Sau cú sốc thu hồi sổ đỏ chung cư Mường Thanh, rà soát loạt dự án
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông, nếu thu hồi sổ đỏ thì phải thu hồi ở tất cả các dự án có sai phạm chứ không chỉ riêng các dự án của Mường Thanh.
Tiếp tục rà soát dự án sai phạm
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội chỉ đạo thực hiện trong tháng 8 và những tháng cuối năm 2019 tại Hội nghị giao ban UBND TP do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì diễn ra cuối tháng 7 vừa qua.
Tại thông báo kết quả hội nghị nêu rõ: Qua vụ việc tại các dự án phát triển nhà ở do Doanh Nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục thống kê, rà soát các trường hợp căn hộ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ) thuộc các dự án nhà ở vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, đối chiếu việc xử lý vi phạm trong thời kỳ trước và sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Nhiều người dân tại các chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Trì bất ngờ bị thu hồi và huỷ sổ đỏ do chủ đầu tư vi phạm xây dựng.
Đồng thời, báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết các tồn tại nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân đã hoàn thành các nghĩa vụ với chủ đầu tư, đồng thời có phương án xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, như VietNamNet thông tin, Sở TN-MT Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi và huỷ sổ đỏ đã cấp tại nhiều dự án chung cư Mường Thanh như: Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6 Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) ; Dự án khu nhà ở Xa La (Phúc La, Hà Đông); Dự án toà nhà hỗn hợp nhà ở và Trung tâm thương mại CT5 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vì liên quan đến việc nâng tầng và chuyển đổi công năng.
Sau phản ánh của báo chí, Hà Nội đã dừng việc thu hồi giấy chứng nhận và đồng thời ban hành Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án nhà, xây dựng nhà, phát triển nhà chưa được cấp sổ đỏ.
Ông Trần Anh Dũng – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cũng đã thừa nhận sai sót trong việc cấp và thu hồi sổ đỏ chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng.
“Nếu cứ hợp thức hóa cái sai thì lại tạo ra một đô thị nhếch nhác”
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi và tạm dừng việc thu hồi cấp sổ đỏ cho thấy sự lúng túng của chính quyền. Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hiện nay các sai phạm về xây dựng tại Hà Nội là rất lớn và không chỉ dừng lại ở các dự án của Tập đoàn Mường Thanh. Chính vì vậy Hà Nội cần một giải pháp căn cơ để giải quyết.
“Đối với các dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh , nhiều người dân cho biết khi mua nhà tại đây họ không biết đó là phần vi phạm xây dựng. Rõ ràng trong nhiều trường hợp, người mua nhà không sai và không có lỗi vì chủ đầu tư đã cố tình che giấu hoặc cung cấp sai thông tin. Các cơ quan quản lý Nhà nước thì thiếu trách nhiệm, thậm chí là làm ngơ hay đồng lõa cho các sai phạm của chủ đầu tư. Khi đã làm sai thì thật khó có một giải pháp tốt để xử lý” – luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Nếu cứ hợp thức hóa cái sai thì lại tạo ra một đô thị nhếch nhác và tạo tiền lệ rất xấu cho việc quản lý trật tự xây dựng.
Vị Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông cũng đặt ra vấn đề: “Nếu thu hồi sổ đỏ, tháo dỡ các công trình sai phép thì ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nhưng nếu cứ hợp thức hóa cái sai thì lại tạo ra một đô thị nhếch nhác và tạo tiền lệ rất xấu cho việc quản lý trật tự xây dựng”.
Trước việc thu hồi sổ đỏ dư luận cũng đã có nhiều tranh cãi về việc xử lý sao cho hợp tình hợp lý. Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Huế đánh giá vấn đề này giải quyết ra sao phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của thành phố.
“Nếu muốn tạo ra một đô thị văn minh và một ý thức thượng tôn pháp luật thì cần phải xử lý quyết liệt và đúng luật, các sai phạm cần phải bị xử lý triệt để, đặc biệt nếu thu hồi sổ đỏ thì phải thu hồi ở tất cả các dự án có sai phạm chứ không chỉ riêng các dự án của Mường Thanh, như thế mới tạo ra sự công bằng. Bên cạnh xử lý doanh nghiệp thì cũng cần xử lý các cán bộ và các cơ quan quản lý nhà nước bao che và tiếp tay cho sai phạm” – luật sư nhấn mạnh.
Còn theo luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phương án giải quyết cần phải dựa trên cơ sở pháp luật nhưng phải phù hợp với thực tế và giải pháp cần hướng đến ưu tiên đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân và mọi giải pháp phải xoay quanh quyền lợi của dân.
“Nếu thu hồi sổ đỏ, tháo dỡ các công trình sai phép thì ảnh hưởng đến quyền lợi người dân nhưng nếu cứ hợp thức hóa cái sai thì lại tạo ra một đô thị nhếch nhác và tạo tiền lệ rất xấu cho việc quản lý trật tự xây dựng” – Luật sư Nguyễn Danh Huế – Chủ tịch Văn phòng Luật sư Hừng Đông.
Bên cạnh đó cũng theo luật sư Tú việc quyết liệt thực hiện phá dỡ các công trình vi phạm là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật nhà ở và các quy định có liên quan.”Quan trọng hơn là nhà nước không thể vô can trong trường hợp này, và không thể để người dân không có lỗi lại phải gánh chịu trách nhiệm và hậu quả cho các sai phạm của những người có liên quan. Ngoài việc cơ quan nhà nước (cơ quan cấp giấy chứng nhận) liên đới chịu trách nhiệm thì chủ đầu tư là đơn vị phải chịu trách nhiệm chính” – luật sư Tú nói.
“Ở Việt Nam chưa có tiền lệ phá dỡ các công trình lớn với hàng chục nghìn m2 bởi ngoài việc di dời dân còn tiêu tốn rất nhiều chi phí và nhân lực. Tuy nhiên, để hạn chế các rủi ro trong tương lai và tránh để tình trạng sai phạm tiếp diễn và các chủ đầu tư “ăn theo” thì buộc phải kiên quyết thực hiện” – Chủ tịch Công ty TAT Law firm nêu ý kiến.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Danh Huế nhận định: “Kể cả trong trường hợp bị thu hồi sổ đỏ thì vẫn có giải pháp tốt cho người dân khi buộc chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại thông qua các biện pháp tố tụng. Tôi tin rằng khi có các giải pháp quyết liệt, công bằng vì một đô thị văn minh thì người dân luôn ủng hộ”.
Theo Hồng Khanh
Vietnamnet
Bình Dương thu hút 86 dự án nhà ở xã hội
Theo Chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương cần đầu tư 2.002.415m2 sàn nhà ở xã hội (NOXH) (không bao gồm nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở tái định cư).
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 86 dự án phát triển NOXH với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 199,77ha, tương đương với khoảng 3,9 triệu m2 sàn xây dựng (trong đó có 43 dự án thuộc Đề án NOXH Becamex do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC) bố trí để xây dựng nhà ở cho công nhân tại địa bàn huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một với tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 1,82 triệu m2).
Bên cạnh đó, NOXH do các doanh nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành (không tính Tổng Công ty Becamex IDC) là 250.000m2; Tổng Công ty Becamex IDC đã đầu tư xây dựng NOXH-Nhà ở công nhân được khoảng 1.055.850m2 sàn nhà ở, chiếm 52% kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh. Như vậy tính đến nay, Bình Dương đã đầu tư xây dựng được khoảng 1.305.850m2 sàn nhà ở dành cho các đối tượng là công nhân lao động nói chung, đạt khoảng 65% so với chương trình, kế hoạch đã đặt ra.
Năm 2019, Tổng Công ty Becamex IDC tiếp tục triển khai xây dựng 2.623 căn hộ tại phường Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) và 660 căn hộ tại khu định cư Việt Sing (TX.Thuận An). Thời gian tới, Bình Dương sẽ xem xét và ban hành những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, quỹ đất cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người dân... để chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Thiếu vốn, hàng trăm dự án nhà ở xã hội ách tắc Đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở xã hội ngày càng mở rộng, trong khi nguồn lực về vốn còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu... Khó khăn trên được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc sáng 20/5 tới...