinh là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Nhiều người bị cảm thường hay mua một số loại thuốc kháng sinh, họ cho rằng dùng thêm kháng sinh trong khi dùng thuốc cảm sẽ chóng khỏi bệnh hơn. Thật ra nhiều trường hợp cảm cúm là do virut gây nên, nhưng hiện nay còn chưa có loại thuốc kháng sinh có thể tấn công các loại virut đó một cách hiệu quả 100%, cho nên dùng thuốc kháng sinh chữa cảm sẽ chẳng ăn thua gì, mà trái lại sẽ tăng thêm sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh của cơ thể. Cho nên, ngoài trường hợp nhiễm virut hoặc đã dẫn đến viêm phổi ra, chúng ta hoàn toàn không cần sử dụng thuốc kháng sinh khi bị cảm cúm.
Ngoài tân dược ra, Đông dược truyền thống của Trung Quốc cũng có hiệu quả rất tốt để chữa trị cảm cúm. Đông y chủ yếu căn cứ vào triệu chứng của người bệnh, chia cảm cúm thành cảm gió lạnh và cảm gió nhiệt, dĩ nhiên có sự khác biệt về dùng thuốc. Bà Trương Yến Bình, một bác sĩ khoa nội chuyên về hô hấp bệnh viện Tây Uyển thuộc Viện nghiên cứu Đông y Trung Quốc cho biết: "Theo kinh nghiệm dân gian, cảm gió nóng có triệu chứng sốt cao, không sợ lạnh, khạc ra đờm vàng, còn cảm gió lạnh thì sốt không cao, sợ lạnh, chảy mũi xanh và trắng. Khi dùng thuốc cũng có hai loại, nếu như dùng không đúng, không những không thể chữa khỏi bệnh, mà còn khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn".
Qua đó có thể thấy, chữa trị cảm cúm bằng Đông dược trước hết phải phân biệt được về triệu chứng cảm, nếu như không biết mình bị cảm loại gì thì tuyệt đối không nên dùng thuốc một cách tuỳ tiẹn, tốt nhất là đi khám bác sĩ rồi mới quyết định dùng thuốc.
Điều cần phải đặc biệt lưu ý là: Nếu như người cảm cúm bị sốt trên 38 độ C trong 3 ngày liền và dùng thuốc cũng không có sự chuyển biến, tốt nhất là phải đi bệnh viện khám bác sĩ ngay. Ngoài ra, những người già, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và những người hay bị ốm yếu, một khi bị cảm, không nên tự mua thuốc chữa trị mà cần phải đi khám bác sĩ...
Theo Hoài Thu
Nông Nghiệp