Sau khí đốt, cuộc khủng hoảng than đá lại rình rập châu Âu
Sau khi nguồn cung khí đốt bị gián đoạn buộc các chính phủ châu Âu phụ thuộc vào than đá, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể biến loại nhiên liệu này trở nên khan hiếm ở châu Âu.
Một số quốc gia châu Âu đã quyết định khởi động lại các nhà máy đốt than cũ để đối phó tình trạng khan hiếm năng lượng. Ảnh: Getty Images
Trước tình hình châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga và xung đột ở Ukraine, các chính phủ đã phải tranh giành lẫn nhau để bơm đầy kho trữ khí đốt quốc gia trước mùa Đông năm nay. Đáng chú ý, trong thời gian tới, một loại nhiên liệu quan trọng khác cũng có thể bị thiếu hụt: than đá.
Mặc dù loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao này đã bị gạt bỏ khỏi chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm cách cắt giảm lượng khí thải, nhưng mức tiêu thụ vẫn đang gia tăng do một số quốc gia, trong đó có Áo và Hà Lan, đã khởi động lại các nhà máy đốt than cũ hoặc tăng công suất hiện có để tiết kiệm khí đốt.
Vấn đề là EU sẽ sớm phải “chia tay” nhà cung cấp lớn nhất là Nga. Bởi lẽ, khối này đã áp lệnh trừng phạt đối với mặt hàng than đá của Nga vào tháng 4 và cấm nhập khẩu thêm từ ngày 10/8.
Theo nhà phân tích Alex Thackrah tại công ty tư vấn thị trường Argus Media, điều đó có nghĩa là 2 triệu tấn than mà EU dự kiến nhận từ Nga trong tháng này sẽ là chuyến hàng cuối cùng. Thêm vào đó, những rào cản về hậu cần trong việc tìm nguồn cung ứng và vận chuyển nhiên liệu từ quốc gia khác chắc chắn sẽ trở thành thử thách lớn để châu Âu có đủ than để dùng trong mùa lạnh sắp tới.
Indonesia, Nam Phi và Colombia đều là những nhà cung cấp tiềm năng, nhưng các nước EU sẽ phải trả giá cực cao để mua được loại than nhiệt cao thường được sử dụng trong liên minh. Giá than tại sàn API2 Rotterdam – tiêu chuẩn của châu Âu – đạt mức 380 USD/tấn trong tuần này, tương đương tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhà phân tích Mark Nugent của công ty môi giới tàu biển Braemar nhận định EU cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước tiêu thụ than đá mạnh như Ấn Độ và Hàn Quốc.
Ngoài ra, rào cản hậu cần có nguy cơ làm phức tạp thêm vấn đề này.
Video đang HOT
Phần lớn than của EU được vận chuyển qua các cảng ở Amsterdam, Rotterdam và Antwerp, đi dọc sông Rhine bằng sà lan. Tuy nhiên, ông Alex Thackrah cho biết thời tiết nóng bất thường trong tháng này đã làm giảm mực nước sông Rhine xuống 65 cm, buộc các sà lan phải giảm 2/3 lượng hàng hóa có thể chở.
Mặc dù các nhà máy điện thường có kho dự trữ riêng, nhưng lượng than không thể giao cho họ thường được lưu trữ tại các bến cảng để chờ vận chuyển tiếp. Và lượng than tồn kho tại các cảng châu Âu đã gần đạt mức tối đa.
Theo số liệu từ Hiệp hội thương mại than đá Euracoal, khoảng 8 triệu tấn than đang bị mắc kẹt tại các bến cảng của châu Âu.
EU đã cấm nhập khẩu than đá từ Nga. Ảnh: Getty Images
Tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra mạnh mẽ nhất ở Ba Lan và Đức. Ông Rudolf Juchelka, giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Duisburg-Essen, cho biết tình trạng thiếu hụt ở Đức – chiếm 37% tổng lượng tiêu thụ than cứng và than non của EU vào năm ngoái – sẽ gây khó khăn đặc biệt cho ngành công nghiệp thép và hóa chất. Công suất phát điện cũng sẽ bị ảnh hưởng, song ở mức độ nhẹ hơn.
Ông Juchelka cũng cảnh báo rằng giới chức EU có thể buộc phải thực hiện các biện pháp phân bổ năng lượng nghiêm ngặt hơn nếu như Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt hoặc các vấn đề hậu cần giao than tiếp diễn.
Người phát ngôn của Bộ Khí hậu Đức cho biết các đơn vị điều hành nhà máy điện đã đảm bảo với chính phủ rằng họ có đủ lượng than dự trữ để bù đắp cho than của Nga. Quan chức này nói thêm rằng Berlin cũng đã đưa ra quy định mới nhằm ưu tiên các chuyến hàng năng lượng nhiều hơn các loại hàng khác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Trong khi đó, ở Ba Lan, chính phủ đang chìm trong bê bối do không kịp thời xây dựng nguồn dự trữ than của đất nước.
Theo Robert Tomaszewski, nhà phân tích năng lượng cấp cao của Polityka Insight, khoảng 2 triệu hộ gia đình ở Ba Lan vẫn phụ thuộc vào than cứng để sưởi ấm, với mỗi hộ tiêu thụ trung bình 3 tấn mỗi năm. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, nước này đã nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn than từ Nga mỗi năm để sưởi ấm.
Khi lệnh cấm của EU đối với mặt hàng than đá của Nga có hiệu lực vào tháng tới, ông Robert Tomaszewski cho rằng một số hộ gia đình sẽ không có đủ than để dùng vì Ba Lan sẽ thiếu hụt 1 – 2 triệu tấn than trong mùa Đông này.
Và theo điều tra của hãng thông tấn Ba Lan Onet, vào đầu tháng 3, Nội các của Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã cảnh báo nhà lãnh đạo này rằng cấm vận than đá của Nga có thể dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu, đồng thời thúc giục ông thiết lập kho dự trữ than chiến lược mới. Nhưng ông Morawiecki đã không hành động theo lời cảnh báo.
Trong nỗ lực để làm dịu tình hình, ông Morawiecki tuần trước thông báo sẽ hỗ trợ tiền các hộ gia đình bị ảnh hưởng để mua than, cũng như yêu cầu các công ty than quốc doanh mua 4,5 triệu tấn than tính đến ngày 31/8.
Bà Anna Moskwa, người phát ngôn của Bộ Khí hậu Ba Lan, cho biết chính phủ đang nghiên cứu các giải pháp đa hướng cho vấn đề than đá, và đã đưa ra quy định tạm thời đình chỉ các yêu cầu chất lượng hiện có đối với một số loại than bán trên thị trường cho các hộ gia đình sử dụng trong 60 ngày.
Síp có thể giúp châu Âu thay thế khí đốt tự nhiên của Nga?
Châu Âu chạy đua để thay thế khí đốt tự nhiên của Nga và Síp đang tìm cách trợ giúp.
Síp được cho là có trữ lượng khí đốt lớn ở ngoài khơi chưa được khai thác. Ảnh: AP
Việc Liên minh châu Âu vội vàng thay thế khí đốt tự nhiên của Nga bằng nhiều nguồn đã thu hút sự chú ý của những nhà sản xuất khí đốt khác nhau ở cả các khu vực sản xuất truyền thống và mới nổi.
Do đó tại Síp, nước này đã coi việc thăm dò khí đốt trở thành một ưu tiên chiến lược. Đảo quốc nhỏ bé ở Địa Trung Hải là một quốc gia mới trong lĩnh vực khí đốt, với việc phát hiện ra khí đốt ở mỏ ngoài khơi Aphrodite năm 2011, ước tính chứa khoảng 1.300 tỷ mét khối khí.
Được điều hành bởi Chevron và Shell, cùng với một công ty của Israel, NewMed Energy, mỏ Aphrodite sẽ sớm được thăm dò mở rộng và vào cuối năm nay, Chevron sẽ đưa ra kế hoạch phát triển mới nhất trong lĩnh vực này cho Chính phủ Síp.
Bộ trưởng Năng lượng Síp Natasa Pilides nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn tuần này rằng châu Âu là điểm đến tự nhiên cho nguồn khí đốt vẫn chưa được khai thác của nước này. Mặc dù hiện nước này tiêu thụ nhiều khí đốt hơn so với lý thuyết có thể sản xuất, nhưng châu Âu là thị trường gần nhất của họ và là một thị trường đang có nhu cầu rất lớn.
"Châu Âu là một khách hàng tiềm năng tốt đối với khí đốt của Síp vì EU đã xác nhận rằng khí đốt tự nhiên sẽ vẫn là nhiên liệu trung gian cho đến năm 2049 như một phần của quá trình chuyển đổi xanh, do đó các công ty hiện có thể thoải mái đảm bảo các hợp đồng dài hạn", bà Pilides cho biết.
Quan chức này cũng lưu ý về ý định của Liên minh châu Âu trong việc giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, điều chắc chắn sẽ thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp khí đốt không phải từ Moskva cho lục địa này.
Aphrodite không phải là mỏ khí đốt duy nhất của Síp. Vào tháng 5, công ty Eni của Italy và TotalEnergies của Pháp đã bắt đầu khoan thăm dò một giếng khí đốt tự nhiên khác ngoài khơi bờ biển Síp.
Một phát hiện lớn thứ ba gần đây ở Síp là mỏ Calypso, với nguồn khí đốt dồi dào cũng được phát hiện bởi Eni và TotalEnergies. Nhưng quá trình chuyển đổi của Síp thành một trung tâm khí đốt lớn của khu vực đã bị tụt hậu so với kỳ vọng.
Theo báo cáo của Reuters, từ năm 2020, việc phát triển mỏ Aphrodite đã bị trì hoãn do các đối tác vận hành mỏ này đang đàm phán lại thỏa thuận chia sẻ sản lượng của họ với Chính phủ Síp. Hiện mọi thứ đã thay đổi trong bối cảnh nhu cầu của EU đối với bất kỳ loại khí đốt nào không đến từ Nga đã tăng đột biến, đang có tác động lớn đến lĩnh vực khí đốt của Síp.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn. Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không hài lòng với việc Síp phát triển các nguồn khí đốt ở những nơi mà Ankara cho là đang tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn là một vấn đề "đau đầu" đối với Síp.
Một thách thức khác là về cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Hiện tại, công ty Energean đang có ý tưởng xây dựng một đường ống dẫn từ các mỏ ngoài khơi của Israel đến Síp, và sau đó kết nối đường ống này với một tàu sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi, sử dụng cả khí đốt của Israel và Síp.
Tóm lại, Síp sẽ cần vài năm nữa trước khi bắt đầu sản xuất khí đốt từ tất cả những phát hiện quan trọng trên. Ví dụ, lượng khí đốt đầu tiên từ mỏ Aphrodite dự kiến sẽ tham gia thị trường vào năm 2027 trong khi đường ống Energean có thể được hoàn thành vào năm 2026. Cho đến lúc đó, châu Âu sẽ phải tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác.
Tương lai bất định và mối lo của châu Âu Chính trường Italy lại rơi vào khủng hoảng khi Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn từ chức, quyết định được cho là khởi nguồn từ việc Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại thượng viện về Dự luật cứu trợ (Aiuti). Hành động của M5S được xem như "giọt nước...