Sau điềm báo ‘hoàng yến trong mỏ than’, nhiều ổ dịch mới nổ ra ở Mỹ
Các điểm bùng phát mới nổi lên khắp nước Mỹ, không chỉ ở các khu vực đô thị lớn mà còn vùng đồng bằng với số ca nhiễm mới không ngừng tăng, cho thấy đại dịch vẫn còn rất phức tạp.
Khi tốc độ lây nhiễm bắt đầu chững lại ở New York và California đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát, các tiểu bang khác ở Mỹ đang bắt đầu quay cuồng với các ổ dịch mới tăng đột biến trong các cộng đồng lớn và nhỏ, South China Morning Post cho biết.
Ba tuần trước, thống đốc New York Andrew Cuomo cảnh báo rằng tiểu bang của ông là điềm báo “chim hoàng yến trên mỏ than” về sự bùng nổ trên khắp cả nước và nay một số người lo sợ điều tồi tệ nhất chỉ mới bắt đầu xảy ra. “ Chim hoàng yến trong mỏ than” là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới. Nó xuất phát từ câu chuyện thực tế về các thợ mỏ thường mang xuống mỏ than chim hoàng yến, loài chim này rất nhạy cảm với khí methane hay CO có thể rò rỉ trong mỏ. Một khi xảy ra sự rò rỉ như vậy, chim hoàng yến thường chết trước bất kỳ loài nào khác, từ đó thợ mỏ được cảnh báo và rời khỏi mỏ ngay lập tức.
Theo New York Times, tiểu bang có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao nhất vẫn là New York, tỷ lệ bệnh trên đầu người cao thứ 2 là quận Blaine, tiểu bang Idaho.
Quận Blaine với dân số hơn 22.000 người, nơi đây nổi tiếng với khu nghỉ mát trượt tuyết Sun Valley, nơi thu hút rất nhiều người trượt tuyết, những người đam mê giải trí ngoài trời và nơi được ví là ngôi nhà thứ 2 của nhiều người trên khắp nước Mỹ.
Giờ đây, quận Blaine đang trở thành nơi có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới.
Nguy cơ cao với khu vực nông thôn
Tính đến ngày 14/4, một trong những ổ dịch cụm lớn nhất vùng Great Plains là bang South Dakota, nơi có 300 công nhân trong nhà máy chế biến thịt nhiễm bệnh. Dù số ca nhiễm có vẻ ít đáng báo động so với các thành phố lớn, nhưng đối với các thị trấn nhỏ, virus có thể tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe và áp đảo nền kinh tế mong manh của địa phương.
Các nhân viên y tế tại khu xét nghiệm Odyssey House, tiểu bang Louisiana. Ảnh: Reuters.
Nhiều thị trấn nhỏ phụ thuộc vào một số người nhất định và khi họ đóng cửa hiệu ứng có thể là thảm họa. Ở bang miền nam Louisiana đặc biệt khó khăn, với Giáo xứ Orleans, thành phố New Orleans đang chiến đấu với mức độ lây nhiễm lớn thứ 8 trong cả nước.
Ba quận nông thôn ở Georgia chiếm phần còn lại trong danh sách 10 quận có số ca nhiễm cao nhất, một lời nhắc nhở rõ ràng rằng không chỉ các khu vực đô thị lớn mới có nguy cơ cao.
Trong khi các số liệu cho thấy biểu đồ số ca nhiễm mới và tử vong ở bang Louisiana đã giảm, thì thực tế vẫn còn rất nan giải. Hôm 14/4, cơ quan y tế tiểu bang đã báo cáo 884 ca tử vong trong số 21.016 ca nhiễm ở bang. Đặc biệt là virus đã xuất hiện ở 64 giáo xứ trên khắp tiểu bang.
Bang Georgia cũng đang quay cuồng với 14.223 ca nhiễm và 501 ca tử vong, trong số đó 71 ca tử vong đến từ hạt Dougherty, nơi có dân số chưa đầy 100.000 người.
Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida phải đối mặt với những chỉ trích vì chậm đóng cửa các doanh nghiệp và bãi biển trong kỳ nghỉ xuân đã trở thành một tâm chấn.
Vùng Đông Bắc
Cùng với New York, New Jersey – tiểu bang láng giềng vốn là nơi sinh sống của nhiều người ở New York cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hôm 12/4, các quan chức tiểu bang xác nhận 3.219 ca nhiễm mới, tăng 4% mỗi ngày, nhưng vẫn là số phần trăm thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, một dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã đi qua.
Các nhân viên Sở cứu hỏa Chicago trong lễ tang một nhân viên cứu hỏa. Ảnh: AP.
Ở phía bắc New York, Massachusetts là bang có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 nước Mỹ, với 26.867 ca nhiễm tính đến ngày 14/4. Thị trưởng Boston Marty Walsh nói rằng thành phố của ông đang đối mặt với sự gia tăng số bệnh nhân nhập viện.
Số ca bệnh đã tăng gấp đôi so với tuần trước. Cuối tuần qua, thành phố đã chuyển đổi trung tâm triển lãm thành bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường cho người vô gia cư và 500 giường để chống quá tải cho các bệnh viện.
Thành phố Boston đang cố gắng tăng tốc độ xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân. Thị trưởng Walsh hứa sẽ xét nghiệm cho mọi cư dân thành phố. Tại bang Pennsylvania cũng đang nổi lên như một ổ dịch lớn, với hơn 25.000 ca nhiễm.
Nhưng đó cũng là lý do để hy vọng. Số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, cho thấy tốc độ lây nhiễm có thể đã được kiểm soát. Tuy số ca nhiễm mới giảm, số ca tử vong lại tăng. Số ca tử vong trong ngày được báo cáo vào ngày 14/4 là 60 ca, một sự gia tăng đột biến so với 27 ca tử vong được báo cáo vào ngày 12/4 và 13/4.
Khu vực Trung và Tây
Các khu vực đô thị và ngoại ô ở hầu hết các bang ở miền trung và tây nước Mỹ phần lớn không áp dụng các biện pháp phòng dịch trong những tuần đầu tiên, khi virus lây lan đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tuần gần đây.
Ổ dịch bên trong nhà máy chế biến thịt lớn nhất nước Mỹ đe dọa nguồn cung thực phẩm cả nước. Ảnh: New York Times.
Tại bang Indiana, hơn 120 ca tử vong được báo cáo tại thành phố Indianapolis, thủ phủ của bang. Tại bang Wisconsin, ít nhất 1.700 ca nhiễm đã được xác nhận tại Milwaukee County, thành phố lớn nhất của bang.
Bang Michigan đã báo cáo 25.635 ca nhiễm và 1.602 ca tử vong, trong đó, 11.648 ca nhiễm và 760 ca tử vong tại quận Wayne, thành phố Detroit. “Những gì chúng ta có là rất nhiều tin buồn”, thị trưởng Detroit, Mike Duggan cho biết vào cuối tuần trước.
Hôm 14/4, hình ảnh từ bệnh viện Sinai-Grace cho thấy thi thể được chất đầy trong nhà xác. Detroit là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ lệ tử vong ở đây lên tới 5%. Cư dân ở đây được xếp vào nhóm nguy cơ cao, vì nhiều người không được chăm sóc sức khỏe toàn diện, ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng.
Tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, thành phố lớn thứ 3 nước Mỹ, gần đây đã được ca ngợi vì phản ứng với virus, nhưng đang hết máy thở và gấp rút chuyển đổi trung tâm hội nghị thành bệnh viện dã chiến.
Theo các quan chức thành phố, Chicago đang đối mặt với tốc độ lây nhiễm tồi tệ, với 9.113 ca nhiễm và 308 ca tử vong được báo cáo hôm 14/4.
Một số bang ở nông thôn như Nebraska và Kansas, North Dakota và South Dakota tiếp tục đấu tranh về việc có nên ban hành lệnh cách ly xã hội hay không. Thống đốc Laura Kelly của bang Kansas đã cấm các cuộc tụ họp trên 10 người.
Tuy vậy, thống đốc bang South Dakota vẫn từ chối đề nghị cách ly xã hội của cấp dưới và một số người dân, dù bang này đang có ổ dịch cụm lớn nhất nước Mỹ.
Trung Hiếu
Tâm dịch mới nổi lên ở Mỹ 'theo quỹ đạo Italy' sau lễ hội Mardi Gras
Thành phố New Orleans đang ghi nhận tốc độ tăng các ca nhiễm Covid-19 nhanh nhất thế giới và lễ hội Mardi Gras trong 2 tháng được cho là nguyên nhân khiến khu vực này vỡ trận.
Yanti Turang, một y tá phòng cấp cứu bệnh viện New Orleans, bang Louisiana bước ra khỏi bãi đậu xe với đầy đủ áo quần bảo hộ vào đầu tháng này để gặp một người phụ nữ có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, vừa trở về nhà sau khi quá cảnh ở Hàn Quốc. Người phụ nữ này lập tức được đưa tới phòng cách ly.
Cũng trong khoảng thời gian đó, một người đàn ông chưa bao giờ rời khỏi đất nước và đã ở New Orleans trong suốt lễ hội Mardi Gras vừa kết thúc vào ngày 25/2, cũng xuất hiện tại phòng cấp cứu với triệu chứng ho và sốt cao. Anh ta được đưa sang phòng bên cạnh và được chăm sóc bởi các nhân viên y tế mà không có áo quần bảo hộ, New York Times cho biết.
Mọi người trong bệnh viện cảm thấy nhẹ nhõm, khi người phụ nữ đã qua châu Á được xác định dương tính với cúm mùa. Người đàn ông tuy có các triệu chứng, nhưng chẩn đoán không rõ ràng. Anh ta được kê đơn Tylenol và khuyên nghỉ ngơi và cho về nhà.
Cô Turang không biết điều gì đã xảy ra với người đàn ông đó, nhưng 2 ngày sau, ca dương tính với Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở bang Louisiana với một người khác và ở một bệnh viện khác.
Virus corona đã ở trong thành phố, kể từ đó, Louisiana trở thành một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Lặp lại kịch bản ở Italy
Theo một nghiên cứu, Louisiana, với hơn 2.300 ca nhiễm mới được xác nhận vào chiều 26/3, đang trải qua sự gia tăng số ca nhiễm nhanh nhất thế giới. John Bel Edwards, thống đốc bang Louisiana, hôm 24/3, cho biết quỹ đạo tăng trưởng các ca nhiễm mới ở bang tương tự như ở Tây Ban Nha và Italy.
Hàng chục nghìn người chen chúc nhau trong lễ hội Mardi Gras được cho là nguyên nhân khiến thành phố New Orleans vỡ trận. Ảnh: New York Times.
Tuần này Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn yêu cầu của các thống đốc về tuyên bố thảm họa lớn và mở nguồn tài trợ liên bang để chống lại sự bùng phát của đại dịch.
Trong khi đó, tình hình ở trong và xung quanh New Orleans đặc biệt nghiêm trọng. Thành phố này ghi nhận 997 ca nhiễm mới vào chiều 26/3, nhiều hơn số ca nhiễm của 13 bang cộng lại. Các bệnh viện bị choáng ngợp bệnh nhân và số lượng thiết bị bảo hộ quan trọng đang cạn kiệt.
Giáo xứ Orleans, nơi có biên giới với thành phố New Orleans ghi nhận số ca chết cao nhất tính theo đầu người. Giáo xứ ghi nhận 46 ca tử vong mới, nhiều gấp 2 lần Los Angeles. Trong đó có 11 ca tử vong đến từ viện dưỡng lão, nơi có thêm hàng chục ca nhiễm khác.
Trả giá vì lễ hội?
Trong một tình huống trớ trêu, có một sự nghi ngờ đang gia tăng giữa các chuyên gia y tế, rằng cuộc khủng hoảng có thể được đẩy nhanh vì Mardi Gras, còn gọi là lễ hội Carnival kéo dài hàng tuần trên khắp thành phố. Nó diễn ra trong phòng khách đông đúc, phòng khiêu vũ và đường phố và năm nay đỉnh điểm của lễ hội vào ngày 25/2.
"Đó là biểu tượng của thành phố về niềm vui và là cơn ác mộng đối với các nhà dịch tễ học. Tôi nghĩ rằng tất cả đều phẫn nộ với Mardi Gras. Bữa tiệc miễn phí lớn nhất thế giới là một vườn ươm hoàn hảo vào thời điểm hoàn hảo", F. Brobson Lutz Jr, cựu giám đốc y tế thành phố New Orleans, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói.
Bác sĩ Catherine S. O'Neal, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc y tế tại Trung tâm Y tế Đức Mẹ ở Baton Rouge, đã so sánh Mardi Gras năm nay với cuộc diễu hành nổi tiếng Liberty Loan ở Philadelphia năm 1918.
Hơn 200.000 người đã tập trung diễu hành trên đường phố giữa đại dịch cúm đã góp phần gây ra số lượng người chết khủng khiếp, với hơn 12.000 người chết trong vòng 6 tuần ở Philadelphia.
Văn hóa người người nói chuyện với nhau ở đây cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng. Ảnh: New York Times.
Nhưng tiến sĩ O'Neal đã không đỗ lỗi cho bất kỳ ai đã không hành động để ngăn chặn lễ hội. Vào thời điểm lễ hội diễn ra, không có ca nhiễm Covid-19 nào được xác định ở bang Louisiana và có ít hơn 50 ca nhiễm trên khắp nước Mỹ.
Tiến sĩ Susan Hassig, một nhà dịch tễ học, phó giáo sư tại Trường Y tế công cộng và nhiệt đới, Đại học Tulane, cho biết có những lý do khác ngoài lễ hội Mardi Gras, có thể giải thích vì sao New Orleans bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Thành phố này tuy nhỏ nhưng dân cư dày đặc, ngành du lịch phát triển, các cảng và sân bay kết nối với mọi nơi trên thế giới và cách mọi người kết nối văn hóa với nhau. Văn hóa ở đây là người người nói chuyện với nhau. "Điều đó có nghĩa là bạn dừng lại và có cuộc nói chuyện, sau đó bạn lại đi và tiếp tục nói chuyện với ai đó", tiến sĩ Hassig.
Y tá Turang, từng làm việc cho phòng cấp cứu Sierra Leone trong trận dịch Ebola năm 2015, cho biết các bác sĩ và y tá đang nói về việc nguyên nhân bùng phát dịch bệnh bắt nguồn từ lễ hội Mardi Gras.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bang Louisiana được xác nhận vào ngày 9/3, nhưng những người có triệu chứng nhẹ đã được xác định là nhiễm cúm mùa. "Chúng tôi đã bị bịt mắt, thực tế nó (virus) đã ở đây trước khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận", y tá Turang nói.
Ca nhiễm đầu tiên được công bố chưa đầy 2 tuần sau sự kiện Mardi Gras. Cùng thời gian đó, báo cáo về các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện ở Tennessee, Arkansas, Texas. Những ca dương tính phần lớn trở về từ New Orleans gần đây.
Điều khiến các chuyên gia y tế đau đầu là những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở New Orleans không đi du lịch nước ngoài hay trở về từ bang khác, theo tiến sĩ Jennifer Avegno, giám đốc y tế thành phố.
Các triệu chứng ban đầu bất thường của họ khiến các bác sĩ bối rối. Họ chỉ có cảm giác rằng có điều gì đó không ổn. Rõ ràng sự lây lan trong cộng đồng diễn ra khá nhanh chóng và các trường hợp không liên quan trực tiếp với nhau.
Một tuần sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận, thống đốc Edwards đã ban hành lệnh đóng cửa những nơi công cộng, quán bar, nhà hàng. Cuộc diễu hành ngày Thánh Patrick hàng năm cũng bị cấm, dù một lượng lớn người vẫn đến nhà thờ, buộc cảnh sát phải can thiệp.
Các mục sư vẫn tổ chức những buổi cầu nguyện, dù đã có lệnh cấm các cuộc tụ họp trên 50 người. Một mục sư nói rằng virus là động lực tinh thần, vị này nói rằng sẽ chữa lành cho những người bị nhiễm bằng cách đặt tay lên họ và cầu nguyện.
Theo một nghiên cứu gần đây của giáo sư Gary A. Wagner, Đại học Louisiana, tốc độ tăng các ca nhiễm mới ở bang này là nhanh nhất thế giới, khi so sánh với các khu vực khác trong 2 tuần sau khi có ca nhiễm đầu tiên.
"Trong một thành phố nhỏ và gần gũi như New Orleans, điều đó có nghĩa là gần như tất cả đều tiếp xúc với ai đó đã bị nhiễm bệnh", giáo sư Wagner nói.
Lo sợ chính quyền liên bang bỏ rơi
Cảm giác này ngay lập tức trở nên quen thuộc và khác biệt đối với một thành phố từng bị tàn phá bởi thảm họa trong lịch sử, bao gồm đại dịch sốt vàng da năm 1853 và 1905, bão Katrina một thế kỷ sau đó vào năm 2005.
Quảng trường trung tâm thành phố New Orleans vắng vẻ sau lệnh phong tỏa của chính quyền bang. Ảnh: New York Times.
Một lần nữa, người dân New Orleans sợ rằng họ có thể bị bỏ rơi bởi các lãnh đạo quốc gia, vì lần này virus corona là một thảm họa toàn cầu, Broderick Bagert, một nhà tổ chức trong nhóm Together Louisiana, cho biết.
Thống đốc Edwards là người có nhiều kinh nghiệm với các thảm họa như các cơn bão, cho biết đang vật lộn để đối phó với loại thảm họa mới. "Chúng tôi không thực sự có một cuốn sách nói về những điều này", Thống đốc Edwards nói.
"Nếu bạn có một trận lụt, hay bão thì đó chỉ là một phần nhỏ của đất nước bị ảnh hưởng, vì vậy bạn có thể nhận được sự quan tâm đầy đủ của chính quyền liên bang và bạn có thể nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ các bang lân cận. Nhưng điều đó bây giờ là không thể, dịch bệnh có ở mọi tiểu bang", thống đốc Edwards thừa nhận những khó khăn.
Các bác sĩ và y tá tại thành phố cũng như nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ đang vật lộn với sự thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế và đồ bảo hộ quan trọng. Hôm 24/3, thống đốc Edwards nói rằng muốn thấy chính phủ liên bang tham gia nhiều hơn vào phản ứng chống lại đại dịch, theo hướng ưu tiên cho những vùng bị ảnh hưởng nặng.
"Máy thở và thiết bị bảo hộ cá nhân nên được phân bổ, dựa trên nhu cầu thực tế ở mỗi bang", thống đốc Edwards nói. Khi đại dịch lan rộng dẫn đến nguy cơ thiếu hụt tiềm năng các nhân viên y tế, đặc biệt là y tá và các nhà trị liệu hô hấp là mối lo ngại lớn nhất.
Hiện tại, nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe tại các phòng cấp cứu phơi nhiễm với virus. Họ đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ thường xuyên, miễn là họ không có triệu chứng, họ vẫn tiếp tục phải làm việc.
Y tá bật khóc vì không thể ôm con, sợ lây nhiễm virus Đứa trẻ mừng rỡ chạy đến ôm cha của mình sau nhiều ngày không gặp. Tuy nhiên, nam y tá lại cố gắng giữ khoảng cách vì sợ lây nhiễm cho đứa bé.
Trung Hiếu
Tiểu bang Mỹ đầu tiên cấm các sản phẩm từ da động vật Vào ngày 12-11, ông Gavin Newsom, đương kim Thống đốc tiểu bang California phía tây nước Mỹ đã ký ban hành một điều luật mới, nghiêm cấm việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ da động vật, trở thành địa danh cấp tiểu bang đầu tiên ở Mỹ áp dụng điều luật này. Theo đó kể từ...