Sau Eximbank, LienVietPostBank liệu có bán vốn tại Sacombank?
Gần đây việc các ngân hàng thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng khác thu hút được sự chú ý của thị trường…
Chẳng hạn Vietcombank thoái thành công tại Saigonbank và Tài chính Xi Măng, dự kiến sẽ thoái tiếp khỏi OCB trong tháng 1 này và định chấm dứt quan hệ cổ đông lớn với Eximbank và MB vào tháng 1 năm 2018. Theo lãnh đạo Vietcombank thì cả 5 khoản đầu tư trên đều có lợi nhuận lớn, và theo ước tính của công ty chứng khoán thì các khoản này sẽ đem về cho Vietcombank không dưới 2.000 tỷ.
Tiếp sau Vietcombank, Eximbank cũng đã rục rịch thoái vốn khỏi Sacombank, với khởi điểm là bán gần 5 triệu cổ phiếu hôm 29/11, đưa tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank từ hơn 9% xuống còn chưa đến 8,8% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Sau động thái từ Eximbank, một số thông tin bên lề cho rằng LienVietPostBank cũng sẽ bán vốn đang sở hữu tại Sacombank. “Tin đồn” này cũng có cơ sở khi mà tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư hồi tháng 10 vừa qua, một lãnh đạo của ngân hàng Liên Việt đã nói với cổ đông rằng sẽ bán cổ phần tại Sacombank.
Nếu chuyện này là có thật thì Sacombank và LienVietPostBank thời gian tới sẽ là một điểm thu hút của thị trường. Hơn nữa với riêng LienVietPostBank, thị trường còn có thêm sự quan tâm là thời gian gần đây tất cả các lãnh đạo của nhà băng này, từ Ban kiểm soát, Ban điều hành cho tới Hội đồng quản trị, đều đồng loạt thông báo bán quyền mua cổ phiếu tới hàng chục triệu quyền mua trong đợt ngân hàng phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank.
Nhà báo: Thưa ông, gần đây có nhiều ngân hàng tiến hành thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác, kể cả khi họ đã hoàn thành tuân thủ theo thông tư 36, phải chăng sự hấp dẫn của các khoản đầu tư ngân hàng đang giảm đi?
Ông Phạm Doãn Sơn: Các ngân hàng bán vốn để tuân theo quy định tại Thông tư 36 là tất yếu nhằm xóa bỏ sở hữu chéo. Một số đơn vị vẫn bán vốn ngay cả khi đã tuân thủ quy định, có thể là do họ thấy mức lợi nhuận đã đủ hấp dẫn để bán ra. Song tất cả việc thoái vốn thế nào đều phụ thuộc vào chiến lược của mỗi ngân hàng chứ không phải sức hấp dẫn còn hay mất.
Được biết LienVietPostBank cũng đang sở hữu cổ phiếu Sacombank, vậy các ông có tính bán hết số cổ phiếu đó không?
Chúng tôi đúng là đang nắm giữ một số lượng cổ phiếu của Sacombank và từng có kế hoạch bán nhưng hiện nay đã thay đổi.
Lý do là Sacombank đang tái cơ cấu với các đường lối rõ ràng, ban lãnh đạo Sacombank đang thể hiện rằng họ rất quyết tâm.
Bản chất Sacombank rất tốt, chỉ xuất hiện vấn đề sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam. Chúng tôi nhận thấy hoạt động tái cơ cấu đang đúng lộ trình với chiều hướng tích cực. Số lượng nợ xấu đã xử lý được rất lớn nhờ thị trường bất động sản thuận lợi. Nhìn hoạt động kinh doanh của Sacombank thời gian qua tôi tin rằng lợi nhuận của họ năm nay sẽ cao hơn không dưới 200% so với kế hoạch mà cổ đông đã thông qua.
Khoản đầu tư của Liên Việt ở Sacombank cũng đang có lãi. Thời điểm tháng 10 chúng tôi dự định bán là khi cổ phiếu giá còn thấp, nhưng đến nay giá đã lên trên 13.000 đồng.
Video đang HOT
Đầu tư cũng phải tính đến việc rút vốn về và chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Song với tương lai của Sacombank đang nhiều hứa hẹn, chúng tôi quyết định giữ lại khoản đầu tư này và sẽ lựa chọn một thời điểm khác phù hợp hơn để bán vốn.
Thời gian gần đây các lãnh đạo của LienVietPostBank đồng loạt công bố chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Có ý kiến hoài nghi rằng phải chăng các ông đang thiếu niềm tin vào chính mình nên phải bán quyền mua cổ phiếu cho người khác?
Chúng tôi là lãnh đạo ngân hàng đại chúng nên bất kỳ động thái nào liên quan đến cổ phiếu cũng phải báo cáo để đảm bảo tính minh bạch.
Việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, bản chất là chúng tôi phát hành nội bộ, tức là không được bán cho bên ngoài. Hiện nay lãnh đạo Liên Việt ít nhiều đều đã nắm cổ phiếu nên chúng tôi quyết định nhường lại quyền mua, để cho cán bộ công nhân viên ngân hàng có thêm cơ hội sở hữu cổ phiếu LPB, qua đó tăng tính gắn bó với ngân hàng.
Trong năm nay cổ phiếu ngân hàng tăng giá liên tục, nhiều cổ phiếu tăng giá 100% thậm chí là gấp 3, gấp 4 lần so với đầu năm, và phổ biến là từ 35-70%. Nhưng kể từ khi lên UpCOM, cổ phiếu của LienVietPostBank lại không được may mắn như vậy. Là người đang điều hành ngân hàng, đồng thời là phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông suy nghĩ thế nào? Liệu các ông có tính đến việc mua vào cổ phiếu hoặc một hành động nào đó để đẩy giá cổ phiếu lên không?
Tôi xin khẳng định luôn rằng chúng tôi làm ngân hàng chứ không kinh doanh cổ phiếu. Từ khi lên sàn đến nay, chúng tôi không tác động đến giá cổ phiếu mà để cho nó tự thân vận động, tự cho thị trường đánh giá và điều chỉnh.
Còn nếu so với các cổ phiếu khác trên sàn tăng giá mạnh, tôi khẳng định LienVietPostBank tốt hơn nhiều so với một vài trong số đó. Bởi chúng tôi không kinh doanh cổ phiếu mà xác định gắn bó với ngân hàng nên chúng tôi không muốn đẩy giá.
Hơn nữa, với giá cổ phiếu của LienVietPostBank như hiện nay, tôi cho rằng sẽ thuận lợi hơn cho chúng tôi trong việc phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc phát hành thêm. Bởi với mức giá này, cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên sẽ có thêm cơ hội nắm giữ cổ phiếu nhiều hơn khi chúng tôi tăng vốn vào năm tới.
Nhưng khi cổ phiếu lên giá thì sẽ giúp nhà đầu tư hưng phấn hơn và có cơ hội tốt hơn để thu hút nhà đầu tư mới?
Chúng tôi tự tin rằng mình đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhiều cổ đông nước ngoài cũng đặt lịch làm việc, muốn hợp tác với chúng tôi.
Kế hoạch của chúng tôi là năm tới sẽ tăng mạnh nguồn vốn điều lệ bằng việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên và cổ đông chiến lược. Trong đó nếu là cổ đông chiến lược thì chúng tôi muốn ưu tiên hơn với cổ đông trong nước.
LienVietPostBank đã đưa cổ phiếu lên UpCOM, vậy khi nào ngân hàng đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chính thức để tăng thêm thanh khoản?
Chắc chắn chúng tôi sẽ chuyển lên sàn chính thức, có thể là năm sau, nhưng sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để tốt cho cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank
Liên quan tới hoạt động kinh doanh, gần đây LienVietPostBank bắt đầu chuyển đổi các phòng giao dịch bưu điện thành Phòng giao dịch ngân hàng. Xin hỏi ông các phòng giao dịch này có giống với phòng giao dịch ngân hàng không?
Các điểm bưu điện đều là ở trung tâm huyện. Từ khi sáp nhập vào LienVietPostBank, các điểm này đã thực hiện huy động vốn và một số dịch vụ như thu chi tiền hộ với chức năng gần giống với ngân hàng.
Việc chuyển đổi đang thực hiện sẽ biến điểm bưu điện thành một phòng giao dịch như ngân hàng bình thường với đầy đủ chức năng. Trong năm nay chúng tôi đã được NHNN chấp thuận cho chuyển đổi 185 điểm, dự kiến năm sau sẽ xin thêm khoảng 200 điểm nữa và kế hoạch tới 2019 là tổng cộng 700 điểm bưu điện chuyển đổi sang ngân hàng.
Việc chuyển đổi phòng giao dịch này liệu có tốn chi phí nhiều cho đào tạo và cơ sở vật chất không? Các ông tín toán thế nào về hiệu quả của các phòng giao dịch này và khả năng đóng góp vào lợi nhuận cho ngân hàng?
Về chi phí tôi khẳng định không nhiều, chỉ khoảng vài trăm triệu cho hệ thống công nghệ thông tin và kho tiền. Bởi công tác chuẩn bị không phải bây giờ mới thực hiện mà từ khi sáp nhập bưu điện vào ngân hàng, chúng tôi đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin rất hiện đại, hơn nữa nhân sự ngân hàng cũng đã đưa về 8 – 10 người ở mỗi điểm để thực hiện.
Về hiệu quả của các phòng giao dịch chuyển đổi này, tôi xin khẳng định sẽ hiệu quả hơn bất kỳ phòng giao dịch của ngân hàng thương mại nào ở vùng nông thôn.
Riêng về huy động vốn, ngay như ở các tỉnh khó khăn như Cao Bằng hay Nghệ An, chúng tôi đều có nguồn tiền huy động được rất dồi dào, số dư không dưới 1.000 tỷ. Chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin của người dân với ngân hàng và bưu điện.
Còn về tín dụng, ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, người dân thường tích lũy tiền và gửi rất lâu, khi họ đủ tiền để làm một việc lớn mới rút ra, thì đó chính là nguồn vốn mà chúng tôi có thể tận dụng được để cho vay. Còn khi vay vốn, họ là những người nông dân gắn bó với ruộng đồng nên các khoản cho vay với người dân đều rất an toàn, không có nợ xấu.
Một ý nghĩa nữa quan trọng mà chúng tôi làm được qua việc chuyển đổi này đó là phổ cập hoạt động kinh doanh ngân hàng, đem những công nghệ hiện đại nhất tới người dân, qua đó đẩy lùi hoạt động tín dụng đen vốn đang làm bất ổn xã hội.
Như vậy có thể thấy một tương lai đầy hứa hẹn của ngân hàng bắt đầu từ năm tới. Còn riêng năm nay, đã qua 11 tháng, ông có thể ước tính kết quả hoạt động từ đầu năm tới nay và cả năm 2017?
Sau 11 tháng, tổng tài sản chúng tôi đã vượt 150 nghìn tỷ; huy động vốn thị trường 1 hơn 136 nghìn tỷ; tín dụng trên 100 nghìn tỷ, đều tăng rất mạnh so với đầu năm. Về lợi nhuận, đầu năm chúng tôi đặt chỉ tiêu lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ và chia cổ tức 12%. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi rà soát lại và thấy rằng lợi nhuận sẽ đạt tối thiểu 1.700 tỷ và do đó Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức sẽ tăng lên 15% trong đó 12% trả bằng tiền mặt và 3% bằng cổ phiếu cho năm 2017 này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Trí thức trẻ
Eximbank vừa bán gần 5 triệu cổ phiếu Sacombank, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 9%
Lý do Eximbank thay đổi sở hữu là bán để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa có thông báo về việc bán bớt cổ phần mà ngân hàng này đang sở hữu ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).
Theo đó, Eximbank đã bán bớt hơn 4,93 triệu cổ phiếu STB, đưa tỷ lệ sở hữu từ mức hơn 165,2 triệu cổ phiếu tương đương 9,16% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 160,29 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8,887% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank.
Lý do Eximbank thay đổi sở hữu là bán để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 29/11/2017.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, trong phiên 29/11, giá cổ phiếu STB của Sacombank chốt tại 13.100 đồng - vùng giá cao nhất kể từ tháng 7 tới nay. Với gần 5 triệu cổ phiếu bán ra, Eximbank đã thu về khoảng 65 tỷ đồng.
Eximbank và Sacombank là hai ngân hàng có thế mạnh nhất trong nhóm cổ phần ở khu vực phía Nam và từng "làm mưa làm gió" trên thị trường. Hồi năm 2012, hai ngân hàng này đã ký thỏa thuận chiến lược toàn diện với một viễn cảnh là sẽ sáp nhập với nhau, thậm chí là cả ACB để hình thành một ngân hàng có quy mô tầm khu vực. Eximbank thời điểm ấy đã cử ông Phạm Hữu Phú sang làm làm đại diện vốn ở Sacombank, rồi được bổ nhiệm vào chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên sau 2 năm, mối duyên ấy bất thành và ông Phú lại quay về Eximbank làm Tổng giám đốc cho đến tháng 10/2015 thì thôi nhiệm.
Đồng thời, Eximbank - Sacombank cũng là 1 trong 2 cặp sở hữu chéo còn sót lại sau quá trình xử lý quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, cùng với một cặp khác có liên quan tới ngân hàng Kienlongbank.
Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo này, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng rằng lý do nào mà sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trả lời đại biểu, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập...đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn. Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh.
"Đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở ngân hàng, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp; sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp; số TCTD sở hữu hơn 15% nay chỉ còn 4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012" - Thống đốc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm, theo Thống đốc, là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...
Trở lại với Thông tư 36 mà Eximbank đề cập đến trong việc bán vốn tại Sacombank lần này, theo quy định thì mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% vốn ở tổ chức tín dụng khác, và không được sở hữu ở quá 2 tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong hệ thống vẫn còn vài trường hợp vì nhiều nguyên do khác nhau mà chưa đáp ứng yêu cầu, như là Maritime Bank ở MB; Vietcombank ở MB, Eximbank và OCB (Vietcombank từng sở hữu vốn ở 5 tổ chức tín dụng nhưng mới đây vừa thoái thành công ở Saigonbank và Tài chính Xi măng nên chỉ còn sở hữu vốn ở 3 ngân hàng); hay Eximbank ở Sacombank.
Theo Trí thức trẻ
LienVietPostBank dự kiến lãi ít nhất 1.700 tỷ trong năm nay, tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15% Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày 9/12. Cụ thể, chia sẻ với chúng tôi về tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên...