Sau kết luận Thanh tra Sóc Sơn: Dân bức xúc, chính quyền nói gì?
UBND xã Minh Trí đã đề nghị Thanh tra TP.Hà Nội tách thôn Minh Tân ra khỏi quy hoạch rừng vì nhân dân thôn Minh Tân đến ở khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985… nhưng không được xem xét.
Trước những phản ánh của người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí ( Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội mang “kiểu chung chung”, “đánh bùn sang ao”, “gây khổ sở kéo dài cho người dân”, trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Văn Nhuận – Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, thời điểm hiện tại, xã chưa nhận được thông báo kết luận thanh tra và chỉ đạo của cấp trên.
Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến kiến nghị của người dân, trong cuộc họp giao ban (ngày 27.3 – PV), UBND xã Minh Trí đã báo cáo sự việc với lãnh đạo huyện Sóc Sơn.
Theo lãnh đạo xã Minh Trí, vào cuối tháng 1.2019, UBND xã cũng đã đề nghị Thanh tra TP.Hà Nội bổ sung một số nội dung vào kết luận thanh tra để đúng với lịch sử và thực tế đất đai của địa phương.
Thôn Minh Tân, xã Minh Trí ngày nay đã thành vùng đất trù phú với nhữn cánh rừng xanh ngút ngàn.
Cụ thể, UBND xã Minh Trí đề nghị TP.Hà Nội cho điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 theo Quyết định 2100/QĐ-UBND ngày 29.5.2008 của UBND TP.Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn. Tách diện tích 52,4ha chồng lấn Bản đồ địa chính đo đạc năm 1993 và 611 hộ trên địa bàn xã ra khỏi quy hoạch rừng.
Đặc biệt, tách thôn Minh Tân ra khỏi từ quy hoạch rừng vì nhân dân thôn Minh Tân đến ở khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985.
Trong kiến nghị của mình lên Thanh tra TP.Hà Nội, chính quyền xã Minh Trí cũng nêu rõ: Năm 2000, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về thăm nhân dân thôn Minh Tân có chỉ đạo các sở, ban, ngành đầu tư xây dựng đường điện phục vụ nhân dân thôn Minh Tân. Từ đó, các công trình điện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng.
“Thực tế, người dân đi làm kinh tế mới tại khu vực Đồng Đò (nay là thôn MinhTân) theo chủ trương của Nhà nước từ những năm 1985-1988. Người dân vào khu vực này trước, sau đó mới trồng rừng”, ông Nhuận cho hay.
Video đang HOT
Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội “bỗng nhiên” xuất hiện, trùm lên cả khu dân cư đã tồn tại từ nhiều năm.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, đến thời điểm hiện tại huyện Sóc Sơn chưa nhận được văn bản đóng dấu đỏ về thông báo kết luận của thanh tra. “Huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố. Vì theo quy trình, sau khi có kết luận thanh tra, thành phố sẽ ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn làm cụ thể, trong thời gian bao lâu. Khi có văn bản cụ thể, huyện sẽ xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các sai phạm, tồn tại”, ông Phương thông tin.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngay sau khi Thanh tra TP.Hà Nội công khai cùng lúc 2 kết luận thanh tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng, trật tự xây dựng, sử dụng đất rừng ở huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Bí thư chi bộ, đại diện cho cấp ủy, nhân dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí đã có đơn gửi đến Đảng ủy – UBND xã Minh Trí – Đơn đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến Kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú, Minh Trí (huyện Sóc Sơn) từ năm 2008 tới nay, và việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo liên quan.
Theo đơn, sau khi nhận được thông báo kết luận, nhân dân và cán bộ thôn Minh Tân rất bất bình với Kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội đã “phủ nhận mồ hôi công sức 34 năm của nhân dân thôn Minh Tân, muốn xóa sổ và đuổi toàn bộ thôn Minh Tân”.
Nói về nguồn gốc đất, ông Nguyễn Đình Cường – Trưởng thôn Minh Tân cho biết, nguồn gốc đất đai bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985 theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội sau đó mới trồng rừng, xây dựng nhà cửa, đường sá, trạm điện, trường học như hôm nay.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra không đề cập tới nguồn gốc lịch sử trước đây về việc bà con khai hoang đất đai, trồng rừng, làm nhà làm cửa từ năm 1985 và trường học, đường điện được làm vào năm 2000 (xã cuối cùng của Hà Nội – khi chưa mở rộng, có điện).
“Ở Đồng Đò, Minh Tân có nguồn gốc lịch sử riêng, đặc thù riêng so với những xã khác. Ở đây, người có trước rừng có sau mà kết luận thanh tra lại kết luận chung chung là 9 xã có rừng và 7 hồ ở Sóc Sơn có vi phạm đất rừng là không hợp lý, chưa đi sâu đi sát thực tế địa phương…”, ông Cường nói.
Trong Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội nêu rõ, theo số liệu đo đạc do Công ty Cổ phần Đo đạc và Khoáng sản cung cấp tại xã Minh Trí hiện xác nhận có 2.944 thửa đất nằm trong quy hoạch rừng năm 2008, diện tích khoảng 472 ha. Tính riêng khu vực Đồng Đò, thôn Minh Tân có 2.249 thửa đất nhưng mới có 378 thửa đất có ranh giới, chủ sử dụng đất.
Thanh tra TP.Hà Nội đề nghị UBND TP tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ được UBND Huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lí vi phạm, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
Đối với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không được đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018 tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.
Theo Danviet
Sóc Sơn: Bất bình với kết luận Thanh tra, người dân kiến nghị "khẩn"
Người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội là sai, khi đánh đồng thôn Minh Tân với các đơn vị khác. Nhiều người dân rất bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Bí thư chi bộ, đại diện cho cấp ủy, nhân dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa có đơn gửi đến Đảng ủy - UBND xã Minh Trí đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến Kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng tại hai xã Minh Phú, Minh Trí (huyện Sóc Sơn) từ năm 2008 tới nay và việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo liên quan.
Theo đơn đề nghị, sau khi nhận được thông báo kết luận, nhân dân và cán bộ thôn Minh Tân rất bất bình với Kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội đã "phủ nhận mồ hôi công sức 34 năm của nhân dân thôn Minh Tân, muốn xóa sổ và đuổi toàn bộ thôn Minh Tân".
Năm 1985, khi người dân mới lên lập khu kinh tế mới Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, Sóc Sơn, HN) còn là vùng đấy hoang sơ (ảnh người dân cung cấp)
Bằng chứng trong kết luận của Thanh tra Hà Nội nói lên: "Toàn bộ công trình xây dựng tại thôn Minh Tân là vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ theo bản đồ quy hoạch 2008. Đề nghị UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự, xây dựng năm 2017-2018 và củng cố thiết lập hồ sơ những công tỉnh xây dựng từ năm 2006-2018 để xử lý tiếp".
Bên cạnh đó, đơn đề nghị còn nêu rõ việc không chỉ ra quy hoạch rừng 2008 tại thôn Minh Tân là bất hợp lý, quy hoạch rừng chồng lấn lên khu dân cư.
Không công nhận nhân dân thôn Minh Tân được thành lập vào những năm 1985-1986 là do chủ trương của Đảng và Nhà nước đã vận động tuyên truyền nhân dân các xã trong huyện Sóc Sơn đi xây dựng kinh tế mới tại Đồng Đò nay là thôn Minh Tân xã Minh Trí mà cho là nhân dân thôn Minh Tân tự ý vào rừng xây dựng và sinh sống trái phép.
"Với những gì Thanh tra huyện Sóc Sơn và Thanh tra TP.Hà Nội nói và kết luận tại thôn Minh Tân là không đúng thực tế, chỉ lấy bản đồ quy hoạch sai năm 2008 tại thôn Minh Tân để xử lý nhân dân, làm cho nhân dân và cán bộ thôn hoang mang, lo lắng không an tâm về cuộc sống sau này của mình" - đơn đề nghị nêu rõ.
Liên quan về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân cho biết, ngay sau khi nhận được kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, người dân thôn Minh Tân đã mở một cuộc họp và cho rằng, Thanh tra Hà Nội đã làm việc không công bằng, đánh đồng thôn Minh Tân với các đơn vị khác dẫn đến từ cái đúng trở thành cái sai.
"Kết luận của Thanh tra Hà Nội cho rằng thôn Minh Tân nằm trong rừng phòng hộ là sai. Người dân ở đây được Đảng và Nhà nước công nhận chứ không phải nhảy dù. Người có trước, rừng có sau. Đất ở, nộp thuế đầy đủ hàng năm", ông Cường nhấn mạnh.
Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội bỗng nhiên xuất hiện, trùm lên cả khu dân cư đã tồn tại từ nhiều năm.
"Bản chất thôn Minh Tân là di cư theo diện phát triển kinh tế mới, không phải ngẫu nhiên mà có một lúc mấy trăm ngôi nhà, lúc khai hoang khổ sở thì không được khen ngợi. Thanh tra TP đánh đồng từ cái đúng trở thành sai. Làm không công bằng, người dân và cán bộ thôn cứ nghĩ rằng Thanh tra TP sẽ làm đúng. Xã nào sai, thôn nào sai thanh tra chỉ rõ từng khu vực nhưng lại đánh đồng đất ở mấy chục năm thành đất rừng thì người dân không thể chấp nhận. Khi cắm đất rừng người dân không biết, không thông báo cho người dân", ông Cường nói thêm.
Theo người đứng đầu thôn, kết luận liên quan đến 9 xã có rừng, riêng xã Minh Trí có 8 thôn, trong đó Minh Tân là thôn đặc thù nhất - thuộc khu kinh tế mới Đồng Đò, không liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ.
Đặc biệt, ông Cường cho biết, trong cuộc họp dân ngay sau khi nhận được kết luận của Thanh tra Hà Nội, tại đây người dân thôn Minh Tân cho rằng ở đây có lợi ích nhóm muốn lấy đất của người dân, biến đất ở thành đất rừng. "Chúng tôi rất tôn trọng pháp luật, có những gia đình ở đây 5-6 đời do vậy đề nghị cơ quan nhà nước phải làm đúng", ông Cường nhấn mạnh.
Với những bất cập trên, ông Cường cho biết, nhân dân thôn Minh Tân rất mong các cấp có thẩm quyền công nhận thôn Minh Tân sinh sống hợp pháp trên mảnh đất "mồ hôi công sức 34 năm của bà con làm nên chứ không phải như nội dung thanh tra TP kết luận". Để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tránh khiếu kiện vượt cấp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và làm mất an ninh trật tự, mất lòng tin vào chính quyền.
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 16.10.2018, liên quan đến việc giải quyết như thế nào về việc 300 hộ dân ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí "bỗng dưng" nằm trong đất rừng phòng hộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đối với thôn Minh Tân, xã Minh Trí, trước đây, năm 1985, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc di dân xây dựng vùng kinh tế mới, huyện Sóc Sơn vận động 130 hộ dân với 474 nhân khẩu từ 5 xã tới khai hoang, trồng rừng, phát triển kinh tế tại khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí).
Lúc này, rừng ở đây chưa có, "đất trống, đồi trọc, dân có trước rừng có sau". Trong quá trình phát triển, từ 130 hộ dân thôn Minh Tân, đã phát triển lên 300 hộ, có trường học, trạm xá.
Từ những năm 1993-1995, việc đo đạc liên quan đến đất ở thì chưa được đo đạc còn quy hoạch rừng chưa chưa đưa được các hộ dân ra khỏi đất rừng.
"Do giai đoạn trước chưa đo đạc được bản đồ đất ở, nhưng nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã đo đạc xong tổng thể đất thổ cư, đất ở. UBND huyện đang thực hiện các quy trình thông qua cộng đồng dân cư thẩm định, báo cáo UBND TP để xin điều chỉnh quy hoạch rừng bóc tách thực trạng đất người dân đang ở ra khỏi đất rừng", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, liên quan đến phân cấp quản lý toàn bộ phần đất rừng đã được bàn giao theo quyết định phân cấp của TP cho Sở NN-PTNT. UBND huyện Sóc Sơn đề xuất TP xin chủ trương trên cơ sở đất đang chồng lấn phải điều chỉnh để đảm bảo lợi ích cho người dân trách nhiệm thuộc về Sở NN-PTNT.
"Trách nhiệm thuộc về Sở NN-PTNT nhưng chúng tôi đề nghị TP cho phép huyện điều chỉnh quy hoạch rừng và tiếp tục giao huyện Sóc Sơn" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Danviet
GS Đặng Hùng Võ: "Kết luận thanh tra đất Sóc Sơn chưa thỏa đáng" Cho rằng việc kiến nghị xử lý còn mang "tính cải lương", GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) nhận định kết luận thanh tra toàn diện đất rừng Sóc Sơn của Thanh tra Hà Nội chưa thỏa đáng. Thanh tra TP.Hà Nội vừa công bố một lúc 2 kết luận thanh tra: Kết luận...