Sau độ tuổi này, trẻ uống vắc xin phòng Rotavirus sẽ vô tác dụng, mẹ cho con uống đúng lịch để bé không phải nhập viện vì tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ em nhưng nó có thể dẫn tới tình trạng mất nước nặng, thậm chí tử vong, trong đó đến hơn 50% trường hợp trẻ bị tiêu chảy là do Rotavirus.
55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus
Tiêu chảy ở trẻ em là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng ba và tháng chín.
Bệnh có biểu hiện đau bụng, sốt, nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần có thể lên đến 20 lần/ngày dẫn tới tình trạng mất nước nặng thậm chí có thể tử vong.
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp 3 lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam (Ảnh minh họa).
Virus này có trong phân của người bị nhiễm bệnh, lây qua tiếp xúc đường miệng ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, Rotavirus có thể lây truyền sang bất cứ thứ gì mà người nhiễm bệnh chạm vào bao gồm: thực phẩm, đồ dùng, nắm cửa hoặc các bề mặt lâu ngày không được khử trùng….
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Trong đó, trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất vì bé ở độ tuổi này thích khám phá thế giới xung quanh bằng cách ngậm đồ chơi hay thích mút tay, đồng thời các bé chưa có sức đề kháng với Rotavirus.
Có 3 loại vắc xin ngừa Rotavirus và lịch uống
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rotavirus cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Vắc xin ngừa Rotavirus chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ có tại các hệ thống tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Trẻ nên được uống ngừa càng sớm càng tốt để có đầy đủ miễn dịch chuẩn bị cho thời kỳ nguy cơ cao nhiễm Rotavirus từ 6 tháng tuổi trở đi.
Hiện nay có 3 loại vắc xin ngừa Rotavirus, bao gồm: RotaTeq của Mỹ, Rotarix của Bỉ và Rotavin-M1 của Việt Nam.
Video đang HOT
1. RotaTeq (Mỹ): Sử dụng 3 liều
- Liều 1: Có thể cho trẻ uống từ 7 – 12 tuần tuổi.
- Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 4 tuần.
- Liều 3 cách liều 2 tối thiểu 4 tuần.
- Nên cho trẻ hoàn thành liều 3 trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.
Giá tham khảo: 665.000 đồng/liều.
3 loại vắc xin phòng ngừa Rotavirus trong chương trình tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam.
2. Rotarix (Bỉ): Sử dụng 2 liều
- Liều 1: Có thể cho trẻ uống từ khi 6 tuần tuổi.
- Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 4 tuần.
- Nên cho trẻ hoàn thành liều 2 trước 24 tuần tuổi.
Giá tham khảo: 825.000 đồng/liều.
3. Rotavin-M1 (Việt Nam): Sử dụng 2 liều
- Liều thứ 1: Bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2: Sau liều đầu tiên từ 1-2 tháng.
- Nên cho trẻ hoàn thành uống vắc xin Rotavin-M1 trước 24 tháng tuổi.
Giá tham khảo: 490.000 đồng/liều.
Cả 3 loại vắc xin phòng ngừa Rotavirus trên đều được uống bằng cách nhỏ giọt vào miệng trẻ. Các bố mẹ lưu ý cho con hoàn thành các liều vắc xin trước thời gian nhà sản xuất khuyến cáo bởi theo các chuyên gia, sau thời gian này, hầu hết các bé bị nhiễm Rotavirus tự nhiên nếu uống vắc xin phòng ngừa cũng không có tác dụng.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota: Uống vaccine càng sớm càng tốt
Tiêu chảy là một trong những bệnh hay gặp vào mùa hè, trong đó Tiêu chảy cấp do Rotavirus khá nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh trao đổi cùng bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về bệnh này.
- Xin bác sĩ cho biết, bệnh tiêu chảy do Rotavirus là gì? Trẻ bị bệnh có biểu hiện ra sao?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp. Trẻ bị bệnh ban đầu sẽ có triệu chứng của tiêu chảy phân lỏng, sau đó bệnh sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như: Nôn ói, đau bụng, mất nước dễ dẫn tới trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Cụ thể, sau khi bị nhiễm virus khoảng 1-2 ngày, trẻ có triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, lúc đầu từ 4 lần/ngày, sau có thể đến 20 lần/ngày. Sau đó triệu chứng tiêu chảy giảm dần, kéo dài từ 3-8 ngày. Tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đờm nhớt nhưng không có máu. Các triệu chứng kèm theo như sốt vừa, đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi.
Rotavirus là loại virus đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ, cướp đi sinh mạng của hơn 610.000 trẻ em trên toàn thế giới hằng năm (Ảnh: vov.vn)
Tiêu chảy cấp ở trẻ em gây nôn và tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên trẻ nhiễm Rotavirus rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Khi trẻ bị mất nước có các biểu hiện: Khát nước, môi khô, da khô, mắt trũng, tiểu ít, quấy khóc; sụt cân do mất nước, rơi vào tình trạng li bì hay kích thích vật vã, hoặc có những cơn co giật; thóp trũng, có thể xảy ra các hậu quả nguy hiểm do mất nước, điện giải như trụy mạch, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Bệnh có lây truyền không, thưa bác sĩ?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường tay - miệng. Đây là loại siêu vi có thể sống lâu trong các môi trường như: Ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật xung quanh... nên có khả năng lây nhiễm rất cao.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ điều trị tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này. Trẻ em thường bị nhiễm Rotavirus qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Trẻ nhiễm Rotavirus đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1 gram phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10-100 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.
Một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm: Tiếp xúc với nguồn bệnh trực tiếp, gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn... có nhiễm virus Rota; trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh (đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo...); nguồn nước bị nhiễm virus Rota; xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota, không rửa tay trước khi ăn uống, không rửa tay sau khi đi vệ sinh; trước khi chế biến thực phẩm...
Tiêm phòng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.
- Khi bị bệnh có nhất thiết phải cho trẻ nhập viện điều trị không, thưa bác sĩ?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh này. Nếu trẻ có biểu hiện nhẹ, gia đình có thể cho trẻ điều trị tại nhà, nhưng phải theo dõi sát sao. Để điều trị, điều quan trọng là phải bù nước kịp thời bằng nhiều cách và tùy thuộc vào mức độ mất nước của trẻ.
Để bù nước, tốt nhất cho trẻ uống nước từ từ, các loại nước hoa quả, oresol hoặc các dung dịch bù nước điện giải được chế biến từ thức ăn: Nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa... Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, trong trường hợp không thể bù dịch bằng đường uống do trẻ nôn nhiều hoặc tình trạng mất nước nặng thì trẻ cần nhập viện để bù nước và điện giải qua đường tĩnh mạch.
Hiện nay, cách phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus hiệu quả nhất là cho trẻ uống vaccine. Nên cho trẻ uống càng sớm càng tốt, uống vaccine trước 6 tháng tuổi, dùng 2 liều vaccine cách nhau 4 tuần. Để ngừa cả các bệnh tiêu chảy do nguyên nhân khác, cần vệ sinh nguồn nước, ăn uống đúng cách, chế biến thức ăn đúng cách, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến, cho trẻ ăn; vệ sinh những đồ dùng chế biến và đồ dùng cho trẻ ăn; cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Chuyên gia chỉ rõ loại rau củ mọc mầm hại như thuốc độc và những loại quý hơn thuốc bổ Trái cây và rau củ có thể ăn được hay không sau khi chúng mọc mầm là vấn đề được nhiều người thắc mắc bấy lâu nay. Bác sĩ Wang Zhenyun, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Y tế Dự phòng Lian'an, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, loại rau củ quả duy nhất không được ăn sau khi nảy mầm là khoai...