Sau Đường Lâm đến lượt phố cổ Đồng Văn “tố khổ”
Sự việc làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đòi trả lại danh hiệu di sản vì “sống trong lòng di sản khổ quá” vừa lắng xuống, mấy ngày nay, dư luận lại “choáng” vì chủ nhân mấy chục nóc nhà cổ ở Đồng Văn (Hà Giang) cũng bày tỏ mong muốn “trả lại danh hiệu di tích quốc gia”.
Nhiều nếp nhà cổ ở Đồng Văn hiện đã xuống cấp, cần gia cố
Lý do mà các hộ này đưa ra khi đòi trả danh hiệu là để tu sửa nhà cửa cho cuộc sống tiện nghi hơn, bớt đi những nơm nớp khi cứ mưa to gió lớn là lo nhà sập. Xem ra, chuyện dọa trả lại danh hiệu di tích đang trở thành nỗi lo cho các nhà quản lý văn hóa.
Những người từng đến với Đồng Văn vẫn ví von lãng mạn rằng, phố cổ như một nét duyên thầm nơi vùng cao. Bởi chẳng ai ngờ được, ẩn sâu trong những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, giữa cái nơi chỉ toàn đá là đá lại hiện lên một con phố nhỏ, thanh bình và lãng mạn đến thế.
Được hình thành vào đầu thế kỷ 20, đoạn phố cổ này có kiến trúc giao thoa nửa bản địa, nửa mang sắc thái kiến trúc Trung Hoa. Khu vực Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi cư trú của các tộc người Kinh, Mông, Hoa, Lô Lô…
Năm 1887, người Pháp cai trị Hà Giang, Đồng Văn được chia ra làm 4 khu vực cho các thổ ty nắm giữ. Những ngôi nhà trên dãy phố được làm theo kiến trúc mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, cột kèo rui mè, chủ yếu được làm từ các loại gỗ quý như lim, nghiến, pơ mu… vì thế, cả trăm năm tồn tại, ngôi nhà vẫn giữ được dáng dấp như khi nó mới sinh ra.
Tường nhà được trình bằng đất, cao 2 tầng, mái lợp ngói âm dương khiến ngôi nhà xua đi được cái lạnh nghiệt ngã của mùa đông nơi vùng cao và đón được những cơn gió mát về mùa hè. Mỗi phiên chợ, cả không gian phố chìm trong sắc váy áo rực rỡ của những cô gái người Mông, Lô Lô, Pu Péo.
Ở đó còn những chảo thắng cổ nghi ngút khói, có những người đàn ông Mông la đà bên bát rượu ngô, trong khi những người phụ nữ của họ, chốc chốc lại đưa mắt nhìn chồng đang mặt đỏ tía tai, ánh nhìn đầy yêu thương và kiêu hãnh. Khách đến với Đồng Văn chỉ một lần thôi rồi cứ mãi vấn vương và thầm hỏi: “Hay là mình đã yêu?”. Vậy mà…
Video đang HOT
Những ngôi nhà bằng đất trình tường trải mấy trăm năm cũng đến ngày xuống cấp. Người dân sống trong những ngôi nhà cũ, gặp nhiều khó khăn bất tiện vì phải giữ nguyên hiện trạng nhà, và không đủ kinh phí để sửa chữa, cơi nới theo đúng kiểu kiến trúc cổ.
Chính quyền địa phương cũng khảo sát hiện trạng từng ngôi nhà, đưa ra định hướng để bảo tồn… nhưng vẫn dừng ở khảo sát. Nguyên nhân chính cho sự “dậm chân tại chỗ” này là: Chưa có kinh phí. Vì thế, có thể hiểu được nỗi niềm của những người mới ngày nào từng tự hào về phố cổ của mình, nhà cổ của mình, thì nay quay lại “sợ” chính cái mình đã từng tự hào đó.
Ông Hoàng Văn Kiên- Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang cho biết, dự kiến vào cuối năm 2013, tỉnh Hà Giang mới có thể thu xếp huy động 3 tỷ đồng để trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng – cho dù số liệu cho thấy có ít nhất 18 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đang ở vào diện này.
Năm 2008, để bảo tồn phố cổ, UBND huyện đã dành hẳn một diện tích lớn, ven theo bờ suối Đồng Văn làm quỹ đất giãn dân. Hồi đó, UBND huyện đã mời hẳn những chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Hà Nội về giúp. Nhưng rồi, các chuyên gia, cứ ngồi ở giữa Thủ đô mà phóng bút. Thành ra, quy hoạch quá hoành tráng, trong khi con suối Đồng Văn kia vốn chả to tát gì. Thế là cho đến giờ, dự định này vẫn còn ngổn ngang…
Nhiều người bảo, chuyện người dân phố cổ Đồng Văn bày tỏ ý định trả lại danh hiệu di sản là ngành văn hóa thêm một chuyện buồn. Nhưng cũng có người bảo, đó sẽ là “cú hích” để những người có trách nhiệm “nhớ” ra rằng, mình đang nắm trong tay kho báu. Nếu không kịp thời gìn giữ, kho báu đó sẽ mất, mất vĩnh viễn.
Gọi là phố, nhưng thực chất các ngôi nhà trên phố cổ Đồng Văn chỉ tập trung nằm trên con đường bắt đầu từ chợ Đồng Văn chạy dọc vào phía trong chân núi. Theo tài liệu của UBND huyện Đồng Văn, hiện cả phố còn lưu giữ được trên dưới 40 nếp nhà cổ. Trong đó, có 2 ngôi nhà của dòng họ Lương, có niên đại tới 300 năm, những nhà còn lại có tuổi đời trên dưới 100 năm.
Họ Lương mà đứng đầu là thổ ty Lương Trung Nhân là người từng đứng ra thuê thợ từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) về thiết kế và xây dựng. Thời gian mới hình thành, cư dân ở khu phố này chủ yếu là người Tày và người Hoa, đến thập niên 40-50 của thế kỷ trước có thêm người Kinh, người Dao, Nùng chuyển đến cư ngụ. Ngoài phố cổ, hiện Đồng Văn còn có nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị khác, tiêu biểu nhất là chợ Đồng Văn, được xây cách đây hơn 100 năm với kiến trúc hình chữ U.
Từ năm 2006, học tập mô hình bảo tồn kết hợp du lịch từ phố cổ Hội An, vào các đêm 13, 14, 15 âm lịch hàng tháng, UBND huyện Đồng Văn tổ chức đêm phố cổ. Những chiếc đèn lồng được treo ngoài cửa mỗi ngôi nhà cổ, những hoạt động văn hóa dân gian được trình diễn, những món ăn truyền thống, những sản vật địa phương được mang ra giới thiệu tới du khách. Không được chuyên nghiệp như Hội An, nhưng cách làm du lịch của người dân nơi cao nguyên đá lại thu hút du khách bởi sự mộc mạc, chân chất, đậm chất núi rừng.
Theo Dantri
Làng cổ Đường Lâm sau dịp Bí thư HN "vi hành"
Sau gần một tháng kể từ ngày Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đoàn công tác về làng cổ Đường Lâm, TX Sơn Tây (HN) để lắng nghe ý kiến người dân và cùng bàn biện pháp tháo gỡ, đến nay, công tác bảo tồn làng cổ này đã có nhiều phần việc đang được triển khai "tăng tốc".
Người dân đã yên tâm hơn
Trở lại Đường Lâm sau gần một tháng kể từ ngày Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đoàn công tác về làng cổ Đường Lâm lắng nghe ý kiến nhân dân, chúng tôi ghi nhận thấy bà con đã yên tâm hơn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của chính quyền, cơ quan chức năng, để tập trung vào công việc đồng áng thường nhật.
Hiện tại, xã Đường Lâm đã giải phóng mặt bằng cơ bản xong diện tích 2.000m2 để làm trường mầm non. Đây là phần khiến người dân bức xúc nhất vì con cháu họ phải chen chúc nhau trong căn phòng cấp 4 đã xuống cấp. Dự án giãn dân có diện tích từ 8-10ha nằm trên địa bàn thôn Phúc Khang cũng đã được lập nên. Ông Phan Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm cho biết, dự án đang được khảo sát, điều tra xem ai có nhu cầu thực sự. Với quan điểm phải nhận được ý kiến đồng thuận của người dân và không được cứng nhắc, chính quyền địa phương nơi đây đang tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các hộ dân. "Hiện nay, dự án này đang được triển khai. Qua rà soát, chúng tôi xác định có 9 ngôi nhà cổ loại 1 và hơn 100 nhà loại 2. Chúng tôi rà soát lại chi tiết toàn bộ các hộ làm sao không để những căn nhà này thành di sản "chết", ông Lợi cho biết.
Nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời, những nét cổ kính của Đường Lâm sẽ chỉ còn dĩ vãng
Người dân tham gia Ban chỉ đạo bảo tồn
Rắc rối của Đường Lâm xuất phát từ việc người dân vốn là chủ thể của di tích làng cổ Đường Lâm nhưng lại chưa có lợi ích nhiều trong đó. Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, số tiền thu được từ việc bán vé vào làng Đường Lâm trong năm 2012 là 1,4 tỷ đồng và ước đạt 1,5 - 1,6 tỷ đồng trong năm 2013.
"Bảo tồn một di tích "sống" như Đường Lâm mà để chậm thêm ngày nào là người dân phải sống trong sự bất tiện, khó chịu thêm ngày đó. Thời gian qua, nhân dân địa phương đã hy sinh rất nhiều cho di sản vì vậy chúng ta cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa". PGS.TS Phạm Hùng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng
Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này ngoài việc trích cho chính quyền xã Đường Lâm 40 triệu đồng trong năm ngoái để phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, phục vụ lễ hội thì người dân địa phương không được hưởng một đồng nào. Hàng ngày, người dân Đường Lâm vẫn quần quật với ruộng vườn để mưu sinh, nhưng họ lại phải có trách nhiệm tiếp đón du khách thập phương về tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Nhiều gia đình đông người vẫn phải sinh sống trong căn nhà cổ chật chội, bị dột nát, không được phép sửa chữa, cơi nới, xây mới. Sống trong di sản nhưng bà con không hề biết quê hương mình được quy hoạch tổng thể như thế nào để có cách xây dựng, tạo lập một không gian sống cho phù hợp. Thế nên mới xảy ra chuyện, có hộ dân đã tốn tiền nâng cấp, cơi nới nhà cửa rồi bị cưỡng chế, phải phá bỏ...
Chính vì vậy, theo ông Phạm Hùng Sơn, một ban chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm được thành lập do Chủ tịch UBND TX Sơn Tây làm trưởng ban, hoạt động song song với Ban quản lý. Thành viên ban chỉ đạo này có đại diện các dòng họ trong xã tham gia. Bất cứ có vấn đề gì từ khâu bảo tồn, phát triển tới thu phí, ban chỉ đạo sẽ đại diện cho nhân dân địa phương trao đổi, phản ánh, toàn bộ hoạt động đều công khai, dân chủ. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội sửa đổi Quyết định số 43, để lại 60% tiền thu được từ bán vé để hỗ trợ người dân. Hiện chính quyền TX Sơn Tây đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bảo tồn di tích, việc quy hoạch khu đất giãn dân sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Ông Phạm Hùng Sơn cho biết thêm, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đang phối hợp với UBND TX Sơn Tây triển khai chuyển đổi nhanh mô hình kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch ở Đường Lâm. Việc phát triển các sản phẩm du lịch từ lúa gạo là hướng đi phù hợp với đời sống của nhân dân nơi đây. Các lớp tập huấn, dạy nghề sẽ được mở trong năm nay, từng bước giúp bà con phát triển kỹ năng làm du lịch. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, tu bổ những di tích xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt những ngôi nhà cổ thì BQL cũng kêu gọi các nhà khoa học, các công ty lữ hành phối hợp để phát triển các sản phẩm du lịch tốt hơn.
Bảo tồn không phải là... thi hoa hậu
Tại Hội thảo "Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý làng cổ Đường Lâm" diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thừa nhận rằng, trong suốt gần chục năm qua, vẫn chưa có biện pháp nào để biến làng cổ này thành biểu tượng tinh thần, nguồn lực cho phát triển kinh tế. "Thực tiễn cho thấy, di sản văn hóa không thể tồn tại được nếu không gắn bó với cộng đồng. Chúng ta đã đặt ra cơ sở pháp lý, khoa học cho vấn đề bảo tồn làng cổ Đường Lâm nhưng lại chưa tìm được cách để gắn bó thực chất giữa di sản đó với cộng đồng dân cư, cho nên họ có những bức xúc, xung đột. Trên thế giới, việc bảo tồn di sản văn hóa xung đột và nhu cầu phát triển đã từng xảy ra và là điều tất yếu nhưng có điều sớm được phát hiện. Cùng với đó, cộng đồng phải chung tay để tìm lối thoát" - PGS. TS Đặng Văn Bài cho biết.
PGS.TS Phạm Hùng Cường lo ngại bảo tồn theo kiểu làm mới lại di tích, tự phát không đúng theo các trình tự khoa học. Hiện tại, một số ngôi nhà cổ loại 1, 2 đang có hiện tượng làm nhà phụ xây gạch, dán đá ong đập nhỏ lên vữa giả làm gạch ong. "Thật đáng lo ngại khi có ý kiến cho rằng chỉ cần bảo tồn các ngôi nhà cổ như một giải pháp, cơ chế bảo tồn đặc thù. Làm thế chẳng khác gì bỏ đi cái gốc để giữ cái ngọn. Di sản đã mất thì khó lấy lại được. Cũng không thể nói rằng nếu mất làng này thì tìm kiếm bảo tồn làng khác. Bảo tồn không phải là cuộc thi hoa hậu để năm nay lựa chọn người này, năm sau lựa chọn người khác" - PGS.TS Phạm Hùng Cường ví von.
Theo 24h
Nỗi khổ di tích Có khoảng 10 hộ dân khu phố cổ Đồng Văn, Hà Giang đang đòi trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia. Nhà của họ đang ở bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Đêm phố cổ Đồng Văn. Họ muốn trả lại danh hiệu để được xây nhà mới. Vậy là câu chuyện ở Đường Lâm, Sơn Tây lại diễn ra ở...