Sau Hàn Quốc, tới người trẻ Trung Quốc nghiện nhìn người khác ăn uống
Những video ăn uống, đánh giá thức ăn trên mạng xã hội giúp nhiều người trẻ tại Trung Quốc cảm thấy thoải mái, giảm áp lực trong cuộc sống hàng ngày.
Giới trẻ Trung Quốc “nghiện” xem video về ăn uống. Những video đánh giá, giới thiệu món hay ghi lại quá trình ăn uống thu hút giới trẻ tại Trung Quốc, đặc biệt là những người độc thân.
Zhang Juan (22 tuổi, sinh viên đại học) tự nhận là người sống khép kín, không giỏi giao tiếp. Phần lớn thời gian nữ sinh đều ở lớp học và thư viện trường.
Zhang không đi chơi với bạn cùng lớp vì không muốn phải chi quá nhiều tiền cho những bữa ăn thịnh soạn hay mua sắm tại các trung tâm thương mại.
“Tôi cũng không thích xem phim truyền hình vì nó tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, tôi cảm thấy những vấn đề trong phim đó đã được xử lý theo cách phức tạp và gây cấn để thu hút người xem”, Zhang chia sẻ với China Daily.
Cuộc sống của cô sinh viên 22 tuổi “có thêm màu sắc” khi tình cờ xem một video ăn uống trên mạng xã hội.
“Những video đánh giá thức ăn hay chỉ đơn giản là quay lại cảnh họ ăn khiến tôi cảm thấy thoải mái”, cô nói.
Không riêng đối với Zhang, những video về chủ đề ẩm thực ngày càng được yêu thích tại Trung Quốc vì sự hấp dẫn của các món ăn.
Bên cạnh đó, chúng được xem là một trong những cách giúp giải quyết vấn đề ăn uống, tâm lý của người trẻ tại quốc gia này.
Người trẻ tại Trung Quốc xem các video giới thiệu, đánh giá thức ăn ngày càng nhiều. Ảnh: China Daily.
Xem người khác ăn uống để tự điều trị
Cao Ting (sống tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã đặt một phần mì cay lớn và cánh gà sốt cay. Sau đó, cô gái 23 tuổi ngồi trước máy quay, ghi lại quá trình ăn uống của mình.
Cô dùng đũa gấp mì cho vào miệng, cắn từng miếng gà và diễn tả hương vị món ăn, làm một vài biểu cảm đáng yêu.
Đoạn video của 9X nhận được sự quan tâm của dân mạng. Không kể thời gian phát trực tiếp, chỉ trong vòng 20 giờ sau đó, đoạn video đã nhận được hơn 150.000 lượt xem.
Rất nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh video. Trong đó, nhiều người “cầu cứu”: “Chết mất! Tôi cảm thấy rất đói bây giờ”, “tại sao cô vẫn có thể thon thả khi ăn bao nhiêu thức ăn”, “hãy đợi đấy mọi người, chúng ta có thể ăn sáng trong vài giờ nữa thôi”…
Theo Cosmopolitan, những video tương tự của Cao Ting được gọi là mukbang – một trào lưu xuất hiện tại Hàn Quốc từ năm 2010. Nó được hiểu là “ăn và phát sóng”.
Theo China Daily, đến thời gian gần đây, trào lưu này mới nhận được sự quan tâm của giới trẻ Trung Quốc.
Gao Yuanyuan (31 tuổi, sống tại Bắc Kinh) cho biết cô bị rối loạn ăn uống nhiều năm nay do tính chất công việc. Việc ăn trễ, bỏ bữa thường xuyên xảy ra khiến cô không cảm thấy hứng thú trong việc ăn uống. Kể từ khi xem mukbang, Gao thừa nhận rằng những video này đã giúp cô rất nhiều trong việc tự điều trị bệnh.
“Tôi từng dành 5 đến 6 tiếng mỗi ngày chỉ để xem “Dạ dày lớn” (tên của một nhóm người ăn trực tuyến nổi tiếng) ăn món mực chiên hoặc thưởng thức lẩu cay khổng lồ. Chúng khiến bụng tôi cồn cào và tôi phải gọi ngay món ăn tương tự để cùng ăn với họ”, cô nói.
Đến hiện tại, Gao đã không còn gặp vấn đề trong việc ăn uống. Tuy nhiên, cô thừa nhận bản thân “nghiện” và phải dừng việc xem các video này vì chúng khiến cô ăn ngày một nhiều hơn.
Sun Ying (32 tuổi, sống tại Hắc Long Giang) cũng cho biết những video mukbang hấp dẫn cô bởi hình ảnh món ăn được sắp xếp đẹp mắt và hơn hết là âm thanh. Đó là tiếng bẻ càng cua, cắn cánh gà hay nhai một món ăn bất kì.
Video đang HOT
“Tôi thường xem những đoạn video ngắn vào buổi tối. Âm thanh phát ra khi họ ăn khiến tôi cảm thấy thoải mái và ngủ ngon”, Sun cho biết.
Nơi làm việc của Sun không có căng tin khiến cô thường gặp rắc rối trong việc lựa chọn nơi ăn mỗi bữa trưa. Từ khi xem mukbang, Sun chọn những nơi ăn uống giống với những người cô thích và không cần phải “đau đầu” chọn lựa.
“Tôi mệt mỏi trong việc suy nghĩ nên ăn gì mỗi ngày, đặc biệt là trong những ngày nhiều việc. Vì thế, tôi tìm cảm hứng từ những video này. Tôi thấy mình ăn ngon miệng hơn hẳn. Hiện tại, tôi có hứng thú trong việc ăn uống hơn so với trước đây”, cô nói.
Việc xem những video này khiến người trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Ảnh: China Daily.
Ở chiều ngược lại, những người ăn kiêng lại dùng video này để giảm cân.
Yan Yuying (sống tại tỉnh Cát Lâm) bày tỏ sự ngạc nhiên khi những người thực hiện các video này có thể giữ dáng mặc dù họ “tiêu thụ” lượng đồ ăn khủng khiếp. Trong khi đó, để giữ dáng, Yan chỉ có thể ăn 3 miếng thịt lợn và sữa đậu nành trong ngày.
Công việc là nhân viên văn phòng khiến cô gái phải tìm niềm vui và mục đích sống của mình sau giờ làm việc. Một trong số đó là trở nên xinh đẹp hơn bằng cách giảm cân.
“Tôi thích xem những video mà các vlogger ăn nhiều món ăn với số lượng lớn, đặc biệt trong khoảng thời gian giảm cân. Chúng khiến tôi cảm thấy no và không cần ăn thêm bất cứ thứ gì cho bữa ăn đó nữa. Nghe có vẻ là sự tra tấn bản thân nhưng nó thực sự hiệu quả”, Yan kể.
Sun Ying cũng là trường hợp tương tự. Cô cho phép bản thân ăn bữa trưa nhưng thường xuyên bỏ buổi tối để có thể duy trì vóc dáng. Thay vào đó, cô xem những video này.
“Nhiều người còn mô tả hương vị thức ăn trong khi thưởng thức và còn tiết lộ cả công thức, thành phần. Điều này làm hài lòng người xem và khiến tôi cảm thấy như chính tôi đang thưởng thức món ăn ấy vậy”, cô nói.
Tìm bạn đồng hành ảo
Theo một khảo sát từ Alibaba, đối tượng chủ yếu của những video ẩm thực là người độc thân có độ tuổi từ 25 đến 33. 65% trong số đó là phụ nữ.
Ngoại trừ một vài “người dẫn chương trình” cố gắng thu hút khán giả thông qua âm thanh khi ăn hoặc cách cư xử kỳ quặc, đa số người thực hiện mukbang đều trò chuyện với người xem.
Đối tượng xem mukbang tại Trung Quốc phần lớn là người độc thân, độ tuổi dao động từ 25 đến 33. Ảnh: China Daily.
China Daily cũng cho biết những người thích thú loại hình này đa số là người hướng nội. Vì thế, người xuất hiện trong video không chỉ là thần tượng, người dẫn chương trình mà còn là bạn đồng hành ảo.
Ngoài giờ làm việc, Wang Xiaoshan (30 tuổi, sống tại Bắc Kinh) dành thời gian rảnh để xem mukbang. Cô cho biết bản thân không cảm thấy buồn chán vì thông qua tính năng livestream, cô có thể tương tác, nói chuyện với người khác, thậm chí là trao đổi với thần tượng về món ăn.
Trong một bài viết được đăng tải trên The Guardian, Alice Stride, người phát ngôn của chiến dịch hướng đến “Chấm dứt sự cô đơn”, cho biết sự cô đơn là một cảm nhận cá nhân và xem mukbang là cách để họ “san lắp” nỗi cô đơn trong lòng.
Alice nói: “Một số người cảm thấy thoải mái khi xem người khác chuẩn bị bữa ăn và thưởng thức chúng, đặc biệt là khi họ đã sống một mình quá lâu”.
Đồng tình với ý kiến này, Ben Edwards, chuyên gia trong lĩnh vực rèn luyện sự tự tin và duy trì các mối quan hệ, cho The Guardian biết mặc dù ông luôn khuyến khích mọi người hòa đồng nhưng thực chất, họ nên làm bất cứ điều gì khiến họ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng.
Theo Zing
Văn hóa làm việc '996' vắt kiệt sức lực người trẻ Trung Quốc
Trong khi các tỷ phú, doanh nhân như Jack Ma ca ngợi văn hóa "996" là giá trị cần phát huy, nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều.
Wang Shichang làm việc 12 giờ/ ngày và 6 ngày/ tuần. Anh hầu như không có thời gian cho vợ mới cưới.
Ở tuổi 28, Wang luôn trong tình trạng mệt mỏi. Đôi mắt khô khốc suốt ngày phải căng ra. Giấc ngủ luôn chập chờn. Wang đã tăng hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc phát triển phần mềm vào 4 năm trước.
"Bây giờ, leo lên 4 tầng nhà cũng khiến tôi mệt đứt hơi", anh nói.
Wang khẳng định văn hóa làm việc "996" chính là nguồn cơn của tất cả.
Theo CNN, "996" là lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/ tuần. Văn hóa này dù trở thành tiêu chuẩn tại nhiều công ty công nghệ và khởi nghiệp ở Trung Quốc cũng đã gây không ít tranh cãi trong những năm gần đây.
Nhiều tỷ phú, doanh nhân công nghệ luôn đề cao "996" như một giá trị tuyệt vời. Jack Ma, một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, ca ngợi văn hóa làm việc 12 tiếng/ ngày là "một phước lành".
Trong khi đó, Wang và nhiều người trẻ Trung Quốc khác không ngừng chỉ trích "996" là cái máy vắt kiệt sức lực, tinh thần của họ.
Zing.vn trích dịch bài viết trên CNN về văn hóa làm việc "996" nổi tiếng tại các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị chỉ trích vì gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần trong đội ngũ nhân lực trẻ.
Văn hóa làm việc "996" bị nhiều người chỉ trích là cỗ máy vắt kiệt sức lực của người trẻ Trung Quốc. Ảnh: Global Times.
Không thời gian, không sức lực
Ở Trung Quốc, nhiều thập niên qua, thời gian làm việc kéo dài, tăng ca, làm thêm giờ không quá xa lạ với những người lao động trong ngành sản xuất. Nhưng giờ đây, một văn hóa tương tự, được đặt tên là "996", cũng phát triển trong giới văn phòng.
Cuộc khảo sát năm 2018 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia cho thấy một người Trung Quốc có trung bình 2,27 giờ giải trí/ ngày. Con số này chưa bằng một nửa so với các quốc gia như Mỹ, Đức, Anh.
Theo cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Những người khác nói rằng họ có các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống...
Zhu, một lập trình viên 25 tuổi ở Thượng Hải, cho biết hầu hết mọi người trong công ty của anh đều bị "hội chứng lưng phẳng" - một chứng rối loạn khiến cột sống mất đi đường cong thấp tự nhiên, chủ yếu do ngồi sai tư thế trong một thời gian dài.
"Trong các kiểm tra hàng năm, một số bác sĩ mặc nhiên bỏ luôn phần kiểm tra cột sống và lưng phẳng", anh nói.
Giới trẻ Trung Quốc mệt mỏi vì làm việc 12 giờ/ ngày, 6 ngày/ tuần. Ảnh: Getty, AFP.
Chưa nói đến các vấn đề thể chất, Wang nói chứng trầm cảm của anh đang ngày càng tệ hại vì áp lực công việc.
Bác sĩ của Wang khuyên anh giải tỏa căng thẳng và ngủ nhiều hơn nhưng Wang nghĩ những điều này quá khó để thực hiện.
9X cho biết: "Vợ chồng chúng tôi đôi khi phải cắt ngắn giấc ngủ để làm những việc khác. Có thể ngủ nướng vào cuối tuần nhưng tôi muốn đặt báo thức, dậy sớm để có thể đi xem phim hay đến một buổi hòa nhạc".
Twenty Wu, một nhà phát triển phần mềm 23 tuổi cho một trang web thương mại điện tử Trung Quốc, cũng gặp vấn đề tương tự. Anh vừa muốn dành thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc vừa muốn ngủ đủ giấc.
"Tôi thường về nhà vào khoảng 11 giờ tối và chỉ muốn leo ngay lên giường. Không có thời gian, năng lượng để giải trí hay học tập", Wu nói.
Theo CNN, Trung Quốc không phải nơi duy nhất tồn tại văn hóa làm việc quá giờ, quá sức.
Hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những khái niệm tương tự "996". Các thuật ngữ "Karoshi" trong tiếng Nhật và "Gwarosa" trong tiếng Hàn đều dùng để chỉ những cái chết vì làm việc quá sức.
Ở Thung lũng Silicon của Mỹ, văn hóa "hustling" được sử dụng để mô tả guồng quay công việc áp lực, mệt mỏi. Tỷ phú công nghệ Elon Musk từng chia sẻ ông làm việc 80-90 giờ/ tuần và tuyên bố: "Không ai có thể thay đổi thế giới nếu làm việc 40 giờ/ tuần".
'Nhàm chán và lặp đi lặp lại'
Theo Xiang Yuanzhi, tổng biên tập của tạp chí Internet Economy, một trong những lý do khiến nhiều nhân viên công nghệ trẻ ngày nay cảm thấy bị đối xử bất công, bất mãn với công việc là vì sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng và thực tế.
"Công việc của họ nhàm chán và chủ yếu lặp đi lặp lại, chỉ tập trung vào các phần rất nhỏ trong dự án khổng lồ. Thật khó để có được cảm giác thỏa mãn", ông Xiang giải thích.
Với Wang, công việc của các lập trình viên về cơ bản không khác gì công nhân dây chuyền lắp ráp. "Các lập trình viên trẻ đã lớn lên với một cuộc sống sung túc hơn trước. Vì vậy họ đòi hỏi nhiều tự do cá nhân hơn", Wang nói thêm.
Trong số 40 nhân viên công nghệ Trung Quốc mà CNN phỏng vấn, rất ít người nói rằng họ nhận được sự tư vấn hoặc giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ nhân viên - thứ mà không nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có.
Enoch Li, người điều hành dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho nhiều công ty ở Trung Quốc, nói rằng theo kinh nghiệm của cô, các doanh nghiệp công nghệ rất ít quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên.
"Đôi khi họ không có ngân sách cho nó", cô nói.
Nơi nghỉ trưa của nhân viên IT tại trung tâm công nghệ Zhongguancun, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ngay cả đối với các công ty Trung Quốc có các chương trình hỗ trợ nhân viên, nhiều khả năng đây là một đường dây nóng, chỉ với mục đích đơn giản là lắng nghe.
Li nói rằng các công ty Trung Quốc quá coi trọng việc "cân bằng cảm xúc", "sự kiên trì". Họ thất bại trong việc giúp nhân viên bộc lộ cảm xúc thật. Một người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thậm chí bị kỳ thị vì vậy không ai dám bày tỏ và chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.
Zhu đồng ý rằng việc tiếp nhận chăm sóc sức khỏe tinh thần có thể không được khuyến khích trong lĩnh vực của anh.
"Tôi cảm thấy lo lắng nhưng chưa bao giờ cần sự giúp đỡ từ bác sĩ", Zhu, người đang làm cho một công ty có các dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần cho nhân viên, nói.
Không được may mắn như Zhu, Wang kể cả 5 công ty công nghệ Trung Quốc anh từng làm việc không có bất kỳ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nào.
Anh tự chẩn đoán bệnh của mình thông qua các video, bài kiểm tra trực tuyến về trầm cảm. Sau khi gặp bác sĩ, Wang bắt đầu uống thuốc, dành nhiều thời gian để nghe nhạc.
Nhưng công việc thì vẫn thế, vẫn ngột ngạt trong vòng quay "996".
Theo Zing
Phát hiện bạn trai hot boy lương chỉ... 5 triệu/tháng, cô gái đòi chia tay thì dân mạng xúm vào tranh cãi: Sống vậy là thực dụng hay thực tế? Nếu hẹn hò với anh chàng 25 tuổi nhưng lương chỉ 5 triệu/ tháng thì bạn có lăn tăn nghĩ suy như cô gái này không? Càng lớn, tình yêu của chúng ta càng ít mộng mơ, càng ít màu hồng. Bởi vì, ngoài cảm xúc thì người ta bắt đầu phải tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố xem người này có...